(MPI) - Tại Quyết định số 216/QĐ-TTg ngày 13/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 11/01/2018 ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 16/2016/NĐ-CP là cần thiết để phù hợp với các quy định hiện hành có liên quan, đồng thời đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn triển khai Nghị định số 16/2016/NĐ-CP trong thời gian qua và với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý nợ công, quản lý đầu tư công, phù hợp với định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới và tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 216/QĐ-TTg.
Đồng thời, Nghị định số 16/2016/NĐ-CP cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các quy định tại Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và Luật Đầu tư công. Theo đó, những nội dung cần sửa đổi, bổ sung là quy trình, thủ tục trình, phê duyệt đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong đàm phán, ký kết hiệp định khung, hiệp định cụ thể về vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Việc lập kế hoạch đầu tư vốn ODA và vốn vay ưu đãi, kể cả vốn ODA viện trợ không hoàn lại cần tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và Luật Quản lý nợ công.
Sau hơn 02 năm triển khai Nghị định số 16/2016/NĐ-CP cho thấy, Nghị định đã thiết lập cơ sở pháp lý phù hợp giữa quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài với quản lý vốn đầu tư công, song cũng bộc lộ một số bất cập cần điều chỉnh, sửa đổi. Qua quá trình rà soát và đánh giá Nghị định số 16/2016/NĐ-CP, các cơ quan liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của nghị định này.
Trong đó, các nguyên tắc, lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi quy định tại Nghị định 16/2016/NĐ-CP cần được điều chỉnh trong bối cảnh vốn ODA không hoàn lại và vốn vay ODA ngày càng giảm dần, vốn vay với điều kiện kém ưu đãi chiếm tỷ trọng ngày càng tăng, đồng thời cập nhật các nội dung của định hướng ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Quy trình tiếp nhận các dự án hỗ trợ kỹ thuật, các dự án hợp tác khu vực sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại, hỗ trợ ngân sách còn phức tạp, phải qua nhiều bước như lập đề xuất dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, một số trường hợp làm lỡ cơ hội tiếp nhận nguồn vốn. Các quy định của Luật Đầu tư công đối với việc lập kế hoạch đầu tư vốn ODA và vay ưu đãi chưa được hướng dẫn cụ thể, dẫn tới sự lúng túng và thiếu thống nhất trong áp dụng.
Bên cạnh đó, thủ tục gia hạn chương trình, dự án trên 06 tháng cần được đơn giản hóa. Theo quy định hiện hành, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư và gia hạn Hiệp định do 02 cơ quan chủ trì xử lý, cần xem xét điều chỉnh theo hướng giao một cơ quan chủ trì để đơn giản hóa trình tự, thủ tục xử lý. Quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng, mô hình ban quản lý dự án cần điều chỉnh phù hợp với Luật Xây dựng, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng và thực tiễn quản lý dự án đầu tư xây dựng. Cần có hướng dẫn cụ thể về quản lý tài chính, giải ngân, thanh quyết toán nguồn vốn ODA và vốn đối ứng các chương trình, dự án để đảm bảo không phát sinh các thủ tục hành chính mới theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Việc xây dựng Nghị định tuân thủ các quan điểm và nguyên tắc kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP, bổ sung sửa đổi một số quy định trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với các quy định mới của Luật Quản lý nợ công và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, giải quyết các vướng mắc, bất hợp lý được các cơ quan Việt Nam và đối tác phát triển phản ánh và đề xuất sửa đổi trong quá trình triển khai Nghị định số 16/2016/NĐ-CP, nội dung Nghị định được soạn thảo bao quát toàn bộ quy trình quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi để có thể thực thi ngay.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP đề xuất sửa đổi 27 Điều và 03 Phụ lục; bổ sung 02 Chương và 04 Điều; bãi bỏ 05 Điều và 02 phụ lục; thay thế 01 Phụ lục. Dự thảo Nghị định đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gửi lấy ý kiến góp ý bằng văn bản của các Bộ, ngành, địa phương và các đối tác phát triển.
Ngày 15/6/2018, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo thẩm định số 139/BC-BTP. Trên cơ sở các ý kiến của Báo cáo thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định để trình Chính phủ./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư