(MPI) – Ngày 24/9/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc triển khai nội dung giám sát phục vụ việc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 03 năm 2016-2018, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại buổi làm việc.
Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Căn cứ chương trình làm việc của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng 04 báo cáo với các nội dung: Đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 thực hiện Nghị quyết số 142/2016/QH13; Đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14; Tình hình thực kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 thực hiện Nghị quyết số 48/2017/QH14; Tình hình thực hiện Luật thống kê, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp. Ngoài ra Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo giải trình làm rõ thêm một số nội dung.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại buổi làm việc, Việt Nam bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trong bối cảnh kinh tế thế giới nhìn chung đã phục hồi từ cuối năm 2016, xu thế liên kết và tự do hóa thương mại đã và đang tiếp tục giữ vai trò chủ đạo mặc dù các tranh chấp vẫn có thể xảy ra, các rào cản kỹ thuật vẫn có thể được áp dụng trong các mối quan hệ thương mại song phương tại những thời điểm nhất định. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức và diễn biến phức tạp…
Tại Việt Nam, tình hình chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định tiếp tục là một thế mạnh của nền kinh tế. Nhờ tinh thần vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, kinh tế trong nước giai đoạn 2016-2018 đã dần hồi phục với mức tăng trưởng khá, trong đó riêng năm 2017 có mức tăng trưởng đột phá, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, dự kiến hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao (trong đó, 08 chỉ tiêu vượt và 04 chỉ tiêu đạt kế hoạch), góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đề ra. Cụ thể là: Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo và cải thiện tích cực, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, tạo nguồn lực cho phát triển; Tăng trưởng kinh tế theo xu hướng tích cực, tốc độ tăng GDP duy trì ở mức cao; Động lực tăng trưởng kinh tế đến từ cả phía cung và phía cầu; Cơ cấu lại nền kinh tế có bước chuyển biến tương đối rõ nét, thực chất hơn trong các ngành, lĩnh vực; Đẩy mạnh thực hiện 03 đột phá chiến lược đạt được nhiều kết quả quan trọng; Lĩnh vực văn hóa, xã hội, an sinh xã hội được phát triển toàn diện; Công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân được tích cực triển khai; Chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục được nâng cao; Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tiếp tục được đẩy mạnh; Khoa học và công nghệ được tập trung phát triển; Công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện; Công tác cải cách hành chính được tiến hành đồng bộ và có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực; Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh; Tiềm lực quốc phòng, an ninh ngày càng được nâng cao, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được nâng lên.
Để đạt được những kết quả nêu trên là nhờ công tác lãnh đạo, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả của Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân. Thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng, hợp lực mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra tại các kết luận, các Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội.
Chính phủ và các Ban chỉ đạo những vấn đề lớn của Chính phủ đã điều hành quyết liệt, hiệu quả, chỉ đạo tập trung thực hiện các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, đặc biệt là các giải pháp duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nỗ lực tập trung đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng thực chất hơn trong nội bộ các ngành, lĩnh vực. Trước diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường của kinh tế thế giới, Chính phủ luôn chủ động theo dõi sát tình hình, dự kiến các kịch bản tăng trưởng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả nhằm tranh thủ tốt các thời cơ và đề ra các giải pháp ứng phó kịp thời với các biến động kinh tế vĩ mô cũng như các diễn biến bất lợi xảy ra.
Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền đã phát huy hiệu quả tích cực, đưa tin kịp thời các hoạt động chính trị - xã hội, tình hình đất nước gắn với tuyên truyền hiệu quả chủ trương, giải pháp xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong lao động, sản xuất, củng cố niềm tin và sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tồn tại và hạn chế như: Tiến độ thực hiện 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nhìn chung còn chậm; Việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế còn nhiều hạn chế; Chuyển biến cơ cấu nội bộ ngành, lĩnh vực chưa rõ nét và bền vững; Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Nhìn chung, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2018 được đánh giá khả quan. Trong tổng số 22 chỉ tiêu cơ bản Quốc hội giao, đến nay đã có 10/22 chỉ tiêu ước đạt và vượt so với mục tiêu kế hoạch 5 năm. Các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 cơ bản được hoàn thành, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Trong những tháng cuối năm 2018, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, với quyết tâm chính trị và nỗ lực cao nhất… tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trọng tâm vào đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 01/NQ-CP, kiên định thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, phát triển các ngành, lĩnh vực, đẩy mạnh triển khai các hoạt động tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2018, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016-2020.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến vấn đề tăng năng suất lao động, các chỉ tiêu tăng trưởng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công, việc phối hợp xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, sử dụng vốn tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các công trình trọng điểm như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam,…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, việc thực hiện thẩm tra các báo cáo đã giúp làm rõ hơn các thông tin, các vấn đề của Báo cáo nêu và định hình rõ nét hơn bức tranh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Đây là dịp để cơ quan thực hiện và cơ quan giám sát của Quốc hội chia sẻ thông tin nghiên cứu của Báo cáo, thống nhất các nhận định đánh giá.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao việc đổi mới cách làm giữa Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thẩm tra Báo cáo. Cách làm này nhằm trực tiếp trao đổi, thảo luận, làm rõ hơn những vấn đề mà Báo cáo chưa thể hiện rõ, đồng thời giúp cơ quan thực hiện và cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư