Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/06/2018-16:49:00 PM
Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến quy hoạch
(MPI) – Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 01/6/2018, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến quy hoạch. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch bao gồm 14 điều, trong đó có 13 điều quy định việc sửa đổi 13 luật và 01 điều về quy định hiệu lực thi hành luật.

Qua thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật để đảm bảo việc thực hiện các quy định có liên quan thống nhất với Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, tránh việc tạo ra khoảng trống pháp lý, xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch. Các đại biểu cho rằng, về cơ bản các nội dung sửa đổi, bổ sung đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, việc sửa đổi cần phải rà soát kỹ lưỡng, không nên có sự thay đổi về chính sách ở các luật mà chỉ tập trung sửa đổi những vấn đề để bảo đảm cho phù hợp với Luật Quy hoạch.

Về tên gọi của Luật, Tờ trình của Chính phủ đề nghị tên gọi là dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng, Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị. Báo cáo thẩm tra tán thành với tên gọi như Tờ trình của Chính phủ, thể hiện trực tiếp được các luật cần bổ sung, sửa đổi, dễ theo dõi và phù hợp với thông lệ đặt tên của các dự án luật. Tên gọi này cũng loại trừ được khả năng trùng lắp với tên gọi của dự án luật sẽ được sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp thứ 6 tới đây với cùng mục tiêu thống nhất với Luật Quy hoạch.

Về các nội dung liên quan Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị quy định tại Dự thảo, các đại biểu đánh giá đây là một trong những vướng mắc trong thực hiện của các cơ quan nhà nước liên quan đến quy hoạch trong thời gian vừa qua, làm cản trở rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, gây lãng phí rất nhiều công sức và ngân sách khi triển khai dự án phát triển kinh tế, đặc biệt như dự án giao thông, đô thị…

Về Luật Công chứng với 4 nội dung sửa luật này sẽ bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng, các đại biểu bày tỏ hoàn toàn tán thành và rất hoan nghênh quyết tâm của Chính phủ. Chúng ta đang xây dựng một Chính phủ kiến tạo với tiêu chí là minh bạch, tạo điều kiện thông thoáng cho đầu tư kinh doanh nên việc bỏ quy hoạch sản phẩm là chủ trương đúng.

Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về quy hoạch đối với Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Luật Dược, Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Đầu tư công phù hợp với Luật Quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế hiện nay, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin cho, lợi ích nhóm, tiêu cực gây bức xúc trong xã hội. Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, việc xây dựng chiến lược quy hoạch của ngành năng lượng thời gian qua chưa đảm bảo tính đồng bộ, điển hình như phân ngành than và chuyên ngành khí của phân ngành dầu khí xây dựng cả chiến lược, quy hoạch, trong khi chuyên ngành dầu của phân ngành dầu khí và phân ngành năng lượng tái tạo chỉ xây dựng chiến lược, không xây dựng quy hoạch. Còn phân ngành điện chỉ xây dựng quy hoạch, không xây dựng chiến lược. Do vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm để có quy định đảm bảo tính đồng bộ, cũng như đảm bảo chiến lược phát triển năng lượng quốc gia được hiệu quả trong thời gian sắp tới…

Giải trình về một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật được ban hành sẽ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các cơ chế chính sách quy định của pháp luật hiện hành không còn phù hợp, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh, để thể chế và chính sách không gây cản trở các hoạt động sản xuất, kinh doanh như hiện nay trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Từ quan điểm đó, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ tất cả các ý kiến hợp lý của các đại biểu Quốc hội và cùng với cơ quan thẩm tra báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về một số ý kiến liên quan đến Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ sẽ có hướng dẫn chi tiết về việc chuyển tiếp khi chuyển từ chi sự nghiệp cho công tác lập quy hoạch sang chi cho đầu tư, chi từ nguồn đầu tư và bổ sung khoản 3 Điều 57, để hướng dẫn việc bổ sung vốn trong công tác lập quy hoạch này. Về đánh giá tác động việc ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư công trung hạn hay không, bổ sung chi cho đầu tư từ nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn thì Chính phủ đã dự tính đối với cả giai đoạn 2016 - 2020. Hiện nay, chúng ta còn 2 năm nữa để chuẩn bị lập lại tất cả các quy hoạch cho thời kỳ quy hoạch tới và sẽ lấy từ dự phòng 10% của các bộ, ngành và 10% của dự phòng ngân sách của Trung ương. Như vậy sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm cũng như kế hoạch tài chính 5 năm và 3 năm vẫn đủ để đảm bảo thực hiện cho trích phần đầu tư từ ngân sách đầu tư này mà không ảnh hưởng đến Quốc hội đã phê chuẩn. Còn về các kế hoạch của giai đoạn tiếp theo thì sẽ lập kế hoạch chi cho công tác lập quy hoạch này ở các giai đoạn tiếp theo.

Liên quan đến Luật Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, Quốc hội cho phép cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát lại một lần nữa theo tinh thần những gì trùng lắp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành khác thì chúng ta loại bỏ, còn những gì hợp lý và không có trùng lặp chúng ta sẽ giữ lại…

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, nhìn chung các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao việc Chính phủ chuẩn bị Dự án luật này và cũng tán thành với Tờ trình dự thảo Luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Đồng thời cho rằng, cần thiết phải ban hành luật này và đồng ý với đề nghị thông qua theo quy trình tại một kỳ họp để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn hoặc tạo ra khoảng trống pháp lý khi triển khai thi hành Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 01/01/2019./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1536
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)