(MPI) – Ngày 28/5/2018, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh đã có buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ Công thương Lào do Thứ trưởng Somchit Inthamith làm Trưởng đoàn nhằm trao đổi về việc thực thi chính sách về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh:MPI |
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Somchit Inthamith cảm ơn Thứ trưởng Lê Quang Mạnh đã dành thời gian đón tiếp Đoàn và cho biết, trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 của Lào đã chỉ rõ việc triển khai, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là một phần rất quan trọng. Thứ trưởng Somchit Inthamith mong rằng, qua buổi làm việc, hai bên sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin trong việc xây dựng, thực hiện cơ chế chính sách cũng như định hướng phát triển DNNVV.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh đánh giá cao mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Lào. Trao đổi về một số nội dung về tình hình DNNVV tại Việt Nam, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết, DNNVV có vai trò và vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tính tới thời điểm hiện nay, số lượng DNNVV Việt Nam chiếm 98% trong tổng số trên 620 nghìn doanh nghiệp thuộc tất cả các loại hình đang hoạt động. Các doanh nghiệp này chiếm 41% nguồn thu ngân sách, chiếm 78% lao động và đóng góp 49% GDP. Tuy nhiên, các DNNVV Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn nhân lực, công nghệ và vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để hỗ trợ DNVVN vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, Chính phủ Việt Nam đã và đang ngày càng hoàn thiện khuôn khổ chính sách, áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ DNNVV. Đặc biệt, năm 2017, Luật Hỗ trợ DNNVV được ban hành và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018. Một trong những nguyên tắc của Luật là hỗ trợ không phân biệt đối xử, không vi phạm điều các ước quốc tế và doanh nghiệp bình đẳng tiếp cận các nội dung hỗ trợ. Bên cạnh việc hỗ trợ cơ bản dành cho DNNVV như tiếp cận tín dụng, thông tin, phát triển nguồn nhân lực, tư vấn, công nghệ… Luật quy định các nhóm chính sách hỗ trợ trọng tâm là DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Điều này thể hiện bước tiến quan trọng trong công tác hoàn thiện chính sách hỗ trợ DNNVV.
Tại buổi làm việc, hai bên đánh giá, trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng, DNNVV có nhiều cơ hội song cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Theo đó, trong thời gian tới, Việt Nam và Lào cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm nhằm đảm bảo các DNNVV tiếp tục phát triển mạnh mẽ, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư