(MPI) - Nhiệt liệt chào đón các nhà đầu tư trên thế giới, đặc biệt là các Tập đoàn, Công ty quốc tế có uy tín, năng lực, kinh nghiệm đến nghiên cứu, khảo sát và trở thành các nhà đầu tư chiến lược tại 3 Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc tại Việt Nam để cùng hợp tác, phát triển vì sự thịnh vượng chung là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội thảo Đặc khu - Thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công diễn ra ngày 18/5/2018.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, hợp tác phát triển quốc tế và khắc phục những hạn chế hiện tại của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, Việt Nam đã nghiên cứu và xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) tại 03 địa điểm là Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Việc phát triển 3 đặc khu kinh tế (ĐKKT) thể hiện sự nhất quán và quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đối với việc mạnh dạn xây dựng một sân chơi mới với những thể chế chính sách vượt trội, cạnh tranh để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế ngay tại lãnh thổ Việt Nam.
Các đặc khu được định hướng phát triển với hai mục tiêu chính. Một là, hình thành 3 khu vực tăng trưởng kinh tế cao có tác động lan tỏa tới khu vực và toàn bộ nền kinh tế, thu hút công nghệ cao với những ngành nghề, lĩnh vực cạnh tranh phù hợp xu thế phát triển của thế giới; nơi đáng sống và làm việc, nơi thịnh vượng về kinh tế song song với phát triển bền vững về môi trường, đảm bảo công bằng xã hội và nâng cao đời sống của người dân. Hai là, chủ động tạo ra một "sân chơi mới" với các thể chế, chính sách đặc biệt thuận lợi, vượt trội, cạnh tranh quốc tế cho phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D); các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ mới 4.0; giáo dục, y tế chất lượng cao; dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại và tài chính quốc tế gắn với cảng biển.
Để xây dựng và thu hút đầu tư vào các đặc khu, việc hoàn thiện hành lang pháp lý đóng vai trò vô cùng quan trọng. Dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu) được xây dựng trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc: không trái với Hiến pháp, không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia, môi trường, sức khỏe của người dân, đảm bảo gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Luật quy định quyền tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm gắn với những chính sách vượt trội, cạnh tranh, không chỉ là những ưu đãi về thuế và đất đai, đồng thời thể hiện cam kết của Chính phủ giữ ổn định và lâu dài về chính sách. Các đặc khu được kỳ vọng là nơi có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương.
|
Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới đưa ra thông điệp, các khu công nghiệp đã trở thành công cụ chủ chốt để đổi mới chính sách và cải cách kinh tế, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và hiện đại hóa kinh tế trên thế giới cũng như Việt Nam. Dù các khu công nghiệp được thiết kế, triển khai và đem lại lợi ích rõ ràng nhưng vẫn có rủi ro gắn liền với việc phân mảnh môi trường pháp quy, lệ thuộc quá mức vào các ưu đãi và quản trị các ĐKKT. Để tối đa hóa lợi ích và hạn chế rủi ro, việc thành lập và thiết kế các ĐKKT được gắn chặt với chiến lược toàn diện về phát triển công nghiệp và đầu tư trực tiếp nước ngoài, tập trung vào việc lựa chọn vị trí, tính kết nối, dịch vụ hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo khảo sát của UNCTAD STAT, Việt Nam đã thu hút đầu tư thành công, tỷ trọng FDI trên GDP năm 2016 là 6,1%. Các khu công nghiệp có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, chiếm 52% tổng FDI, 42% số lượng công nghiệp và 52% xuất khẩu. Nhiều khu công nghiệp đang được khu vực tư nhân xây dựng với chuỗi giá trị trong một số ngành mũi nhọn như điện tử, ô tô… Các khu công nghiệp đã tạo môi trường kinh doanh khá thuận lợi, ví dụ như đơn giản hóa thủ tục, cơ chế một cửa, thông quan/giải phóng hàng khỏi cảng…
Tuy nhiên, theo ông Sebastian Eckardt, thách thức hiện nay của Việt Nam là thiếu chiến lược công nghiệp tổng thể quốc gia về chương trình phát triển khu công nghiệp. Quy hoạch các khu công nghiệp manh mún, năng lực hiện tại của các khu công nghiệp vượt quá nhu cầu của ngành công nghiệp, lệ thuộc nặng vào các ưu đãi tài chính đã lạc hậu, gắn kết với kinh tế trong nước còn kém và kết nối trong nước chủ yếu ở các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, hầu hết đầu vào đều phải nhập khẩu, cùng với đó là thiếu khuôn khổ theo dõi và đánh giá.
Để giải quyết các thách thức này, Việt Nam cần khuyến khích đầu tư theo quy hoạch tổng thể các ngành, tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường và ít tiêu thụ năng lượng. Phát triển các khu công nghiệp theo hướng bền vững, chú trọng tới chất lượng, tác động kinh tế - xã hội và tăng cường kết nối với doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, tập trung thu hút đầu tư cho những doanh nghiệp tạo mức lương cao hơn, thúc đẩy phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ và R&D trong nước, khuyến khích sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tạo cơ hội cho các doanh nhân và nhà đầu tư trong nước hợp tác với các công ty nước ngoài trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, tăng cường năng lực cạnh tranh của tất cả mọi doanh nghiệp Việt Nam.
Chia sẻ về các yếu tố thành công của ĐKKT, ông Teo Eng Cheong, Giám đốc Quốc tế khu vực Singapore, Đông Nam Á, Bắc Á, Tập đoàn Surbana Jurong, Singapore cho rằng, 5 yếu tố thành công chủ yếu cho ĐKKT và các khu công nghiệp, đó là: Mục tiêu rõ ràng, đổi mới chính sách, địa điểm thuận lợi, thiết kế mang tính đặc thù và quản lý hiệu quả.
Trước hết, việc quan trọng nhất là phải xác định rõ ràng các mục tiêu của việc thiết lập một ĐKKT, bao gồm các lý do để thành lập ĐKKT như: Tạo ra việc làm, đặc biệt là khi tỉ lệ thất nghiệp đang cao, thúc đẩy xuất khẩu để tạo ra dự trữ ngoại tệ (hiện đang bị thiếu hụt dự trữ ngoại tệ và thâm hụt thương mại), phát triển các ngành đặc thù và chuyển giao công nghệ.
Tiếp theo là hoạch định các chính sách mới hoặc mở rộng các quy định hiện hành. Một thất bại chung của rất nhiều ĐKKT là trì hoãn đổi mới các chính sách cần thiết vì sợ việc tự do hóa diễn ra quá nhanh và mất kiểm soát trong khi ý tưởng thiết lập ĐKKT chính xác là cho phép thử nghiệm và tự do hóa các chính sách nhưng không ảnh hưởng đến các khu vực khác. Để thành công, ĐKKT cần phải tạo cảm hứng đầy tự tin rằng nó sẽ khác so với các khu vực khác.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Địa điểm của ĐKKT là một yếu tố quan trọng khác. Nếu một ĐKKT với mục tiêu phục vụ xuất khẩu thì việc nằm gần cảng biển và sân bay là rất quan trọng. Nếu ĐKKT với mục tiêu phát triển lĩnh vực chế tạo thì việc đảm bảo nguồn nhân lực có trình độ sẽ quyết định đến sự thành công của nó. Nếu ĐKKT với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp chế biến hạ nguồn, ví dụ chế biến thực phẩm, thì nó phải nằm gần trang trại và đồn điền. Nếu ĐKKT phục vụ thị trường địa phương thì rõ ràng là việc tiếp cận khách hàng địa phương là rất quan trọng. Các cân nhắc khác khi lựa chọn địa điểm cho ĐKKT là sự sẵn có của các ngành công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ tiện ích như ngân hàng, chung cư, trường học và bệnh viện.
Cùng với đó, công tác lập quy hoạch và thiết kế ĐKKT cần phải được thực hiện một cách cẩn thận để bù đắp cho những hạn chế của địa điểm, để phục vụ cho những gì mà nhà đầu tư mong muốn, để giải quyết những điều mà Chính phủ quan tâm và để tích hợp với các khu vực lân cận. Bước này thường hay bị bỏ qua hoặc thực hiện một cách sơ sài, dẫn đến những hậu quả nguy hại cho sự phát triển của ĐKKT sau này.
ĐKKT sẽ tồn tại hàng thập kỷ và lợi ích của nó có thể chỉ thấy được nhiều năm sau khi được xây dựng. Do đó, công tác quản lý dài hạn ở ĐKKT cần phải hiệu quả. Đội ngũ quản lý cần phải giữ vững tầm nhìn của ĐKKT, tuân thủ theo quy hoạch tổng thể và cần phải có sự tự tin và linh hoạt để phục vụ cho các thay đổi từ nhu cầu khách hàng, dân số và tiến bộ công nghệ. ĐKKT có thể là một chương trình hiệu quả đối với phát triển kinh tế. Tuy nhiên, rất nhiều ĐKKT thất bại vì các mục tiêu không rõ ràng, hạn chế trong tự do hóa chính sách, lựa chọn địa điểm sai, thiết kế tồi hoặc quản lý kém hiệu quả. Mặt khác, nếu ĐKKT có một tầm nhìn rõ ràng, thay đổi chính sách táo bạo, lựa chọn địa điểm cẩn thận, thiết kế thông minh và quản lý chặt chẽ sẽ là một cơ hội tốt để thành công.
Tại Hội thảo đã diễn ra ba phiên thảo luận về quan điểm nền tảng về đặc khu, các chính sách đặc biệt tại đặc khu và kinh nghiệm quốc tế và tổ chức chính quyền đặc khu và kinh nghiệm quốc tế. Với cuộc Cách mạng Khoa học Công nghiệp lần thứ 4, thế giới đang chuyển sang thời kỳ phát triển mới, trong đó việc kết nối, hợp tác cùng phát triển là xu thế tất yếu. Dự kiến khi được thông qua, Luật Đặc khu với các cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức chính quyền địa phương và các cơ quan tư pháp, sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để phát triển ba đặc khu, tạo sự tác động lan tỏa, tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội và thử nghiệm các thể chế, chính sách mới tại Việt Nam./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư