(MPI) - Ngày 05/5/2019, tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân kỹ thuật cao về một vấn đề rất quan trọng “Công nhân lao động kỹ thuật cao - một động lực phát triển đất nước”. Tham dự cuộc đối thoại có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và khoảng 1.000 công nhân lao động từ 7 tỉnh và thành phố thuộc các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.
|
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại đối thoại. Ảnh: chinhphu.vn |
Phấn đấu đưa Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia khởi nghiệp, năng động, sáng tạo, điểm đến tin cậy của các tập đoàn lớn, công nghệ cao
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định công nhân kỹ thuật cao là tài nguyên, là tài sản, vốn quý của dân tộc, quốc gia. Thế giới đã chuyển từ tuyển dụng dựa vào bằng cấp sang tuyển dụng nhân lực sở hữu kỹ năng cụ thể. Do vậy, công nhân kỹ thuật cao là lực lượng lao động đang có nhu cầu tăng cao, không lo bị robot thay thế. Công nhân kỹ thuật cao, tay nghề cao là cơ hội cho sự phát triển cạnh tranh khi đất nước hội nhập. Đặc biệt, công nhân kỹ thuật cao làm cho hiệu suất lao động cao, từ đó, có thu nhập cao.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là trong 17,5 triệu lao động có quan hệ lao động, trên tổng số hơn 53 triệu lao động cả nước thì có chưa đến 19% công nhân kỹ thuật cao. Việt Nam là quốc gia đang trên đà phát triển nhanh nhưng nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, đặc biệt doanh nghiệp có năng suất thấp, sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp còn hạn chế mà nguyên nhân đầu tiên là thiếu hụt công nhân kỹ thuật cao, cả về số lượng, chất lượng. Chúng ta không thể đi theo con đường lao động giá rẻ và đầu tư vốn lớn mà phải đi vào khoa học, công nghệ, năng suất, chất lượng lao động. Nếu đi theo phương thức cũ, cứ sử dụng lao động phổ thông, thu nhập thấp thì chúng ta thất bại. Nên đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trở thành nhân tố quyết định đối với sự phát triển đất nước, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Về vấn đề “ai sẽ phát triển đội ngũ công nhân kỹ thuật cao”, Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận trước hết là Chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách và nơi đào tạo, các bộ, ngành, địa phương và công đoàn cũng phải chủ động trong vấn đề này. Công nhân phải tự học tự rèn. Doanh nghiệp tạo điều kiện và quan tâm. Tất cả phải chung tay vào làm công việc quan trọng này, tránh tình trạng mỗi người một hướng.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển nhân lực, nhất là việc tập trung đào tạo, phát triển đội ngũ công nhân, lao động thực hành giỏi, tay nghề cao, với mục tiêu Việt Nam phải phấn đấu vươn lên trở thành quốc gia khởi nghiệp, năng động, sáng tạo, điểm đến tin cậy của các tập đoàn lớn, công nghệ cao. Cũng như các doanh nghiệp Việt Nam phát triển với tốc độ cao, chất lượng cao, năng suất cao từ nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương, chủ doanh nghiệp quan tâm đến 4 vấn đề thiết yếu của công nhân: lương và thu nhập, bảo đảo nhu cầu tối thiểu; nhà ở xã hội cho công nhân; môi trường làm việc, học tập; chỗ học tập và vui chơi cho con em của công nhân.
Công nhân phải có khát vọng, hoài bão, khát vọng làm thay đổi cuộc sống
Nhấn mạnh “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, Thủ tướng Chính phủ mong muốn công nhân phải tự học, tự rèn, học nữa, học mãi. Công nhân phải có khát vọng, hoài bão, khát vọng làm thay đổi cuộc sống. Đồng thời, cần vượt qua thói quen lãng phí thời gian như việc lướt web, chơi game và uống cà phê kéo dài, tránh xa tệ nạn xã hội, nhất là trong giới trẻ. Chúng ta phải dành thời gian rỗi cho việc đọc sách, trau dồi kiến thức, kỹ năng và các hoạt động có ích khác. Mỗi công nhân cần đặt ra kế hoạch cụ thể của riêng mình để phấn đấu, nhất là công nhân trẻ tuổi. Yêu cầu trước tiên đối với công nhân, đặc biệt là công nhân kỹ thuật cao, là phải có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động tốt, phải tự đào tạo, nâng cao tay nghề, tự cập nhật kiến thức. Internet và các công cụ học tập trực tuyến đã mở ra cơ hội tự học chưa từng có đối với mỗi người.
“Các bạn có tay nghề cao, có bàn tay vàng, có đầu óc sáng tạo thì mới có thể có thu nhập cao. Nếu không nâng cao trình độ thì khó có thể có thu nhập cao trong bối cảnh hội nhập hiện nay”, Thủ tướng Chính phủ nói.
Với giai cấp công nhân, cần rèn luyện bản lĩnh, giữ vững lập trường giai cấp; thể hiện trách nhiệm công dân đối với xã hội, tích cực tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, nâng cao cảnh giác, không để bị lôi kéo, dụ dỗ vào những việc làm sai trái.
Đối với công đoàn các cấp, tiếp tục đổi mới phương pháp làm việc, cách thức tiếp cận, tương tác với công nhân. Không chỉ nắm tâm tư, nguyện vọng của công nhân mà công đoàn cần quan tâm đến hoàn cảnh gia đình họ, hậu phương của người công nhân. Công nhân nước ta phần lớn xa quê, xa nhà, công đoàn cần tìm giải pháp để có thể thay thế phần nào cho gia đình của họ, để tổ chức công đoàn trở thành gia đình thứ hai của công nhân. Đối với doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, trở thành những doanh nghiệp thông minh, cơ sở sản xuất thông minh, ứng dụng công nghệ số, có chính sách đãi ngộ phù hợp để công nhân lao động kỹ thuật cao trở thành “đầu kéo phát triển” của doanh nghiệp, của địa phương, của đất nước. Đối với các bộ, ngành, địa phương, cần quan tâm đến chính sách tiền lương, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời có chính sách quan tâm đến đời sống người lao động. Chính quyền địa phương ưu tiên đầu tư cho công tác đào tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, tôn vinh, khen thưởng công nhân, lao động.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao đổi tại Đối thoại. Ảnh: MPI
|
Trao đổi với công nhân tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, "Xây dựng lực lượng lao động có trình độ cao chính là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Lực lượng lao động này là người trực tiếp tiếp cận khoa học công nghệ mới, tiến bộ của khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Hơn ai hết, những công nhân lao động kỹ thuật cao, chính là người tạo ra sáng chế, sáng kiến thuộc về lực lượng lao động có tay nghề. Chính phủ khuyến khích để doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ, nếu doanh nghiệp không đầu tư sẽ bị đào thải vì không đủ sức cạnh tranh. Đó là trách nhiệm mà doanh nghiệp phải làm và Chính phủ đồng hành cùng với doanh nghiệp. Làm sao để lực lượng công nhân lao động có điều kiện để học tập tiếp, nâng cao trình độ tiếp cận khoa học, công nghệ mới, đó cũng là chính sách của Chính phủ nhằm xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư