Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/08/2018-22:46:00 PM
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động cách mạng công nghiệp 4.0 (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 16/8/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban kinh tế Trung ương và Chương trình Phát triển Liên hiệp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Trong những năm gần đây, nhận thức của lãnh đạo, doanh nghiệp và công chúng nói chung về tầm quan trọng của CMCN 4.0 đã gia tăng nhanh chóng. Cam kết của lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam rất mạnh mẽ, đặc biệt được nhấn mạnh tại Diễn đàn chính sách cấp cao CMCN 4.0 gần đây về tăng cường sự sẵn sàng của quốc gia đối với CMCN 4.0, nâng cao khả năng giải quyết các thách thức và nắm bắt cơ hội mà CMCN 4.0 đưa ra để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, việc tái cấu trúc nền kinh tế thông qua các cách tiếp cận mới để phát triển đất nước được coi là cơ hội và cũng là thách thức đối với các nước phát triển sau, trong đó có Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của CMCN 4.0, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì nghiên cứu xây dựng Chiến lược quốc gia CMCN 4.0.

Đánh giá đây là một Chiến lược rất quan trọng trong thời gian này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan của Chính phủ để nghiên cứu, xây dựng các nội dung của Chiến lược. Trong quá trình xây dựng, việc tham vấn ý kiến của các chuyên gia tư vấn, viện nghiên cứu, đặc biệt việc tiếp thu kinh nghiệm của các nước đi trước, bài học rút ra trong quá trình triển khai CMCN 4.0 là nội dung rất quan trọng.

Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho biết, hợp tác giữa UNDP và Việt Nam được bắt đầu từ năm 1986. UNDP tại Việt Nam đã giúp Chính phủ phát huy những thành tựu to lớn về xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giải quyết những thách thức mới nảy sinh mà Việt Nam đang phải đối mặt khi trở thành nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Chính phủ Việt Nam đã có cam kết kịp thời vào CMCN 4.0. Cùng với đó, các chương trình hợp tác giữa UNDP và Ban Kinh tế Trung ương từ năm 2016 đã góp phần nâng cao nhận thức về CMCN 4.0. Khi thực hiện CMCN 4.0 đã giúp Việt Nam thực hiện thành công 17 mục tiêu phát triển bền vững, đem lại cơ hội cho tất cả mọi người, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Từ quan điểm của UNDP, các chuyên gia đến từ các nước I-xa-ren, Đài Loan, Xin-ga-po, bà Caitlin Wiesen tin tưởng Chính phủ Việt Nam sẽ nắm bắt cơ hội CMCN 4.0 để xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động mang tính bao trùm mạnh mẽ, từ kinh doanh phi chính thức đến kinh doanh gia đình nhỏ. CMCN 4.0 sẽ giúp giảm đói nghèo, mang lại kiến thức cho người dân Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm của Đài Loan về Chiến lược CMCN 4.0, GS. Min-Ren Yan một nhà nghiên cứu chính sách khoa học và công nghệ Đài Loan về thiết kế các quy định và thực hiện thể chế liên quan đến Công viên Khoa học và Công nghệ cao trên toàn quốc, các cụm công nghiệp, chính sách quốc gia về chiến lược 4.0 ngành công nghiệp và chính sách AI cho biết, 6 mục tiêu chính sách mà Đài Loan đang hướng tới là nâng cấp nền công nghiệp và đổi mới nền kinh tế, tạo ra một xã hội công bằng, phát triển bền vững, quản lý hiệu quả của chính phủ, tài chính hợp lý và an ninh quốc phòng.

Trong đó, ý tưởng cốt lõi là nỗ lực hết mình để hồi sinh nền kinh tế nội địa, thu hút đầu tư vào Đài Loan, thực hiện cải cách cơ cấu nhằm phát triển mô hình kinh tế mới, hoàn thành an ninh mạng. Duy trì hòa bình, mở rộng hợp tác quốc tế, đảm bảo an ninh và công bằng xã hội,…

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Chia sẻ những suy nghĩ ban đầu và cách tiếp cận của Chiến lược quốc gia CMCN 4.0 của Việt Nam, TS. Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Thành viên ban soạn thảo Chiến lược cho rằng, ứng dụng CMCN 4.0 là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng suất, nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành truyền thống. Cơ hội nhanh chóng tiếp cận thị trường thế giới trên nền tảng số/internet tăng trưởng nhanh, giá trị gia tăng cao. Cơ hội đầu tư, phát triển các ngành mới hình thành nhờ CMCN 4.0, chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng. Đây là cơ hội ứng dụng, bắt kịp và vươn lên đi đầu cho các nước đang phát triển như Việt Nam. “Bây giờ hoặc không bao giờ” để Việt Nam trở thành nước phát triển, văn minh, hiện đại.

Bên cạnh những cơ hội, vẫn còn một số thách thức dưới tác động của CMCN 4.0 đến Việt Nam, cạnh tranh quốc tế khốc liệt hơn, nguy cơ tụt hậu, lệ thuộc cả về công nghệ và sản phẩm tiêu dùng, thiếu vốn đầu tư để nâng cấp công nghệ, thiếu lao động đủ trình độ để tiếp nhận, làm chủ và sáng tạo công nghệ. Quan trọng hơn cả, đó là hệ thống thể chế kém linh hoạt, không phù hợp với CMCN 4.0, hành lang pháp lý không rõ ràng, cản trở sự sáng tạo,…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về hành động ưu tiên, dựa trên các kết quả điều tra đánh giá mức độ sẵn sàng ứng dụng CMCN 4.0 của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam của Bộ Công Thương và UNDP. Đồng thời, thảo luận về các ưu tiên chính, hành động và nguyên tắc thực hiện./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 17490
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)