(MPI) – Đây là chủ đề của Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình Ốt-xtrây-li-a hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Refrom) tổ chức ngày 29/6/2018. Hội thảo có sự tham gia của chuyên gia quốc tế đến từ công ty AlphaBeta, một doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ tham mưu chiến lược kinh tế cho khách hàng trên toàn lãnh thổ Ốt-xtrây-li-a và châu Á.
|
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Tại Hội thảo, chuyên gia đã chia sẻ kết quả nghiên cứu của công ty AlphaBeta về Quốc gia số, các thông điệp và bài học chính sách cho các nhà hoạch định chính sách. Đây là diễn đàn để các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến kinh tế số và đề xuất kiến nghị chính sách cho Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các nước châu Á Thái Bình Dương đều đang hưởng lợi từ tốc độ số hóa nhanh chóng trong hoạt động kinh doanh, tăng năng suất và tăng trưởng. Tuy nhiên, có những nước được lợi nhiều hơn các nước khác vì nền kinh tế của họ số hóa tốt hơn. Nhiều quốc gia đang chuyển dịch từ nước hưởng lợi thụ động sang chủ động khai thác và tận dụng các lợi ích nền kinh tế số và họ đang trở thành Quốc gia số.
Chia sẻ về chủ đề Quốc gia số: Cơ hội cho Việt Nam, ông Konstantin Matthies, Chuyên gia Kinh tế vĩ mô, Giám đốc Đối ngoại, AlphaBeta cho biết, nghiên cứu của AlphaBeta dựa trên các thông tin độc quyền và công khai, chủ yếu dựa vào giả định cho rằng quốc gia cần phải có một nền kinh tế số mạnh mẽ để có thể cạnh tranh toàn cầu và khai thác hết tiềm năng kinh tế của mình. Báo cáo Quốc gia số: Các đòn bẩy chính sách cho đầu tư và tăng trưởng của AlphaBeta hướng tới ba mục tiêu chính: phác thảo các đòn bẩy chính sách quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư vào nền kinh tế số, đánh giá hiệu suất của các quốc gia châu Á, Thái Bình Dương trong việc khai thác lợi ích của nền kinh tế số và đưa ra các khuyến nghị cụ thể cho các nhà hoạch định chính sách.
AlphaBeta đã phỏng vấn và khảo sát 300 startups, các nhà đầu tư và các công ty đa quốc gia kỹ thuật số hàng đầu ở 11 nước châu Á, Thái Bình Dương để tìm hiểu cách thức mà chính phủ các nước này áp dụng nhằm thu hút đầu tư tốt nhất cho nền kinh tế số. Nghiên cứu cho thấy một loạt các đòn bẩy chính sách mà mỗi quốc gia có thể áp dụng trong công cuộc trở thành một Quốc gia số, trong đó ba đòn bẩy đầu tiên, quan trọng nhất phải kể đến đó là nhân tài số để đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số trong nước và thu hút tài năng số nước ngoài. Môi trường đầu tư công nghệ để trở thành một điểm đến luôn chào đón các công ty kỹ thuật số vì các công ty này hỗ trợ trong cấp vốn, đầu tư vào hệ sinh thái số, chuyển giao công nghệ và tiếp cận thị trường toàn cầu. Điều này rất có ý nghĩa đối với các startup trong nước. Cùng với đó, chính sách thuế cũng được các nhà đầu tư quan tâm nhiều với hệ thống pháp luật trong lĩnh vực số hoặc tới cách thức đối xử của các cơ quan thuế, hơn là bản thân các mức thuế suất. Ngoài ra, tỷ lệ người được khảo sát đồng tình với ý kiến cho rằng, các đòn bẩy số khác cũng rất quan trọng đối với mục tiêu trở thành quốc gia số đó là hệ thống pháp luật, hợp tác trong nghiên cứu và thương mại, ổn định kinh tế vĩ mô và nhu cầu trong nước.
|
Ông Konstantin Matthies, Chuyên gia Kinh tế vĩ mô, Giám đốc Đối ngoại, AlphaBeta phát biểu tại Hội thảo. Minh Trang (MPI) |
Một loạt các chỉ số khách quan đã được sử dụng để đánh giá mức độ thực hiện của các quốc gia để trở thành Quốc gia số. Các chỉ số này tập trung vào nội dung mức độ sẵn có của vốn tài chính trong nước, năng lực sản xuất các sản phẩm sáng tạo kỹ thuật số, đội ngũ nhân tài và sức mạnh của cộng đồng kỹ thuật số trong nước. Các phát hiện trong nghiên cứu này cho thấy, Xinh-ga-po hiện đang dẫn đầu về tổng thể, nhờ hiệu quả đặc biệt mạnh mẽ trong việc tăng cường cơ hội tiếp cận vốn, thu hút và giữ chân nhân tài và phát triển một cộng đồng kỹ thuật số mạnh mẽ trong nước. Đứng thứ hai là Ốt-xtrây-li-a và thứ ba là Hàn Quốc.
Các vấn đề được ông Konstantin Matthies đưa ra đó là nền kinh tế số mang lại những cơ hội gì cho các quốc gia châu Á, Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Việt Nam; Các quốc gia số có thể tận dụng các cơ hội khác nhau như thế nào, thước đo các quốc gia số và vị trí của Việt Nam; Các đòn bẩy chính sách nào có thể giúp Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ nền kinh tế số và bài học cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam.
Theo nghiên cứu của AlphaBeta, nền kinh tế số mang đến nhiều cơ hội to lớn mà Việt Nam đang tận dụng. Với các kênh tác động là mô hình mới và sáng tạo, nâng cao năng suất và tạo việc làm, doanh thu nền kinh tế ứng dụng của Việt Nam ước tính đạt 500 triệu đô la Mỹ. Năm 2014, hơn 7% nhà sản xuất ứng dụng hàng đầu tại các thị trường ứng dụng lớn nhất tại châu Á đến từ Việt Nam. GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 5 tỷ đô la Mỹ đến từ tăng trưởng của thị trường Internet di động giai đoạn 2015-2020. Các nhà lập trình Việt Nam đã tiết kiệm khoảng 1 - 4 triệu đô la Mỹ với việc tận dụng nguồn mở và có khoảng 48.000 công việc trực tiếp đến từ nền kinh tế ứng dụng chỉ bằng việc phát triển các nền tảng nguồn mở.
Công nghệ số đã thay đổi cách thức xuất khẩu, giảm thiểu các rào cản xuất khẩu và giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia xuất khẩu. Trong đó, bốn yếu tố cấu thành sự thành công của một quốc gia số đó là vốn tài chính, sản phẩm số, vốn con người và cộng đồng số.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Ông Konstantin Matthies cho rằng, cuộc đua dành vị trí dẫn đầu trong ngành công nghệ số vẫn còn để ngỏ, không quốc gia nào chiếm ưu thế trên tất cả các lĩnh vực. Để có một nền kinh tế ứng dụng vững mạnh, Việt Nam cần phải cải thiện các chỉ số về vốn tài chính, sản phẩm số, nhân lực và cộng đồng số. Trong đó, các bài học cho các nhà hoạch định chính sách đó là dịch chuyển từ tư duy nghề nghiệp sang tư duy về kỹ năng để cải thiện sự linh hoạt của lực lượng lao động, tận dụng các công ty đa quốc gia như những nhà định hướng giúp tăng cường đầu tư và vốn tài chính cho khởi nghiệp, tính thống nhất của các chính sách thuế quan trọng hơn mức thuế và việc thành công trong xuất khẩu của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa phụ thuộc vào chính sách hiệu quả trong thương mại số.
Để trở thành một Quốc gia số, Việt Nam cần nhận biết quan điểm của các bên liên quan về việc thực hiện những đòn bẩy chính sách khác nhau, áp dụng cách tiếp cận tập trung vào kỹ năng để đào tạo nhân tài. Đồng thời, tận dụng hiệu ứng lan tỏa của các công ty đa quốc gia, tiếp cận việc xây dựng một hệ thống thuế quan ổn định và bình đẳng và tránh những cạm bẫy trong quy định quản lý thương mại số./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư