(MPI) – Đây là chủ đề của Hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị tổng kết 30 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức ngày 22/6/2018, tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự Hội thảo có đại diện của các bộ, ngành trung ương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Ban Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp địa phương, các diễn giả, cơ quan nghiên cứu, hiệp hội doanh nghiệp, các luật sư trong nước và quốc tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài là một chủ trương lớn, nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Tính đến tháng 5 năm 2018, Việt Nam đã có quan hệ đầu tư với 127 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 25.600 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 323 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt179,12 tỷ USD, bằng55,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, tiếp theo là kinh doanh bất động sản, sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí. Đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu, tiếp theo là Bình Dương, Hà Nội...
Với sự phát triển nhanh chóng các hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cùng với xu thế hội nhập mạnh mẽ kèm theo các cam kết về bảo hộ đầu tư ngày càng rộng, bảo đảm đối xử công bằng cho các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng cao, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, trong quá trình thực thi nếu các cơ quan trong bộ máy nhà nước không tuân thủ những quy định của pháp luật và cam kết quốc tế sẽ tiềm ẩn phát sinh những khiếu nại và có thể dẫn tới những tranh chấp đầu tư với Chính phủ. Khi đó, những hậu quả pháp lý có thể ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư.
Trên thực tế số lượng các vụ khiếu nại, vướng mắc, tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài với các cơ quan quản lý nhà nước và với Chính phủ đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức rà soát, thống kê tình hình khiếu nại, khiếu kiện và vướng mắc liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài của các bộ, ngành và địa phương. Theo đó, các vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài liên quan chủ yếu tới lĩnh vực đất đai, thuế và tiền thuê đất, tranh chấp cổ đông, lao động, môi trường, quan hệ với cộng đồng dân cư địa phương, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các vướng mắc khi thu hồi dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thu hồi đất, giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi doanh nghiệp, quyền khai thác khoáng sản... Các vướng mắc, khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài nếu không được các cơ quan quản lý nhà nước phản hồi, giải quyết kịp thời và hiệu quả sẽ tiềm ẩn khả năng phát sinh thành tranh chấp quốc tế, làm giảm lòng tin của nhà đầu tư và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.
Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong giai đoạn mới không chỉ bao gồm các biện pháp để thu hút nhà đầu tư mới mà còn là các hoạt động hỗ trợ sau đầu tư của Nhà nước đối với nhà đầu tư. Sự hài lòng của các nhà đầu tư hiện hữu sẽ tác động tích cực đến việc mở rộng đầu tư, gia tăng giá trị đầu tư hiện có và thu hút thêm nguồn vốn mới. Do đó, các cơ quan trong bộ máy nhà nước cần phải có cơ chế, biện pháp giải quyết khó khăn vướng mắc, khiếu nại của nhà đầu tư một cách kịp thời và đúng pháp luật.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đặt vấn đề là phải tìm một cơ chế, giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa và hạn chế vướng mắc của nhà đầu tư nhằm tránh tối đa phát sinh thành tranh chấp đầu tư. Đây đã và đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, những nhà hoạch định chính sách, các luật sư, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà nghiên cứu.
Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, lần đầu tiên đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là “Thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu các tranh chấp đầu tư quốc tế nhất là trong quản lý nhà nước về đầu tư và giải quyết khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài”.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng mong muốn, thông qua Hội thảo sẽ cùng nhìn nhận, đánh giá toàn diện về thực trạng giải quyết khiếu nại và tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam. Đồng thời trao đổi kinh nghiệm của một số quốc gia trong giải quyết khiếu nại, vướng mắc của nhà đầu tư để phòng ngừa tranh chấp đầu tư và cùng đưa ra những ý tưởng, giải pháp nhằm xây dựng một cơ chế phù hợp để xử lý khiếu nại, vướng mắc và phòng ngừa tranh chấp đầu tư.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đề nghị, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ tập trung vào một số nội dung chính để thảo luận, đóng góp ý kiến như: Những bất cập, khó khăn trong việc giải quyết khiếu nại, vướng mắc của nhà đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam; Vai trò của các bên trong giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; Đề xuất giải pháp giảm thiểu các vướng mắc của nhà đầu tư và tranh chấp đầu tư quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Với những ý kiến đóng góp tại Hội thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ghi nhận, nghiên cứu và chắt lọc đưa vào Báo cáo tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư