(MPI) - Ngày 21/12/2018, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình giới thiệu mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Tham dự Chương trình có đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế, giới học giả, báo chí và truyền thông...
|
Toàn cảnh Chương trình. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi một cách căn bản các ngành nghề khác nhau và đặt ra bài toán cho các quốc gia trong việc thích nghi và giải quyết các ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế. Cùng lúc đó, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đem đến cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cơ hội có một không hai để vượt lên và đưa nền kinh tế theo hướng phát triển mới dựa trên khoa học công nghệ. Đảng và Nhà nước đã xác định Việt Nam cần có chiến lược để nhanh chóng nắm bắt cơ hội này và đưa đất nước lên tầm phát triển mới để bắt kịp các nước trong một số ngành hiện mình đang đi chậm hơn, đi cùng và vượt lên trong một số ngành khác mà quốc gia có lợi thế so sánh tương đối.
Phát biểu khai mạc Chương trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trên tất cả các mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội và tầm vóc được nâng cao trên trường quốc tế và trong khu vực. Tuy nhiên, nhiều thách thức cũng được đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, đó là các vấn đề về khoảng cách phát triển, thu nhập bình quân đầu người, sự thịnh vượng của một quốc gia, đói nghèo, biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế,.. Bên cạnh những thách thức chung của thế giới, Việt Nam cũng có các tác động riêng, đó là tồn tại của nền kinh tế. Do vậy, chúng ta phải vượt qua những thách thức này trong những thập niên tới để có bước phát triển nhanh, đột phá nhưng bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2026. Trong quá trình đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã bùng nổ và làm thay đổi rất nhiều từ sản xuất, chi thu đến quản trị nhà nước, mọi mặt đời sống xã hội,… Đây là một thách thức rất lớn nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam bứt phá. Trong thời gian tới, để bứt phá, ngoài các vấn đề của khu vực tư nhân, nguồn lực trong nước, các vấn đề về hội nhập thì các động lực quan trọng chính đó là đổi mới, sáng tạo và phát triển khoa học, công nghệ. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đổi mới sáng tạo sẽ là đòn bẩy và động lực để Việt Nam tăng tốc và phát triển. Cùng với đó, chúng ta cần phải có cách tiếp cận bài bản để tận dụng được tất cả các cơ hội để có thể bắt kịp được với trình độ công nghệ của thế giới.
Trên thế giới đã có nhiều bài học thành công trong việc xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo với tác động kinh tế rất lớn với việc hình thành và tập trung các công ty công nghệ tỷ đô và hàng chục ngàn việc làm chất lượng cao điển hình như Trung Quân Thôn tại Bắc Kinh, Trung Quốc; Thành phố truyền thông số tại Seoul, Hàn Quốc hay CyberSpark tại Beer Sheva, Israel chuyên về An ninh mạng.
Điểm chung của các trung tâm này là việc tập trung các thành phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong một hoặc một vài lĩnh vực được lựa chọn vào một môi trường phù hợp cho hệ sinh thái phát triển. Điều tiên quyết là các trung tâm này phải là nơi có môi trường kinh doanh rất tốt và các chính sách cạnh tranh để thu hút các công ty đến đặt trụ sở cũng như thu hút nhân tài đến làm việc. Ngoài ra, trung tâm cần là nơi để các công ty với quy mô khác nhau có thể tiếp cận các nguồn lực cần thiết cũng như tiếp cận với thị trường.
Tại Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được đặt ở Đồng bằng Sông Hồng với quy mô kinh tế hiện đang chiếm hơn một phần tư GDP của cả nước và là nơi có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực cho kinh tế Việt Nam khi đi đúng hướng. Việc xác định lĩnh vực cần tập trung để đổi mới ở Đồng bằng Sông Hồng dựa trên hai yếu tố: Nền tảng kinh tế hiện có tại Đồng bằng Sông Hồng dựa trên một số ngành có sự cạnh tranh quốc tế và áp lực cần luôn đổi mới như sản xuất điện tử, ICT, truyền thông và những xu hướng lớn ảnh hưởng đến môi trường kinh tế xã hội trong tương lai tại đây.
Theo đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia có thể lựa chọn tập trung vào 04 lĩnh vực. Thứ nhất, Trung tâm có thể là hạt nhân đổi mới cho lĩnh vực sản xuất thông minh, tập trung đưa ứng dụng nhà máy thông minh và phát triển sản phẩm cho các nhà máy tương lai với hàm lượng tự động hóa ngày càng nhiều. Thứ hai, Trung tâm có thể trở thành nơi thúc đẩy ứng dụng và phát triển sản phẩm/dịch vụ cho các thành phố thông minh với môi trường bền vững. Theo đó, các sản phẩm, dịch vụ không giới hạn ở việc quản lý đô thị, giao thông,… mà còn mở rộng ra việc phát triển và ứng dụng công nghệ môi trường với các mô hình kinh doanh sáng tạo. Thứ ba, Trung tâm cũng có thể trở thành một tụ điểm mới thúc đẩy ngành truyền thông số đặc biệt là trò chơi điện tử kĩ thuật số dựa trên thị trường nội địa có sẵn cũng như các kĩ năng liên quan như software development sẵn có. Thứ tư, Trung tâm có thể trở thành nơi phát triển các ứng dụng an ninh mạng cho cả các cơ quan chính phủ cũng như các công ty, doanh nghiệp hoặc sử dụng cho cá nhân.
Tại Chương trình, các đại biểu đã cùng thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn thiện Đề án thành lập và Phương án kiến trúc của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Đây sẽ là trung tâm đầu tiên và là một phần của mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo sẽ được thiết lập trong tương lai trên khắp cả nước. Mỗi trung tâm đổi mới sáng tạo sẽ tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể mà địa phương đặt trung tâm đó có lợi thế tương đối so với những địa điểm khác. Các trung tâm đổi mới sáng tạo này sẽ không chỉ là nơi thúc đẩy việc đưa công nghệ vào phát triển kinh tế mà còn sẽ trở thành nơi tạo ra những công nghệ mới của Việt Nam./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư