Ảnh: Minh họa (MPI) (MPI) – Căn cứ Văn bản số 328/TTg-PL ngày 12/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ gửi Tổng thư ký Quốc hội về tiến độ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương để hoàn chỉnh dự thảo Hồ sơ dự án Luật.
Khắc phục những vướng mắc trong triển khai Luật Đầu tư công, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật
Luật Đầu tư công được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công. Khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải trong thời gian qua, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước... Luật được xây dựng trên tinh thần quán triệt và thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công nói riêng. Đặc biệt là đã thể chế hóa các quy định về đổi mới, tăng cường quản lý đầu tư công đã nêu trong Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Do Luật Đầu tư công ban hành với nhiều nội dung đổi mới và quy định chặt chẽ trong toàn bộ quá trình đầu tư, từ khâu quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư; Lập, theo dõi và đánh giá thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công, nên đã nhận được sự đồng thuận rất cao của các cơ quan Quốc hội, của cử tri cả nước và các cấp, các ngành, các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ nước ngoài.
Sau gần ba năm được triển khai, Luật đã đạt được kết quả ban đầu khá tích cực, tuy nhiên, cần thiết phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về cơ cấu lại đầu tư công. Luật cần áp dụng mạnh mẽ hơn các nguyên tắc công khai, minh bạch, chịu trách nhiệm cá nhân, lựa chọn và đánh giá dự án đầu tư công dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án. Đồng thời, khắc phục những vướng mắc trong triển khai Luật Đầu tư công, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho các Bộ, ngành và địa phương.
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công dựa trên những mục đích, quan điểm và nguyên tắc: Thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Nhà nước thông qua việc tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và chủ trương cơ cấu lại đầu tư công mà Bộ Chính trị, Quốc hội đã đề ra, đặc biệt là chỉ đạo tại Nghị quyết số 05-NQ/TW. Áp dụng mạnh mẽ hơn các nguyên tắc công khai, minh bạch, chịu trách nhiệm cá nhân và lựa chọn dự án đầu tư dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án. Thay đổi cơ bản công tác lập và thẩm định dự án đầu tư công, tiếp cận theo thông lệ tốt trên thế giới, dựa trên việc thực hiện ước tính định lượng hiệu quả kinh tế xã hội của dự án. Đảm bảo tính thống nhất giữa các luật quản lý đầu tư công, đặc biệt giữa Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai. Nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; Chống thất thoát, lãng phí, dàn trải và đảm bảo tính minh bạch, công khai trong hoạt động đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp trong quản lý hoạt động đầu tư công: Phân cấp điều chỉnh dự án, phân cấp phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư gắn với trách nhiệm của từng cấp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý sử dụng vốn nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư. Gắn liền với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và cơ cấu lại đầu tư công nói riêng theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực hạn hẹp của nhà nước, tạo điều kiện khuyến khích sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân, trong và ngoài nước, thông qua các hình thức đầu tư phù hợp, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ tăng trưởng nhanh, bền vững, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Giải quyết những vướng mắc phát sinh liên quan đến tiêu chí phân loại, thẩm quyền ra quyết định, các điều chỉnh đối với chương trình - dự án đầu tư công
Với mục tiêu nâng cao tính linh hoạt trong việc quản lý nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước, giảm bớt thủ tục hành chính cho các dự án sử dụng nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước và vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước, tại Tờ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giao Chính phủ hướng dẫn quy trình lập, phê duyệt dự án, lập, thẩm định va giao kế hoạch riêng cho nguồn vốn này.
Trong đó, đề xuất vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là các khoản vốn do Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay để đầu tư các dự án thuộc đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư và tín dụng chính sách xã hội. Đây là khoản vốn cho vay đầu tư và hỗ trợ theo chính sách khuyến khích đầu tư của Nhà nước. Đối tượng được vay vốn là các dự án theo ngành, lĩnh vực được khuyến khích theo quy định hoặc các hộ nghèo, cận nghèo, sinh viên, học sinh với mục tiêu tạo việc làm, cải thiện đời sống, ổn định xã hội. Ngân sách nhà nước phải thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho 02 Ngân hàng khi thực hiện nhiệm vụ tín dụng được giao. Do đó, cần phải có phương thức quản lý nguồn vốn này, tránh tình trạng cho vay không hiệu quả, không đúng mục tiêu, gây lãng phí số vốn ngân sách bố trí cấp bù lãi suất và phí quản lý cho 02 Ngân hàng. Tuy nhiên, nếu yêu cầu các chủ thể vay vốn thực hiện đầu tư phải thực hiện quy trình thủ tục đầu tư như dự án sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công là chưa hợp lý, do đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đưa nguồn vốn tín dụng là vốn đầu tư công nhưng sẽ có cơ chế riêng đối với quy trình lập, phê duyệt dự án, lập, thẩm định và giao kế hoạch cho nguồn vốn này.
Nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện, cải cách thủ tục hành chính, về phân loại dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, đề xuất chuyển phân loại dự án mua tài sản, ứng dụng công nghệ thông tin có cấu phần xây dựng nhưng tỷ lệ rất nhỏ, chiếm tỷ lệ nhỏ hơn 15% tổng mức đầu tư dự án và không quá 15 tỷ đồng sang dự án không có cấu phần xây dựng.
Về việc điều chỉnh dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng dự án nhóm A thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng là quy định theo Luật Đầu tư công, do vậy nếu dự án sau khi điều chỉnh trở thành dự án nhóm A thì việc tuân thủ quy định trên là cần thiết. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị bổ sung quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án điều chỉnh từ nhóm C hoặc B lên nhóm A. Giao Chính phủ hướng dẫn việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ nhóm C lên nhóm B và điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư nhưng không làm thay đổi phân loại dự án.
Về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ cho phép sửa điểm b, d khoản 3 Điều 75 Luật Đầu tư công theo hướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh kế hoạch đầu tư hằng năm vốn ngân sách trung ương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình trong nội bộ của các Bộ, ngành trung ương và địa phương. Đồng thời, sửa điểm c khoản 4 Điều 75 Luật Đầu tư công theo hướng giao cho các bộ, ngành và địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư hằng năm vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia và vốn trái phiếu Chính phủ trong nội bộ các ngành, lĩnh vực, chương trình của các bộ, ngành và địa phương, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Trường hợp phát hiện việc điều chỉnh không đúng tổng mức vốn theo ngành, lĩnh vực, chương trình, không đúng chế độ quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu bộ, ngành và địa phương điều chỉnh lại chậm nhất sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo điều chỉnh kế hoạch nội bộ trong cùng ngành, lĩnh vực, chương trình của bộ, ngành và địa phương…
Đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Đầu tư công và các luật chuyên ngành có liên quan
Với mục tiêu đảm bảo tính thống nhất giữa các Luật, tính khả thi và hiệu quả của Kế hoạch đầu tư công trung hạn, nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, theo Dự thảo Tờ trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi quy trình lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn, kết nối với Kế hoạch tài chính 05 năm theo Luật ngân sách nhà nước và căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, bao gồm các sửa đổi, bổ sung: Kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm với nội dung được đơn giản hóa; không bao gồm danh mục các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; Kế hoạch đầu tư công hằng năm và định hướng 02 năm tiếp theo để triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn cho năm hiện tại và định hướng thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn cho 02 năm tiếp theo theo phương pháp cuốn chiếu.
Đồng thời, tăng cường nguồn lực cho công tác chuẩn bị đầu tư: Ghi vốn đầu tư cho công tác chuẩn bị lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định, phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho kỳ kế hoạch đầu tư công tiếp theo trong Kế hoạch Đầu tư công kỳ trước. Trong phần ghi vốn cho chuẩn bị đầu tư, cần có danh mục các ý tưởng dự án ưu tiên được chuẩn bị đầu tư trong kỳ sau.
Để đảm bảo quy định thống nhất trong cùng Luật Đầu tư công và giữa Luật Đầu tư công với Luật tổ chức chính quyền địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ cho phép sửa đổi điểm b, c Khoản 3 Điều 39 Luật Đầu tư công theo hướng giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do cấp tỉnh quản lý, trừ dự án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 39 và được phân cấp hoặc ủy quyền quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm B, nhóm C cho cơ quan cấp dưới.
Để đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Đầu tư công và các luật chuyên ngành, Bộ Kế hoạch Đầu tư kiến nghị Chính phủ sửa đổi các quy định liên quan đến đất đai, môi trường trong lập kế hoạch đầu tư công và nội dung, thẩm định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công theo hướng: Đảm bảo tương thích với Luật Quy hoạch: Sửa đổi các điều khoản liên quan tại Luật Đầu tư công; Đảm bảo tương thích với Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai, đề nghị theo 1 trong 2 phương án: Phương án 1: Sửa đổi các điều khoản có liên tại Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai để có quy định đặc thù cho các dự án đầu tư công; Phương án 2: Bổ sung tại Luật Đầu tư công các điều khoản áp dụng đặc thù cho các dự án đầu tư công liên quan đến vấn đề “đánh giá sơ bộ về môi trường” và “phương án tổng thể về đền bù giải phóng mặt bằng” thay thế cho các điều khoản có liên quan tại Luật Bảo vệ môi trường và Luật đất đai.
Ngoài ra, Dự thảo Luật còn đưa ra các mục tiêu, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác lập, thẩm định và quyết định chủ chương đầu tư, quyết định đầu tư, theo dõi giám sát trong hoạt động đầu tư công; Về lập, thẩm định và tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; Xây dựng hệ thống theo dõi - đánh giá, sổ tay hướng dẫn về thẩm định hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án và cơ sở dữ liệu về quản lý đầu tư công…/.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư