(MPI) - Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2018 về việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 19-2018, số lượng nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho các bộ, ngành, địa phương nhiều hơn, bởi vậy, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Nghị quyết, đem lại kết quả toàn diện và đồng bộ cần có sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt và trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành, địa phương.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam
Ngày 15/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, Chính phủ ban hành Nghị quyết về môi trường kinh doanh.
Nghị quyết đặt mục tiêu cụ thể, đến năm 2020, chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam ngang hàng với trung bình các nước ASEAN 4. Tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8 - 18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Trong đó, cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp: Khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc, Giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc, Giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc, hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh, kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư; Giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; Xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; Giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan xuống còn dưới 10%; Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đến hết 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4; Cải thiện năng lực cạnh tranh ngành du lịch thêm khoảng 10 bậc (hiện xếp thứ 67/136 quốc gia); Từng bước giảm chi phí logistics trong nền kinh tế xuống mức bằng khoảng 18% GDP (hiện hơn 20% GDP); Cải thiện Chỉ số Hiệu quả logistics thêm khoảng 10 bậc (hiện xếp thứ 64/160 quốc gia).
Nghị quyết số 19-2018 khẳng định tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết 19-2016 và Nghị quyết 19-2017 và nhấn mạnh/bổ sung thêm tổng số 190 nhiệm vụ gồm: 22 nhiệm vụ chung và 168 nhiệm vụ cụ thể. Như vậy, số lượng nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho các bộ, ngành, địa phương nhiều hơn so với các năm trước. Vì thế, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực, bắt tay ngay vào việc thực hiện Nghị quyết, cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực.
Đẩy mạnh cải cách quy định về điều kiện kinh doanh
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết quý II/2018, có 738 điều kiện kinh doanh/hơn 5700 điều kiện kinh doanh được thực sự bãi bỏ và sửa đổi hoặc đơn giản hoá. Từ nay đến ngày 31/10/2018, thời hạn phải ban hành Nghị định sửa đổi các quy định về điều kiện kinh doanh là 4 tháng, ngoài Bộ Công Thương đã có Nghị định sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh, thì mới có 02 Bộ trình Chính phủ dự thảo Nghị định, 07 Bộ đang xây dựng và lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định, nhưng chưa trình Chính phủ, 03 Bộ đã rà soát, có phương án, nhưng chưa xây dựng dự thảo Nghị định.
Trung bình số điều kiện kinh doanh được đề xuất cắt bỏ, sửa đổi chiếm 54%, trong đó số điều kiện kinh doanh đề xuất cắt bỏ đạt 36%. Tuy nhiên, nhiều điều kiện kinh doanh (đề xuất cắt bỏ, sửa đổi) được quy định tại các văn bản Luật, do vậy thời gian đạt mục tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh sẽ kéo dài hơn.
Cải cách quy định và thủ tục thông quan qua biên giới
Trong quý II/2018, tình hình và kết quả cải cách quy định về thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có nhiều thay đổi với việc ban hành một số văn bản pháp luật liên quan, nhưng kết quả thực tế chưa có sự chuyển biến đáng kể do các văn bản vừa mới bắt đầu có hiệu lực.
Về rà soát, đề xuất cắt giảm 50% danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành, đã có một số chuyển biến trong quý II/2018 nhưng chưa đồng đều, chỉ tập trung ở một số ít Bộ như Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng. Đa số các bộ chưa quyết liệt triển khai nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, hầu hết các bộ đang thực hiện ở giai đoạn đề xuất phương án, chưa hiện thực hóa bằng việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, kết quả còn thấp so với yêu cầu.
Coi thực hiện các Nghị quyết 19 là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu
Để thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo sát sao việc thực hiện các Nghị quyết 19, coi đây là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Các bộ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, trình Chính phủ trước 15/8/2018 để đảm bảo thời hạn về ban hành các Nghị định trước 31/10/2018. Các bộ, ngành rà soát toàn bộ các Luật về điều kiện kinh doanh, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý cụ thể để bãi bỏ, sửa đổi các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý chuyên ngành theo yêu cầu của Nghị quyết 19 và hoàn thành rà soát, đề xuất cắt giảm 50% Danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước tháng 8/2018, đảm bảo sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan vào cuối 2018.
Đồng thời, thực hiện kết nối bắt buộc tất cả các thủ tục hành chính đã đăng ký qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử và áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện cung ứng tất cả các dịch vụ hành chính công ở cấp độ 3 và 4./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư