Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/10/2019-15:50:00 PM
Tiếp thu ý kiến nhằm cải thiện môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 15/10/2019, Tạp chí Nhà đầu tư và Tạp chí điện tử Nhà Đầu tư tổ chức Hội thảo góp ý về dự thảo Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp (sửa đổi) để các chuyên gia, các luật sư, lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp cùng Ban Soạn thảo thảo luận về những nội dung chính được xem xét sửa đổi, bổ sung trong 02 dự thảo Luật quan trọng này. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng tham dự và có bài phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp và các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư (Nhadautu.vn) Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, việc hoàn thiện thể chế chính sách, nhằm tạo môi trường pháp lý công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ và Quốc hội hết sức quan tâm.

Nhiều đạo luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh đang được Chính phủ xây dựng, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới, trong đó việc sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp đang được cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước hết sức quan tâm.

Cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, Hội thảo là sự kiện hết sức quan trọng, đúng thời điểm vào ngày mai (16/10), Chính phủ sẽ trình bày báo cáo về hai dự luật này trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời nhấn mạnh, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư là 02 đạo luật quan trọng, có tác động sâu rộng đến môi trường đầu tư kinh doanh nói chung và hoạt động các doanh nghiệp nói riêng.

Trong những năm qua, các đạo luật này đã được liên tục được hoàn thiện phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đáp ứng thu hút đầu tư, phát triển kinh doanh trong từng thời kỳ.

Đặc biệt, những nội dung bổ sung, sửa đổi toàn diện của các luật này được Quốc hội thông qua năm 2014 đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo nguyên tắc Hiến định về quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành nghề mà luật không cấm. Đồng thời xóa bỏ nhiều rào cản kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Qua hơn 4 năm triển khai, những cải cách quan trọng của 02 luật quan trọng này đã đi vào cuộc sống, môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 3 năm gần đây tăng khoảng 65-70% và số lượng doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng năm 2019 tiếp tục đạt kỷ lục mới với gần 102,3 nghìn doanh nghiệp, đạt mức cao nhất trong 20 năm qua. Đến nay, Việt Nam có khoảng 750 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Bên cạnh đó, hoạt động của các nhà đầu tư tăng đáng kể, 2016-2018, số lượng đăng ký và giải ngân FDI tăng đáng kể, tạo nguồn cung ứng cho tổng mức đầu tư toàn xã hội.

Các quy định của hai luật này tạo động lực trong cải cách các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, các cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Năm 2018 có trên 3 nghìn điều kiện kinh doanh được cắt bỏ. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam những năm qua được tăng bậc đáng kể (năm 2019, tăng 10 bậc, đứng thứ 67).

Bên cạnh những kết quả đạt được, các luật này cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định nhằm thể chế hóa kịp thời và đầy đủ các Nghị quyết của Đảng. Đồng thời khắc phục những chồng chéo giữa hai luật này với một số luật khác nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Đặc biệt, trong bối cảnh quốc tế và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như một số xu hướng dịch chuyển mới, sự trỗi dậy của kinh tế bảo hộ, xu hướng thay đổi của FDI. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là hai nghị quyết rất quan trọng, định hướng các mục tiêu phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài cũng như trong bối cảnh thực hiện Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trước các yêu cầu đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng dự thảo Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Theo đó, Bộ đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật. Dự thảo đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhận được sự ủng hộ cao. “Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến thẳng thắn, xây dựng tại hội thảo để tiếp tục hoàn thiện hai dự thảo Luật quan trọng này để trình Quốc hội trong thời gian tới”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, GS. TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh đến danh mục các ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư cũng như những nội dung điều chỉnh, thể chế hóa nội dung của Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về "Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030" và Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0".

GS. Nguyễn Mại cũng lưu ý cần có các biện pháp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, bởi đây là yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật đã được quy định tại Điều 13 của Luật đầu tư, tuy nhiên, quy định này mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi đầu tư; trong khi nhà đầu tư đòi hỏi nhiều hơn thế, bao gồm: bảo đảm quyền sở hữu tài sản, bảo đảm chuyển tài sản và lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, bảo đảm đầu tư đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.

Hoàn thiện các quy định về đầu tư, kinh doanh

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Quách Ngọc Tuấn đã giới thiệu một số nội dung của dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) và cho biết, thực tiễn hơn 4 năm thi hành Luật đầu tư, bên cạnh những kết quả đạt được cũng đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa, do còn một số nội dung chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các Luật, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường, cùng với đó đã xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực và vấn đề mới phát sinh.

Ông Quách Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Luật đầu tư cần được tiếp tục sửa đổi để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đăng ký đầu tư; cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Việc sửa đổi Luật này sẽ giúp hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

Trình bày về nội dung sửa đổi Luật doanh nghiệp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phan Đức Hiếu cho biết, việc sửa đổi Luật doanh nghiệp có một nội dung rất quan trọng là nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của OECD hay Basel. Đồng thời nhấn mạnh đến vấn đề liên quan đến bảo vệ cổ đông, đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin của cổ đông; tăng cường khả năng quản trị dần tiếp cận theo chuẩn quốc tế;…

Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn trình bày về những nội dung còn chồng chéo, thiếu rõ ràng trong pháp luật về đầu tư kinh doanh và cho rằng, có rất nhiều xung đột pháp luật, đặc biệt nếu đi đến các địa phương sẽ gặp nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đất đai, xây dựng bất động sản gặp những vấn đề rất phức tạp. Việc chồng chéo luật sẽ dẫn đến nhiều hệ quả, khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp; đi lại mất thời gian, nộp nhiều hồ sơ; chi phí giao dịch tốn kém; tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra; đình trệ hoạt động; rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật… Do vậy, cần rà soát, đánh giá toàn diện, thống nhất làm việc giữa các ban soạn thảo các luật đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường,...

Ông Đậu Anh Tuấn tin rằng, riêng Luật đầu tư lần này nếu khắc phục được tình trạng chồng chéo sẽ tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận sâu về những nội dung còn ý kiến khác nhau trong hai dự thảo luật, đặc biệt là: Về bảo đảm đầu tư, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, nhất là trong trường hợp có sự thay đổi của pháp luật; Về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; các quy định nhằm kiểm soát việc ban hành “giấy phép con”; Về đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường, chia tách doanh nghiệp…; Về những nội dung còn thiếu rõ ràng trong Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và những nội dung chồng chéo, xung đột giữa Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp với các luật chuyên ngành khác như Luật xây dựng, Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản,…/.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2406
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)