(MPI) – Ngày 24/9/2018, lần đầu tiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị tại các điểm cầu có đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, lãnh đạo các Đoàn đại biểu Quốc hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các KKT, KCN, KCX và các Cục Thống kê,…
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Ngành Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục khẳng định sự đổi mới mạnh mẽ, quyết tâm triển khai nhanh, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện đổi mới về công tác lập kế hoạch. Trước đây, hằng năm, các tỉnh, thành phố tập trung về Bộ để thực hiện công tác xây dựng kế hoạch, đánh giá tình hình thực hiện các tháng đầu năm, dự kiến kế hoạch của các tháng cuối năm, dựa trên tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch của năm sau. Từ năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy phương thức này không còn phù hợp với thực tế và đề nghị đổi mới cách làm này. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các địa phương làm kế hoạch theo từng vùng. Năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 03 Hội nghị Đánh giá giữa kỳ kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch năm 2019 ở 3 vùng. Qua đó, đưa ra bức tranh tổng thể của từng địa phương và các địa phương có thể giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và nắm được tình hình của các địa phương bạn để có được bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, cũng như của từng tỉnh, từng vùng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2018 là năm bản lề, sau nửa chặng đường thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của trung ương và địa phương. Đây là dịp tốt nhất và quan trọng nhất để đánh giá kết quả sau nửa chặng đường thực hiện kế hoạch được giao trong kế hoạch 5 năm. Từ đó, xác định khả năng hoàn thành các nhiệm vụ và đưa ra những khó khăn, vướng mắc cũng như các nhiệm vụ cần tập trung trong những tháng cuối năm. Đây cũng là dịp để kiểm điểm, rà soát những vấn đề còn tồn tại nhằm thực hiện kế hoạch năm 2018 đạt kết quả cao nhất và chuẩn bị cho xây dựng kế hoạch cho năm 2019. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2018, đánh giá sơ bộ tình hình thực hiện cũng như xây dựng kịch bản và kế hoạch, nhiệm vụ năm 2019.
Việc tổ chức Hội nghị trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành phố sẽ rút ngắn thời gian, chi phí, diện bao phủ rộng, nhiều người nghe, trao đổi, nắm được tình hình để triển khai thực hiện. Đồng thời, phù hợp với xu thế chung hiện nay khi chúng ta chuyển sang Chính phủ điện tử, nền kinh tế số. Điều này khẳng định sự tiếp tục đổi mới mạnh mẽ của Ngành Kế hoạch và Đầu tư để triển khai nhanh, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Hội nghị đã tập trung thảo luận về báo cáo về kinh tế - xã hội, đầu tư, ngân sách nhà nước của quốc gia nói chung, cũng như của từng ngành, lĩnh vực, địa phương để phục vụ cho các kỳ họp sắp tới của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Đảng bộ, Hội đồng nhân dân các cấp, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các vấn đề về đầu tư công đặt ra trong 2018 cũng như kế hoạch dự kiến của các địa phương trong năm 2019.
Đặc biệt, Hội nghị thảo luận về những vấn đề lớn của Ngành Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai, thực hiện tham mưu về xây dựng thể chế, triển khai các Luật quy hoạch, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó là việc xây dựng, sửa đổi Luật đầu tư công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, Luật PPP, sự kiện Kỷ niệm 30 năm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các vấn đề về cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, thu hút các dự án PPP cũng như về phát triển doanh nghiệp, văn hóa, xã hội, môi trường, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các chính sách, đảm bảo an toàn, an ninh xã hội, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ...
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm đặc biệt tới công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây là lần đầu tiên Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng đã mang lại ý nghĩa và hiệu quả. Tại các điểm cầu, đại diện cho các vùng miền, quy mô của nền kinh tế, các tỉnh có quy mô kinh tế tương đồng đã tham gia ý kiến phát biểu. Hội nghị tập trung vào hai nội dung chính là đóng góp ý kiến cho Dự thảo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi trình Chính phủ, Quốc hội. Đồng thời, thảo luận về các vấn đề liên quan đến đầu tư công.
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 được đánh giá là phát triển đồng đều trên các lĩnh vực, đặc biệt công nghiệp chế biến chế tạo phát triển tốt, ngành nông nghiệp tái cơ cấu hiệu quả, du lịch, dịch vụ có bước phát triển vượt bậc, cả 3 khu vực đang chuyển dịch đúng hướng, tích cực.
Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã quan tâm nhiều đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được thực hiện tốt, các chính sách cho người có công, vùng miền khó khăn, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ đã được quan tâm và đạt được kết quả tích cực…Đời sống của người dân đã được cải thiện và nâng cao. Nhờ sự chỉ đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự nỗ lực của hệ thống chính trị, sự đồng hành của Nhân dân, của doanh nghiệp đã tạo nên kết quả của năm 2018, tạo tiền đề để vững bước thực hiện kế hoạch năm 2019, cũng như kế hoạch 5 năm 2016-2021.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, kết quả hoàn thành kế hoạch năm 2018 gắn với việc tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, gắn với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tập trung vào nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua các chỉ số được đánh giá là chuyển biến tích cực.
Các đại biểu đã đồng tình với những giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2019 và cho rằng, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2021, cần tiến tục duy trì tốc độ tăng trưởng của cả nước và địa phương. Đặc biệt là trong bối cảnh tác động của tình hình thế giới và nền kinh tế mở của chúng ta có quy mô chưa lớn. Do vậy, phải nhận diện được những khó khăn, thách thức của cả nền kinh tế, của từng địa phương, phải tìm ra những cơ hội để cụ thể hóa phù hợp với từng địa phương. Đặc biệt, phải tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để chúng ta có thể tăng tốc, dựa vào đổi mới sáng tạo, nền tảng khoa học công nghệ. Đây cũng là vấn đề đang được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng làm rõ thêm một số vấn đề về Luật đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công, một số điểm mới của Nghị định số 120/2018/NĐ-CP.
Về công tác thể chế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch gồm 37 luật để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, Bộ cũng đang hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quy hoạch và soạn thảo Thông tư hướng dẫn về định mức chi phí cho hoạt động quy hoạch để thực hiện sau khi Chính phủ ban hành Nghị định nêu trên. Cùng với đó, nhằm đẩy mạnh công tác triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện Luật hỗ trợ DNNVV, Bộ đã tổ chức Hội nghị quán triệt triển khai Luật này cho các bộ, ngành, địa phương. Qua đó giúp đẩy mạnh tiến độ và nâng cao hiệu quả công tác triển khai Luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn hỗ trợ phát triển DNNVV.
Về vai trò của đầu tư nước ngoài sau 30 năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Đảng, Nhà nước khẳng định đầu tư nước ngoài là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam, do vậy phải tiếp tục xây dựng định hướng mới để phù hợp với tình hình mới. Trong đó vấn đề chung của cả nước là đẩy mạnh thực hiện ba khâu đột phá đó là hoàn thiện thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng và chuẩn bị tốt các nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các địa phương phải thực hiện tốt công tác quy hoạch, xác định các dự án đầu tư, làm tiền đề để kêu gọi các dự án đầu tư. Đồng thời, chuẩn bị tốt về mặt bằng, các vấn đề hạ tầng của dự án và nguồn nhân lực cho dự án. Thay đổi phương pháp xúc tiến đầu tư. Vừa qua, chúng ta đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, có nhiều cam kết đầu tư, nhưng nếu chúng ta không có những cam kết tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thì những cam kết đầu tư khó trở thành hiện thực…
Ngành kế hoạch và Đầu tư là ngành tham mưu tổng hợp mang tính chiến lược hết sức quan trọng của Đảng, Nhà nước đã được khẳng định qua 73 năm hình thành và phát triển. Ngành trực tiếp tham gia xây dựng thể chế, xây dựng nguồn lực, phân bổ nguồn lực. Tuy nhiên, chúng ta đang đứng trước tình hình mới, đòi hỏi phải cải cách mạnh mẽ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho địa phương. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, lãnh đạo các địa phương tiếp tục tạo điều kiện cho ngành Kế hoạch và Đầu tư phát huy được vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp để có những đóng góp tốt nhất cho các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương cần chủ động đổi mới, cải cách theo tinh thần của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để vươn lên tầm cao mới phát huy vai trò được Đảng, Nhà nước, địa phương giao phó./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư