Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/06/2018-15:33:00 PM
12.209 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 6 năm 2018
(MPI) – Theo Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 6/2018, số doanh nghiệp được thành lập mới là 12.209 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 132.108 tỷ đồng, tăng 10,7% về số doanh nghiệp và tăng 26,0% về số vốn đăng ký so với tháng 5/2018, tăng 13,6% về số doanh nghiệp và tăng 19,5% về số vốn. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 6 đạt 10,8 tỷ đồng, tăng 13,8% so với tháng 5/2018 và tăng 5,13% so với cùng kỳ năm 2017.

Tình hình doanh nghiệp thành lập mới trong các tháng đầu năm 2018.
Ảnh: MPI

Trong tháng 6/2018, số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 95.930 lao động, tăng 19,1%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trên cả nước là 2.725 doanh nghiệp, tăng 18,2% so với tháng 5/2018.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 64.531 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 648.967 tỷ đồng, tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 10,1 tỷ đồng, tăng 3,4%. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 508.542 lao động, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2017. Có 21.377 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn (tăng 18,1% so với cùng kỳ 2017) với tổng số vốn tăng thêm là 1.192.223 tỷ đồng (tăng 38,8%). Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế là 1.841.190 tỷ đồng (tăng 26,5%).

Thống kê theo quý cho thấy, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý II/2018 là 37.746 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 370.478 tỷ đồng, tăng 40,9% về số doanh nghiệp và tăng 33,0% về số vốn đăng ký so với quý I/2018. So với cùng kỳ năm 2017, tăng 8,5% về số doanh nghiệp và tăng 12,9% về số vốn đăng ký.

Thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, số lượng doanh nghiệp và số vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2018 liên tục tăng với tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2014 – 2018. Tín hiệu này cho rằng, khung khổ pháp lý thông thoáng, những giải pháp quyết liệt của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nỗ lực triển khai của các bộ, ngành, địa phương thực sự đã có tác động tích cực lên niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh trong nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2018 tất cả các quy mô vốn đăng ký đều có tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2017. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thuộc nhóm có quy mô vốn từ 0-10 tỷ đồng vẫn tiếp tục chiếm tỷ lệ lớn nhất với 57.860 doanh nghiệp, chiếm 89,7%.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng ở tất cả các khu vực so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có mức tăng cao nhất (10%). Khu vực Đông Nam Bộ có số doanh nghiệp gia nhập thị trường cao nhất với 27.279 doanh nghiệp, chiếm 42,3% tổng số doanh nghiệp thành lập của cả nước, trong khi đó, khu vực Tây Nguyên có lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp nhất với 1.570 doanh nghiệp, chiếm 2,4%.

Về số vốn đăng ký, khu vực Đông Nam Bộ tiếp tục dẫn đầu trong cả nước với 292.533 tỷ đồng, chiếm 45,1% tổng số vốn đăng ký của cả nước; đứng thứ hai là khu vực Đồng bằng Sông Hồng có 189.894 tỷ đồng, chiếm 29,3% tổng số vốn đăng ký của cả nước, khu vực Tây Nguyên có tổng số vốn đăng ký ít nhất là 9.925 tỷ đồng, chỉ chiếm 1,5% tổng số vốn đăng ký của cả nước. Xét về quy mô vốn đăng ký, trong 6 tháng đầu năm 2018, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân của vùng Đông Nam Bộ đạt 10,7 tỷ đồng/doanh nghiệp; Đồng bằng Sông Hồng đạt 9,9 tỷ đồng/doanh nghiệp; Đồng bằng Sông Cửu Long đạt 9,7 tỷ đồng/doanh nghiệp... Khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ thấp nhất đạt 6,3 tỷ đồng/doanh nghiệp. Số lượng lao động đăng ký giảm ở tất cả các vùng, trong đó Trung du và miền núi phía Bắc có mức giảm mạnh nhất.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn tập trung chủ yếu ở một số ngành nghề như: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa, ô tô, xe máy có 21.822 doanh nghiệp, chiếm 33,8% tổng số doanh nghiệp thành lập, xây dựng có 8.714 doanh nghiệp, chiếm 13,5%, công nghiệp chế biến, chế tạo có 8.041 doanh nghiệp, chiếm 12,5%.

Tỷ lệ số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ ở 12/17 ngành, trong đó, lĩnh vực Kinh doanh bất động sản có tỷ lệ tăng cao nhất với 44,2%. Đồng thời là ngành có số vốn đăng ký mới cao nhất với 192.545 tỷ đồng, chiếm 29,7% trên tổng số vốn đăng ký của tất cả các lĩnh vực. Năm ngành còn lại có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so cùng kỳ gồm: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 13,7%, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 10,1%, hai khoáng giảm 7,6%, vận tải kho bãi giảm 6,7%, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,0%.

Về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên 1 doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2018, một số ngành có tỷ trọng cao như: Sản xuất phân phối điện, nước, ga đạt 59,8 tỷ đồng/doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản đạt 58,6 tỷ đồng/doanh nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 19,4 tỷ đồng/doanh nghiệp... Một số ngành thu hút nhiều lao động, gồm có: Công nghiệp chế biến, chế tạo đăng ký 164.706 lao động, chiếm 32,4% trên tổng số lao động đăng ký, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy đăng ký 116.506 lao động, chiếm 22,9%... Ngành có tỷ trọng lao động đăng ký bình quân trên 1 doanh nghiệp cao nhất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện với 20,5 lao động/doanh nghiệp, tiếp đó là nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 12,1 lao động/doanh nghiệp, sản xuất phân phối điện, nước, ga là 11,7 lao động/doanh nghiệp, khai khoáng là 11,4 lao động/doanh nghiệp...

Trong 6 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 16.449 doanh nghiệp, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2017. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động chủ yếu tập trung ở các ngành: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 5.934 doanh nghiệp, chiếm 36,1% trên tổng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, xây dựng có 2.569 doanh nghiệp, chiếm 15,6%, công nghiệp chế biến, chế tạo có 2.202 doanh nghiệp, chiếm 13,4%.

So với cùng kỳ năm 2017, chỉ có 03 lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm, cụ thể: Khai khoáng có 168 doanh nghiệp, giảm 2,9%, dịch vụ lưu trú và ăn uống có 785 doanh nghiệp, giảm 1,5% và hoạt động dịch vụ khác có 234 doanh nghiệp, giảm 1,3%;... Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao so với cùng kỳ năm 2017 là kinh doanh bất động sản (45,9%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (37,1%), giáo dục và đào tạo (28,5%)./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1499
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)