(MPI) – Ngày 12/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.
Mục tiêu của Đề án nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.
Quan điểm của Đề án là ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới, không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ do kinh tế chia sẻ không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế.
Quản lý nhà nước cần đảm bảo cho các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển trong đó có các hoạt động kinh tế chia sẻ, thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, địa phương và người dân về mô hình kinh tế chia sẻ.
Tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài theo hướng tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh. Nhà nước khuyến khích, ưu tiên tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cung cấp nền tảng; đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
Thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ. Nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đáp ứng yêu cầu quản lý và thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Khuyến khích các mô hình kinh tế chia sẻ trên cơ sở phù hợp với lợi ích và trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Tại Quyết định, Đề án đưa ra 4 nhóm giải pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trong đó, nhóm các giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ trong kinh tế chia sẻ nhằm nâng cao năng lực để hiểu rõ trách nhiệm cá nhân và doanh nghiệp về khai báo thông tin liên quan đến các hoạt động của kinh tế chia sẻ cho các cơ quan quản lý Nhà nước, bao gồm các thông tin hoạt động, nghĩa vụ thuế và các quy định quản lý chuyên ngành. Xây dựng cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ bao gồm cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ. Giải quyết vấn đề nảy sinh trong kinh tế chia sẻ như vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội; tạo thị trường cho mọi công dân tham gia vào các hoạt động kinh doanh chia sẻ (bao gồm cả không gian, hàng hóa và kỹ năng)…
Nhóm giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ trong kinh tế chia sẻ nhằm nâng cao năng lực hiểu biết và sử dụng dịch vụ kinh tế số, pháp luật về hợp đồng số cho người sử dụng dịch vụ, đảm bảo an toàn lao động và an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử. Các bộ, ngành tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau trong công tác điều hành quản lý nhà nước, đồng thời xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các bộ, ngành với chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề. Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ bao gồm cả cơ chế bảo vệ người tiêu dùng.
Nhóm giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp cung cấp nền tảng trong kinh tế chia sẻ tiếp tục cải thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi và ổn định cho doanh nghiệp nền tảng đổi mới sáng tạo, tiếp cận tài chính, khuyến khích cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động R&D. Tăng cường sự gắn kết giữa doanh nghiệp đổi mới sáng tạo với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học để nâng cao đóng góp của các trường đại học, cơ sở nghiên cứu nhà nước đối với hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cung cấp nền tảng.
Nhóm giải pháp đối với Nhà nước nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái cho kinh doanh, đầu tư theo mô hình kinh tế chia sẻ nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống, rà soát bãi bỏ các quy định điều kiện kinh doanh không phù hợp đối với lĩnh vực kinh doanh truyền thống và áp dụng chung cho kinh tế chia sẻ. Xây dựng các chính sách tạo chủ động phát triển kinh tế chia sẻ, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp. Khuyến khích đổi mới và phát triển công nghệ, ưu tiên nghiên cứu phát triển các nền tảng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế chia sẻ… Đồng thời, đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế, các bộ, ngành tăng cường phối hợp với nhau trong công tác điều hành quản lý nhà nước, đẩy nhanh thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử. Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa chính quyền các cấp và các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, các hộ kinh doanh…
Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối điều phối theo dõi và phối hợp với các bộ, ngành trong việc sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung hệ thống pháp luật và chính sách hiện hành cho phù hợp với yêu cầu quản lý các hoạt động của kinh tế chia sẻ. Đồng thời, phối hợp với các bộ chuyên ngành rà soát, các điều kiện kinh doanh theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện để các loại hình kinh doanh truyền thống và kinh tế chia sẻ hoạt động bình đẳng. Xây dựng báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế. Thành lập Tổ công tác liên ngành để tập hợp và đề xuất giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực hiện các hoạt động kinh tế chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, ngành thực hiện rà soát trong chức năng quản lý nhà nước của bộ, ngành mình để xác định các vấn đề liên quan đến kinh tế chia sẻ, xây dựng đề án, quy chế phối hợp quản lý kinh tế chia sẻ và đề xuất chính sách sửa đổi, bổ sung phù hợp... UBND tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ rà soát các hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ trên địa bàn, thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý đã được quy định…
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư