Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/08/2019-11:44:00 AM
Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng miền núi phía Bắc
(MPI) – Triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, ngày 08/8/2019, tại tỉnh Tuyên Quang, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng miền núi phía Bắc.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung và đại diện Ủy ban của Quốc Hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Lãnh đạo đại diện các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và 14 địa phương khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, vùng trung du và miền núi phía Bắc là Vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh cực Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới giáp với Trung Quốc và Lào có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới, giữ ổn định chính trị, yên lòng dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, bảo vệ và phát triển rừng bảo đảm môi trường sinh thái cho phát triển bền vững, điều tiết nước sản xuất, thị trường tiêu thụ hàng hóa cho Hà Nội và các tỉnh dưới xuôi.

Nhận thức đúng đắn được vị trí và vai trò của vùng trung du và miền núi phía Bắc, Hội nghị nhằm trao đổi, thảo luận, đánh giá các vấn đề trọng tâm về kinh tế - xã hội và đầu tư của 14 địa phương thuộc Vùng trong thời gian qua, từ đó đề ra các phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 6 tháng đầu năm 2019 và ước thực hiện cả năm, trong đó tập trung vào những vấn đề khó khăn, vướng mắc và những vấn đề tồn tại, hạn chế trong việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2019; Dự kiến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020, trong đó nhấn mạnh các định hướng trọng tâm, các giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ tỉnh giai đoạn 2016 – 2020; Nêu bật các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến từng lĩnh vực của ngành như: quy hoạch, đầu tư, đấu thầu, phát triển doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, vốn ODA, phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hợp tác xã… kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy kinh tế và triển khai kế hoạch đầu tư công trong những tháng cuối năm 2019; Chia sẻ những cách làm mới, những việc làm hay, hiệu quả đã triển khai thành công tại địa phương trong thời gian qua.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, năm 2020 là năm bản lề quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2010 - 2020. Do vậy, Thứ trưởng mong muốn các đại biểu trao đổi, cùng bàn bạc phương hướng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch năm 2020 và kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ tỉnh đã đề ra, góp phần thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2010 - 2020 của Đại hội Đảng toàn quốc.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư phát triển năm 2019, dự kiến năm 2020 vùng trung du và miền núi phía Bắc, dự kiến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019 của các tỉnh trong Vùng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,5%; các chỉ tiêu về thu, chi ngân sách, tổng mức lưu chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư, số lượng khách du lịch... tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ; Môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được cải thiện, các cấp ngành và địa phương quan tâm đến công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Các tỉnh trong Vùng đã chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước để đảm bảo huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Công tác cải cách hành chính đạt được kết quả tích cực. Công tác an sinh và phúc lợi xã hội đạt kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định, tình hình trật tự giao thông cơ bản đảm bảo.

Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 7 tháng đầu năm và ước thực hiện 2019, các địa phương trong Vùng đã nghiêm túc triển khai công tác điều hành, chỉ đạo thúc đẩy giải ngân, ban hành các văn bản điều hành, phân công trách nhiệm cho Lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các cấp, các chủ đầu tư trong việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2019 được giao.

Tỷ lệ giải ngân năm 2019 của các tỉnh trong Vùng mặc dù cao hơn cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn ở mức thấp, đặc biệt đối với 3 nguồn vốn: Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA và vốn trái phiếu Chính phủ, trong đó vướng mắc nhiều nhất là ở khâu lập và giao kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với vốn ODA là khâu thực hiện trình tự, thủ tục kéo dài hiệp định, điều chỉnh vốn, ký kết thỏa thuận vay lại vốn ODA; đối với vốn trái phiếu Chính phủ là triển khai thực hiện giải ngân số vốn còn lại của kế hoạch 2018.

Theo Báo cáo, cơ bản các địa phương trong vùng đã bám sát theo quy định bố trí nguồn vốn năm 2020 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Về nhu cầu vốn trong kế hoạch năm 2020 tăng cao do đây là năm cuối của kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, do đó, các địa phương trong Vùng đề nghị bố trí đủ số vốn còn lại trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đáp ứng nhu cầu vốn để hoàn thành các dự án, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương giai đoạn 2016 - 2020.

Về nhu cầu vốn ODA, các địa phương đều có nhu cầu bổ sung vốn ODA cho các dự án hoàn thành và chuyển tiếp, các dự án đã ký hiệp định nhưng chưa được giao vốn trung hạn và các dự án đang hoàn thiện thủ tục ký hiệp định dự án.

Việc cân đối kế hoạch vốn năm 2020 đảm bảo thứ tự ưu tiên theo quy định tại Luật đầu tư công và Quyết định 40/2015/QĐ-TTg. Theo đó, các dự án, công trình trọng điểm được tập trung bố trí vốn đầu tư, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp, dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Các địa phương thường xuyên tổ chức giám sát, đánh giá dự án đầu tư, đôn đốc các chủ đầu tư giải ngân đúng tiến độ, phù hợp với kế hoạch vốn giao không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, một số địa phương trong vùng trung du và miền núi phía Bắc đã tích cực, chủ động cân đối bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đẩy nhanh một số dự án Trung ương hỗ trợ đầu tư trên địa bàn.

Trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công; chủ động hướng dẫn và báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển dịch trong nội ngành, xây dựng các sản phẩm chủ lực; phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, hiệu quả và sức cạnh tranh cao hơn. Tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh các dự án đầu tư xây dựng của nhà nước; tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý ngân sách nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện báo cáo đầu tư công năm 2020 và cập nhật lên Hệ thống. Hoàn tất các thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới, dự án chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch để có căn cứ bố trí kế hoạch 2020 đúng quy định.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch vốn cho công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để trình cấp có thẩm quyền quyết định bố trí kế hoạch vốn lập quy hoạch theo quy định của Luật quy hoạch, Luật đầu tư công và Luật ngân sách nhà nước.

Căn cứ Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29/7/2019, bố trí đủ vốn chuẩn bị đầu tư từ kế hoạch năm 2020 và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 để tổ chức lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đầu tư khởi công mới giai đoạn 2021 - 2025, vốn để lập, thẩm định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch; Rà soát danh mục dự án đầu tư công giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025..../.

Vùng trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, có tổng diện tích 95,2 nghìn km2 và dân số 11,98 triệu người, chiếm 28,75% diện tích tự nhiên và 12,9% dân số cả nước (diện tích lớn thứ 2 sau Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, dân số thấp đứng thứ 2 trên Vùng Tây Nguyên).

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 7214
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)