Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/04/2019-10:22:00 AM
Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019: Cơ hội bứt phá cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam
(MPI) - Ngày 23/4/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019 do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - VNREA và Tạp chí Thương gia phối hợp tổ chức. Với chủ đề: “Bối cảnh mới - Chính sách mới - Cơ hội mới”, Diễn đàn đã thảo luận về những tác động của bối cảnh, chính sách đến thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam và hướng giải quyết hiệu quả để có thể tận dụng những lợi thế sẵn có, làm tiền đề bứt phá cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI

Tham dự Diễn đàn có Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phan Cao Thắng, cùng đại diện các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố; Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) các tỉnh, thành phố phía Bắc và phía Nam, các chuyên gia kinh tế, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam trong nước và Hiệp hội nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp đầu tư bất động sản nói chung và các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng KCN nói riêng và các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư trong các KCN và KKT.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam đánh giá tổng quan về triển vọng của thị trường bất động sản Việt Nam. Ông Nguyễn Trần Nam khẳng định, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển dần trở thành một trong những địa điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu, xúc tiến thành lập các KCN và vùng kinh tế trọng điểm, sự tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây và việc sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp.

Để tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng, qua đó tạo đà cho bất động sản công nghiệp bứt phá và phát triển theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới. Ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, cần tập trung vào một số vấn đề: Đổi mới tư duy, đổi mới phương thức quản lý và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng dựa trên cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế phù hợp với thực trạng Việt Nam, trọng tâm là cần tuân thủ quy luật cung cầu để thị trường điều tiết. Kế tiếp, cần đổi mới tư duy và công tác lập quy hoạch đất công nghiệp nằm trong quy hoạch tổng thể của vùng, địa phương và cả nước. Bên cạnh đó, tập trung quy hoạch các KCN và cụm công nghiệp (CCN) sạch, sinh thái, thân thiện môi trường và thu hút công nghệ cao với các mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài. Quy hoạch cần được lập đồng bộ và công bố công khai để cho các nhà đầu tư nghiên cứu, nắm bắt cơ hội và tham gia đầu tư sớm, tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào cơ sở hạ tầng, trong xu hướng phát triển không ngừng của logistics/công nghiệp, minh bạch hóa thông tin về thị trường bất động sản, với những chính sách dài hạn, ổn định và có tính đảm bảo mức độ rủi ro chính sách; tạo tâm lý yên tâm, an toàn cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Để giữ chân các nhà đầu tư trong dài hạn, Chính phủ cần quan tâm tới việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và hải quan rườm rà cũng như cải thiện sự kết nối đồng bộ giữa các lĩnh vực kinh tế, tăng tính cạnh tranh cho chi phí giao dịch qua biên giới, nghiên cứu và có ứng xử phù hợp với xu hướng áp dụng công nghiệp 4.0 trong việc phát triển thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam, quan tâm giải quyết các vấn đề về môi trường và sức ép lên hạ tầng khi phát triển bất động sản công nghiệp ở Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế Trần Quốc Trung cho biết, trước những kết quả đáng khích lệ về tình hình phát triển các KCN, KKT thời gian qua. Theo đó, đến hết năm 2018 cả nước có 326 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích hơn 95,6 nghìn ha, trong đó có 251 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 66,2 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy các KCN đi vào hoạt động đạt 73,9%, 88% KCN đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Ông Trần Quốc Trung nhấn mạnh, đi đôi với sự phát triển mạnh mẽ của các KCN, KKT là sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong các KCN, KKT, cụ thể: Tính đến hết năm 2018, doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN đạt khoảng 200,6 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 127,7 tỷ USD chiếm tỷ trọng 52,4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 85,7 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 3,3 triệu lao động.

Ông Trần Quốc Trung cũng cho biết, những chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ về phát triển KCN trong các lĩnh vực: Đầu tư, tài nguyên, thuế, tài chính đất đai, nhà ở cho công nhân, đặc biệt là khuyến khích phát triển một số mô hình mới: KCN hỗ trợ, KCN - đô thị - dịch vụ, KCN sinh thái được quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý KCN và KKT. Qua đó đã mở ra nhiều cơ hội cho phát triển, kinh doanh bất động sản công nghiệp.

Ông Quốc Trung cũng đã chỉ ra những vướng mắc còn tồn tại trong phát triển các KCN, như: Công tác bảo vệ môi trường KCN chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; vấn đề nhà ở, phúc lợi xã hội và đời sống công nhân trong KCN chưa được cải thiện rõ rệt; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn với ngành nghề thu hút đầu tư trong các KCN còn thiếu; việc huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN còn khó khăn; chính sách hiện hành còn một số điểm vướng mắc chưa thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển các KCN...

Phát biểu tại Diễn đàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, đồng Trưởng ban tổ chức Diễn đàn thì sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực (bởi các yếu tố như: chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi,...). Tuy nhiên, đóng góp của KCN, KKT vào GDP còn chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ đô thị hóa cao, nhiều KCN, KKT thiếu sự gắn kết giữa KCN, KKT và đô thị hóa, định hướng và chính sách của nhà nước đã có nhưng chưa rõ ràng và chưa đủ mạnh.

Vì vậy yêu cầu đối với phát triển bất động sản công nghiệp trong giai đoạn tới phải thay đổi từ cả định hướng chính sách của nhà nước và từ phía các nhà đầu tư, thay đổi cách tiếp cận về đầu tư bất động sản công nghiệp (hình thành các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ hay cao hơn là các thành phố công nghiệp, đô thị thông minh), thận trọng trong định hướng chính sách - Quy hoạch hệ thống bất động sản công nghiệp trên cơ sở luận chứng khoa học, tránh cảm tính (dự báo tốt thị trường, quy hoạch có hệ thống, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ, tránh đầu tư tràn lan, cắt khúc).

Đại diện địa phương đã đầu tư thành công các KCN ở miền Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy đã chia sẻ những thành công trong phát triển các KCN của tỉnh Hà Nam thời gian qua. Đồng thời khẳng định quan điểm của tỉnh Hà Nam đó là “Mở cửa chào đón nhà đầu tư” với các chính sách đầu tư thông thoáng, hấp dẫn. Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh Hà Nam đã đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch có chiều sâu, khuyến khích thu hút các dự án trọng điểm để tận dụng triệt để lợi thế của Tỉnh. Ngoài ưu thế về phát triển bất động sản khu công nghiệp, Tỉnh đã kêu gọi thành công các nhà đầu tư xây dựng các trường học, bệnh viện nhằm cung cấp các dịch vụ về y tế và nguồn nhân lực chất lượng cao cho các KCN trong Tỉnh, đồng thời nâng cao vị thế cạnh tranh của Tỉnh với các địa phương lân cận. Mặt khác Tỉnh cũng tập trung quan tâm phát triển du lịch, dịch vụ, qua đó tạo điểm nhấn mời gọi đầu tư và cơ hội quảng bá cho văn hóa tỉnh Hà Nam với bạn bè trong nước và thế giới.

Phiên thảo luận 1 với chủ đề "KCN, đô thị và dịch vụ - Cơ hội đầu tư kinh doanh và phát triển" với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia bất động sản đã thảo luận sôi nổi những kinh nghiệm thực tiễn của địa phương trong phát triển các KCN nói chung và phát triển mô hình KCN - đô thị - dịch vụ nói riêng.

Các đại biểu đều cho rằng Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ là một sự kiện khởi động, đã tạo ra bước tiến mới cho phát triển các mô hình KCN mới năng động hơn, hiệu quả hơn và toàn diện hơn, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chồng chéo vì vẫn chưa có những quy định, hướng dẫn cụ thể để các nhà đầu tư có thể triển khai Nghị định 82 vào thực tiễn. “Phân khúc thị trường bất động sản công nghiệp đang nằm trong một cơ chế bao cấp quá mạnh, phải xin phép nhiều cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, thiếu sự gắn kết với thị trường nên đã ảnh hưởng nhiều đến thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng KCN”, chuyên gia bất động sản Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Theo các đại biểu, Chính phủ cần có chính cụ thể, rõ ràng hơn để khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các khu nhà ở cho công nhân trong các KCN. Mặt khác, các nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan cùng đồng hành xây dựng các ý tưởng, dốc sức chia sẻ để giải quyết lần lượt các khó khăn, vướng mắc, tận dụng cơ hội, thu hẹp khoảng cách để tạo bước phát triển nhảy vọt.

Phiên thảo luận số 2 với chủ đề "Làm thế nào để khơi dậy làn sóng đầu tư mới vào bất động sản công nghiệp" với sự tham gia của đại diện các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước. Từ góc nhìn khách quan, các đại biểu cho biết, nhìn chung môi trường đầu tư tại Việt Nam trong thời gian gần đây đã được các tổ chức kinh tế quốc tế đánh giá cao. Song hiện tại hệ thống chính sách đầu tư của Việt Nam còn nhiều hạn chế, Việt Nam có nhiều cơ hội đầu tư nhưng tiếp nhận cơ hội còn phụ thuộc vào các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam và của chính các nhà đầu tư. Mặt khác điểm yếu của Việt Nam vẫn còn nhiều, đó là: Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, không có cảng nước sâu tại các cảng biển miền Bắc, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa nhiều, xung quanh các KCN còn thiếu các khu nhà ở cho người lao động, ít doanh nghiệp tham gia sản xuất công nghiệp phụ trợ nên các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam chủ yếu phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ các nước khác.

Các nhà đầu tư kỳ vọng thời gian tới với việc hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển bất động sản công nghiệp, các nhà đầu tư cũng sẽ mạnh dạn triển khai nhiều lĩnh vực hoạt động kinh doanh nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vệ tinh cho các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, điển hình là Tập đoàn Samsung.

Với tinh thần làm việc nhiệt tình, hiệu quả của các đại biểu và khách mời, Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019 đã đưa ra được bức tranh toàn cảnh của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam với những triển vọng tươi sáng, được cụ thể hóa bằng các chính sách ưu đãi đầu tư mới của Chính phủ. Đồng thời, các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong chính sách phát triển bất động sản công nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thu hút đầu tư. Những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu và khách mời nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển bất động sản công nghiệp là cơ sở thực tiễn quan trọng để Chính phủ và các Bộ chuyên ngành nghiên cứu, xem xét, kịp thời có những quyết sách đúng đắn, góp phần đẩy nhanh, mạnh và bền vững thị trường bất động sản công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung./.

Nguyễn Hằng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 743
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)