Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/06/2018-15:59:00 PM
Khung hướng dẫn đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch năm 2019

(MPI) - Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 24/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, ngày 14/6/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 4028/BKHĐT-TH gửi các bộ, ngành trung ương và địa phương về việc đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch năm 2019.
Đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020
Theo Công văn, việc đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 cần tập trung vào các nội dung: Tình hình triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, cải cách hành chính và quốc phòng an ninh đã đề ra. Riêng đối với chỉ tiêu tốc độ tăng giá trị tăng thêm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh - GRDP), các địa phương sử dụng số liệu chính thức do Tổng cục Thống kê công bố cho các năm 2016, 2017 và ước tính 6 tháng năm 2018 theo ngành kinh tế cấp I.
Đồng thời, đánh giá kết quả thực hiện các cân đối lớn của nền kinh tế, gồm: Tích lũy, tiêu dùng, tiết kiệm nội địa; Vốn đầu tư phát triển, bao gồm cả huy động và sử dụng; Thu chi ngân sách nhà nước; Cán cân thanh toán quốc tế; Nguồn điện; Nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ chính quyền địa phương,... giai đoạn 2016 - 2018. Tình hình và kết quả kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bao gồm các nội dung chủ yếu như: điều hành các chính sách tiền tệ, tài chính, giá cả; Sự phối hợp giữa các chính sách kinh tế vĩ mô; Phân tích chất lượng tăng trưởng của từng ngành, địa phương; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ yếu; Năng suất lao động; Hợp tác phát triển và liên kết vùng;...Tình hình và kết quả thực hiện 3 đột phá lớn về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Cần nêu rõ những kết quả cụ thể đã đạt được, như: Nghiên cứu tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật; Xây dựng các đề án, chương trình kế hoạch đổi mới; Huy động các nguồn lực; Tổ chức triển khai và tiến độ thực hiện, đặc biệt là các dự án lớn, quan trọng quốc gia;...
Đánh giá kết quả về nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ, trong đó đi sâu đánh giá tình hình phát triển và đổi mới giáo dục đào tạo; Trình độ khoa học công nghệ, đánh giá về các kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng trong thực tiễn; Đóng góp của khoa học công nghệ đến tăng trưởng kinh tế; Khai thác và sử dụng các cơ sở vật chất - kỹ thuật, ứng dụng thành tựu khoa học và đổi mới công nghệ.
Tình hình thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững văn hóa, xã hội, y tế gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; Nâng cao đời sống Nhân dân, gồm: công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giảm chênh lệch giàu nghèo; Kết quả đạt được trong các lĩnh vực thông tin, văn hóa, thể dục thể thao,…; Tình hình thực hiện các quyền của trẻ em, phát triển thanh niên, chăm sóc người có công và bình đẳng giới; Thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng,... Đánh giá hoạt động quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; Ngăn ngừa xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Các kết quả thực hiện cải cách hành chính, công tác thi hành pháp luật. Cơ chế quản lý và công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch, quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực; Chất lượng đội ngũ cán bộ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương; Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,…Tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; Công tác đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở tổng kết đánh giá các nội dung cụ thể nêu trên, đánh giá tổng quát giữa kỳ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, những kết quả đạt được, các hạn chế, yếu kém; Các nguyên nhân chủ quan và khách quan; Rút ra những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Dự báo tình hình trong nước, thế giới và khu vực trong giai đoạn tới ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước, dự báo khả năng thực hiện mục tiêu phát triển của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và đưa ra các giải pháp phấn đấu, nỗ lực hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020
Việc đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 phải được tập trung vào các nội dung gồm: Đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ/nhóm nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế của bộ, ngành, địa phương được giao tại Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại ngành, lĩnh vực kinh tế gồm: Cơ cấu lại ba trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng; Cơ cấu lại các ngành kinh tế gồm cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại các ngành công nghiệp và cơ cấu lại các ngành dịch vụ. Các mục tiêu cơ cấu lại ngành, lĩnh vực kinh tế được xác định tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội và các văn bản cơ cấu lại ngành, lĩnh vực có liên quan.
Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019
Theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, các bộ, ngành trung ương, địa phương phải đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, trong đó tập trung đánh giá và ước tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của ngành, địa phương về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch, các kết quả đạt được, tồn tại và khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm, cập nhật tình hình đến thời điểm báo cáo, phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, ước cả năm 2018, đề xuất các giải pháp thực hiện trong những tháng cuối năm. Đồng thời, báo cáo tình hình thực hiện 6 tháng và cập nhật tình hình đến thời điểm báo cáo, ước thực hiện cả năm đối với chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 48/2017/QH14 ngày 10/11/2017 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 Chính phủ đã trình Quốc hội.
Căn cứ đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 nêu trên và mục tiêu tổng quát, các nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 quy định tại Chỉ thị số 13/CT-TTg, các bộ, ngành trung ương và địa phương xây dựng mục tiêu phát triển, các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn, nhiệm vụ và định hướng phát triển, giải pháp thực hiện của ngành, địa phương trong năm 2019.
Đối với các chỉ tiêu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 phải phù hợp với hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, trong đó lưu ý chỉ đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu, có phương pháp tính toán rõ ràng, có khả năng thu thập được, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của ngành, địa phương và quốc gia.
Đồng thời, xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu trong thời gian 03 năm 2019 - 2021 gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm căn cứ xây dựng kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2019 – 2021 cấp quốc gia.
Các bộ, ngành trung ương và địa phương triển khai đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 theo tiến độ như sau: Ngay sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Khung hướng dẫn đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, các bộ, ngành trung ương và địa phương khẩn trương hướng dẫn cơ quan, đơn vị cấp dưới thực hiện báo cáo theo quy định tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 24/5/2018 và hướng dẫn của Khung hướng dẫn, thực hiện đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của bộ, ngành và địa phương (Nội dung đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2016-2020 xây dựng báo cáo riêng) và gửi Báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2 bản) bằng văn bản và qua địa chỉ thư điện tử thktxh@mpi.gov.vn và gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/7/2018 (riêng đối với các địa phương gửi thêm qua địa chỉ thư điện tử diaphuong@mpi.gov.vn).
Trước ngày 31/7/2018, các bộ, ngành, địa phương gửi Báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) bằng văn bản và qua thư điện tử bandautuciem@mpi.gov.vn.
Trong tháng 8/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức làm việc để thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của các bộ, ngành trung ương và địa phương và tiến hành tổng hợp Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của cả nước.
Trước ngày 10/9/2018, các bộ, ngành trung ương và địa phương, tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, hoàn chỉnh Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 gửi lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trước ngày 20/9/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, đánh giá giữa kỳ kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 để Chính phủ cho ý kiến, hoàn chỉnh, trình Quốc hội theo quy định.
Trong tháng 12/2018, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 cho các bộ, ngành trung ương và địa phương./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2576
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)