(MPI) - Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Cam-pu-chia năm 2019 tại Hà Nội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam chủ trì phối hợp cùng Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng Hội đồng Phát triển Cam-pu-chia của Vương quốc Cam-pu-chia tổ chức đã diễn ra ngày 04/10/2019. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia Samdech Techo Hun Sen đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cùng các đại biểu đến từ các cơ quan bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và Cam-pu-chia, các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội hai nước và các cơ quan thông tấn báo chí. Bên lề Hội nghị, có hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam tham gia trưng bày, triển lãm, giới thiệu về công ty, các sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động đầu tư, thương mại của mình đã, đang và mong muốn hiện diện tại Cam-pu-chia.
Việt Nam – Campuchia: Mối quan hệ tốt đẹp từ lâu đời
|
Thủ tướng Chính phủ Cam-pu-chia Samdech Techo Hunsen phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Cam-pu-chia Samdech Techo Hunsen truyền tải thông điệp kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đầu tư vào Cam-pu-chia trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, vận tải và logistic, lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng, giáo dục và đào tạo kỹ thuật nghề nghiệp và cho biết Chính phủ Cam-pu-chia đang nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cơ chế đối thoại chính phủ và doanh nghiệp, cắt giảm các chi phí kinh doanh, xây dựng dự thảo Luật mới về đầu tư và đặc khu kinh tế.
Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen bày tỏ ca ngợi đối với Nhân dân và Chính phủ Việt Nam đã cùng nhau nỗ lực và đạt được sự phát triển về kinh tế và xã hội đáng tự hào, thu hút được nhiều nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, quy mô thương mại hằng năm không ngừng tăng trưởng, làm cho cuộc sống của người dân ngày càng tốt đẹp hơn. Cùng với đó, Cam-pu-chia rất hoan nghênh và nhiệt liệt chúc mừng đối với việc ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu vào ngày 30/9/2019, từ đó sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Hiệp định này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho đất nước Việt Nam mà còn mang lại thành quả đối với các nước láng giềng trong khu vực, kể cả Cam-pu-chia, thông qua giao lưu thương mại, đầu tư và du lịch.
Cam-pu-chia và Việt Nam có mối quan hệ tốt đẹp từ lâu đời. Cam-pu-chia nhớ mãi công lao vô cùng to lớn, sự hỗ trợ từ Nhân dân và Quân tình nguyện Việt Nam trong việc giúp giải phóng Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và xây dựng đất nước. Cùng với đó, việc trao đổi chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao và quan hệ thường xuyên của Nhân dân hai nước là minh chứng về mối quan hệ láng giềng tốt đẹp hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và bền vững lâu dài dựa trên nguyên tắc tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị và đối ngoại.
Lĩnh vực thương mại giữa Cam-pu-chia và Việt Nam tăng lên đáng kể, đáng ghi nhận là kim ngạch thương mại song phương vào năm 2018 đạt khoảng 4,7 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2017. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2019 tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt hơn 2,7 tỷ USD và hy vọng rằng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước sẽ đạt hơn 5 tỷ USD vào cuối năm 2019.
Trên lĩnh vực đầu tư, tính từ năm 1994 đến tháng 8 năm 2019, Cam-pu-chia đã thông qua 84 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm 2/3 tổng dự án đầu tư.
Về lĩnh vực du lịch, trong số lượng khách du lịch nước ngoài đến thăm Cam-pu-chia thì khách du lịch Việt Nam đứng thứ hai vào năm 2017 và năm 2018. 7 tháng đầu năm 2019, khách du lịch Việt Nam sang Cam-pu-chia tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2018. Số lượng khách du lịch của hai nước dự kiến sẽ tăng thêm nữa thông qua việc tăng cường quảng bá và thúc đẩy kết nối các địa điểm du lịch và sản phẩm du lịch.
Trong khuôn khổ của sự phối hợp vận tải đường bộ và Logistic, Việt Nam và Cam-pu-chia đã thống nhất cho phép 500 chiếc ô tô qua lại tại 9 cửa khẩu, hai nước đang thảo luận đối với việc tăng thêm số lượng ô tô qua lại cũng như số lượng cửa khẩu. Các cơ quan ban ngành liên quan của Cam-pu-chia nghiên cứu và xem xét khả năng đề ra cơ chế đặc biệt để tăng cường tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và Logistic tại dọc biên giới, đặc biệt sau khi dự án đường cao tốc kết nối hai thành phố năng động của hai nước là Thủ đô Phnôm Pênh và thành phố Hồ Chí Minh, giao nhau tại cửa khẩu quốc tế Bavet - Mộc Bài, sẽ là một trong những nơi giao thoa hết sức quan trọng tại hành lang kinh tế phía Nam trong khuôn khổ tiểu vùng Mekong mở rộng. Cùng với dự án xây dựng đường cao tốc Phnôm Pênh - Bavet, Campuchia sẽ nghiên cứu về tiềm lực trong việc kết nối đường sắt từ Thủ đô Phnôm Pênh - Bavet và thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc vận chuyển và sự cạnh tranh thông qua việc cắt giảm chi phí vận tải và Logictic.
Tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và doanh nhân của hai nước
Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen cho biết, sáng ngày 04/10/2019, trong khuôn khổ hợp tác đầu tư và thương mại, Việt Nam và Cam-pu-chia đã ký kết thêm 3 Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc phát triển và kết nối cơ sở hạ tầng thương mại dọc biên giới; tiến độ xây dựng và kế hoạch bàn giao chợ kiểu mẫu Cam-pu-chia (tại tỉnh Thbong Khmum); hợp tác thúc đẩy thương mại song phương. Cùng với các biên bản được ký kết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và thương mại hôm nay sẽ mang lại thêm nhiều lợi ích và quy định rõ các cơ chế tạo điều kiện dành cho các nhà đầu tư và doanh nhân của hai nước.
Với ý nghĩa như vậy, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen hoan nghênh, kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư nhiều hơn nữa tại Cam-pu-chia trên lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, vận tải và Logistic, lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng, lĩnh vực giáo dục và đào tạo kỹ thuật nghề nghiệp, vốn là những lĩnh vực đầy tiềm năng tại Cam-pu-chia.
Với mục tiêu biến Cam-pu-chia trở thành phần quan trọng trong dây chuyền cung cấp của khu vực và thế giới cũng như củng cố sự cạnh tranh và làm cho môi trường kinh doanh, thương mại và đầu tư tốt hơn, Cam-pu-chia đã tổ chức Diễn đàn giữa Chính phủ Hoàng gia và lĩnh vực tư nhân lần thứ 18 nhằm tạo cơ hội cho các lĩnh vực tư nhân nêu lên vấn đề thách thức và các đề xuất kiến nghị đối với Chính phủ Hoàng gia để xem xét và có biện pháp giải quyết phù hợp; đề ra một số biện pháp chủ chốt mới nhằm cắt giảm chi phí kinh doanh cho các nhà đầu tư, góp phần hoàn thiện hơn nữa môi trường thương mại và đầu tư.
Cam-pu-chia tiếp tục thực hiện các biện pháp trong việc tạo điều kiện thương mại, đầu tư và cắt giảm chi phí kinh doanh. Cam-pu-chia đã hoàn thành việc xây dựng khung kỹ thuật dự thảo Luật mới về Đầu tư và Luật về Đặc khu kinh tế. Hai luật mới này có mục đích xây dựng khuôn khổ luật pháp mang tính mở, đơn giản minh bạch và có thể dự báo được, nhằm tạo điều kiện tốt hơn nữa cho môi trường đầu tư, tăng cường hiện đại hóa và năng lực sản suất của công nghiệp nội lực, củng cố kết nối vào dây chuyền cung cấp của khu vực và toàn cầu, đồng thời ủng hộ cho chính sách kinh tế và xã hội.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đánh giá cao các quyết định sáng suốt của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Việt Nam đã lựa chọn và mong muốn lựa chọn Campuchia, là một thị trường đầy tiềm năng để bắt đầu đầu tư hoặc mở rộng kinh doanh của mình.
“Tôi xin kêu gọi các doanh nghiệp và các nhà đầu tư Việt Nam đã từng sang thăm Cam-pu-chia, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư chưa có dịp sang Cam-pu-chia, xin hãy sang để tìm hiểu và nghiên cứu thêm về tiềm năng to lớn cũng như cơ hội đầu tư tại Cam-pu-chia, có thể quyết định đặt vốn đầu tư hoặc kết hợp đầu tư chung với các nhà đầu tư của Cam-pu-chia nhằm tranh thủ lợi ích tối đa từ mối quan hệ hợp tác song phương Cam-pu-chia - Việt Nam”, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen nói.
Nhiều cơ hội cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã năng động đầu tư, kinh doanh và góp phần phát triển kinh tế - xã hội mỗi nước, chỉ đạo các bộ ngành hai nước tiếp tục nỗ lực, hoàn thiện các quy định pháp luật, hỗ trợ, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước tăng cường sáng tạo, nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng cũng hoan nghênh các nhà đầu tư Cam-pu-chia đến với Việt Nam và yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Cam-pu-chia thực hiện đầu tư có trách nhiệm, bền vững và đóng góp các mặt kinh tế, xã hội cho đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành quả kinh tế - xã hội mà Chính phủ và Nhân dân Cam-pu-chia đã đạt được trọng những năm qua. Đặc biệt ấn tượng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt mức cao trong giai đoạn 1994- 2018 của Cam-pu-chia. Những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Cam-pu-chia đều đạt khoảng 7% trong bối cảnh kinh tế thế giới không có nhiều thuận lợi. Thu nhập bình quân người dân năm 2018 đạt hơn 1.500 USD. Sức mua của người dân rất cao. Môi trường vĩ mô của Cam-pu-chia luôn được duy trì ổn định, lạm phát thấp. Đời sống người dân được nâng lên cùng nhiều sự thăng tiến về mặt xã hội. Dưới sự trị vì của Quốc vương Norodom Sihanouk và hiện nay là Quốc vương Norodont Sihamoni, Cam-pu-chia đã có một thời kỳ phát triển mạnh mẽ và rực rỡ trên mọi lĩnh vực. Vị thế đất nước Chùa Tháp được nâng cao trên trường quốc tế và thực sự trở thành đất nước hòa bình ở khu vực Đông Nam Á.
Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia, dưới sự lãnh đạo tài tình của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen, đã đề ra đường lối đúng đắn, đem lại hòa bình, ổn định, đoàn kết, thống nhất dân tộc, đồng thời nâng cao uy tín và vị thế của Cam-pu-chia trên trường quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao môi trường đầu tư Cam-pu-chia. Môi trường đầu tư kinh doanh ở Cam-pu-chia đang được cải thiện nhanh chóng, thứ hạng trên thế giới đang được cải thiện theo hướng tích cực. Chính phủ Cam-pu-chia đã có nhiều cải cách để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, chẳng hạn như trong lĩnh vực thuế, ngành thuế Cam-pu-chia đã vận hành hệ thống đăng ký/nộp thuế trực tuyến, ứng dụng tra cứu thuế nhập khẩu ô tô trên điện thoại thông minh hay tổng đài thuế tạo nhiều thuận lợi mới.
Giới thiệu môi trường và cơ hội đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động bậc nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng hằng năm trên dưới 7% trong mấy thập kỷ qua. Điều ý nghĩa là, mặc dù duy trì sức tăng trường nhanh nhưng Việt Nam vẫn kiểm soát được sự ổn định vĩ mô, lạm phát thấp chỉ khoảng 3,5%, trong đó lạm phát cơ bản luôn dưới 2%/năm. Việt Nam là thị trường rộng lớn với quy mô dân số gần 100 triệu người thu nhập đang tăng nhanh, tầng lớp trung lưu hiện chiếm trên 15% dân số. Đến nay, Việt Nam thu hút được gần 30 nghìn dự án FDI đến từ 132 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký hơn 355 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt 204 tỷ USD.
Môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam đang được cải thiện theo các chuẩn mực quốc tế. Dòng vốn nước ngoài liên tục đổ vào, cùng với làn sóng khởi nghiệp trong nước cho thấy những nền tảng đã được tạo ra và triển vọng rất tươi sáng của nền kinh tế trong tương lai. Những năm gần đây, cùng với doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng với hệ thống giao thông có khả năng kết nối rộng lớn, hệ thống cảng biển, sân bay, logistics, hạ tầng khu công nghiệp, điện, nước, viễn thông, internet, đặc biệt mạng 5G đang được đầu tư phủ sóng. Với quy mô dân số lớn, tỷ lệ dân số vàng, nguồn nhân lực Việt Nam dồi dào với chi phí khá cạnh tranh, được trang bị nền tảng đa kỹ năng có thể đáp ứng tot và kịp thời nhu cầu của nhà đầu tư.
Mỗi doanh nghiệp đầu tư sang Cam-pu-chia phải là một Đại sứ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành quả hợp tác đầu tư Việt Nam - Campuchia. Hai nước có mối quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp, hợp tác song phương về thương mại, đầu tư đạt được nhiều dấu ấn quan trọng. Hai nước phấn đấu đạt kim ngạch thương mại 10 tỷ USD trong thời gian tới và điều này hoàn toàn có khả năng thực hiện được. Cam-pu-chia là thị trường có nhiều tiềm năng đối với các sản phẩm, mặt hàng của Việt Nam như sắt, thép, may mặc, các mặt hàng nông sản…
Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh các cơ quan chức năng của hai nước trong việc thúc đẩy, triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký kết nhằm tạo thuận lợi đầu tư giữa hai nước. Đồng thời, tiềm năng còn vô cùng lớn để nâng tầm quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia. Hai nước có mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài. Đây là điều vô cùng quý báu giữa hai nước, hai dân tộc. Bên cạnh đó, Việt Nam và Cam-pu-chia là những quốc gia phát triển năng động trong khu vực, tiềm lực phát triển kinh tế của mỗi nước còn rất lớn, đặt ra nhiều cơ hội cho hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắn gửi doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam sang Cam-pu-chia, tuân thủ quy định của pháp luật Cam-pu-chia. Đồng thời, thực hành các quy tắc và chuẩn mực đạo đức kinh doanh tiến bộ; phát huy niềm tự hào dân tộc và giữ gìn uy tín, bảo vệ hình ảnh đất nước; Không chỉ tìm kiếm lợi nhuận thuần túy mà còn phải có ý thức đóng góp cho cộng đồng, xã hội, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, phải xem quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cam-pu-chia như “môi với răng, môi hở thì răng lạnh”. Mỗi doanh nghiệp đầu tư sang Cam-pu-chia phải là một Đại sứ cho mối quan hệ hợp tác "mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài dựa trên tinh thần anh em hai dân tộc.
Việt Nam mong muốn Cam-pu-chia có chính sách và tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam tin tưởng, yên tâm đầu tư, kinh doanh lâu dài, thành công và có đóng góp tích cực vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội Campuchia.
Chính phủ Việt Nam sẵn sàng cùng Chính phủ Cam-pu-chia đưa mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, bên vững lâu dài Việt Nam – Cam-pu-chia lên tầm cao mới, ngày càng phát triển tốt đẹp, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp hai nước.
Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Hội đồng Phát triển Cam-pu-chia đã tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được trong quan hệ hợp tác đầu tư và thương mại giữa hai nước từ trước đến nay, lắng nghe ý kiến, báo cáo của các hiệp hội doanh nghiệp hai nước về hợp tác, giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, cũng như những thành quả, đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Cam-pu-chia. Hội nghị cũng ghi nhận những ý kiến phát biểu thẳng thắn của các doanh nghiệp, các khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị, đề xuất mà các doanh nghiệp đang thực hiện hoặc đang quan tâm đến đầu tư, thương mại nêu ra.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũngvà Bộ trưởng bên cạnh Thủ tướng, Tổng Thư ký Hội đồng phát triển Cam-pu-chia Sok Chendasopha trao đổi Biên bản. Ảnh: MPI |
Trong khuôn khổ Hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Campuchia Samdech Techo Hunsen, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng bên cạnh Thủ tướng, Tổng Thư ký Hội đồng phát triển Cam-pu-chiaSok Chendasophađã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác xúc tiến đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Hội đồng phát triển Cam-pu-chia, làm cơ sở để tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác chặt chẽ trong công tác thúc đẩy hoạt động đầu tư, giao thương giữa hai nước ngày càng mở rộng và hiệu quả./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư