Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/08/2019-15:59:00 PM
Kiến tạo những bước đột phá trong cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển kinh tế, liên kết vùng
(MPI) – Phát biểu tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long năm 2019 diễn ra ngày 15/8/2019, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống nhấn mạnh, cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục phát huy vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển kinh tế, liên kết vùng. Đồng thời, sẽ cùng các bộ, ngành hỗ trợ, phối hợp với Vĩnh Long để Tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Võ Thành Thống, Hội thảo Xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long năm 2019 với chủ đề Hợp tác phát triển bền vững được tổ chức vào thời điểm hết sức quan trọng trong bổi cảnh cả nước đang nỗ lực, triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

Tham dự Hội thảo có khoảng 350 đại biểu, bao gồm lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, các tổ chức, hiệp hội ngành nghề, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước...

Hội thảo nhằm mục đích tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư và các chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư của tỉnh nhằm thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư để khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đồng thời cũng là dịp để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận các dự án trọng điểm mời gọi đầu tư của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Thứ trưởng Võ Thành Thống phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Thứ trưởng Võ Thành Thống cho biết, Vĩnh Long là tỉnh đứng đầu cả nước về Chỉ số công khai Ngân sách cấp tỉnh năm 2018 và luôn nằm trong top đầu về Chỉ số năng lực cạnh trạnh PCI của cả nước (đứng thứ 8/63 tỉnh thành). Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI có vị trí ổn định (21/63 tỉnh, thành phố). Đây là kết quả của việc liên tục có những đột phá mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch hoạt động điều hành của Vĩnh Long. Qua đó đã tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả về quy mô, chất lượng và tốc độ tăng trưởng.

Vĩnh Long đang phấn đấu trở thành địa phương có trình độ phát triển trung bình trong cả nước cũng như từng bước tiến tới cân đối Ngân sách Nhà nước. Vĩnh Long hội tụ một số điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý chiến lược thuộc tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long. Môi trường kinh doanh ổn định, điều kiện tự nhiên thuận lợi, diện tích cây ăn trái lớn (thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 4 cả nước), có tiềm năng du lịch trải nghiệm, miệt vườn. Với việc đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến được thông xe trong năm 2020, Vĩnh Long sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để khai phá các tiềm năng về phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Võ Thành Thống nhấn mạnh, tuy có những lợi thế về tiềm năng như trên nhưng trình độ phát triển kinh tế và kết quả thu hút đầu tư nói chung còn chưa tương xứng với kỳ vọng. Mô hình tăng trưởng kinh tế Vĩnh Long còn theo chiều rộng, chưa có đột phá lớn về nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ, năng suất lao động. Thiếu sự liên kết vùng để khai thác thế mạnh về hạ tầng thương mại, nông nghiệp và du lịch. Công tác ứng phó với biến đối khí hậu còn thụ động ảnh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Tốc độ phát triển kinh tế có xu hướng tăng trưởng chậm lại, đặc biệt tại khu vực nông nghiệp, thủy sản.

Kết quả thu hút FDI vẫn khá khiêm tốn, Vĩnh Long mới thu hút được 63 dự án và khoảng 700 triệu USD tổng vốn đăng ký, đứng thứ 40/64 địa phương trong cả nước và 7/13 tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các dự án chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất da giày, chế biến thực phẩm, linh kiện. Chưa có dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa, mang tính liên vùng trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, logistcs, du lịch, nông nghiệp.

Về phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước, Vĩnh Long đứng trước thách thức để đạt mục tiêu có 4.200 doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020, khi tốc độ phát triển doanh nghiệp mới tăng chậm so số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động. Hơn nữa, khu vực tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ - rất nhỏ, quản trị doanh nghiệp theo mô hình gia đình quản lý, công nghệ ở mức trung bình, chiến lược kinh doanh chưa có tầm nhìn dài hạn, tính gắn kết với khu vực FDI, nhà nước cũng như với các tỉnh lân cận còn hạn chế và đang đứng trước nhiều thách thức của biến đổi khí hậu, tình hình chính trị - kinh tế bất ổn của thế giới và khu vực. Việc thu hút các Tập đoàn lớn trong nước còn nhiều khó khăn do các yếu tố bất lợi về kết nối giao thông, hạ tầng, nguồn nhân lực. Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo vẫn là khái niệm mới mẻ, chưa được quan tâm đúng mức từ chính quyền và người dân.

Thứ trưởng Võ Thành Thống cho biết, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, là một trong những nước châu Á có độ mở kinh tế rất cao, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực, hiệp định EVFTA vừa được ký kết, Hiệp định RCEP đang được tích cực đàm phán. Việc tham gia các hiệp định song phương và đa phương nêu trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam nói chung, các địa phương nói riêng thúc đẩy thu hút đầu tư và hợp tác thương mại. Đặc biệt, Vĩnh Long với vai trò kết nối giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thông qua tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ đang được gấp rút triển khai, để thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, phát huy vai trò cầu nối trong chuỗi giá trị.

Nhất quán trong chiến lược phát triển kinh tế

Để Vĩnh Long có thể thu hút các dự án đầu tư có chất lượng, phát triển bền vững, trong thời gian tới Tỉnh cần kiên định và nhất quán trong chiến lược phát triển kinh tế dựa trên tầm nhìn dài hạn, loại bỏ tư duy nhiệm kỳ khi nghiên cứu tư vấn của các Tập đoàn tư vấn quốc tế, phối hợp với các bộ, ngành gắn với các nội dung tích hợp của Luật quy hoạch. Trong đó, tiếp tục tập trung vào phát triển các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông nghiệp gắn với chế biến chuyên sâu, hiệu quả cao.

Tiến tới thu hút các dự án công nghệ cao, logisitcs, du lịch, dịch vụ, tài chính, năng lựợng. Thúc đẩy mô hình kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu và áp dụng các tiêu chí của nền kinh tế xanh phù hợp với điều kiện phát triển của Tỉnh theo từng giai đoạn. Ban hành và triển khai nghiêm túc các quy định, chế tài trong sản xuất, kinh doanh đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Đồng thời, cần định vị và xây dựng thương hiệu riêng cho Vĩnh Long gắn với tiềm năng và lợi thế của Tỉnh, cần chủ động tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược dựa trên việc xây dựng và triển khai phát triển quy hoạch không gian đồng bộ, tạo quỹ đất sạch, cung cấp thông tin kịp thời, thành lập các tổ công tác chuyên trách và phối hợp với các bộ, ngành trong việc giải quyết thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp.

Song song với việc thu hút dòng vốn FDI, ODA và các dòng vốn khác vào các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp chất lượng cao, dịch vụ, công nghiệp chế tạo, Vĩnh Long cần xây dựng danh mục dự án thực sự có tiềm năng, tính khả thi cao để xúc tiến, trên tinh thần đáp ứng cái gì doanh nghiệp cần, không phải đưa ra cái gì ta có để thu hút các nguồn lực xã hội từ tập đoàn, doanh nghiệp trong nước nhằm tối đa hóa giá trị khai thác về tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh. Xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp tạo đòn bẩy nâng cao tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ dựa trên tri thức, sáng tạo, liêm chính.

Bên cạnh đó, Vĩnh Long cần đổi mới căn bản, toàn diện phương thức tiếp cận công tác xúc tiến đầu tư. Vì muốn thu hút chim phượng hoàng phải làm tổ, đồng nghĩa với những chính sách mới đột phá, sáng tạo có tính hệ thống. Trong bối cảnh các địa phương đang cạnh tranh gay gắt về thu hút đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn FDI có chất lượng, Vĩnh Long cần phát huy lợi thế của người đi sau, rút kinh nghiệm của những tỉnh đi trước, phối hợp chặt chẽ hơn với các bộ, ngành, cơ quan đại diện ngoại giao, đối tác quốc tế để chủ động cập nhật và cung cấp thông tin có hệ thống về chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng cũng như các điều kiện về đất đãi, nguồn nhân lực, chính sách ưu đãi đầu tư. Vì đây là thông tin quan trọng để nhà đầu tư đánh giá khi đưa ra quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư.

Vĩnh Long cũng cần xác định đúng đối tượng xúc tiến đầu tư, mở rộng ra các định chế tài chính, ngân hàng, công ty tư vấn luật, bởi đây chính là những đối tượng có tác động quan trọng đến quyết định của nhà đầu tư. Để quảng bá Vĩnh Long hiệu quả hơn, Tỉnh cần nghiên cứu lựa chọn Thông điệp riêng và hình ảnh giới thiệu về một vùng đất tươi đẹp, đầy tiềm năng gắn với tầm nhìn, định hướng và mục tiêu phát triển của Vĩnh Long.

Phát huy tính liên kết vùng và huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững

Thứ trưởng Võ Thành Thống khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết tiếp tục phối hợp với Tỉnh trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Tạo điều kiện để Vĩnh Long tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư để quảng bá, giới thiệu các tiềm năng, lợi thế của Tỉnh, giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng cụ thể tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Long.

Trên cơ sở Nghị quyết về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030 của Bộ Chính trị, Bộ kế hoạch và Đầu tư đang sửa đổi các Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đấu thầu phù hợp với thông lệ quốc tế và có những chính sách vượt trội nhằm thu hút các dự án đầu tư mới, quy mô lớn, có chất lượng. Đồng thời, phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai có hiệu quả các Luật đầu tư công (sửa đổi), Luật quy hoạch.

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương tháo gỡ khó khăn về mặt cơ chế, giải quyết dứt điểm một số vướng mắc cụ thể để dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có thể thông xe trong năm 2020, khánh thành vào năm 2021 tạo động lực thúc đẩy liên kết phát triển giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Vĩnh Long nói riêng.

Đồng thời, hỗ trợ Vĩnh Long thúc đẩy quan hệ hợp tác với các các tỉnh, thành phố lớn, các khu kinh tế trọng điểm trên cả nước nhằm phát huy tính liên kết vùng và huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2019 của tỉnh đạt được những kết quả tích cực

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Long về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và những nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2019, trên nền tảng tăng trưởng của năm 2018, các ngành, các cấp đã nỗ lực thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới mô hình tăng trưởng nên kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2019 của tỉnh đạt được những kết quả tích cực.

Kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 16.984,15 tỷ đồng, tăng 5,79% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 11.468,32 tỷ đồng, đạt 48,78% kế hoạch, tăng 1,96% so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 13,15% và đạt tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ của năm 2018 (9,14%).

Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 25.537,6 tỷ đồng, đạt 48,8% so với kế hoạch cả năm; tăng 12,25% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 269,3 triệu USD, đạt 57,3% kế hoạch năm và tăng 23,89% so cùng kỳ. Tổng lượt khách lưu trú và theo chuyến ước đạt 71,6 nghìn lượt; tăng 11,51% cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế là 35,65 nghìn lượt, tăng 10,82%. Doanh thu ước đạt 240 tỷ đồng, tăng 19% so cùng kỳ.

Thu ngân sách địa phương đạt kết quả khả quan, cơ bản đạt yêu cầu tiến độ kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.491,7 tỷ đồng, đạt 56,58% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 25,27% so với cùng kỳ năm trước. Ước chi ngân sách địa phương 3.922,12 tỷ đồng, đạt 46,42% dự toán HĐND tỉnh giao.

Về tín dụng, ước tổng dư nợ cuối tháng 6 đạt 26.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,66% so với đầu năm; Ước tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6/2019 là 1,96%/tổng dư nợ, so với cùng kỳ giảm 3,92% điểm phần trăm, so với đầu năm giảm 0,12 điểm phần trăm.

Môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương tiếp tục được cải thiện. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục duy trì thứ hạng tốt (xếp hạng 08/63 tỉnh thành). Đặc biệt, việc đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công cùng hệ thống các phần mềm vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Trong 6 tháng đầu năm đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 163 doanh nghiệp (đạt 45,3% kế hoạch) với tổng số vốn đăng ký 1.349 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2018, tăng 17 doanh nghiệp, số vốn đăng ký tăng 587 tỷ đồng.

Thu hút đầu tư đạt được kết quả khả quan; huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng được tập trung. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 6.602 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư nhà nước quản lý đạt 1.319 tỷ đồng, tăng 5,21%; vốn ngoài nhà nước đạt 4.574 tỷ đồng, tăng 5,33%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 709 tỷ đồng, tăng gấp 2,36 lần cùng kỳ năm trước.

Nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tăng cường. Đến nay đã thực hiện đạt mục tiêu có 1 đơn vị cấp huyện (thị xã Bình Minh) và 45/89 xã đạt chuẩn nông thôn mới bằng 50,56%. Đối với 44/89 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới: nhóm đạt từ 15-18 tiêu chí: có 02 xã; nhóm đạt từ 10-14 tiêu chí: có 38 xã; nhóm đạt từ 5-9 tiêu chí: có 04 xã. Riêng tại 6 xã đăng ký đạt chuẩn năm 2019, qua khảo sát đã đạt từ 9 đến 12 tiêu chí.

Với nhận thức năm 2019 là năm nước rút, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2016 - 2020. Trong 6 tháng cuối năm 2019, định hướng chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm tăng cao hơn 6 tháng đầu năm để cả năm 2019 đạt mức 6,2%. Đồng thời, vẫn đảm bảo mục tiêu ổn định và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 11918
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)