(MPI) – Với mục tiêu luôn luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới, chủ động, sáng tạo hơn nữa, tăng cường trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, dám nghĩ, dám làm, không lùi bước trước những khó khăn, thách thức. Ngày 30/7/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BKHĐT về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Kế hoạch và Đầu tư trong các tháng cuối năm 2019.
Chỉ thị nêu rõ, toàn Ngành tiếp tục quán triệt tư tưởng, bám sát phương châm hành động của Chính phủ năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, tập trung bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong 6 tháng cuối năm 2019. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ trên cơ sở các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội đối với phát triển kinh tế - xã hội cũng như Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả 06 nhóm giải pháp tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng năm 2019 tại Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 10/4/2019, luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, thường xuyên theo dõi, linh hoạt ứng phó phù hợp diễn biến tình hình, nỗ lực phấn đấu tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, nhất là vấn đề tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, bảo đảm những cân đối lớn.
Chủ động, tích cực phân tích các chính sách vĩ mô như tài khóa, tiền tệ, thương mại, các cân đối lớn của nền kinh tế để nhận diện rõ thời cơ, thách thức, đưa ra được những dự báo, cảnh báo và kịp thời xây dựng các kịch bản tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và khơi thông động lực tăng trưởng.
Tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, các văn bản pháp luật, các mô hình phát triển, xác định đây là nhiệm vụ, chức năng bao trùm, trung tâm để kiến tạo phát triển. Đặc biệt, cần xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển các mô hình kinh tế mới, phương thức kinh doanh mới nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.
Tập trung nguồn lực để sớm hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, tổ chức hội nghị, hội thảo về các nội dung hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, cơ chế và mạng lưới kết nối giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia với các trung tâm đổi mới sáng tạo của địa phương.
Tiếp tục tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Ban Bí thư. Kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cả về đạo đức, phẩm chất, trình độ. Tăng cường thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đấu tranh phòng chống tham nhũng trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê.
Cụ thể, các đơn vị trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ, chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan, khẩn trương hoàn thiện dự án Luật đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp trên cơ sở bám sát Đề án, Nghị quyết sắp tới của Bộ Chính trị.
Đồng thời, tập trung mọi nguồn lực triển khai công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung, thay thế các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, trình Chính phủ xem xét, ban hành kịp thời với tiến độ triển khai Luật đầu tư công (sửa đổi) và Triển khai ngay công tác phổ biến Luật cho tất cả các địa phương.
Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Nghị định của Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô, trong đó có các chính sách ưu tiên đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội trọng điểm của vùng Thủ đô; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 118/2015/NĐ-CP để bổ sung 4 ngành, nghề: “Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa, đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, đầu tư kinh doanh khu làm việc chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo”; Nghị định hướng dẫn thực thi Điều ước quốc tế về đấu thầu.
Theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế vĩ mô, những biến động của các ngành, lĩnh vực phụ trách; báo cáo những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện; phối hợp hiệu quả trong tham mưu, đề xuất kịp thời các giải pháp, kịch bản tăng trưởng, lạm phát, báo cáo cân đối lớn, nhất là về đầu tư và ứng phó hiệu quả đối với diễn biến tình hình trong nước, quốc tế để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8% và kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân dưới 4%.
Tại Chỉ thị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu khẩn trương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 để trình Hội nghị Trung ương XI và Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Tiếp tục đổi mới trong công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức làm việc với các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm, hiệu quả, rút ngắn thời gian như đã làm trong 2 kỳ kế hoạch vừa qua. Cần quan tâm, chú trọng hơn nữa đến phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Chỉ thị cũng đưa ra những lưu ý trong việc thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài như công tác chuẩn bị tiếp nhận đầu tư, cần chủ động chuẩn bị cơ sở hạ tầng và các yếu tố đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh; đào tạo nguồn nhân lực cho phù hợp với định hướng của địa phương. Thu hút, xúc tiến đầu tư phải chọn lọc, kiên quyết từ chối các dự án công nghệ thấp, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, những dự án có dấu hiệu núp bóng đầu tư để lẩn tránh xuất xứ, gian lận thương mại. Những địa phương khó khăn vẫn có thể thu hút dự án thâm dụng lao động nhưng phải bảo đảm các yếu tố về công nghệ, môi trường và tiết kiệm năng lượng; thận trọng trong việc đưa ra các cam kết, ưu đãi; chú ý khâu thẩm tra, chấp thuận đầu tư, xem xét kỹ các yếu tố công nghệ, môi trường, quốc phòng an ninh, đặc biệt lưu ý phải sử dụng tiết kiệm nguồn lực đất đai. Cần tăng cường quản lý, giám sát, hỗ trợ đầu tư, cải thiện và đơn giản hóa thủ tục đầu tư, bảo đảm sự liên thông và tổ chức thực thi hiệu quả của các cơ quan chuyên môn tại địa phương. Kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”; kiểm soát, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, nâng khống giá trị máy móc thiết bị; đẩy mạnh kiểm toán tổng mức đầu tư, định giá tài sản hình thành sau đầu tư, giám định độc lập về giá, chất lượng máy móc, thiết bị, thẩm định giá công nghệ; ngăn ngừa, xử lý các vi phạm về môi trường …
Khẩn trương nghiên cứu, tham mưu các giải pháp đối với các cấp có thẩm quyền để giải quyết sớm vấn đề, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA, tạo chuyển biến căn bản từ nay đến cuối năm về giao vốn cũng như giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 09/CT-TTg và những chỉ đạo về các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.
Nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện dự thảo quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, chủ động trong công tác xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 29/7/2019 về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tổng hợp nhu cầu đầu tư công phù hợp với những định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, phù hợp với Đề án cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tập trung xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật quy hoạch, để sớm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai thực hiện Luật quy hoạch; Hướng dẫn tổ chức thực hiện lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030; Khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 878/QĐ-TTg ngày 15/7/2019 về thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tổng hợp đầy đủ kết quả nghiên cứu khảo sát các vùng miền của đất nước, các tỉnh, thành phố, các địa phương, chắt lọc ra những định hướng, giải pháp có chất lượng và sớm hoàn thành dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đạt chất lượng tốt nhất./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư