Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/04/2019-10:05:00 AM
Phiên họp lần thứ 7 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước (Xem tin ảnh)
(MPI) - Ngày 09/4/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước do Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Môi trường Vương quốc Hà Lan Cora Van Nieuwenhuizen đồng chủ trì.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu khai mạc. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, Phiên họp lần thứ 7 được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước. Việt Nam và Vương quốc Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973, kể từ đó, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hà Lan không ngừng được củng cố, phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt hợp tác về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Lĩnh vực này càng được ưu tiên thúc đẩy từ khi Việt Nam và Hà Lan ký Thỏa thuận đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước vào tháng 10/2010.

Quản lý nước và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) là những lĩnh vực phức tạp, có tính liên vùng, liên ngành, đặc biệt đối với những vùng dễ bị tổn thương như Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng của Việt Nam. Kể từ sau phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban liên Chính phủ năm 2017 tại Vương quốc Hà Lan, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực, chủ động, sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế thực hiện các cam kết quốc tế trong triển khai các hành động ứng phó với BĐKH.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với những thách thức to lớn do BĐKH, xâm nhập mặn, sụt lún đất, nhiều khó khăn trong quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tin tưởng và hy vọng, với kinh nghiệm và thế mạnh về quy hoạch, quản lý, sử dụng tài nguyên nước và phát triển các mô hình sinh kế bền vững trong thích ứng với BĐKH, Hà Lan sẽ tiếp tục chia sẻ những bài học quý giá cho Việt Nam để xây dựng bộ máy điều phối liên ngành, liên vùng hiệu quả. Đồng thời, Hà Lan cũng có thể giúp Việt Nam xây dựng quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước và quy hoạch bảo vệ môi trường, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm thực biển và sụt lún đất, thích ứng với BĐKH tại các đô thị và phát triển năng lượng tái tạo…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị tại Phiên họp lần thứ 7 này, hai bên trao đổi, cập nhật về các chính sách triển khai Thỏa thuận Đối tác chiến lược Việt Nam - Hà Lan về thích ứng BĐKH, quản lý nước và Ý định thư giữa hai Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về hợp tác thúc đẩy và triển khai các dự án chuyển đổi có quy mô lớn nhằm mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện các nội dung hợp tác chính đã ký kết thực hiện tại Phiên họp lần trước từ đó đề xuất các hoạt động hợp tác mới, cụ thể hơn trong giai đoạn tới.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Hà Lan là đối tác quan trọng của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức về vấn đề quản lý tài nguyên nước và thích ứng với BĐKH và đây cũng chính là cơ hội hợp tác của hai quốc gia. Kể từ khi hai bên chính thức ký Thỏa thuận đối tác chiến lược, Việt Nam và Hà Lan đã trải qua một chặng đường dài để duy trì hợp tác song phương. Trong những năm gần đây, nhiều nội dung hợp tác đã được hai nước ký kết và thực hiện với sự hỗ trợ tích cực từ nhiều bộ, Viện nghiên cứu, trường Đại học và cố vấn kỹ thuật của Hà Lan.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất Hà Lan cùng hợp tác và tham gia vào chương trình Xây dựng nguồn vốn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đẩy mạnh hợp tác trong khu vực, xây dựng Trung tâm dữ liệu tích hợp, kiểm soát sụt lún đất và xói mòn, soạn thảo Chiến lược ngăn chặn nước lũ và hợp tác các chương trình chuyển đổi nông nghiệp, tất cả vì sự phát triển bền vững của khu vực châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Môi trườngVương quốc Hà Lan Cora Van Nieuwenhuizen. Ảnh: MPI

Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Môi trường Vương quốc Hà Lan Cora Van Nieuwenhuizen chia sẻ, Chính phủ Hà Lan đánh giá cao việc Việt Nam đã chú trọng đến các vấn đề về quản lý tài nguyên nước và BĐKH. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp của Hà Lan mong muốn được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, mở ra các cơ hội hợp tác kinh tế hiệu quả, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hai bên ngày càng bền vững.

Bộ trưởng Cora Van Nieuwenhuizen cho biết, Hà Lan đã nỗ lực hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực gồm: Hệ thống quản trị với các hoạt động nhằm cải thiện phương thức quản lý, lập kế hoạch tổng hợp, phối hợp các hoạt động ưu tiên và tài trợ dài hạn đối với các thách thức trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước; Kiến thức với các hoạt động về chia sẻ, trao đổi kiến thức và giúp các trường đại học cải thiện chương trình giảng dạy; các hoạt động thí điểm, thực tiễn mới bao gồm xây dựng các dự án nhỏ về quản lý tài nguyên nước có thể được nhân rộng và từ đó xây dựng các chính sách.

Cùng với đó, Hà Lan hợp tác với Việt Nam theo các phương thức hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và tư vấn chiến lược. Đây là các phương thức cung cấp các lựa chọn nhằm tăng cường các hoạt động hợp tác song phương của hai nước. Việt Nam và Hà Lan đang chịu tác động của BĐKH, đối mặt với mực nước biển dâng cao và những cơn bão mạnh hơn, gây ra xói mòn ngày càng tăng… Do vậy, đối với những thách thức này, hai bên cần liêu tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và có các giải pháp nhằm tăng khả năng phục hồi và khả năng bảo vệ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, Hà Lan là một trong những nhà tài trợ phát triển chính thức lớn nhất của EU cho Việt Nam. Chính sách tài trợ của Hà Lan đặc biệt chú trọng tới các lĩnh vực như y tế, giáo dục và đào tạo, quản lý nguồn nước và lâm nghiệp…góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam. Những năm gần đây, viện trợ phát triển cho Việt Nam chủ yếu thực hiện thông qua các chương trình toàn cầu như Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, Nâng cao năng lực giáo dục. Đây là các chương trình mang tính cạnh tranh toàn cầu và việc xem xét, lựa chọn dự án hoàn toàn phụ thuộc vào đánh giá chất lượng dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao công cụ hỗ trợ ORIO, đây thực sự là công cụ tài trợ tốt, thiết thực đem lại hiệu quả phát triển hạ tầng kinh tế cho một số địa phương của Việt Nam trong thời gian qua.

Tại Phiên họp, các đại biểu đã rà soát các nội dung triển khai thực hiện theo Thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Chính phủ hai nước và các hoạt động hợp tác trước đó trong các lĩnh vực như giáo dục đại học, tăng cường mối quan hệ thương mại, giải quyết vấn đề quan hệ giữa nông nghiệp và nước, hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh, phát triển cơ sở hạ tầng nước và các lĩnh vực khác.

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh:MPI

Kết quả của những hợp tác đã được đóng góp đáng kể vào sự thích ứng của Việt Nam đối với BĐKH và quản lý tài nguyên nước. Đồng thời, hai bên đã cùng đánh giá việc triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ Việt Nam về phát triển bền vững đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với BĐKH./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 5216
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)