(MPI) - Từ ngày 18 - 20/6/2018, hơn 200 đại biểu đến từ 53 thành viên ASEM đã tham dự Hội nghị ASEM tại Cần Thơ, nhất trí tăng cường phối hợp hành động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững trong đó nổi bật là thúc đẩy đóng góp của ASEM cho nỗ lực toàn cầu triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Hội nghị do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức. Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu đại diện cho 53 thành viên ASEM; các Đại sứ, Đại biện, Tổng Lãnh sự thành viên ASEM tại Việt Nam; Trưởng đại diện quốc gia của nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu; Lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học của một số trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước.
Hội nghị ASEM “Cùng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững - Định hướng tương lai” là sáng kiến do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đề xuất, được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 13 (Myanmar, tháng 11/2017). Đây là một trong những sự kiện tầm liên khu vực quan trọng nhất về biến đổi khí hậu và cũng là sáng kiến đầu tiên của ASEM trong thập niên hợp tác thứ ba về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với phát triển bền vững. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh năm 2018 được xác định là năm then chốt hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững trong đó những vấn đề được các thành viên ASEM quan tâm là thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang kinh tế xanh, phát thải thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng tự cường của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm.
Việc tổ chức Hội nghị ASEM lần này tiếp tục thể hiện sự đóng góp có ý nghĩa của Việt Nam cho nỗ lực toàn cầu nói chung, hợp tác ASEM nói riêng, nhất là tham gia đề xuất hướng hợp tác ASEM trong ứng phó với biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững, phát huy vị thế của Việt Nam trong ASEM. Hội nghị góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ của các thành viên ASEM, tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp và hỗ trợ quốc tế của các thành viên ASEM đối với Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minhphát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc
|
Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, là diễn đàn liên khu vực quan trọng hội tụ 53 thành viên của hai châu lục Á - Âu, động lực chính của tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo trong thế kỷ XXI, ASEM có đầy đủ khả năng và trách nhiệm để tiên phong trong hiện thực hóa các cam kết về biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến việc định hình cuộc sống tương lai của nhân loại và đang trở thành thách thức lớn nhất của thời đại, đe dọa nghiêm trọng mọi mặt đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển và an ninh của từng quốc gia, khu vực và toàn cầu, đòi hỏi ASEM cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, hợp tác chặt chẽ và thực chất hơn nữa.
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Nếu không tìm ra lời giải để ứng phó hiệu quả với thách thức đó, những thành quả phát triển của nhân loại chắc chắn sẽ bị kéo lùi. Đây chính là lúc các thành viên ASEM cần chung tay cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy để thông qua Chương trình hành động thực hiện Thỏa thuận Paris nhằm bảo đảm việc triển khai hiệu quả, thiết thực, đem lại lợi ích cho mọi thành viên, doanh nghiệp và người dân.
|
Tiến sĩ Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường trình bày tại Hội nghị
|
Sau phiên khai mạc là lễ khai trương Triển lãm về Biến đổi khí hậu - Thách thức và cơ hội cho hợp tác Á - Âu. Trong 2 ngày 19 và 20/6/2018, đã diễn ra 4 phiên họp toàn thể với các chủ đề: “Phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu - Gắn kết giữa hành động ứng phó với biến đổi khí hậu với các mục tiêu phát triển bền vững”, “Xây dựng năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu: Thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại châu Á và châu Âu”, “Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu: Vai trò và sự tham gia của các bên liên quan”, “Định hướng tương lai: Thúc đẩy quan hệ đối tác khí hậu Á - Âu vì sự phát triển bền vững”.
Tham dự Hội nghị với vai trò được Chính phủ Việt Nam giao là cơ quan đầu mối về tăng trưởng xanh, thay mặt Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tiến sĩ Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường đã có bài trình bày về “Lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững 2030, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh vào chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội” với một số nội dung chính như: Các lĩnh vực, mục tiêu và chỉ số thực hiện; Khung pháp lý; Huy động và sử dụng nguồn lực; Huy động sự tham gia của khu vực tư nhân trong đó nhu cầu về vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 chủ yếu huy động từ khu vực tư nhân; Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020; Giám sát, đánh giá việc thực hiện; Tiềm năng hợp tác về nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, tài chính…
|
Các đại biểu cấp cao tham dự Hội nghị
|
Hội nghị đã thông qua Báo cáo kết quả hội nghị, trong đó dự kiến đề xuất một số khuyến nghị cụ thể về tăng cường hợp tác Á - Âu trong lĩnh vực biến đổi khí hậu để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12, dự kiến diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào trung tuần tháng 10/2018./.