(MPI) - Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý II năm 2018, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tích cực triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, Chỉ thị số 26/CT-TTg để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, trong đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, công khai quy trình thủ tục, cải cách hành chính nhà nước, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ công chức.
Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP, trong đó Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu cao, cụ thể nhất có thể; cải cách mạnh mẽ hơn, tác động thực chất và toàn diện hơn, tạo áp lực và kỷ luật hành chính mạnh mẽ hơn đối với một số chỉ số thứ hạng còn thấp (khởi sự kinh doanh, đăng ký và sử dụng tài sản,…).
Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có nhiều chỉ đạo sát sao, cụ thể trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương như: đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; khẩn trương ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ, kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh; hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu quốc gia theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cùng với các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nghiêm túc quán triệt triển khai các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 (Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg). Kế hoạch hoạt động năm 2018 cụ thể của Ban Chỉ đạo đã được thông qua tại Quyết định số 53/QĐ-BCĐCCHC.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền cải cách hành chính cụ thể, dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, để truyền tải những chính sách, kết quả cải cách hành chính, đáp ứng nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và xã hội. Việc thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính trên các Cổng/Trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương tiếp tục được duy trì, cung cấp thông tin đa dạng, kịp thời đến người dân, doanh nghiệp…
Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và tạo cơ hội kinh doanh
Chủ trương khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 35-NQ/CP đã và đang lan tỏa rộng rãi ở nhiều địa phương. Theo thống kê sơ bộ, hàng trăm sự kiện, cuộc thi khởi nghiệp, lập nghiệp được nhiều bộ, ngành, địa phương tổ chức, triển khai; Mạng lưới các nhà đầu tư cho khởi nghiệp dần hình thành.
Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844). Đồng thời, tiến hành các hoạt động nhằm thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các kết quả nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp; Hỗ trợ kết nối và khai thác kết quả nghiên cứu phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phục vụ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh cùng các cơ quan liên quan đang đẩy mạnh triển khai Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.
Để đảm bảo hiệu lực thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngoài các Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, Nghị định 34/2018/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Chính phủ ban hành; Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành.
Về tiếp cận tín dụng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp bình đẳng và thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng theo cơ chế thị trường thông qua đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm thông tin tín dụng (CIC). Đồng thời, tiếp tục điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng qua các kênh để điều tiết tiền tệ hợp lý và đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nguồn vốn tín dụng đã được khơi thông và tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Đối với phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã thiết kế các cơ chế, chính sách theo hướng xây dựng cấu trúc ngành bán buôn, bán lẻ hiện đại, nâng cao tính cạnh tranh, đảm bảo công bằng và bình đẳng trong điều kiện mở cửa thị trường dịch vụ phân phối. Bộ cũng đã hoàn thiện “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến năm 2035” trình Chính phủ xem xét phê duyệt để làm cơ sở triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trong nước.
Đối với vấn đề tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như mía đường, gạo, xơ sợi... mở rộng xuất khẩu hàng hóa cũng như có giải pháp kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về định hướng phát triển thị trường thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Khoảng cách giữa chính sách và thực thi
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai như trên, nhưng nhìn chung phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi. Một số tồn tại trong việc triển khai từ năm 2017 đến nay vẫn chưa được cải thiện mạnh mẽ. Cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề, gia tăng gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp. Theo thống kê, nhiều mặt hàng chịu sự quản lý chồng chéo giữa các bộ hoặc các đơn vị trong bộ. Tình trạng này đã được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh nhiều lần, nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết triệt để (trừ kiểm tra an toàn thực phẩm).
Việc đối thoại với doanh nghiệp ở nhiều địa phương chưa hiệu quả, thực chất, còn nặng về hình thức, chưa giải quyết dứt điểm hoặc thỏa đáng những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng như theo dõi, giám sát quá trình xử lý sau đối thoại với doanh nghiệp.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, khai thác và công khai các thủ tục hành chính ở một số bộ, ngành, địa phương chưa triệt để, nhiều bộ, ngành chưa tích cực, chưa chủ động ứng dụng công nghệ thông tin kết nối với Hệ thống một cửa quốc gia. Phần lớn các thủ tục thực hiện trực tuyến qua Hệ thống một cửa quốc gia nhưng vẫn yêu cầu doanh nghiệp nộp một số giấy tờ gốc (như giấy kiểm dịch) hoặc nộp phí, tức là doanh nghiệp vừa làm thủ tục trực tuyến điện tử, vừa thực hiện một số khâu trực tiếp nên chi phí tuân thủ không giảm, thậm chí cao hơn. Hệ thống thông quan tự động của cơ quan hải quan cũng chưa kế nối với Hệ thống một cửa quốc gia.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn lực cho sản xuất kinh doanh như tín dụng, đất đai, thị trường đầu ra... vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian và chi phí. Trong tiếp cận tín dụng, tuy lượng nguồn vốn của ngân hàng còn dư khá nhiều nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận. Nhiều khoản vay lãi suất còn cao so với khả năng của doanh nghiệp. Thủ tục giải phóng mặt bằng để doanh nghiệp nhỏ và vừa có được mặt bằng sản xuất kinh doanh Cũng như thủ tục, quy trình để doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận đất đai ở trong khu, cụm công nghiệp còn phức tạp, gây ức chế và tăng chi phí cho doanh nghiệp…/.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư