(MPI) – Nhằm mục tiêu tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của doanh nghiệp trong việc tham gia vào tiến trình đảm bảo an sinh xã hội, công tác từ thiện, đạo đức kinh doanh và phát triển bền vững, ngày 22/5/2018, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị doanh nghiệp thực hiện an sinh xã hội và tăng trưởng xanh.
|
Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Xuân Đình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Xuân Đình cho biết, Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh sau quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh, tài nguyên, môi trường bị hủy hoại kèm theo sự gia tăng thiên tai, dịch bệnh tại nhiều nước trên thế giới. Là nước đi sau, dù còn nghèo, chậm phát triển nhưng Việt Nam đã cam kết thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ.
Trong những năm gần đây, thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang ngày càng được giới doanh nhân Việt Nam nhận thức sâu sắc. Đó cũng chính là những đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân vào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động, sự phát triển chung của cộng đồng xã hội và lợi ích của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, trách nhiệm xã hội đã trở thành một trong những yêu cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nếu doanh nghiệp nào không tuân thủ trách nhiệm sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới… Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội không chỉ mang lại những lợi ích cho chính mình mà còn cho quốc gia.
Để nâng cao hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp, cùng với sự nâng cao nhận thức của xã hội, người tiêu dùng về tầm quan trọng và ý nghĩa của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thì việc doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, thực hiện an sinh xã hội sẽ góp phần tạo sự tin tưởng của xã hội và người tiêu dùng đối với chính doanh nghiệp và những sản phẩm của doanh nghiệp làm ra. Do vậy, hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được nâng lên, thị trường tiêu thụ các sản phẩm sẽ bền vững.
Để tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong những năm qua, các điều khoản cam kết về môi trường trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã là một phần không thể thiếu trong các cam kết hội nhập. Do vậy, khi doanh nghiệp tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ góp phần tạo cơ hội cho các sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
Để giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường có thể sẽ làm tăng chi phí sản xuất trong thời gian đầu nhưng về lâu dài sẽ giảm chi phí sản xuất thông qua giảm sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu và các chi phí liên quan đến chính sách xã hội, chi phí khắc phục sự cố môi trường, tạo ra không gian làm việc hiệu quả cho người lao động. Mặt khác, giúp doanh nghiệp cải thiện vị trí cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là trong xu thế ngày càng có nhiều nước thúc đẩy và triển khai các chương trình quốc gia về mua sắm và tiêu dùng xanh như hiện nay.
Việc doanh nghiệp tăng cường đầu tư, tham gia vào thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ an sinh xã hội và tăng trưởng xanh sẽ góp phần thực hiện thành công các định hướng lớn của Đảng và Chính phủ về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Tái cấu trúc nền kinh tế; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách hạn hẹp như hiện nay, việc tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong việc đầu tư các công trình, các giải pháp về bảo vệ môi trường sẽ thúc đẩy chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, làm giảm áp lực chi ngân sách nhà nước về bảo vệ môi trường.
Nhiều chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã được triển khai thực hiện, nhận thức của cộng đồng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn khoảng cách lớn để chính sách đi vào đời sống và được chuyển biến ở một tầm mới, cam kết của doanh nghiệp và cộng đồng đối với các hoạt động thúc đẩy xanh hóa sản xuất và lối sống còn hạn chế. Việt Nam có hơn 97% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vốn ít, nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển thiếu cả về số lượng và chất lượng, doanh nghiệp chưa đủ khả năng tự tiến hành nghiên cứu triển khai hoặc đổi mới công nghệ. Cùng với đó, ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, chế biến các sản phẩm của các doanh nghiệp hiện nay đã lên tới mức báo động, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nói chung đối với việc bảo vệ môi trường còn rất hạn chế.
Do vậy, trong bối cảnh mới, doanh nghiệp song hành với việc thực hiện tốt trách nhiệm cộng đồng, cần phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam đã qua thời kỳ cạnh tranh bằng giá cả đơn thuần, sự khác biệt của sản phẩm, giờ đây doanh nghiệp phải tạo ra sự cạnh tranh mang tính bền vững và đồng bộ các yếu tố khi hoạch định chiến lược cạnh tranh như: Y tế, xã hội, môi trường, tiết kiệm các nguồn lực tự nhiên, duy trì đa dạng sinh học.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Theo Nhóm Phát triển kinh tế tư nhân của Ngân hàng Thế giới, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, bao gồm bốn nhóm nội dung: Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với thị trường và người tiêu dùng; Trách nhiệm của doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường; Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động; Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng. Trong đó, nói đến trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động và đối với cộng đồng chính là nói đến trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện an sinh xã hội, đối với môi trường sống, thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường chính là thực hiện trách nhiệm đối với tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Tại Hội nghị, ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 3 giải pháp để giúp doanh nghiệp coi việc thực hiện trách nhiệm xã hội và tăng trưởng xanh là điều tất yếu trong quá trình phát triển, là: Tăng cường tuyên truyền giáo dục; Cải thiện thể chế chính sách và nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp.
Về đầu tư của doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra 3 hạn chế cản trở vấn đề này. Thứ nhất, nhận thức chưa chuyển biến thành hành động cụ thể ở các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thứ hai, thể chế chính sách chủ yếu dừng lại ở cấp Trung ương và còn mang tính đơn ngành. Bên cạnh đó, chính sách ban hành còn chậm, không theo kịp mức độ phát triển tiến bộ chung của khoa học, công nghệ, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt. Nhiều chính sách chưa đủ sức thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào tăng trưởng xanh. Thứ ba, hỗ trợ nguồn lực còn hạn chế, nhiều chính sách chưa đủ sức thúc đẩy các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào tăng trưởng xanh, các công cụ tài chính chưa linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Ông Phạm Hoàng Mai chia sẻ thêm, để huy động có hiệu quả đầu tư tư nhân vào thực hiện tăng trưởng xanh, cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng với các biện pháp phù hợp. Bên cạnh đó, cần đồng bộ hóa và nâng cao hiệu lực trong việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đồng thời, điều chỉnh chính sách mua sắm công, tạo nhu cầu đầu tư, hình thành các công cụ tài chính đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp đầu tư cho tăng trưởng xanh. Xây dựng kênh đối thoại giữa các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Về kinh nghiệm phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động xã hội, ông Rad Kivette, Giám đốc điều hành Quỹ Vinacapital chia sẻ, việc giúp đỡ trẻ em Việt Nam kém may mắn là sứ mệnh của Quỹ bắt đầu hoạt động cách đây hơn 10 năm. Kể từ đó, Quỹ đã cung cấp hàng triệu đô la cho thiết bị y tế, phẫu thuật cứu sống cho hơn 6.300 trẻ em và đào tạo cho hàng trăm phòng khám và bệnh viện trên khắp cả nước, đồng thời, giúp các trẻ em dân tộc thiểu số tiếp cận cơ hội giáo dục tốt hơn…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi và đưa ra những giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững thông qua việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và tăng trưởng xanh của doanh nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư