(MPI) - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia diễn ra sáng ngày 07/8/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ luôn đồng hành và mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư và các tầng lớp hãy nỗ lực, cố gắng hơn nữa, chủ động tham gia, tích cực thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để tăng năng suất lao động (NSLĐ), kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, cùng nhau tạo nên một cuộc bứt phá mới trong NSLĐ để đưa đất nước Việt Nam vượt lên, phát triển nhanh và bền vững.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra lời giải cho bài toán NSLĐ hiện nay và mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư và các tầng lớp kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, cùng nhau tạo nên một cuộc bứt phá mới trong NSLĐ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lời của GS. Michael Porter, cha đẻ của lý thuyết năng lực cạnh tranh quốc gia, nêu rõ “chúng ta phải hiểu đầy đủ rằng năng suất sử dụng các nguồn lực bao gồm vốn, lao động, đất đai và các tài nguyên khác, trong đó đặc biệt là LSLĐ đóng vai trò trung tâm, vì đây là thước đo chính xác nhất và có ý nghĩa duy nhất cho năng lực cạnh tranh, mặt khác đây là nhân tố quyết định sự thịnh vượng của các quốc gia”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chỉ số NSLĐ tại Việt Nam chưa cao do xuất phát điểm thấp nhưng “tiềm lực trong mỗi người dân chúng ta rất lớn”. Điều này thể hiện mức tăng NSLĐ của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước ASEAN cũng như nhiều nước trên thế giới. Cụ thể, năm 2018, tốc độ tăng NSLĐ khoảng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng 5,8%, cao hơn mức tăng 4,3% của giai đoạn 2011 - 2015. Nếu chúng ta có thể tăng NSLĐ lên gấp đôi thì khoảng cách về NSLĐ thì thu nhập và mức sống của người dân Việt Nam so với các nước sẽ được rút ngắn hơn nữa. Nhiệm vụ này không phải không khả thi nếu chúng ta so sánh tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam với các nước trong những năm qua.
Theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế cho thấy chỉ số của Việt Nam đều được cải thiện qua các năm. Điển hình như đánh giá của IMF về tăng trưởng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam từ sau đổi mới đến nay cho thấy tăng trưởng TFP từ năm 2013 đến nay đã tăng lên đáng kể, đạt mức tăng bình quân 1,7%. Trong 5 năm qua, tăng trưởng TFP luôn đạt mức trên 1,5%, mức khá cao kể từ sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Các phân tích hồi quy cho thấy, động lực chính của tăng trưởng TFP đi cùng với sự gia tăng dòng vốn FDI, giảm lao động làm việc trong nông nghiệp và tăng cường đầu tư của khu vực tư nhân trong nước. Những cải cách theo hướng này trong giai đoạn tới sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng TFP mạnh mẽ hơn nữa.
Với các động lực đang cải cách đó, tăng trưởng TFP giai đoạn 2018-2023 kỳ vọng đạt mức bình quân từ 1,8% trở lên, cao hơn nhiều so với bất kỳ giai đoạn tăng trưởng kinh tế nào của Việt Nam kể từ sau đổi mới (năm 1986).
Theo công bố bởi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam được liên tục tăng lên trong 5 năm qua, trong đó có một số chỉ số tăng như năng lực nghiên cứu và chất lượng vốn con người; độ tinh thông của khu vực doanh nghiệp; đầu ra công nghệ và trí thức; đầu ra sáng tạo; sự sáng tạo về tri thức; độ tinh thông về thị trường...
Tuy nhiên, hiện còn nhiều điểm nghẽn khiến cho năng suất nói chung và NSLĐ nói riêng của Việt Nam chưa cao, trước hết là điểm nghẽn về thể chế kinh tế. Đó là chính sách về quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, thị trường lao động, tính cạnh tranh còn thấp, tiền lương chưa được vận hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường…
Bên cạnh đó, trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ năng cao, đặc biệt là nhân lực những ngành mới, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số. Nút thắt về cơ sở hạ tầng, đất đai, tài chính…còn lớn khiến cho các nguồn lực này chưa được giải phóng và phát huy giá trị tốt nhất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nền tảng và năng lực khoa học, công nghệ của Việt Nam chưa cao, đặc biệt là ở phương diện đầu tư và ứng dụng công nghệ. Động cơ đổi mới sáng tạo còn thiếu và yếu, người dân và doanh nghiệp cũng như các cơ quan, tổ chức cả khu vực công và khu vực tư còn thiếu sáng tạo.
Từ những phân tích trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu các định hướng lớn để thúc đẩy tăng NSLĐ. Theo đó, trước hết phải cải cách thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để khắc phục “nút thắt” ở trên. Nâng cao năng lực quản trị Nhà nước, năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, xây dựng chính sách để mọi lao động được trao cơ hội, qua đó có thể phát huy tối đa năng lực của mình, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của nền kinh tế và xã hội.
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ lao động giản đơn sang lao động có kỹ năng, từ lao động có giá trị gia tăng thấp sang lao động có giá trị gia tăng cao hơn. Ngoài ra, cải cách khu vực tài chính ngân hàng để đảm bảo dòng vốn chảy vào khu vực có năng suất cao nhất, trong đó ưu tiên nguồn vốn cho các lĩnh vực có năng suất cao hơn.
Cần cải cách mạnh mẽ và nhanh hơn nữa khu vực doanh nghiệp Nhà nước để khơi thông và giải phóng các nguồn lực cho phát triển, thúc đẩy, hỗ trợ khu vực tư nhân và các khu vực khác như hợp tác xã trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đặc biệt là khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo.
Tiếp tục thu hút FDI một cách có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng nguồn lực chất lượng cao để cùng với khu vực kinh tế trong nước nâng cấp nền sản xuất, tăng năng suất chung của nền kinh tế. Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI, Chính phủ đã thông qua Đề án "Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030". Đề án đã được trình Bộ Chính trị và sắp tới sẽ có Nghị quyết về lĩnh vực này.
Tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tham gia vào các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế, các chuỗi giá trị toàn cầu, biến các dòng chảy đó trở thành lực đẩy cho các cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: MPI
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu sáu nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện NSLĐ ở Việt Nam. Thứ nhất, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa các nền tảng về thể chế để mọi nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực, có thể được huy động, phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Thứ hai, tập trung cải thiện tính hiệu quả của thị trường lao động cả ở phía cung (phía người lao động) lẫn phía cầu (phía doanh nghiệp) của thị trường lao động, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có thể tham gia thị trường lao động với một chi phí giao dịch thấp nhất trong tìm được việc làm hay lao động tốt nhất theo nguyện vọng, qua đó phát huy được tối đa năng lực và yêu cầu của mình.
Thứ ba, thiết lập một cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút những người tài năng, các chuyên gia giỏi, các nhà quản lý xuất sắc đến với Việt Nam, đặc biệt là người Việt Nam nói chung, các tài năng Việt Nam đang ở nước ngoài nói riêng, trong đó có du học sinh của Việt Nam. Người tài bao giờ cũng giải quyết được nhiều vấn đề trong xã hội, trong đó giải quyết vấn đề năng suất rất là căn bản, những sáng kiến, những cách làm mới để thu hút sự phát triển năng lực NSLĐ.
Thứ tư, xây dựng cơ chế cán bộ mở trong các cơ quan Nhà nước để thu hút người giỏi vào bộ máy Nhà nước, đồng thời tạo dựng môi trường làm việc cùng với cơ chế cạnh tranh để chọn lọc và thúc đẩy những người tài năng.
Thứ năm, NSLĐ có tương quan chặt chẽ với trình độ giáo dục, năng lực, kỹ năng và chuyên môn của người lao động. Vì vậy, giáo dục cho người dân, mở rộng độ bao phủ, phổ cập và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có định hướng ưu tiên đào tạo các tài năng cá biệt và các kỹ năng mới nổi sẽ luôn là quốc sách hàng đầu đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển.
Thứ sáu, lao động phải được trang bị vốn và công nghệ mới có thể phát huy được năng lực, do đó, đầu tư vào ứng dụng khoa học công nghệ cũng là một chính sách đặc biệt ưu tiên của Chính phủ. Hai chiến lược đào tạo kỹ năng chuyên môn cho lao động và đầu tư cho công nghệ cần phải tương thích với nhau để bảo đảm tương thích và hiệu quả tốt nhất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình để đưa NSLĐ Việt Nam phát triển cao hơn. Đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thể chế hóa nội dung Hội nghị, đề xuất Thủ tướng ban hành một văn bản, tạo cơ sở pháp luật để triển khai ở các bộ, ngành.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào “Năng suất lao động quốc gia”. Đây là nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò tiên phong, chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà khoa học, nhà quản lý, trong đó cần tập trung vào nguồn lực con người và ứng dụng khoa học công nghệ. Cần huy động, kết nối nguồn lực trong và ngoài nước trên nền tảng giá trị văn hóa con người Việt Nam, gắn với trí thức và công nghệ để không chỉ thúc đẩy và đưa giá trị của Việt Nam ra toàn cầu mà còn tạo ra sự đoàn kết, đồng lòng, củng cố niềm tin cho Nhân dân, thúc đẩy tinh thần tự hào và khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam. Phát huy kết quả đạt được với nhiều tiềm năng là lợi thế để nâng cao NSLĐ, năng lực cạnh tranh.
“Chúng ta tin tưởng rằng, với bản lĩnh và trí tuệ, Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra để đưa đất nước ta vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư