A. KINH TẾ
I. Sản xuất nông, lâmnghiệp thủy sản
1. Trồng trọt
* Cây hàng năm
- Sản xuất vụ Mùa: Hiện nay các địa phương cơ bản đã thu hoạch xong trà lúa mùa sớm và mùa trung. Dự tính đến ngày 31/10/2018 tổng diện tích lúa đã thu hoạch khoảng 33,8 nghìn ha, bằng 83% tổng diện tích lúa đã cấy.
Công tác thu hoạch các loại cây trồng hàng năm khác cũng đang được các địa phương triển khai. Trong đó, cây ngô thu hoạch khoảng 3,8 nghìn ha, bằng 79%; cây khoai lang thu hoạch khoảng 520 ha, bằng 81%; cây rau đậu các loại thu hoạch 2,9 nghìn ha bằng 85%...
Tình hình dịch bệnh trên cây lúa: Hiện nay tổng diện tích lúa mùa muộn bị nhiễm sâu, bệnh gây hại khoảng 1 nghìn ha, giảm so với thời điểm cùng kỳ. Trong đó chủ yếu là bệnh khô vằn với khoảng 800 ha; rầy các loại khoảng 190 ha. Các địa phương đã chủ động theo dõi diễn biến các loại sâu, bệnh; duy trì công tác phòng trừ để đảm bảo năng suất vụ Mùa.
Dự ước năng suất lúa vụ Mùa 2018 đạt 52,68 tạ/ha, bằng 102% kế hoạch, tăng 1 tạ/ha (+1,9%) so với vụ Mùa 2017. Sản lượng lúa ước đạt 213,6 nghìn tấn, bằng 104,7% kế hoạch và tăng 2,7 nghìn tấn (+1,3%) so với cùng kỳ. Các cây trồng hàng năm vụ Mùa 2018 năng suất ước tính đều tăng so với cùng kỳ (năng suất ngô ước đạt 45,21 tạ/ha, tăng 0,9%; khoai lang 52,42 tạ/ha, tăng 0,53%; sắn 153,7 tạ/ha; rau 162,3 tạ/ha, giảm 1,3%...) nhưng do diện tích giảm nên sản lượng dự ước giảm so với năm trước (sản lượng ngô ước đạt 21,8 nghìn tấn, bằng 104,2% kế hoạch nhưng giảm 1,1% cùng kỳ; khoai lang ước đạt 3,5 nghìn tấn, giảm 13,8%; sắn 38,7 nghìn tấn, giảm 10,7%...) Riêng cây rau các loại do diện tích gieo trồng tăng nên sản lượng tăng, ước đạt 53,7 nghìn tấn, tăng 2,2% so với sản lượng rau vụ Mùa năm 2017.
* Sản xuất vụ Đông 2018- 2019:Ngay sau khi thu hoạch cây hàng năm và lúa mùa sớm, các địa phương đã tiến hành làm đất gieo trồng cây hàng năm Vụ Đông kịp thời vụ. Vụ Đông năm nay kế hoạch gieo trồng cây hàng năm chủ yếu trên địa bàn tỉnh là 11,1 nghìn ha, tương đương so với kế hoạch cùng kỳ; bao gồm kế hoạch cây ngô 4,6 nghìn ha và cây rau các loại 6,5 nghìn ha.
Dự tính đến ngày 31/10/2018 toàn tỉnh gieo trồng được khoảng 9,8 nghìn ha cây hàng năm vụ Đông, trong đó cây ngô gieo trồng khoảng 4 nghìn ha, bằng 87% kế hoạch; cây rau các loại 4,1 nghìn, bằng 63,3% kế hoạch cả vụ; cây khoai lang trồng được khoảng 1,5 nghìn ha; cây lạc và đậu tương trồng được 150 ha... Một số địa phương đã chủ động giảm dần diện tích ngô và tăng diện tích trồng rau màu so với cùng kỳ năm trước, do các loại rau màu đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
* Cây lâu năm
- Cây chè: Công tác trồng mới và trồng cải tạo cây chè đang được các địa phương triển khai đại trà trong vụ Thu và đến nay đã cơ bản hoàn thành. Do tỉnh có chính sách hỗ trợ 50% giá giống chè đồng thời cấp huyện bố trí từ nguồn kinh phí địa phương hỗ trợ thêm từ 30-50% giá giống chè nên công tác trồng chè đã vượt kế hoạch. Dự tính đến ngày 31/10/2018 diện tích chè trồng mới và trồng lại đạt ước đạt 947 ha, bằng 122% kế hoạch, trong đó chè trồng mới là 371 ha và chè trồng lại đạt 576 ha.
Tình hình sâu bệnh hại trên cây chè: Tháng 10/2018 trên cây chè phát sinh một số loại sâu bệnh hại chính như: rầy xanh diện tích bị nhiễm 336 ha, bọ cánh tơ 298 ha, bọ xít muỗi 131 ha… nhìn chung diện tích nhiễm sâu bệnh giảm hơn so với cùng thời điểm năm trước; năng suất chè tăng hơn năm trước, đồng thời diện tích chè hiện có tăng trên 7% nên sản lượng chè năm 2018 đạt cao.
- Cây ăn quả: Trong 10 tháng 2018 một số địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục nhân rộng một số mô hình trồng cây ăn quả có chất lượng cao, đồng thời chuyển dịch cơ cấu cây lâu năm giá trị thấp sang trồng chè và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn. Diện tích trồng mới trong 10 tháng 2018 khoảng 920 ha tăng 2,2% so với cùng kỳ. Trong đó có một số cây ăn quả có diện tích trồng mới đạt cao như cây bưởi khoảng 232 ha, chuối 190 ha, thanh long 71 ha...
2. Chăn nuôi
Trên địa bàn toàn tỉnh, trong tháng không có dịch bệnh lớn xảy ra, đàn gia súc gia cầm phát triển ổn định. Một số ổ dịch nhỏ lẻ được ngành chức năng phát hiện, tổ chức khống chế kịp thời, không lây lan ra diện rộng; tổ chức tiêm phòng chủ động, nhanh, dứt điểm nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các tỉnh lân cận vào tỉnh Thái Nguyên. Công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đang được các ngành chức năng nghiêm túc triển khai thực hiện; duy trì công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; công tác tiêm phòng vắc xin vẫn đang triển khai theo kế hoạch.
Tháng 10/2018, chỉ số giá sản phẩm chăn nuôi lợn giảm 0,91% so với tháng trước và tăng 98,12% so cùng kỳ. Trong đó, so với tháng trước giá bình quân lợn thịt hơi giảm 2,33%, giá gà ta hơi giảm 3,15%. Giá thức ăn chăn nuôi tương đương tháng trước và giá giống lợn, gà tăng. Với mức giá trên người chăn nuôi có lãi và tiếp tục tái đàn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cuối năm. Để hạn chế rủi ro, ngành chức năng đã khuyến cáo và hướng dẫn người chăn nuôi nên tăng quy mô đàn hợp lý, không tăng ồ ạt đồng thời duy trì và ổn định đàn lợn nái chất lượng để tái sản xuất; thực hiện việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giữa người chăn nuôi với các công ty chế biến và với các bếp ăn tập thể...
Dự tính đến thời điểm 31/10/2018: Đàn trâu khoảng 57,2 nghìn con, tăng 0,02% so cùng kỳ; đàn bò khoảng 46,6 nghìn con, tăng 5,46% so cùng kỳ; đàn lợn khoảng 700,5 nghìn con, tăng 2,8%; đàn gia cầm khoảng 12,2 triệu con, tăng 7,5% so cùng kỳ, trong đó đàn gà 10,5 triệu con tăng 7,8% so cùng kỳ.
3. Lâm nghiệp
Hiện nay các địa phương đang triển khai chăm sóc và nghiệm thu diện tích rừng trồng mới.
Tình hình khai thác lâm sản: Ước tính tháng 10/2018 khai thác được 12,1 nghìn m3gỗ các loại và 19,6 nghìn ste củi. Tính chung 10 tháng 2018, khai thác được 123 nghìn m3gỗ và 216,4 nghìn ste củi, so với cùng kỳ đều tăng 7%.
Công tác tuyên truyền, tập huấn: Từ đầu năm đến nay thực hiện 09 chuyên mục Quản lý bảo vệ rừng hàng tháng; Tổ chức tập huấn được 109 lớp tuyên truyền, tập huấn về công tác Quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy, các quy định chính sách của Nhà nước và các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với 4,7 nghìn lượt người tham gia.
Công tác quản lý và bảo vệ rừng: Cuối tháng 9/2018 xảy ra 01 vụ cháy rừng với diện tích là 0,79 ha (rừng trồng tuổi 3 và rừng tái sinh chồi) tại xã Tân Thái huyện Đại Từ. Nguyên nhân gây cháy là do đốt dọn thực bì gây cháy lan. Lũy kế từ đầu năm đến tháng 10/2018 có 02 vụ cháy rừng với diện tích bị cháy là 1 ha. So với cùng kỳ, số vụ cháy rừng giảm 2 vụ , diện tích rừng bị cháy giảm 8,4 ha.
Kết quả ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng: Lũy kế 9 tháng 2018 đã phát hiện và đã xử lý 196 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu 310m3gỗ quy tròn các loại (giảm 31,5%) và 31 phương tiện các loại và thu nộp ngân sách 9 tháng 2018 là 1,9 tỷ đồng. So với cùng kỳ 2017, số vụ vi phạm giảm 73 vụ và số tiền nộp ngân sách đạt tương đương.
II. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tháng 10/2018 ước tính tăng 12,9% so với tháng trước, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do nhóm ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 13,2% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ (nhóm ngành này quyết định chính đến tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp). Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 11,9% so với tháng trước và tăng 23,4% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,8% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 26,5% so với tháng trước, tăng 6,4% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 2,8% so với cùng kỳ.
Sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong tháng 10/2018: Nhóm sản phẩm dự ước tăng trên 50% trở lên so với cùng kỳ: mạch điện tử tích hợp đạt 7,9 triệu chiếc, tăng 66,9%; Nhóm sản phẩm tăng từ 10 đến dưới 50% so với cùng kỳ: Than đá (than cứng) loại khác đạt 125,7 nghìn tấn, tăng 12%; quặng sắt và tinh sắt chưa nung đạt 174 nghìn tấn, tăng 32,3%; đá khai thác đạt 384 nghìn m3, tăng 24,3%; sản phẩm may đạt 5,9 triệu cái, tăng 13,7%; phụ tùng khác của xe có động cơ đạt 6 triệu chiếc, tăng 12,2%...Nhóm sản phẩm giảm so với cùng kỳ: đồng tinh quặng đạt 3,4 nghìn tấn, giảm 25% so với cùng kỳ; sắt thép các loại đạt 90,4 nghìn tần, giảm 18,4%; vonfram và sản phẩm của vonfram đạt 1,2 nghìn tấn, giảm 14,6%; camera truyền hình đạt 3,5 triệu cái, giảm 23,7%...
Tính chung 10 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 12,2% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 7,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,4% (trong đó, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 13,6%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,7%; Riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng thấp 1,6%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất 10 tháng năm 2018 tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2017 như: thiết bị và dụng cụ khác dùng trong y khoa đạt 1.197,9 triệu cái, tăng 39,1%; than sạch khai thác đạt 1.194,9 nghìn tấn, tăng 20,1% và đạt 99,6% kế hoạch; đá khai thác đạt 3.175,5 nghìn m3, tăng 16,4%... Nhóm sản phẩm tăng dưới 10% như: đồng tinh quặng đạt 37,4 nghìn tấn, tăng 6%; điện thương phẩm đạt 3.953 Tr.Kwh, tăng 7,6% và bằng 79,1% kế hoạch; xi măng đạt 1.606 nghìn tấn, tăng 1,3%... Ngoài ra nhóm sản phẩm công nghiệp có sản lượng giảm hơn so với cùng kỳ là: sắt thép các loại đạt 1.094 nghìn tấn, giảm 5,9% và bằng 78,1% kế hoạch; vonfram và sản phẩm vonfram đạt 14 nghìn, giảm 11,6% và đạt 69,8% kế hoạch cả năm…
Riêng nhóm sản phẩm điện tử điện thoại thông minh và máy tính bảng sản xuất cộng dồn 10 tháng năm 2018 ước đạt 96 triệu cái, giảm 4,4% và 69,6% kế hoạch sản lượng cả năm (điện thoại thông minh đạt 79,1 triệu sản phẩm, giảm 3,7%; máy tính bảng đạt 17 triệu sản phẩm, giảm 6,2%); trong đó nhóm điện thoại có giá bán từ 6 triệu đồng/1 sản phẩm trở lên ước đạt 20,3 triệu cái (chiếm 25,6% tổng số), tăng 46,2% so với cùng kỳ và là yếu tố tác động làm tăng chỉ số sản xuất công nghiệp.
III. Thu, chi ngân sách, ngân hàng
1.Thu ngân sách
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chín tháng 2018 đạt 9.976,8 tỷ đồng, tăng 9,3% so cùng kỳ và bằng 76,1% dự toán cả năm (mức thực hiện cùng kỳ 9 tháng 2017 là thu ngân sách đạt 9.124 tỷ đồng,bằng101,3% dự toán cả năm, tăng36,4% so cùng kỳ); Trong tổng thu, thu trong cân đối ngân sách nhà nước đạt 9.942,8 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ và bằng 74,8% so với dự toán cả năm; thu quản lý qua ngân sách đạt 34 tỷ đồng.
Trong tổng thu cân đối, thu nội địa đạt 7.788 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ và bằng 78,6% so với dự toán cả năm; thu hoạt động xuất nhập khẩu 2.154,6 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ và bằng 67,3% so với dự toán cả năm 2018.
Trong thu nội địa, có 8/14 khoản thu tăng so với cùng kỳ, trong đó thu khác ngân sách đạt 144 tỷ đồng, tăng gấp 1,8 lần so cùng kỳ và bằng 87,3% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.463 tỷ đồng (chiếm 31,6% trong tổng thu nội địa và là khoản thu đóng góp nhiều nhất vào thu nội địa 9 tháng 2018), tăng 75,4% so cùng kỳ và bằng 77,6% dự toán năm; thu thuế sử dụng đất phi Nông nghiệp đạt 15,5 tỷ đồng, tăng 37% so cùng kỳ và thu vượt kế hoạch dự toán năm là 29,3%; thu Lệ phí trước bạ đạt 290 tỷ đồng, tăng 29,8% so cùng kỳ và bằng 83% dự toán năm; có 4 khoản thu tăng nhẹ trong khoảng từ 0,5% đến 8,8% so cùng kỳ như: Thu từ Doanh nghiệp nhà nước Trung ương, địa phương; Thu từ khu vực dịch vụ ngoài quốc doanh; thuế thu nhập cá nhân; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết. Còn lại 6/14 khoản thu đạt thấp hơn so với tháng 9 năm 2017 như: thu tiền cấp quyền sử dụng đất đạt 1.141,8 tỷ đồng, giảm 30,8% so cùng kỳ và bằng 87,8% dự toán cả năm; thu tiền cho thuê đất đạt 226,7 tỷ đồng, giảm 23,1% so với cùng kỳ và bằng 56,7% dự toán năm; thu phí, lệ phí đạt 133,5 tỷ đồng, giảm 20,8% so cùng kỳ; thuế bảo vệ môi trường đạt 308 tỷ đồng, giảm 17,9% so cùng kỳ…
2. Chi ngân sách địa phương
Tổng chi ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Chín tháng 2018 đạt 7.807,3 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ và bằng 56,5% dự toán cả năm, trong đó chi cân đối ngân sách địa phương đạt 6.910 tỷ đồng tăng 7,6% so cùng kỳ và bằng 57% dự toán cả năm; chi chương trình mục tiêu quốc gia đạt 897,3 tỷ đồng, tăng 37,5% so cùng kỳ và bằng 52,9% dự toán cả năm.
Trong chi cân đối ngân sách địa phương, chi đầu tư phát triển đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 35,9% so cùng kỳ, bằng 80,6% dự toán cả năm; chi thường xuyên đạt 5.009,6tỷ đồng, giảm 0,3% so cùng kỳ, bằng 63,6% dự toán năm.
Trong tổng chi thường xuyên có 6/11 khoản chi tăng so cùng kỳ như: chi lớn nhất là chi sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 2.017 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng40% tổng chi thường xuyên), tăng 7,7% so cùng kỳ, bằng 60,3% dự toán cả năm; chi sự nghiệp khoa học và công nghệ đạt 24,1 tỷ đồng, tăng 18,1% so cùng kỳ và bằng 86,8% dự toán năm; chi sự nghiệp văn hóa thông tin, thể dục thể thao đạt 101,9 tỷ đồng, tăng 28,6% so cùng kỳ và bằng 68,2% dự toán năm; chi đảm bảo xã hội đạt 282,7 tỷ đồng, tăng 7,2% so cùng kỳ và bằng 84% dự toán năm; chi quốc phòng an ninh đạt 185,4 tỷ đồng, tăng 23,2% so cùng kỳ và đạt 90,6% dự toán năm. Một số khoản chi đạt thấp hơn so dự toán như: chi sự nghiệp y tế đạt 596 tỷ đồng, giảm 8,6% so cùng kỳ và bằng 65,2 % dự toán năm; chi sự nghiệp kinh tế đạt 533,9 tỷ đồng, giảm 1,9% so cùng kỳ và bằng 62,4% dự toán năm; chi quản lý hành chính đạt 1.009 tỷ đồng, giảm 11,5% so cùng kỳ; chi sự nghiệp bảo vệ môi trường đạt 50% dự toán; chi khác của ngân sách đạt thấp, đạt 39,1% dự toán cả năm.
3. Ngân hàng
- Hoạt động huy động vốn: Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đến 30/9/2018 đạt 52.184 tỷ đồng, tăng 11,31% so với 31/12/2017 và tăng 16,8 % so với cùng kỳ năm 2017. Ước đến 30/10/2018 đạt 52.702 tỷ đồng, tăng 12,4 so với 31/12/2017.
- Dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đến thời điểm 30/9/2018 đạt 49.777 tỷ đồng tăng 7,79% so với 31/12/2017 và tăng 13,3 % so với cùng kỳ năm 2017. Ước đến 31/10/2018 đạt 50.300 tỷ đồng, tăng 8,92% so với 31/12/2017.
- Nợ xấu đến 30/9/2018 là 492 tỷ đồng chiếm 0,99%/tổng dư nợ.
IV. Thương mại, giá cả và dịch vụ
1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ phục vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên tỉnh tháng 10 năm 2018 ước đạt 2.671,7 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ. Trong đó khu vực kinh tế nhà nước ước đạt 149,1 tỷ đồng, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 2.509 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 93,9% thị phần bán lẻ), tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 13,6 tỷ đồng tăng 3% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ.
Tính chung 10 tháng năm 2018 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 25.815,2 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước ước đạt 1.410,2 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 24.281,7 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ; còn lại khu vực có vốn đầu tư nước ngoài doanh thu ước đạt 123 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Nếu phân theo ngành kinh tế, nhóm ngành thương nghiệp bán lẻ 10 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 21.184 tỷ đồng (chiếm khoảng 80,8%), tăng 12,6% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ lưu trú ăn uống ước đạt 2.276,8 tỷ đồng (chiếm 8,7% trong tổng mức), tăng 8% so với cùng kỳ; nhóm du lịch lữ hành ước đạt 32,9 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ tiêu dùng còn lại ước đạt 2.322 tỷ đồng (chiếm 10,4% tổng số), giảm 8,3% so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm 2018, nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 6.896 tỷ đồng (chiếm 32,6% tổng mức bán lẻ), tăng 14,4% so với cùng kỳ; nhóm xăng dầu các loại ước đạt 2.508 tỷ đồng (chiếm 11,8% tổng mức bán lẻ), tăng 9,8% so với cùng kỳ; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình ước đạt 2.390 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ; nhóm ô tô các loại ước đạt 2.210, tăng 14,8% so với cùng kỳ; nhóm hàng may mặc đạt 1.635 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ; nhóm phương tiện đi lại đạt 1.507 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 1.275 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.
2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
a. Xuất khẩu
Tổng giá trị xuất khẩu tháng 10/2018 ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 43,7 triệu USD, tăng 51,8% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 2,27 tỷ USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ.
Mặt hàng xuất khẩu dự tính tháng 10/2018 tăng cao so với cùng kỳ là linh kiện điện tử và phụ tùng khác ước đạt 607 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ; sản phẩm may ước đạt 32,2 triệu USD, tăng 47,4% so với cùng kỳ; sản phẩm từ sắt thép ước đạt 5,7 triệu USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ… Nhóm hàng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ như: sản phẩm điện thoại thông minh đạt 1,4 tỷ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ; kim loại màu và tinh quặng kim loại màu đạt 17,5 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ…
Tính chung 10 tháng năm 2018 giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn ước đạt 20,9 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ, bằng 83,8% kế hoạch cả năm. Trong đó, xuất khẩu do địa phương quản lý đạt 349,8 triệu USD, tăng 43,1% so với cùng kỳ, bằng 93,4% kế hoạch cả năm; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 20,6 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ.
Nhóm mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn là nhóm sản phẩm điện thoại các loại, máy vi tính và linh kiện điện tử ước đạt 20,3 tỷ USD (chiếm 97% tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn), tăng 7,4% so với cùng kỳ và bằng 83,1% kế hoạch (trong đó điện thoại thông minh và máy tính bảng đạt 16 tỷ USD, tăng 0,5% cùng kỳ và bằng 75,2% kế hoạch; linh kiện và sản phẩm điện tử khác đạt 4,3 tỷ USD, tăng 44,4% cùng kỳ và vượt kế hoạch cả năm 36,2%). Ngoài ra một số mặt hàng có tốc độ xuất khẩu tăng cao, đóng góp vào tốc độ tăng của xuất khẩu địa phương là sản phẩm may đạt 256,2 triệu USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ; kim loại màu và tinh quặng kim loại màu đạt 213,9 triệu USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch cả năm 18,8%; sản phẩm từ sắt thép đạt 46,9 triệu USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ và bằng 90,1% kế hoạch cả năm… duy nhất có nhóm mặt hàng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ là chè các loại đạt 1,51 nghìn tấn với giá trị xuất khẩu 2,45 triệu USD, giảm 32,6% về lượng và 40,4% giá trị xuất khẩu và mới bằng 30,1% lượng kế hoạch cả năm.
b. Nhập khẩu
Tổng giá trị nhập khẩu tháng 10/2018 trên địa bàn ước đạt 1.398,6 triệu USD, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu hàng hóa đạt 20,4 triệu USD, giảm 26,5% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1.378,2 triệu USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ.
