Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/07/2019-18:15:00 PM
Lễ công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 10/7/2019, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Lễ công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc buổi Lễ. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển đột phá, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy các nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quyết định vào việc duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế. Nhìn nhận vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách về phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt, gần đây, Đảng ta đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về phát triển doanh nghiệp trong 3 khu vực: Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII (Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII (Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Trong thời gian tới sẽ có Nghị quyết của Bộ Chính trị về hợp tác đầu tư nước ngoài trên cơ sở Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ kiến tạo và tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong thời gian qua đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành một số chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp như: Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết số 139/NQ-CP 09/11/2018 ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp...

Việc ra đời và triển khai quyết liệt các Nghị quyết này đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, tạo ra sự khích lệ lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Giai đoạn 2016-2018 là thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của doanh nghiệp trong lịch sử, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã liên tiếp đạt mức kỷ lục, trung bình mỗi năm có gần 123 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường với số vốn đăng ký đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 49,3% về số doanh nghiệp và tăng 155,8% về số vốn so với giai đoạn 03 năm trước đó.

Trong bối cảnh lực lượng doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, cùng với định hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, yêu cầu về công khai hóa thông tin doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Đây là tiền đề để xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, lành mạnh. Việc hệ thống hóa và minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp còn phục vụ hiệu quả cho công tác hoạch định chính sách, điều hành kinh tế vĩ mô, đồng thời, phục vụ cho nhu cầu thông tin của chính doanh nghiệp khi tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Để đáp ứng yêu cầu, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức biên soạn và công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam thường niên và “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019” chính là ấn phẩm đầu tiên được công bố công khai ra toàn xã hội. Đây tiếp tục là sự khẳng định của Chính phủ, các bộ, ngành về việc xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn bằng những hành động cụ thể nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nội dung “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019” là bức tranh đầy đủ về bối cảnh, tổng quan sự phát triển của tất cả các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam: Doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong năm 2018. Cuốn sách cũng đề xuất một số giải pháp và bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam. Thông tin doanh nghiệp cũng được cung cấp và phân tích ở các góc độ khác nhau theo ngành kinh tế, theo loại hình doanh nghiệp, theo địa bàn,… Cuốn sách sẽ giúp các cơ quan hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển bền vững và hiệu quả khối doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và từng địa phương. Đồng thời, cũng sẽ là các tài liệu quan trọng cho các cơ quan nghiên cứu, tài liệu tham khảo cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong phân tích thị trường, tìm hiểu cơ hội đầu tư…

Để biên soạn cuốn sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để khai thác và sử dụng các nguồn thông tin phong phú, đầy đủ và đảm bảo độ tin cậy, gồm: Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp; Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; Cơ sở dữ liệu thuế.

Trình bày về những nội dung chính của Sách trắng doanh nghiệp 2019, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống Kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2017.

Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động bình quân trên 1 nghìn dân trong độ tuổi lao động, năm 2018, bình quân cả nước có 14,7 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên 1 nghìn dân số trong độ tuổi lao động. Có 8/63 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1 nghìn dân trong độ tuổi lao động cao hơn bình quân cả nước… 55/63 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1 nghìn dân trong độ tuổi lao động thấp hơn bình quân cả nước, trong đó 10 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1 nghìn dân trong độ tuổi lao động thấp nhất cả nước

Về doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, tổng số DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) do ngành Thống kê điều tra, cập nhật vào thời điểm 31/12/2017 trên phạm vi cả nước là 560.417 DN, tăng 11% so với thời điểm 31/12/2016. Khu vực DN nhà nước có 2.486 DN đang hoạt động có kết quả SXKD (trong đó khu vực DN 100% vốn nhà nước có 1.204), chiếm 0,4% số DN cả nước, giảm 6,6% so với cùng thời điểm năm 2016; khu vực DN ngoài nhà nước có 541.753 DN, chiếm 96,7% số DN cả nước, tăng 10,9%; khu vực FDI có 16.178 DN, chiếm 2,9% số DN cả nước, tăng 15,5%.

Về doanh thu của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, năm 2017, tổng doanh thu thuần của toàn bộ DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đạt 20,66 triệu tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2016, tăng cao hơn tốc độ tăng nguồn vốn của DN (tăng 17,5%).

Theo khu vực kinh tế: Khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ có quy mô lớn nhất về doanh thu thuần với khối lượng doanh thu thuần năm 2017 lần lượt là 10,46 triệu tỷ đồng, tăng 17,6% và 10,1 triệu tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm 2016. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt gần 113 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 0,55% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực DN, tăng 32,4% so với năm 2016.

Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực DN năm 2017 đạt 876,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016. Theo khu vực kinh tế: Năm 2017 khu vực công nghiệp và xây dựng có lợi nhuận chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ khu vực DN với 519,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 59,3% lợi nhuận của toàn bộ khu vực DN, tăng 16,4% so với năm 2016; khu vực dịch vụ tạo ra 352,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,1%, tăng 35%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tạo ra 4,96 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6%, tăng 2,9%.

Theo loại hình DN: Năm 2017 khu vực DN nhà nước tạo ra 200,9 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 22,9%, tăng 1,8% (trong đó khu vực DN 100% vốn nhà nước tạo ra 124,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,2%, tăng 10,1%). Khu vực DN ngoài nhà nước tạo ra 291,6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 33,3%, tăng 55%; khu vực DN FDI tạo ra 384,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 43,8%, tăng 17,6% so với năm 2016.

Sách trắng cũng đưa ra một số chỉ tiêu phản ánh hiệu quả của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh về Hiệu suất sử dụng lao động; Thu nhập của người lao động; Chỉ số nợ; Chỉ số quay vòng vốn; Hiệu suất sinh lợi.

Trong những năm qua, cùng với chủ trương, chính sách khuyến khích mọi loại hình doanh nghiệp cùng phát triển bình đẳng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực doanh nghiệp FDI phát triển nhanh và hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, thu hút nhiều lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước liên tục phát triển, từ chỗ chỉ chiếm tỷ lệ thấp, đến nay đã có quy mô và tỷ lệ cao nhất trong toàn bộ doanh nghiệp ở hầu hết các chỉ tiêu.

Sách trắng doanh nghiệp năm 2019 đưa ra 02 nhóm giải pháp. Đối với cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách; Tăng cường thực thi thể chế, pháp luật; Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, làm tiền đề cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn; Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp; Nhanh chóng triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua; Cần khai thác cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng chuyển dịch dòng vốn quốc tế, các hình thức đầu tư mới để tạo dựng tối đa lợi thế của Việt Nam, chủ động thu hút các nhà đầu tư nước ngoài; Các địa phương chậm phát triển doanh nghiệp, hiệu quả thấp, có số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng cao cần tìm hiểu nguyên nhân, thực trạng, đề xuất giải pháp hiệu quả để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tốt hơn.

Đối với doanh nghiệp, cần tăng cường năng lực về tài chính, nguồn nhân lực cũng như đổi mới sáng tạo là yêu cầu căn bản, sống còn đối với sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay; Chú trọng đổi mới quản trị doanh nghiệp, nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, cạnh tranh lành mạnh và phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Trong bối cảnh nền kinh tế số, với những sáng tạo mới nền tảng công nghệ tiến tiến, mỗi doanh nghiệp thay đổi một cách linh hoạt, nhanh chóng nắm bắt được những xu thế mới sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ. Ảnh: MPI

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thời nào cũng vậy, doanh nghiệp, doanh nhân luôn là lực lượng đi đầu trong việc thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là nơi sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Doanh nghiệp là khu vực quan trọng nhất, là xương sống của toàn bộ nền kinh tế, đóng góp quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế của đất nước và các địa phương. Với tầm quan trọng như vậy, trong những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp với nhiều chính sách, Nghị quyết được ban hành và đi vào cuộc sống nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và hiệu quả khu vực này. Doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phát triển nhanh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng nhanh và ổn định của nền kinh tế. Doanh nghiệp ở đây không chỉ có doanh nghiệp Nhà nước mà là doanh nghiệp của mọi thành phần kinh tế. Có thể nói khu vực doanh nghiệp đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong giai đoạn 2016-2018.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ mong muốn có bộ cơ sở dữ liệu chính xác, cập nhật kịp thời và nhất quán giữa các cơ quan với nhau trong quản lý doanh nghiệp. Thực hiện các Nghị quyết số 35, 19, 02 về hỗ trợ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng và ban hành Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019,

Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 cung cấp bức tranh khá đầy đủ, toàn diện về sự phát triển của doanh nghiệp nước ta năm 2018 và giai đoạn 2016-2018. Đây là ấn phẩm quan trọng và cần thiết giúp Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương có được thông tin phong phú với độ tin cậy cao để đánh giá sự phát triển doanh nghiệp theo ngành kinh tế, theo loại hình doanh nghiệp và theo địa phương, từ đó giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách, phát triển bền vững và hiệu quả doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và từng địa phương.

Với ý nghĩa quan trọng này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành sử dụng Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam hằng năm, trước mắt là năm 2019 là nguồn thông tin chủ yếu phục vụ cho việc hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách, phát triển doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách để phát triển doanh nghiệp bền vững với mục tiêu trước mắt là đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật để phục vụ phát triển doanh nghiệp. Tại Kỳ họp Quốc hội sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư; Luật PPP; Luật chứng khoán và nhiều văn bản pháp luật khác như Nghị quyết của Quốc hội về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành đánh giá đúng thực chất những điểm mạnh, điểm yếu trong phát triển doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách, đề xuất các giải pháp, chính sách, chiến lược phát triển doanh nghiệp hiệu quả và bền vững. Các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin phục vụ biên soạn và hoàn thiện Sách trắng doanh nghiệp hằng năm.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu sử dụng Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam hằng năm là nguồn thông tin chủ yếu phục vụ cho việc hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Nghiêm túc đánh giá đúng thực chất những điểm mạnh, điểm yếu trong phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, đề xuất các giải pháp, chính sách, chiến lược phát triển doanh nghiệp của địa phương hiệu quả và bền vững.

Toàn cảnh Lễ công bố. Ảnh: MPI
Đặc biệt, đối với những địa phương có thứ hạng thấp trong phát triển doanh nghiệp hằng năm (thông qua bảng xếp hạng các chỉ tiêu cơ bản về phát triển doanh nghiệp trong Sách trắng doanh nghiệp hàng năm) cần nghiêm túc kiểm điểm, tìm ra các nguyên nhân, đồng thời đề xuất các chính sách, giải pháp, kế hoạch nhằm hỗ trợ thực chất doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn hiệu quả hơn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ sử dụng kết quả xếp hạng phát triển doanh nghiệp các địa phương trong Sách trắng doanh nghiệp hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố để đánh giá hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các địa phương.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến và hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam hằng năm. Đảm bảo Sách trắng doanh nghiệp hàng năm ngày càng phong phú, có chất lượng, đáng tin cậy giúp Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, người dùng tin trong nước và quốc tế có thông tin tốt nhất để hoạch định chính sách phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương hiệu quả và bền vững. Đồng thời, không ngừng hoàn thiện bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương trong biên soạn Sách trắng. Nâng cao chất lượng công tác thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu, biên soạn Sách trắng doanh nghiệp hằng năm kịp thời hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu cung cấp thông tin của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, người dùng tin trong nước và quốc tế.
Các cơ quan thông tin, truyền thông, các biên tập viên, phóng viên sử dụng thông tin trong Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam tích cực tuyên truyền cho công tác phát triển doanh nghiệp của Đảng, Nhà nước. Kịp thời phát hiện, tuyên truyền những điểm sáng, tích cực trong phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương nhằm tạo sự lan tỏa.
Kết thúc buổi Lễ công bố đã diễn ra họp báo. Tại họp báo, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng và Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đã trả lời những vấn đề được các nhà báo quan tâm liên quan đến một số nội dung của Sách trắng doanh nghiệp 2019 và một số vấn đề liên quan đến hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 74644
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)