(MPI) – Thực hiện Nghị quyết số 55/2018/NQ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ về xây dựng Nghị định về tổ hợp tác (THT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Nghị định về THT. Để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định, ngày 20/7/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ giá trị bản địa và môi trường bền vững (CHIASE) tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Nghị định này.
|
Phó Cục trưởng Cục Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Văn Thanh
phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Văn Thanh đã nhấn mạnh về sự cần thiết ban hành Nghị định về THT. Nghị quyết số 13/NQ-TW Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã khẳng định kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể, với hình thức phổ biến là các THT và hợp tác xã, từng bước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Ngày 21/11/2015, Quốc hội thông qua Bộ luật dân sự số 90/2015/QH13, trong đó các quy định về THT được quy định mới tại các điều 101-104 và điều 504-512. Một số vấn đề liên quan đến THT theo quy định tại Bộ luật dân sự đã thay đổi một cách cơ bản (từ thành viên, thành lập đến tổ chức, hoạt động và tư cách của tổ khi tham gia giao dịch dân sự). Do vậy, rất cần thiết phải điều chỉnh, thay thế Nghị định số 151/2007/NĐ-CP bằng một Nghị định mới để tạo điều kiện thuận lợi cho THT hoạt động, tuân theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Nếu Nghị định mới về THT được ban hành sẽ hỗ trợ phát triển THT, qua đó có tác động lan tỏa về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 1,3 triệu hộ kinh tế thành viên và đời sống của hàng triệu người thuộc hộ gia đình thành viên, góp phần làm tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế thành viên, của bản thân THT và của toàn bộ nền kinh tế.
Tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của THT và thi hành Nghị định 151/2007/NĐ-CP của 50/63 tỉnh, thành phố, hiện có 78.306 THT (ước toàn quốc có khoảng 98.600 THT), trong đó có 36.104 THT có chứng thực (chiếm khoảng 46,1% tổng số THT), 2.930 THT đã ngừng hoạt động (chiếm 3,7% tổng số THT) và 191 THT đã chuyển sang hình thức khác (doanh nghiệp, hợp tác xã), chiếm 0,2% tổng số THT. Khu vực THT thu hút 1.285.106 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 1.091.015 lao động, doanh thu bình quân của một THT năm 2016 là 229 triệu đồng/năm, lãi bình quân là 35 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân cho một lao động thường xuyên trong THT là 26 triệu đồng/năm.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Tại Hội thảo, đại diện Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Mai Hương đã trình bày những nội dung cơ bản của Dự thảo và cho biết, THT có vai trò giúp khắc phục những hạn chế, yếu kém của hộ nông dân nhỏ lẻ, đồng thời, tạo việc làm và tăng thu nhập cho tổ viên, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thông qua THT, hợp tác xã, người dân sẽ phát huy tiếng nói và hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực tự nhiên và xã hội, được hưởng lợi ích và chia sẻ rủi ro một cách công bằng hơn. Vị thế của nông dân, hộ sản xuất nhỏ ngày càng nâng cao, đạt được các quyền lợi và lợi ích chính đáng, công bằng, đóng góp cho phát triển bền vững chung.
Dự thảo Nghị định gồm 8 chương, 37 điều, trong đó, Chương I: Những quy định chung; Chương II: Thành viên THT; Chương III: Thành lập THT; Chương IV: Tổ chức và điều hành THT; Chương V: Tài sản, tài chính của THT; Chương VI: Chấm dứt hoạt động của THT; Chương VII: Quản lý nhà nước về THT; Chương VIII: Hiệu lực thi hành. Dự thảo Nghị định đưa ra một số quy định mới, khắc phục hạn chế của Nghị định số 151/2007/NĐ-CP và hướng dẫn, quy định một số nội dung mới theo Bộ luật dân sự 2015.
Tại Hội thảo, đại diện các bộ, ngành đã có những tham luận về dự thảo Nghị định và thống nhất về sự cần thiết ban hành, đồng thời, Dự thảo Nghị định được xây dựng phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư