Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU đã hoàn tất việc đàm phán lại liên quan đến quá trình rà soát pháp lý. Đây là bước đột phá nhằm tiến tới chính thức ký kết và sau đó là phê chuẩn Hiệp định.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom đã chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu; sớm trình các cơ quan có thẩm quyền của hai bên để có thể tiến tới chính thức ký kết và sau đó là phê chuẩn cả hai Hiệp định.
Trước đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được Lãnh đạo Việt Nam và EU tuyên bố kết thúc đàm phán vào ngày 2/12/2015 và hai bên đã rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết. Tuy nhiên, sau đó có thay đổi liên quan đến quy trình phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU.
Theo các quy định mới của EU, tương tự như đối với các đối tác khác của EU như Nhật Bản và Singapore, EU đã đề xuất tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng (gọi là Hiệp định Bảo hộ đầu tư – IPA).
Hiệp định FTA và IPA được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam - EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.
Việt Nam và EU cũng đã thảo luận lộ trình hợp tác trong thời gian tới để có thể đảm bảo tạo điều kiện tốt nhất cho việc phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên. Trong đó, EU sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực để có thể tận dụng hiệu quả Hiệp định FTA khi được ký kết và đưa vào thực thi. Khuôn khổ hỗ trợ này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục xây dựng hệ thống pháp lý, hỗ trợ triển khai các cam kết trong Hiệp định FTA, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ,... hướng tới mục tiêu cuối cùng là tăng cường các hoạt động thương mại và đầu tư song phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.
Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn 12 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên trên 50,4 tỷ USD năm 2017. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 13,6 lần (từ 2,8 tỷ USD lên trên 38,3 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 9 lần (1,3 tỷ USD lên 12,1 tỷ USD). Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, thuỷ sản.
Bên cạnh đó, các quốc gia thuộc EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính đến năm 2017, đã có doanh nghiệp của 24/28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với khoảng 2.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 21,5 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ./.