(MPI Portal) – Đây là một trong những nội dung chính được các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2014. Phiên họp này được diễn ra vào ngày 28/02/2014, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
|
Ảnh: Internet
|
Các nội dung chính được thảo luận tại Phiên họp liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể như: tình hình phát triển nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn, ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp; Đẩy mạnh môi trường cải thiện đầu tư; thực hiện và tạo chuyển biến trong tái cơ cấu doanh nghiệp;…
Theo báo cáo, trong tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán cũng như các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện sau Tết Nguyên đán và đã đạt được những kết quả tích cực. Nguồn cung hàng hóa, dịch vụ dồi dào; hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng chiếm lĩnh thị trường; giá cả thị trường trong và sau Tết khá ổn định, không có hiện tượng sốt giá, chỉ số giá tiêu dùng 2 tháng đầu năm đều tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm trước. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa được quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững;…
Theo đánh giá của Chính phủ, bước vào năm 2014 được hai tháng, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, khó khăn, thách thức còn lớn cùng với những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế và trong quản lý điều hành. Nhưng với nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng trong triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt kết quả tích cực, đúng hướng trên hầu hết các lĩnh vực.
Ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô
Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực, ổn định hơn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02 tăng 0,55%, 2 tháng tăng 1,24%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua. Trong đó: tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; tiếp đến là nhóm giao thông, giải trí và du lịch; hai nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm nhà ở - vật liệu xây dựng và nhóm bưu chính viễn thông.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm, tỷ giá được duy trì ổn định. Dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao, đạt trên 12 tuần nhập khẩu. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng giảm.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 ước đạt 9,6 tỷ USD, tính chung 2 tháng đầu năm đạt trên 21 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 10,8 tỷ USD, tính chung 2 tháng đạt hơn 20,8 tỷ USD, tăng 17%. Xuất siêu khoảng 244 triệu USD; trong đó, xuất siêu của khu vực FDI (không kể dầu thô) ước đạt 1.163 triệu USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu khoảng 2.098 triệu USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện lũy kế từ đầu năm đến ngày 20/02/2014 ước đạt 1.120 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng vốn đăng ký ước đạt 1.539,7 triệu USD, giảm 62,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: vốn đăng ký cấp mới đạt 830,9 triệu USD, giảm 19,3%; vốn đăng ký tăng thêm đạt 708,8 triệu USD, giảm 77%. Có 122 dự án cấp mới, giảm 33% so với cùng kỳ; 41 lượt dự án tăng vốn, giảm 53,9%.
Vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong 02 tháng đầu năm ước đạt 231 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: vốn vay ước đạt 210 triệu USD, viện trợ không hoàn lại ước đạt 21 triệu USD
Về thu - chi ngân sách nhà nước, tổng thu ngân sách 2 tháng ước đạt 16,6% dự toán, tăng 12,9% so với cùng kỳ; tổng chi ngân sách nhà nước đạt 14,9% dự toán, tăng 4,3%.
Về phát triển doanh nghiệp, trong 2 tháng, cả nước có gần 11 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 63 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1% về số doanh nghiệp và 28,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 tuy giảm so với tháng trước (chủ yếu do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài) nhưng so với cùng kỳ năm trước thì tăng khá cao (15,2%); tính chung 2 tháng đầu năm tăng 5,4%. Tình hình sản xuất kinh doanh và niềm tin của doanh nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.
Về sản xuất nông nghiệp, tuy bị ảnh hưởng của rét đậm, rét hại và dịch cúm gia cầm, sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển ổn định. Vụ lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch và dự báo được mùa; miền Trung cơ bản hoàn thành việc gieo cấy; miền Bắc đang thúc đẩy bảo đảm gieo cấy kịp thời vụ. Trồng rừng tăng 0,9%; sản lượng thuỷ sản tăng 2,3%.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 2 tháng ước tăng 11,6%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 6,2% (cùng kỳ tăng 3,6%). Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 1,61 triệu lượt, tăng 33,4%.
Các chính sách an sinh xã hội, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được quan tâm thực hiện. Đã hỗ trợ 18,6 nghìn tấn gạo cứu đói trong 2 tháng đầu năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt. Tạo việc làm khoảng214 nghìn lao động, tăng 1,27%, trong đó xuất khẩu lao động gần 14 nghìn người, tăng 13,7%.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh tiến trình đàm phán TPP, tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn của doanh nghiệp tiếp tục khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng 12,2% so với cùng kỳ. Mặt khác, do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài đã gây thiệt hại về cây trồng, vật nuôi và ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy ở một số địa phương miền Bắc; dịch cúm gia cầm và nguy cơ lây nhiễm sang người vẫn diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông mặc dù đã giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng số vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn cao, tập trung vào thời điểm trong và sau Tết. Tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp (trong tháng 2 xảy ra 317 vụ cháy, nổ, tăng 50,2% so với tháng trước).
Tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương:
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hành động, kế hoạch công tác của từng Bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu cần quan tâm giải ngân nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ trái phiếu, vốn ngân sách, ODA... đi liền với kiểm soát chặt chẽ chất lượng các công trình đầu tư xây dựng cơ bản; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp FDI triển khai thực hiện các cự án. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng, tránh thất thoát, lãng phí.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo đẩy mạnh cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm mục tiêu dư nợ tín dụng đề ra phân bổ đều trong các tháng, không để dồn vào cuối năm; tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất để tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Duy trì ổn định tỷ giá, cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 2014-2015, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã được phê duyệt, trong đó tập trung đẩy mạnh cổ phần hoá, bán, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp nhà nước.
Tiếp tục thực hiện tốt các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trước mắt tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc đổi mới thi tốt nghiệp phổ thông, tuyển sinh bậc đại học ngay trong năm 2014. Triển khai có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; rà soát, bổ sung kinh phí để thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Thực hiện có hiệu quả các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững.
Về cải cách hành chính, các ngành, các cấp chỉ đạo tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Tiếp tục công bố bộ chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương. Tập trung xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Đẩy mạnh tiến trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với EU và Liên minh Thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan, chuẩn bị gia nhập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015và các hoạt động đối ngoại linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với thực tế diễn biến tình hình khu vực và quốc tế.
Cũng tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Ngân sách nhà nước, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đề xuất các giải pháp tăng cường thể chế kinh tế thị trường trong điều kiện hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.../.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư