Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/09/2019-08:51:00 AM
Hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý về PPP
(MPI) - Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 diễn ra chiều ngày 04/9/2019, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung đã làm rõ vấn đề được nhà báo quan tâm liên quan đến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung tham gia bàn chủ tọa Họp báo. Ảnh: chinhphu.vn

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, trước đây là dự án thí điểm đầu tư theo hình thức PPP có sự hỗ trợ của Nhà nước. Khi đó Dự án này có tổng mức đầu tư khá lớn, khoảng 750 triệu USD. Nhà nước hỗ trợ khoảng 250 triệu USD từ phần vốn bảo lãnh vốn vay của Ngân hàng Thế giới (dự kiến là vốn tham gia của Nhà nước đối với Dự án). Nhà đầu tư gồm Bitexco và nhà đầu tư thứ 2 sẽ bỏ ra 500 triệu USD để thực hiện Dự án, trong đó riêng Bitexco phải bố trí 60%, khoảng 300 triệu USD để thực hiện dự án. Tuy nhiên quá trình đàm phán thực hiện Dự án này đã không thành công và đến tháng 3/2018, Thủ tướng Chính phủ quyết định chấm dứt việc thí điểm dự án theo cơ chế này.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội để thông qua dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP), Quốc hội sẽ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2019 và dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 9, tháng 5/2020. Dự luật này trên cơ sở kế thừa các quy định hiện nay đang có để thực hiện các dự án PPP, trước đây là Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư, sau đó là Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015, Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Các nghị định này là khuôn khổ pháp lý để thực hiện các dự án PPP trong suốt thời gian qua. Tính đến nay đã có 336 dự án PPP được thực hiện, trong đó có 140 dự án BOT cấp trung ương và địa phương, 188 dự án BT và một số dự án khác.

Mặc dù còn những vấn đề tồn tại nhưng các dự án PPP được thực hiện trong thời gian qua đã góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của đất nước cũng như nhu cầu cuộc sống của Nhân dân và đáp ứng tương đối rốt. Tuy nhiên để hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý, Chính phủ nhận thấy, hiện nay khung pháp lý chỉ dừng ở mức các nghị định nên chưa đảm bảo khung pháp lý cao nhất để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến PPP. Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật PPP.

Ngoài ra, các dự án PPP có quy mô vốn lớn, thời gian đầu tư kéo dài nên phải có khung pháp lý để đảm bảo ổn định đối với dự án PPP. Bên cạnh đó các dự án PPP hiện nay chưa có sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nên trong dự thảo Luật PPP có đưa ra các cơ chế bảo lãnh như bảo lãnh việc chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu.

Đây là những cơ chế thực sự cần thiết để thu hút được các nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP vì bản chất của dự án PPP là dự án có tính chất đầu tư công nhưng do chúng ta chưa có nguồn lực nên kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân thực hiện và trong tất cả các dự án đều có sự tham gia của Chính phủ để đảm bảo khả năng thực hiện dự án hiệu quả.Ví dụ dự án Dầu Giây - Phan Thiết sau khi dừng thí điểm đã được đưa vào một trong 8 dự án thành phần theo hình thức BOT thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam theo Nghị quyết 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Dự thảo Luật PPP đã được nghiên cứu và hoàn thiện để đạt các mục đích, xây dựng khung pháp lý riêng biệt, kế thừa các quy định về PPP đã triển khai hiệu quả, xử lý các khác biệt giữa quy định hiện hành về PPP với các Luật khác, tránh xáo trộn, ảnh hưởng các dự án đã và đang triển khai. Đồng thời, đảm bảo quy định của Luật phù hợp với các cam kết quốc tế về đầu tư, thương mại; tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường, lấy lợi ích cho người dân, nhà nước và nhà đầu tư là trọng tâm khi xây dựng chính sách. Tạo lập cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả, đơn giản. Thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của khu vực tư nhân cũng như các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2276
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)