(MPI) - Ngày 23/9/2019, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì Hội nghị. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung tham dự Hội nghị.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn |
Tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 có mục tiêu tổng quát: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin) góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nuớc trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng, Nhà nước đã đề ra các chủ trương, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội, có chính sách phù hợp nhằm hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chú trọng giải pháp tín dụng chính sách tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững, trợ giúp người nghèo chủ yếu bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn.
Theo kết quả thực hiên tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ, tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đối tượng thụ hưởng, từ mặc cảm tự ti, sợ vay, không dám vay nay đã mạnh dạn vay vốn, tính toán làm ăn đạt hiệu quả thiết thực, tạo được lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong phạm vi cả nước.
Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trung ương và chính quyền địa phương đã luôn quan tâm tạo lập nguồn vốn để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến đúng các đối tượng thụ hưởng trên toàn bộ xã, phường, thị trấn trong cả nước, trong đó tập trung ưu tiên cho khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định phương thức quản lý và mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp của NHCSXH là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.
Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo
Tại Báo cáo số 660/BC-UBTVQH13 ngày 19/5/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, đánh giá: "Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua NHCSXH với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng”.
Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua NHCSXH là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng dễ bị tổn thương và là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Qua đó, khẳng định chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là một chính sách đúng đắn, góp phần hạn chế được mặt trái của kinh tế thị trường, thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để thực hiện được những kết quả trên, NHCSXH đã đưa ra những mục tiêu và giải pháp để thực hiện tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới, với mục tiêu: Hoạt động tín dụng chính sách xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Dư nợ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 10%. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2% tổng dư nợ, nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung hằng năm tăng bình quân trên 20%. Đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ phù hợp với hoạt động của NHCSXH.
Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
NHCSXH đã đưa ra một số giải pháp để thực hiện tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới, tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Đồng thời, thực hiện tốt phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị của Việt Nam. Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ, năng lực đối với đội ngũ cán bộ của NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Ban quản lý Tổ TK&VV. Nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đầu tư có hiệu quả và trách nhiệm trong việc hoàn trả vốn vay.
Phối hợp hiệu quả giữa các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Thực hiện tốt công tác truyền thông về tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt những chính sách tín dụng mới đến các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân biết để thực hiện và giám sát thực hiện trên địa bàn; tranh thủ khai thác các nguồn lực, nguồn tài trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế để bổ sung nguồn vốn cho vay và đào tạo, nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ NHCSXH, cán bộ tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Ban quản lý Tổ TK&W.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đi sâu và đánh giá việc thực hiện tín dụng chính sách trong thời gian qua. Đồng thời, đặt ra các nhiệm vụ thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới, trong đó có tính tới việc áp dụng chính sách đối với từng vùng, khu vực nhằm góp phần thay đổi tư duy về sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập của người nghèo và rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo của đất nước.
Chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo ghi nhận hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nêu rõ, trên cơ sở các nguồn lực huy động được, NHCSXH đã triển khai 20 chương trình tín dụng, trong đó tập trung cho các chương trình tín dụng lớn như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay giải quyết việc làm; tín dụng học sinh - sinh viên; tín dụng đối với vùng khó khăn; cho vay hỗ trợ nhà ở cho người nghèo; tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số với số dư nợ chiếm tới 98%...
Bên cạnh việc gia tăng về số lượng, chất lượng tín dụng cũng được tăng lên, đi đúng vào đúng đối tượng. Trong khi nợ xấu của nền kinh tế lớn thì của chương trình tín dụng này, nợ quá hạn chỉ 0,4% và nợ khoanh chỉ 0,33%, hầu như không có nợ xấu.
“Có thể nói NHCSXH và chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2015 - 2018, số hộ nghèo giảm rất nhanh, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”, Phó Thủ tướng nhấn manh.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước - thông qua NHCSXH - với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo đối với chính quyền cơ sở qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương. Đồng thời, tổ chức huy động tốt các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, gắn phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân với công tác này. Tập trung huy động nguồn lực và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả hơn tín dụng chính sách từ nay đến năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư