Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/06/2019-16:30:00 PM
Biến những ý tưởng thành hiện thực vì tương lai vùng ĐBSCL ngày càng phát triển thịnh vượng và bền vững hơn
(MPI) – Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, được tổ chức vào ngày 18/6/2019, tại thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Hội nghị nhằm tập trung đánh giá những kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, từ đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong hành động của các cấp, các ngành, địa phương và người dân.

Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành và cộng đồng các nhà tài trợ trong việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP

Ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP (Nghị quyết 120) thể hiện quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL đó là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của ĐBSCL, chú trọng bảo vệ đất nước và đặc biệt là con người…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, ngành và sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ cộng đồng quốc tế, các đối tác phát triển trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 120. Đồng thời cho biết, ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước. Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển khu vực này.

Thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững gắn với việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Hội nghị được tổ chức tại thời điểm rất có ý nghĩa và quan trọng, khi các cấp, các ngành trong cả nước đang triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra tại Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019. Trong đó, ĐBSCL đóng vai trò là vùng động lực kinh tế và phát triển nông nghiệp của cả nước. Đây là cơ hội quý báu để các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ và nhà đầu tư cùng nhau thảo luận, đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết 120, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp để phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau hai năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP, tăng trưởng của Vùng ĐBSCL đã có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư trong và ngoài nước có dấu hiệu khởi sắc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại các khó khăn, thách thức như khả năng kết nối giao thông giữa các tiểu Vùng và của Vùng với thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn hạn chế. Khả năng huy động các nguồn lực xã hội để triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng còn khiêm tốn, cơ cấu nền kinh tế còn chưa bền vững, nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của Vùng chủ yếu vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, mùa vụ. Sự gắn kết giữa sản xuất và thị trường còn yếu. Thu nhập bình quân đầu người của Vùng thấp hơn bình quân cả nước, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao so với cả nước và nguồn nhân lực có tay nghề qua đào tạo hơn bình quân cả nước. Ngoài ra, ĐBSCL vẫn là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở mọi kịch bản. Những tác động đó ngày càng rõ nét, nhất là gần đây tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, sạt lở... đã diễn ra nhanh hơn và cực đoan hơn so với dự báo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để giải quyết được các khó khăn, thách thức nêu trên đòi hỏi tiếp tục cần sự chung tay, đồng lòng, sự quyết tâm cao nhất của các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao.

Về tình hình triển khai nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao tại Nghị quyết 120/NQ-CP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương và các tổ chức quốc tế hoàn thành lựa chọn tư vấn quốc tế có kinh nghiệm để xây dựng quy hoạch Vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2020. Đồng thời, hoàn thành rà soát, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thí điểm điều phối vùng theo Quyết định 593/QĐ-TTg về ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 quy định các ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hoàn thành việc tổng hợp danh mục các dự án đầu tư liên kết vùng do các bộ, ngành, địa phương đề xuất và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Bộ đã chủ trì tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ các giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công và bổ sung thêm nguồn lực ngoài kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các địa phương trong Vùng để hỗ trợ đầu tư cho các dự án, công trình xây dựng kè sông, kè biển, chống biến đổi khí hậu, các dự án cấp bách và hiện đang tiếp tục rà soát báo cáo Chính phủ xem xét bổ sung từ nguồn dự phòng chung giai đoạn 2016-2020 khi cân đối được nguồn vốn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 120, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức lập quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp đa ngành. Quy hoạch Vùng ĐBSCL mới theo phương pháp tích hợp đa ngành sẽ tạo ra một khung chiến lược toàn diện cho Vùng ĐBSCL với tầm nhìn dài hạn, phát triển bền vững hài hòa về kinh tế, xã hội và môi trường, làm cơ sở để triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất cũng như việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở phát huy những tiềm năng, lợi thế của Vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Bộ đã lựa chọn được tư vấn nước ngoài lập quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và dự kiến trình cấp có thẩm quyền trong quý IV/2020.

Về huy động nguồn lực để triển khai thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực như: Nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế tài chính riêng (từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi...) cho Vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ đầu tư vào các chương trình, dự án liên kết vùng và giải quyết điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng, giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường, sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn... Xây dựng Chương trình tổng thể phát triển bền vững Vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, làm cơ sở để huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ song phương (Nhật Bản, Đức, Pháp, Hà Lan,…) và các tổ chức quốc tế (UNDP), các định chế tài chính quốc tế (WB, ADB,…)

Đồng thời, khuyến khích các nhà tài trợ cung cấp nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi theo phương thức hỗ trợ ngân sách có mục tiêu với một cơ chế đặc thù áp dụng riêng cho Vùng ĐBSCL trên nguyên tắc đảm bảo cân đối ngân sách, ưu tiên các dự án đầu tư liên kết của vùng, tăng tính chủ động cho các địa phương. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ thông tin, tăng cường khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai thực hiện dự án sau đăng ký. Chú trọng xúc tiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản phù hợp với thế mạnh, định hướng phát triển và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Vùng, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Chính phủ thúc đẩy, doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng và cần phải làm tốt hơn nữa trong thời gian tới thông qua những chính sách, hành động có tác động lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa đến cộng đồng, mang lại hiệu quả thực tế và đậm nét hơn.

Để đạt được yêu cầu này, chúng ta phải huy động triệt để tâm sức, trí tuệ của các nhà khoa học, các tổ chức tư vấn, phát huy vai trò của chính quyền các cấp, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò của người dân.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ phương châm hành động của Chính phủ thời gian tới là: Chính phủ thúc đẩy, doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng. Theo đó, Chính phủ thúc đẩy bằng chức năng kiến tạo, xác lập các cơ chế và chính sách để khuyến khích và thúc đẩy. Đồng thời, tiếp tục bố trí lại, bổ sung nguồn lực, trước hết là hạ tầng cứng, đào tạo nhân lực. Doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, kinh tế hộ lớn hành động bằng các dự án đầu tư cụ thể. Người dân hưởng ứng bằng tăng cường sự nhận thức, đồng thuận và tham gia cùng với Chính phủ và cộng đồng.

Về thị trường vốn phát triển ở ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đề nghị thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư, các cơ chế huy động vốn khuyến khích cho vay, giúp chuyển đổi cơ cấu nhanh chóng, tăng cường năng lực cho các thành phần kinh tế. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần xây dựng cơ chế tài chính riêng cho vùng thông qua nguồn lực ngoài nước, vốn ODA và hoàn thiện thể chế về môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư tư nhân. Quyết tâm xây dựng một chương trình trọng điểm quốc gia cho Vùng ĐBSCL để triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ tới theo hướng nghiên cứu xây dựng cơ chế ưu tiên phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương cần thúc đẩy liên kết vùng mạnh mẽ hơn trong ứng phó biến đổi khí hậu. Thành phố Hồ Chí Minh phải phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong điều phối hiệu quả các cơ chế liên kết vùng. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế thuế để khuyến khích cắt giảm phát thải khí nhà kính, qua đó, giúp huy động nguồn lực hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Đồng thời, ban hành Chỉ thị hành động nhằm thể chế hóa, thúc đẩy triển khai các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp được nêu ra tại Hội nghị.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra 4 phiên thảo luận về: Quản lý tài nguyên nước, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở Vùng ĐBSCL; Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu Vùng ĐBSCL; Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững Vùng ĐBSCL; Công tác quy hoạch, cơ chế, điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho Vùng ĐBSCL./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 5164
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)