(MPI) – Theo Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 5/2018, số doanh nghiệp được thành lập mới là 11.027 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 104.831 tỷ đồng, so với tháng 4/2018, giảm 24,0% về số doanh nghiệp và giảm 21,5% về số vốn, so với cùng kỳ năm 2017, tăng 0,7% về số doanh nghiệp, giảm 12,1% về số vốn. Mặc dù giảm so với tháng 4/2018, tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5/2018 vẫn cao hơn so với các tháng trong quý I/2018 cả về số doanh nghiệp và số vốn đăng ký.
|
Tình hình doanh nghiệp thành lập mới trong các tháng đầu năm 2018.
Nguồn: Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
|
Trong tháng 5/2018, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 9,5 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng 4/2018 và giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2017. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 80.524 lao động, giảm 24,5%. Bên cạnh số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, có 2.306 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 29,7% so với tháng 4/2018.
Trong 5 tháng đầu năm 2018, cả nước có 52.322 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 516.859 tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 6,4% về số vốn. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 2,8%. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 412.612 lao động, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 5 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở các vùng trong cả nước đều tăng so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có mức tăng cao nhất với 7,6%. Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng là các vùng có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cao, lần lượt là 22.075 doanh nghiệp (chiếm 42,2% tổng số doanh nghiệp thành lập của cả nước) và 15.551 doanh nghiệp (chiếm 29,7%). Bên cạnh đó, Tây Nguyên có lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất với 1.301 doanh nghiệp, chiếm 2,5% trên tổng số doanh nghiệp.
Cả nước có 03 vùng tăng về số vốn đăng ký thành lập mới so với cùng kỳ năm 2017 là Đồng bằng Sông Cửu Long, Đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Vùng Đông Nam Bộ dẫn đầu trong cả nước về số vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với 235.161 tỷ đồng, chiếm 45,5% tổng số vốn đăng ký của cả nước, đứng thứ 02 là vùng Đồng bằng Sông Hồng có 148.473 tỷ đồng, chiếm 28,7%, thấp nhất là Tây Nguyên với 8.337 tỷ đồng, chiếm 1,6%.
Trong 5 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2017 ở 12/17 ngành, trong đó, nổi bật có ngành kinh doanh bất động sản tăng 41,1%, ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 20,6%, Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 19,4%, sản xuất phân phối, điện, nước, gas tăng 19,1%. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tập trung nhiều nhất ở các ngành sau: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 17.761 doanh nghiệp, chiếm 33,9%, xây dựng có 7.126 doanh nghiệp, chiếm 13,6%, công nghiệp chế biến, chế tạo có 6.463 doanh nghiệp, chiếm 12,3%. Các ngành, lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thấp nhất là: Khai khoáng có 271 doanh nghiệp, chiếm 0,51%, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 301 doanh nghiệp, chiếm 0,57%, sản xuất phân phối điện, nước, gas có 443 doanh nghiệp, chiếm 8,46%...
Các ngành nghề có số vốn đăng ký lớn nhất là: Kinh doanh bất động sản có 149.434 tỷ đồng, chiếm 28,9% trên tổng số vốn đăng ký, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 81.276 tỷ đồng, chiếm 15,7%, xây dựng có 74.285 tỷ đồng, chiếm 14,4%, công nghiệp chế biến, chế tạo có 50.151 tỷ đồng, chiếm 9,7%.
Về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên 1 doanh nghiệp, một số ngành có tỷ trọng cao như: Sản xuất phân phối điện, nước, gas đạt 66,5 tỷ đồng/doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản đạt 57,0 tỷ đồng/doanh nghiệp...
Trong 5 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 13.267 doanh nghiệp, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2017. Các vùng có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất là: Đông Nam Bộ có 5.227 doanh nghiệp, chiếm 39,4% trên tổng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tiếp đến là vùng Đồng bằng Sông Hồng có 3.876 doanh nghiệp, chiếm 29,2%. Vùng Tây Nguyên có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thấp nhất là 455 doanh nghiệp, chiếm 3,4%.
Về số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt phân theo lĩnh vực cho thấy, lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động chủ yếu tập trung ở các ngành như: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 4.890 doanh nghiệp, chiếm 36,9% trên tổng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, xây dựng có 2.007 doanh nghiệp, chiếm 15,1%, công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.797 doanh nghiệp, chiếm 13,5%.
So với cùng kỳ năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2018 một số ngành giảm ở một số ngành nghề, cụ thể: Hoạt động dịch vụ khác có 188 doanh nghiệp, giảm 15,3%, khai khoáng có 133 doanh nghiệp, giảm 13,1%;... Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao so với cùng kỳ năm 2017 như y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (38,7%), kinh doanh bất động sản (27,8%)./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư