(MPI) - Ngày 04/11/2019, tại Pháp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cùng Quốc Vụ Khanh Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Baptiste Lemoyne đã chủ trì Đối thoại cấp cao kinh tế Việt Nam - Pháp lần thứ 6. Tham dự Đối thoại, về phía Chính phủ Việt Nam có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, UBND các tỉnh Ninh Thuận và Sơn La, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp và các cộng sự. Về phía Chính phủ Pháp có đại diện Bộ Châu Âu và Ngoại giao, Bộ Kinh tế và Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Lương thực, Cơ quan phát triển Pháp và Phòng Thương mại và công nghiệp vùng Paris Ile-de-France.
|
Toàn cảnh Đối thoại. Ảnh: MPI
|
Phát biểu tại phiên Đối thoại, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Pháp là một trong những nước cung cấp ODA sớm nhất và luôn dẫn đầu Châu Âu về mức vốn ODA dành cho Việt Nam với số vốn ký kết đạt khoảng 3 tỷ EUR dành cho các dự án tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp và an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng cơ bản (đường sắt, đường sắt đô thị, cấp nước sạch), tài chính, y tế, giáo dục trong đó có một số dự án lớn và đặc biệt có ý nghĩa như Tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Sự hợp tác trong thời gian qua giữa hai bên là đúng hướng, đạt được rất nhiều kết quả cụ thể và thiết thực.
Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn Pháp tiếp tục dành nguồn viện trợ ODA khoảng 200 triệu Euro/năm để hỗ trợ Việt Nam các dự án trong các lĩnh vực hợp tác truyền thống của hai nước như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của khu vực và thế giới, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là điểm sáng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc, khoảng cách so với các nước dẫn đầu trong nhóm ASEAN được rút ngắn. Trong đó, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm đạt khoảng 6,8%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm được kiểm soát ở mức thấp (2,7-3%). Quy mô kinh tế mở rộng, đạt khoảng 266,5 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.786 USD (năm 2018 là 2.590 USD). Chất lượng tăng trưởng duy trì đà cải thiện. Tốc độ tăng năng suất lao động đạt khá (gần 5,9%), giúp duy trì mức tăng năng suất lao động toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 5,8%/năm.
Về hành lang pháp lý tại Việt Nam, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, việc sửa đổi Luật đầu tư công sẽ giúp cải thiện hoạt động đầu tư công bằng cách đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện để giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn đối với các dự án đầu tư đang triển khai tại Việt Nam. Bên cạnh đó, do trần nợ công tăng nhanh trong những năm qua và đang tiến gần đến mức trần Quốc hội cho phép (65% GDP), để tăng cường kỷ luật ngân sách và nâng cao hiệu quả đầu tư công, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết và các văn bản luật nhằm tăng cường kỷ luật ngân sách như Nghị quyết số 25/2016/QH14 về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết số 26/2016/QH14 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trong đó ấn định các mức trần nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách, nghĩa vụ trả nợ quốc gia, chi đầu tư phát triển quốc gia, vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương bao gồm vốn nước ngoài...
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế tính đến ngày 20/10/2019, Pháp đứng thứ 16/132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 551 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 3,58 tỷ USD. Về đầu tư Việt Nam sang Pháp đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 14 dự án với tổng vốn đầu tư là 5,82 triệu USD. Bên cạnh đó, về quan hệ thương mại, Việt Nam - Pháp liên tục phát triển những năm qua. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Pháp đạt 5,102 tỷ USD, tăng 9,59% so với năm trước. Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Pháp đạt 4,01 tỷ USD, tăng 7,34% so với cùng kỳ năm 2018.
Tại phiên họp lần này, hai bên vui mừng nhận thấy kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Pháp đã đạt 6,65 tỉ EUR trong năm 2018 và Hiệp định tự do thương mại giữa Châu Âu và Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế và thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp hai bên.
Kết thúc Phiên họp chính thức, hai bên khẳng định tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên, đặc biệt trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emanuelle Macron dự kiến vào năm 2020. Theo đó, Việt Nam sẽ nỗ lực giải quyết những vấn đề tồn tại của các dự án hợp tác, đồng thời đưa ra các giải pháp đối với từng trường hợp cụ thể phù hợp với quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam để góp phần kiện toàn, thúc đẩy việc hoàn thành dự án, phục vụ hiệu quả cho đối tượng hưởng lợi là người dân Việt Nam theo đúng mục tiêu mà hai bên mong đợi. Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí tiếp tục trao đổi thông tin cho nhau về những vấn đề cần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Pháp, tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng để thu hút đầu tư của Pháp vào những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, trong đó chú trọng đến những lĩnh vực có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao phù hợp với thế mạnh của các tập đoàn có uy tín của Pháp trên trường quốc tế./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư