Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/06/2019-19:26:00 PM
Việt Nam phát huy sự năng động, sáng tạo trong quá trình thực hiện EVFTA và EVIPA hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh hùng cường
(MPI)- Phát biểu tại Lễ ký kết 2 Hiệp định EVFTA và EVIPA chiều ngày 30/6/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng, khi có hiệu lực Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam và từ đây người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau. Đặc biệt doanh nghiệp EU có thể tiếp cận không chỉ thị trường gần 100 triệu người dân Việt Nam mà cả thị các nước ASEAN, CPTPP và các thị trường lớn khác ở khu vực Đông Á, góp phần tạo nên xung lực của hợp tác Đông - Tây mang đến sự phát triển thịnh vượng của 2 khu vực Á - Âu và toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ ký kết. Ảnh: MPI

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hôm nay là một ngày đặc biệt, mang ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt Nam - EU. Chúng ta vừa chính thức ký 2 Hiệp định quan trọng là Hiệp định thương mại tự do EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA, mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các bộ, ban, ngành trung ương, các cơ quan Chính phủ, cơ quan Quốc hộicác cơ quan tư pháp đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đối tác tại EU và các nước thành viên EU trong quá trình đàm phán, thống nhất nội dung và thúc đẩy để chúng ta đi đến Lễ ký kết trọng thể hôm nay. Một dấu mốc son cho quá trình dài về đàm phán và hoàn thành các thủ tục nhiều năm qua.

EU với tầm nhìn hướng Đông đã coi Việt Nam, một quốc gia đang phát triển nằm cách xa nửa vòng trái đất để làm Đối tác. Là quốc gia giàu tiềm năng phát triển năng động hàng đầu tại Đông Nam Á, thực hiện chính sách đối ngoại đa phương, đa dạng hóa quan hệ, với tầm nhìn mạnh mẽ về hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam rất vui mừng hợp tác với Liên minh Châu Âu ở phía Tây Bán cầu, một nền văn minh tiên tiến, một khối kinh tế phát triển hiện đại, hùng mạnh hàng đầu thế giới, cũng như mở rộng hợp tác song phương với 28 nước thành viên EU.

Năm 2012, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định đối tác hợp tác toàn diện PCA là khung hợp tác quan trọng về chính trị, đối ngoại và nay là ký 2 Hiệp định về thương mại EVFTA và đầu tư EVIPA, là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích.

Sự liên kết, tổng hòa các Hiệp định quan trọng này sẽ nâng cánh quan hệ Việt Nam và EU lên tầm cao mới mang tính chiến lược. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, các thách thức an ninh phi truyền thống càng lớn, thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, sự hợp tác hai bên mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tư duy mạnh mẽ, tầm nhìn chiến lược của cả Việt Nam và EU là hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau, cùng hợp tác, cùng có lợi và cùng phát triển hướng về tương lai tươi sáng, đóng góp cho sự phát triển bền vững và cho hòa bình, ổn định và phát triển.

Trong năm 2020, Việt Nam là nước Chủ tịch ASEAN, cộng đồng kinh tế có dân số gần 650 triệu người với GDP trên 3.000 tỷ USD, đứng thứ 6 toàn cầu. Kể từ ngày 14/01/2019 vừa qua, Hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” CPTPPgiữa Việt Nam với 10 nước phát triển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu có hiệu lực, tạo nên một khối kinh tế có quy mô 13% GDP toàn cầu.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc ký các Hiệp định EVFTA, EVIPA hôm nay mới là bước khởi đầu, hai bên cần nỗ lực hợp tác để quá trình triển khai hợp tác thành công. Việt Nam sẽ ban hành “Chương trình hành động quốc gia” thực hiện 2 Hiệp định với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết, triển khai sâu rộng đến các Bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân, gắn với phát huy sự năng động, sáng tạo trong quá trình thực hiện hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển giàu mạnh hùng cường.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đã khởi động đàm phán từ năm 2012, được lãnh đạo Việt Nam và EU tuyên bố kết thúc đàm phán vào ngày 02/12/2015. Hiệp định đã được hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật vào tháng 6/2017. Tuy nhiên sau đó nội bộ EU phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến phân định thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do giữa EU và từng nước thành viên. Cụ thể, theo phán quyết của Tòa án Công lý Châu Âu về Hiệp định thương mại tự do của EU với Xinh-ga-po, các nội dung về đầu tư gián tiếp của nước ngoài và bảo hộ đầu tư sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của EU và từng nước thành viên, nghĩa là phải được Nghị viện Châu Âu và Nghị viện của từng nước thành viên phê chuẩn thì mới có hiệu lực.

Trên cơ sở đó, Việt Nam và EU đã thống nhất tách Hiệp định thương mại tự do giữa hai bên thành hai Hiệp định riêng biệt. Hiệp định thương mại tự do gồm toàn bộ nội dung đã được thống nhất trước đây, trong đó phần đầu tư chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài (EVFTA). EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi Hiệp định này. Hiệp định bảo hộ đầu tư gồm các quy định về bảo hộ đầu tư của một bên trên lãnh thổ của bên kia, trong đó có quy định về giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư (IPA). Hiệp định này phải được sự phê chuẩn của Nghị viện Châu Âu và Nghị viện các nước thành viên thì mới có hiệu lực. Hiệp định sẽ thay thế các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước thành viên EU.

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính gồm: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế.

VềHiệp định EVIPA, hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc với đầu tư của nhà đầu tư của Bên kia, với một số ngoại lệ, cũng như sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng, cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự như nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba trong trường hợp bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn, ... Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh giữa một Bên và nhà đầu tư của Bên kia, hai bên thống nhất ưu tiên giải quyết tranh chấp một cách thiện chí thông qua đàm phán và hòa giải. Trong trường hợp không thể giải quyết tranh chấp thông quan tham vấn và hòa giải thì mới sử dụng đến cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định cụ thể trong Hiệp định này./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 6209
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)