Nhóm mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong tháng 10/2018 tăng cao hơn so với cùng kỳ là chất dẻo (plastic) nguyên liệu đạt 28,7 triệu USD, cao gấp 72 lần; giấy các loại đạt 0,5 triệu USD, tăng gấp 10 lần; vải các loại đạt 12,8 triệu USD, tăng 46,7% so với cùng kỳ… Nhóm mặt hàng nhập khẩu chủ yếu giảm so với cùng kỳ như: nguyên liệu và linh kiện điện tử đạt 1,3 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5,1 triệu USD, giảm 56,1% so với cùng kỳ; nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc đạt 2,6 triệu USD, giảm 3,6% cùng kỳ.
Tính chung 10 tháng năm 2018, tổng giá trị nhập khẩu trên địa bàn ước đạt 11.901,5 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu đạt 212,5 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 11.689 triệu USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 98,2% tổng giá trị nhập khẩu. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ là: phế liệu sắt thép đạt 75,8 nghìn tấn, với trị giá nhập khẩu là 28,2 triệu USD, gấp 75 lần về lượng và 57 lần trị giá xuất khẩu; chất dẻo (plastic) đạt 117,3 triệu USD, gấp 3,2 lần; sắt thép các loại đạt 27,9 nghìn tấn về lượng với trị giá nhập khẩu 14,4 triệu USD, gấp 1,3 lần về lượng và 2,5 lần trị giá; giấy các loại đạt 4,4 triệu USD, tăng 73,8%; sản phẩm từ sắt thép đạt 72,2 triệu USD, tăng 47,1% cùng kỳ…Nhóm mặt hàng nhập khẩu chủ yếu giảm so với cùng kỳ là: máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 44,7 triệu USD, giảm 56,7% và nhóm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc đạt 28 triệu USD, giảm 53,2% cùng kỳ.
3. Giá tiêu dùng
Tháng 10/2018 chỉ số giá tiêu dùng giảm nhẹ, giảm 0,05% so với tháng trước. Nguyên nhân giảm chủ yếu so với tháng trước là do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,83%. Tính chung bình quân 10 tháng đầu năm 2018 chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,11% so với bình quân cùng kỳ.
So với tháng trước (tháng 9/2018) có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chỉ số giá giảm, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm nhiều nhất, giảm 0,83% (chủ yếu do giá thịt lợn giảm 3,09%; giá thịt gia cầm giảm 0,75%); nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,06%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,03%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,07%. Có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng như: nhóm may mặc, giày dép và mũ nón tăng 0,28% (giá quần áo may sẵn tăng 0,35%); nhóm Nhà ở, điện nước, chất đốt và Vật liệu xây dựng tăng 0,46% (do nhóm dịch vụ nước tăng 4,99%) nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%; nhóm Giao thông tăng 1,51% (giá nhiên liệu xăng dầu Diezen tăng 3,55%). Còn lại 3/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tương đương tháng trước như nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm giáo dục và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.
So với tháng 12/2017, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,45% (trong đó, nhóm hàng hóa tăng 5,8%; nhóm dịch vụ tăng 1,69%). Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ trong rổ hàng hóa tiêu dùng có chỉ số giá tăng. Tăng nhiều nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 8,78% (do giá thịt gia súc tươi sống tăng 35,63%, thịt chế biến tăng 20,52%); nhóm giao thông tăng 7,99% (do giá xăng, dầu Diezen tăng 15,57%; giá bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 9,16%; dịch vụ khác cho phương tiện cá nhân tăng 6,9%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,83% (do giá thuê nhà ở tăng 3,16%; giá nước sinh hoạt và dịch vụ nước tăng 6,02%; giá điện và dịch vụ điện tăng 8,88%; gas tăng 9,27%), nhóm giáo dục tăng 3,24% (do giá văn phòng phẩm tăng 3,55%; nhóm dịch vụ giáo dục tăng 3,18%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,69% (do giá dịch vụ về hiếu hỷ tăng 6,62%), còn 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng trong khoảng 0,33% đến 1,25% như nhóm may mặc, giày dép và mũ nón tăng 0,33%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,65%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,07%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,25%. Còn lại 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm là nhóm thuốc và dịch vụ y tế giảm 3,07% (do dịch vụ khám sức khỏe giảm 4,34%); nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,02% (do giá thiết bị điện thoại giảm 5,52%).
So với cùng kỳ (tháng 10/2017), chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2018 tăng 4,53%. Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ trong rổ hàng hóa tiêu dùng có chỉ số giá tăng. Trong đó tăng nhiều nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 8,07% (do giá thịt gia súc tươi sống tăng 33,72%, thịt chế biến tăng 18,67%); nhóm giao thông tăng 9,38% (do giá xăng, dầu Diezen tăng 19,72%; giá bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 9,16%; dịch vụ khác cho phương tiện cá nhân tăng 6,9%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,63% (do giá nước sinh hoạt và dịch vụ nước tăng 8,38%; giá điện và dịch vụ điện tăng 6,35%), nhóm giáo dục tăng 3,26% (do giá văn phòng phẩm tăng 3,64%; nhóm dịch vụ giáo dục tăng 3,18%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,67% (do dịch vụ cá nhân tăng 5,07%); nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng nhẹ trong khoảng 0,56% đến 1,98% như nhóm may mặc, giày dép và mũ nón tăng 1,98%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,56%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,72%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,61%. Còn lại 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm là nhóm thuốc và dịch vụ y tế giảm 3,07%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,2% (do giá thiết bị điện thoại giảm 6,52%).
Chỉ số giá vàng tháng 10/2018 tăng 0,26% so với tháng trước và giảm 3,08% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân 10 tháng 2018 tăng 2,78% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá Đô la Mỹ: Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 10/2018 tăng 0,23% so tháng trước và tăng 2,71% so với cùng kỳ. Chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân 10 tháng đầu năm 2018 tăng 0,99% so với cùng kỳ.
4.Vận tải
- Vận chuyển hành khách: Số lượt hành khách vận chuyển tháng 10/2018 ước đạt 1,7 triệu lượt khách với lượng hành khách luân chuyển là 90,3 triệu hành khách.km; tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 8,1% về số hành khách vận chuyển và hành khách luân chuyển. Tính chung 10 tháng 2018 số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 16,2 triệu lượt hành khách với 891,2 triệu lượt hành khách.km; so với cùng kỳ tăng 7,7% về số hành khách vận chuyển và tăng 7% về số lượng hành khách luân chuyển.
- Vận chuyển hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 10/2018 ước đạt 3,7 triệu tấn với 154,4 triệu tấn.Km, tăng 7% so với cùng kỳ về khối lượng hàng hóa vận chuyển và tăng 7,8% về khối lượng hàng hóa luân chuyển. Tính chung 10 tháng 2018, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 32,5 triệu tấn với 1.351,3 triệu tấn.km, tăng 7,1 % về khối lượng vận chuyển và tăng 6,4 % khối lượng luân chuyển so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu vận tải trên địa bàn tháng 10/2018 đạt 370,7 tỷ đồng, tăng 6,7% so tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 61,7 tỷ đồng, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa là 291,5 tỷ đồng, tăng 10,2% cùng kỳ.
Tính chung 10 tháng 2018, tổng doanh thu vận tải trên địa bàn ước đạt 3.384,5 tỷ đồng, tăng 9% cùng kỳ (trong đó, doanh thu vận tải hành khách 612,8 tỷ đồng, tăng 9,2%, doanh thu vận tải hàng hóa 2.560,2 tỷ đồng, tăng 9% và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 211,5 tỷ đồng, tăng 8,2%).
B.MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội và thực hiện chính sách người có công.
-Công tác giảm nghèo: Các ngành chức năng đã phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2018 (từ ngày 17/10 đến 18/11/2018). Tại buổi lễ phát động Ban tổ chức đã nhận được số tiền ủng hộ trên 6,7 tỷ đồng từ các Sở, Ban, Ngành, các đoàn thể, các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ; đồng thời thực hiện phong trào thi đua“Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”tạo sự thống nhất của các cấp, ngành, các tổ chức kinh tế, doanh nhân, người lao động và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020.
- Công tác Bảo trợ xã hội: Thực hiện trợ cấp hàng tháng 36.545 đối tượng bảo trợ xã hội tại 9 huyện, thành phố, thị xã, bình quân mỗi tháng là 13,9 tỷ đồng.
- Thực hiện chính sách người có công: Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng; 100% bà mẹ Việt Nam anh hùng được phụng dưỡng; tổ chức thăm và tặng quà cho người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Thăm tặng quà người có công dịp 27/7; tổ chức đoàn đại biểu của tỉnh viếng, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ và dâng hương tại Đài tưởng niệm. Vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp. Tổ chức đưa đón 798 đối tượng Người có công đi điều dưỡng. Thực hiện thủ tục di chuyển đi, đến: 73 trường hợp; giải quyết chế độ cho 169 trường hợp thân nhân người có công từ trần hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; giải quyết trợ cấp một lần cho 221 trường hợp.
2. Lao động, việc làm
Trong 10 tháng 2018 toàn tỉnh đã tạo việc làm tăng thêm cho 15,5 nghìn người đạt 103% kế hoạch, trong đó số người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 803 người. Tổ chức 73 phiên giao dịch việc làm, trong đó 37 phiên giao dịch định kỳ, 36 phiên giao dịch việc làm lưu động; thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng của 150 lượt doanh nghiệp.
Thông báo chấp thuận cho 126 lượt đơn vị được sử dụng lao động là người nước ngoài; Cấp giấy phép lao động cho 121 lao động nước ngoài, Trong đó cấp mới 58 trường hợp và cấp lại 63 trường hợp; xác nhận 81 trường hợp không thuộc diện phải cấp giấy phép lao động.
3. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Trong Mười tháng 2018 trên địa bàn tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”, triển khai thu Quỹ Bảo trợ trẻ em cấp tỉnh tại Lễ phát động với số tiền là 350 triệu đồng; các tổ chức, đoàn thể của tỉnh đến thăm, tặng quà các trường mầm non, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6; Tổ chức khám sàng lọc 238 trẻ em bị khuyết tật hệ vận động trong toàn tỉnh và kết quả 35 em trong chỉ định phẫu thuật; tổ chức khám sàng lọc cho trên 4.100 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, nghi mắc bệnh tim bẩm sinh và có nhu cầu khám tim tại 3 địa phương là thị xã Phổ Yên, huyện Đại Từ và Định Hóa. Bên cạnh đó, ngành chức năng Tổ chức 04 lớp dạy bơi miễn phí cho 80 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của thành phố Thái Nguyên, huyện Đại Từ, huyện Định Hóa.
4. Công tác phòng chống tệ nạn
Ngành chức năng tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện. Tính đến đầu tháng 10/2018 toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện cho 1.133/1.100 người (đạt 103% kế hoạch) trong đó: Cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện của tỉnh là 274 người; cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện là 496 người; cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là 363 người.
5. Giáo dục
Ngay từ đầu năm học 2018-2019 ngành chức năng đã tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc đúng theo khung thời gian kế hoạch. Tiếp tục phát triển mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục; đổi mới quản lý trong giáo dục và kiểm tra đánh giá; đẩy mạnh công nghệ thông tin trong quản lý và trong công tác dạy và học.
Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được các cấp quan tâm, chỉ đạo nên đạt hiệu quả cao. Tính đến thời điểm 15/10/2018 toàn tỉnh có 548/675 trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 81,19% vượt 5,19% so kế hoạch (kế hoạch đề án là 76%). Trong đó, Mầm non đạt 181/229 trường đạt tỷ lệ 79,04%; Tiểu học đạt 215/224 trường, đạt tỷ lệ 95,98%; Trung học cơ sở đạt 135/190 trường (71,05%); THPT đạt 17/32 trường (53,13%).
6. Y tế
- Tình hình dịch bệnh: Công tác phòng chống dịch và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được duy trì triển khai; Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 9/2018, trên địa bàn tỉnh có 325 ca mắc bệnh Quai bị (giảm 31% so 9 tháng 2017); có 20 ca Sốt phát ban dạng sởi/rubella (cao gấp 2,8 lần so cùng kỳ); tay chân miệng là 173 ca (cùng kỳ 2017 là 100 trường hợp); Sốt xuất huyết là 31 ca (giảm nhiều so với mức 345 ca của cùng kỳ 2017); Ho gà 3 ca (giảm 62,5% cùng kỳ); Có 02 ca tử vong do bệnh dại (tương đương cùng kỳ). Tuy nhiên, tháng 10 đang là mùa của Bệnh Tay chân miêng, sốt xuất huyết nên 20 ngày đầu của tháng 10/2018 trên địa bàn toàn tỉnh đã có 60 trường hợp bị mắc bệnh Tay chân miệng, 4 trường hợp bị sốt xuất huyết... vì vậy các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền về biện pháp phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm: Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh duy trì thường xuyên công tác truyền thông, kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Trong tháng 10/2018 không có vụ ngộ độc nào xảy ra.
- Chương trình tiêm chủng mở rộng: Công tác Tiêm chủng mở rộng cơ bản an toàn. Trong 9 tháng 2018, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt 68,9% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ là 59%). Tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh tại các bệnh viện đạt 88,5%, tương đương cùng kỳ năm 2017 (89,8%). Tỷ lệ tiêm Sởi mũi 2 đạt 58,9%, Tỷ lệ tiêm DPT (ngăn ngừa Bạch Hầu Uốn ván, ho gà) mũi 4 đạt 55,8% kế hoạch năm, thấp hơn cùng kỳ năm 2017 do thiếu vắc xin trong 2-3 tháng đầu năm.
- Công tác khám chữa bệnh: Các hoạt động khám chữa bệnh, thực hiện quy chế chuyên môn tại các bệnh viện, trạm y tế được duy trì tốt, đặc biệt khám chữa bệnh đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi. Trong 10 tháng 2018, không để xảy ra sai sót lớn về chuyên môn. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân toàn tỉnh tính theo giường kế hoạch đạt 105,64%, giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ 2017 đạt mức trên 134%).Nhiều đơn vị triển khai thực hiện tốt cơ sở y tế “Xanh - Sạch - Đẹp” và thực hành 5S (Sàng lọc - sắp xếp - sạch sẽ - săn sóc - sẵn sàng) để hướng tới sự hài lòng của người bệnh và người nhà người bệnh đối với dịch vụ y tế.
Tổ chức 02 lớp tập huấn về Xây dựng quy trình chuyên môn trong KCB cho 70 học viên; Tổ chức Hội nghị chuyên đề về khám chữa bệnh BHYT đối với bệnh nhân HIV/AIDS; tổ chức lớp tập huấn về quản lý chất lượng xét nghiệm cho 30 học viên là cán bộ khoa xét nghiệm của các đơn vị.
- Chương trình phòng chống HIV/AIDS: Công tác truyền thông, về phòng chống HIV/AIDS và các hoạt động can thiệp giảm tác hại cũng như hoạt động giám sát được ngành chức năng duy trì thường xuyên, duy trì các điểm điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tính luỹ tích đến hết tháng 9/2018, tổng số người nhiễm HIV/AIDS toàn tỉnh là 9.901 người, chuyển sang giai đoạn AIDS 6.728 người và 3.455 người đã tử vong do HIV/AIDS. Riêng trong tháng 9 có 58 người nhiễm HIV/AIDS, chuyển sang giai đoạn AIDS 2 người và 5 người đã tử vong do HIV/AIDS.
- Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình: Hoạt động truyền thông về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình được quan tâm triển khai thường xuyên. Tính đến hết tháng 9 năm 2018 toàn tỉnh có 11.967 trẻ được sinh ra trong đó trẻ em nam là 6.303, trẻ em nữ là 5.664. Tỷ số giới tính khi sinh nam/nữ là 111/100 trẻ. Số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 1.116 trẻ (chiếm tỷ lệ là 9,3%; tăng hơn 156 trẻ so với cùng kỳ); trong đó, huyện Phú Bình có 253 trẻ và là huyện có con thứ 3 cao nhất so với các huyện khác; thành phố Thái Nguyên 181 trẻ; huyện Phú lương 107 trẻ; thấp nhất là huyện Định hóa có 64 trẻ là con thứ 3.
7.Hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin tuyên truyền
Trong tháng 10/2018 trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10), Ngày Khuyến học Việt Nam (02/10), ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10); chuẩn bị tham gia Hội thi “Xây dựng gia đình hạnh phúc tỉnh Thái Nguyên”. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, xây dựng nông thôn mới, hoạt động bảo tồn di sản văn hoá, thư viện, công tác gia đình… tiếp tục được triển khai thực hiện theo kế hoạch. Chuẩn bị tham gia Hội thi Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” tỉnh Thái Nguyên lần thứ II/2018; Liên hoan các mô hình, mẫu hình về văn hóa, văn nghệ. Bên cạnh đó, ngành chức năng hướng dẫn các địa phương, đơn vị chuẩn bị công tác bình xét văn hóa cấp cở sở năm 2018.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm: trong tháng đã kiểm tra 28 cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và các huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Định Hóa; kiểm tra việc thực hiện quảng cáo của 10 cơ sở. Công tác kiểm tra các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, du lịch đã chấn chỉnh kịp thời các hành vi sai phạm, góp phần tích cực đưa các cơ sở kinh doanh hoạt động theo đúng quy định.
Hoạt động bảo tàng: Hoàn thiện phương án trưng bày nội dung văn bia, hoành phi, câu đối, biển tên tại Nhà tưởng niệm Thanh niên xung phong 915 Bắc Thái. Thực hiện sưu tầm hiện vật đợt 4/2018 với chủ đề "Sưu tầm tài liệu, hiện vật về tài nguyên thiên nhiên"; sưu tầm ảnh, tư liệu phục vụ triển lãm trưng bày giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể "Múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay của tỉnh Thái Nguyên”; nghiên cứu xây dựng kế hoạch sưu tập hiện vật về Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên; phục vụ trên 500 lượt khách tham quan.
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật, phát hành phim và chiếu bóng: Tổ chức 13 buổi biểu diễn (02 buổi phục vụ nhiệm vụ chính trị; 11 buổi phục vụ đối tượng chính sách và các xã đặc biệt khó khăn). Thực hiện 100 buổi chiếu phim phục vụ các xã vùng khó khăn, đối tượng chính sách; phục vụ 6.350 lượt người xem.
Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở: Thực hiện 17 buổi tuyên truyền tại cơ sở; biên tập tài liệu về chủ đề kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Liên hoan văn hóa, văn nghệ điểm xây dựng Mô hình mẫu hình và in sao đĩa tuyên truyền gửi các huyện, thành phố, thị xã. Chuẩn bị tổ chức Liên hoan văn hóa, văn nghệ điểm xây dựng mô hình mẫu hình làng, bản văn hóa cơ sở; duy trì sinh hoạt cho các Câu Lạc Bộ theo sở thích.
Lĩnh vực thể thao: Tổ chức Hội thi Thể dục dưỡng sinh cấp tỉnh; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo 161 học sinh năng khiếu hệ nội trú, 40 học sinh bán trú. Ngành chức năng duy trì công tác quản lý, huấn luyện, kiểm tra việc tập luyện của các đội tuyển, tập trung cao huấn luyện các môn tham gia Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VIII/2018. Đạt 10 huy chương các loại (02HCV, 02 HCB, 06 HCĐ).
8.Tình hình an toàn giao thông
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Thái Nguyên, trong tháng 10/2018 trên địa bàn xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 9 người chết và 15 người bị thương. Thị xã Phổ yên có 10 vụ tại nạn giao thông, chiếm 47,6% tổng số vụ trên toàn tỉnh; thiệt hại 4 người chết, tăng 3 người so cùng kỳ (+300,0%) và 05 người bị thương (+25%); Tuy nhiên, có 03 địa phương không xảy ra vụ tại nạn giao thông nào như: huyện Phú Lương, huyện Định Hóa, huyện Võ Nhai.
Tai nạn liên quan đến ô tô là 04 vụ (19,05%), liên quan đến mô tô là 15 vụ (71,43%) và liên quan đến phương tiện khác 02 vụ (9,52%). Thiệt hại tài sản ước tính khoảng 164,2 triệu đồng.
So với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn giảm 2 vụ (-8,7%); số người chết tăng 1 người (+12,5%) và số người bị thương giảm 11 người (-42,31%). Tình hình an toàn giao thông đường sắt, đường thủy ổn định, không xảy ra tai nạn giao thông.
Trong tháng 10/2018 đã kiểm tra lập biên bản xử lý vi phạm 4.738 trường hợp; tước 315 giấy phép lái xe; tạm giữ 87 xe ô tô, 843 xe mô tô; 56 phương tiện khác. Số tiền xử phạt 3,4 tỷ đồng. Đường thủy xử lý vi phạm 4 trường hợp, tổng tiền phạt là 300 nghìn đồng.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 131 vụ tai nạn giao thông, làm chết 52 người và 104 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2017 số vụ tai nạn giảm 4 vụ (-2,96%), số người chết giảm 4 người
(-7,14%) và số người bị thương giảm 5 người (-4,59%). Trong đó, địa bàn xảy ra nhiều vụ tai nạn nhất là thành phố Thái Nguyên với 59 vụ (chiếm 45 tổng số và tăng 7 vụ so cùng kỳ), làm 13 người chết (chiếm 25% tổng số và tăng 2 người so cùng kỳ) và 50 người bị thương (chiếm 48% tổng số và tăng 3 người so cùng kỳ); thị xã Phổ Yên có 20 vụ tai nạn, làm 12 người chết và 7 người bị thương, so với cùng kỳ số vụ giảm 1, số người chết tăng 3 và số người bị thương giảm 1người.
9. Vi phạm môi trường
Trong tháng 10 năm 2018 trên địa bàn tỉnh ngành chức năng đã kiểm tra và xử lý 5 vụ vi phạm môi trường xảy ra tại thành phố Thái Nguyên, xử phạt thu nộp vào ngân sách Nhà nước 200,5 triệu đồng.
Tính chung trong 10 tháng năm 2018, các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử lý 50 vụ vi phạm môi trường; nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở sản xuất kinh doanh không thực hiện quan trắc giám sát môi trường theo đề án bảo vệ môi trường được ngành chức năng phê duyệt. Tổng số tiền thu và nộp vào ngân sách nhà nước là 481,1 triệu đồng. So với cùng kỳ, tăng 5 vụ và số tiền phạt nộp ngân sách giảm khoảng 800 triệu đồng.
Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên tháng 10 và dự ước 10 tháng năm 2018./.
Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên