(MPI) - Theo chỉ số đánh giá mức độ tổn thương do tác động của biến động khí hậu trong 30 năm tới, Việt Nam được coi là một trong 30 quốc gia rất rủi ro trên thế giới. Theo dự báo, tổng lượng phát thải thuần của Việt Nam sẽ tăng gấp ba lần trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2030. Lĩnh vực lâm nghiệp được coi là bể chứa các bon nhưng lượng phát thải sẽ cao hơn, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Kinh tế Việt Nam vừa tiêu thụ nhiều năng lượng vừa phát thải với cường độ cao tính trên một đơn vị GDP so với các nước láng giềng.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu và các chính sách liên quan tới quản lý ngành và tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ trong thập kỷ vừa qua
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hoạt động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được khởi động từ cuối thập niên 90 và đã phát triển nhanh chóng từ năm 2008, bao gồm việc ban hanh Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX) của Việt nam. Hai chiến lược này hình thành bộ khung chung và đã được ưu tiên hóa và cụ thể hóa trong Kế hoạch BĐKH và Kế hoạch TTX cho thời gian đến năm 2020, trong đó có các kế hoạch hành động về ứng phó BĐKH và TTX cấp ngành và địa phương được hoàn thành hoặc sẽ được hình thành. Ngoài ra năm 2012, Chính phủ cũng ban hành Chương trình giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng đến năm 2020.
Chiến lược BĐKH nhằm thiết lập một cơ cấu rõ ràng và xác định các nhiệm vụ cụ thể cần thiết để đạt được các mục tiêu về ứng phó với BĐKH. Chiến lược quốc gia về BĐKH đã xác định mười nhiệm vụ chiến lược, bao gồm các mục tiêu về thích ứng và giảm nhẹ. Các giai đoạn chiến lược của Chiến lược quốc gia về BĐKH không chỉ gắn với quá trình công nghiệp hóa mà còn với những tiến bộ rõ rệt về kinh tế và xã hội, nhấn mạnh rõ là Việt Nam sẽ tập trung giảm phát thải khí nhà kính sau năm 2025. Trong giai đoạn 2011-2015, Chiến lược BĐKH xác định các chương trình ưu tiên bao gồm Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH; Chương trình Khoa học Công nghệ về BĐKH quốc gia; Dự báo và quan trắc khí tượng thủy văn; quản lý nguồn nước và thích ứng với BĐKHtại các vùng đồng bằng chính; ứng phó với khí hậu tại các đô thị lớn; gia cố kè song và đê biển; chăm sóc y tế và ứng phó ở cấp cộng đồng. Mười ưu tiên tương tự được nêu rõ trong Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH2012-2020, trong đó đưa ra danh mục 65 chương trình và dự án cụ thể, đa số tập trung vào tăng cường các hệ thống quan sát, cảnh báo và các hoạt động thích ứng.
Xác định năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là các nội dung quan trọng
TTX được xem là một phần quan trọngtrong tiến trình phát triển kinh tế bền vững. Để tránh được “bẫy thu nhập trung bình”, Việt Nam cần tránh xa các hoạt động kinh tế sử dụng nhiều tài nguyên và nhiều lao động, như kinh nghiệm của Hàn quốc. Để đạt được những tiến bộ về kinh tế hơn đòi hỏi các ngành côngg nghiệp mới, nhiều tri thức và kỹ thuật tiên tiến cũng như các tổ chức sở hữu nhà nước và tư nhân phải sáng tạo và năng động hơn. TTX ở các nước đang phát triển cần nhiều đổi mới, nghiên cứu và phát triển và tăng sản lượng đầu ra trên một đơn vị đầu vào. TTX cũng đóng góp cho lợi ích xã hội, bao gồm xóa đói giảm nghèo và góp phần quan trọng trong việc thực hiện chiến lược quốc gia về BĐKH, phát triển ít phát thải các bon cũng là cơ hội cho sự tăng trưởng mới và bền vững cho Việt Nam. Chiến lược quốc gia về TTX đề xuất sử dụng hiệu quả hơn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và nâng cao chất lượng môi trường.
Kế hoạch hành động quốc gia về TTX đưa ra 66 hành động theo bốn nhóm chủ đề: Tăng cường thể chế và xây dựng kế hoạch hành động TTX ở cấp địa phương; Giảm cường độ phát thải KNK và thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Các hoạt động ưu tiên cho năm 2013-2015 bao gồm hoàn thiện khung thể chế để đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế phù hợp với Chiến lược quốc gia về TTX và hình thành khung chính sách tài chính TTX. Hầu hết các hành động trong Kế hoạch hành động quốc gia về TTX tập trung nhiều vào giảm nhẹ phát thải KNK, không tập trung vào phần thích ứng BĐKH.
Gắn kết rõ ràng BĐKH với TTX để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững
Chiến lược BĐKH tập trung vào khía cạnh thích ứng và cũng có phần giảm nhẹ, đặc biệt là khi có tài trợ quốc tế. Chiến lược TTX tập trung chủ yếu vào các hành động giảm nhẹ, chú trọng vào ít phát thải cácbon và TTX. Cách tiếp cận TTX ít phát thải các bon trong Kế hoạch hành động quốc gia về TTX là cách tiếp cận có tiềm năng toàn diện, tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng cho người nghèo, tạo việc làm xanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời với việc giảm phát thải KNK. Như một báo cáo đánh giá về tăng trưởng ít phát thải cácbon ở các nước châu Á, tăng trưởng ít phát thải cácbon không chỉ là vấn đề giảm nhẹ BĐKH mà nó còn có ý nghĩa to lớn cho việc lập kế hoạch phát triển bền vững. Các chính sách ngành xanh của Hàn Quốc, bao gồm cả các chính sách kinh tế vĩ mô ngắn hạn và các chính sách công nghiệp dài hạn đều hướng tới việc giảm cường độ phát thải cácbon. Hàn Quốc theo đuổi TTX trong bối cảnh BĐKH tổng thể và các cam kết chính sách được hỗ trợ tài chính ở mức 2% GDP. Tương tự như vậy, Việt Nam theo đuổi chính sách giảm nhẹ BĐKH trong các hành động TTX thông qua Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX như một phần của định hướng phát triển bền vững và việc phân bổ nguồn lực công trong nước cho TTX là hoàn toàn có cơ sở.
Phần lớn các mục tiêu phát triển ít phát thải cácbon của Chiến lược quốc gia về TTX phù hợp và được chi tiết hóa hơn với khía cạnh giảm nhẹ của Chiến lược BĐKH. Chiến lược quốc gia về TTX có các mục tiêu gắn với “xanh hóa sản xuất”, “sử dụng hiệu quả” tài nguyên thiên nhiên và “mô hình nông thôn mới với lối sống hòa hợp với môi trường”. Những hoạt động này có thể hỗ trợ cho các hoạt động thích ứng.
Hướng tới một kế hoạch ứng phó với BĐKH toàn diện
Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” nhận định ứng phó với BĐKH cho tới nay là “thụ động và không rõ ràng” và cho rằng ứng phó với BĐKH là “một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của cả hệ thống chính trị”. Nghị quyết cũng đề ra các mục tiêu cụ thể và rõ ràng cho năm 2020 về mặt thích ứng, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, cũng như đưa ra các mục tiêu chung tới năm 2050. Nghị quyết 24 cũng tái khẳng định chương trình BĐKH từ cấp cao nhất cũng như tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong các hoạt động ứng phó với BĐKH từ tất cả các cơ quan Chính phủ có liên quan.
Công tác ứng phó với BĐKH đã được khởi động thông qua ba chương trình quan trọng với sự hỗ trợ tích cực của các nhà tài trợ quốc tế. Các sáng kiến chủ chốt bao gồm: Chương trình Khoa học công nghệ Quốc gia về BĐKH, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC). Các chương trình này đã giúp hình thành các yếu tố cơ bản về năng lực thực hiện chính sách ứng phó với BĐKH, nhưng các yếu tố này cần được lồng ghép đầy đủ vào cơ cấu thể chế của Chính phủ Việt Nam.
Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH là một chương trình của Chính phủ trong 15 năm chia thành 3 giai đoạn, nhấn mạnh sự cần thiết lồng ghép ứng phó với BĐKH vào các hoạt động phát triển KT-XH, đồng thời hướng tới phát triển bền vững trên diện rộng và có xem xét yếu tố bình đẳng giới và xoá đói giảm nghèo. Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, được phê duyệt năm 2008, khẳng định rằng ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ của toàn hệ thống thể chế, của tất cả các ngành, tỉnh thành và của mọi người dân. Giai đoạn đầu tiên của Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH (2009-2010) tập trung phân tích khoa học và lập kế hoạch ban đầu, giai đoạn thứ hai (2011-2015) tập trung phân tích sâu hơn, lên kế hoạch chi tiết, tăng cường năng lực và xây dựng các kế hoạch hành động (của ngành và tỉnh). Tuy nhiên còn tồn tại nhiều hạn chế về thể chế, lập pháp và nguồn lực, bao gồm năng lực giám sát và báo cáo chưa cao, việc thực hiện chương trình của các bộ ngành có tầm ảnh hưởng còn hạn chế và nguồn lực cho việc thực hiện chưa dồi dào. Ngoài ra, về mặt bản chất.
Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SPRCC) là cơ chế tài chính được thiết lập để tăng cường mở rộng ứng phó với BĐKH, ví dụ như tài trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (chủ yếu là các khoản vay mềm), đồng thời đóng vai trò là một diễn đàn điều phối đối thoại chính sách BĐKH giữa Chính phủ với các đối tác phát triển quốc tế. Thông qua các chu trình hằng năm dựa trên ma trận chính sách được Thủ tướng phê duyệt, các đối tác phát triển (như JICA, AfD, CIDA, WB, DFAT, K-EXIM) và Chính phủ đồng ý với các hành động chính sách liên quan đến BĐKH với những hành động chính sách bắt buộc làm cơ sở để chuyển giao ngân sách cho Việt Nam. Hầu hết các khoản chuyển giao này sau đó được phân bổ cho các hoạt động liên quan đến khí hậu. Cơ cấu thể chế của Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH ban đầu được liên kết với cơ cấu thể chế của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, nhưng sau đó đã có Cơ quan Điều phối Chương trình riêng đặt tại Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH, Bộ Tài nguyên và Môi trường và trách nhiệm giám sát tổng thể nay thuộc về Ủy ban quốc gia về BĐKH. Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC) đóng vai trò điều phối giữa cộng đồng quốc tế và chính phủ thông qua thảo luận về ma trận chính sách, trong đó thông thường có mặt cả những đối tác phát triển chưa tham gia tài trợ cho SP-RCC. Tác động và quá trình thực hiện Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH đã được đánh giá. Kết quả cho thấy cơ chế này đã có hiệu quả trong việc tập hợp các đối tác phát triển và các bộ ngành, tạo lập được các cuộc đối thoại chính sách và hiệu quả điều phối đã được cải thiện theo thời gian nhưng vẫn có thể được cải thiện nhiều hơn nữa. Các nguồn của SP-RCC được hòa vào ngân sách trung ương và hầu hết các nguồn này được phân bổ cho các hành động BĐKH, tuy nhiên một số ý kiến cho rằng cần thắt chặt hơn nữa mối liên kết giữa các hành động chính sách và giải ngân của SP-RCC.
Năm 2010, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Cơ chế Tài chính cho BĐKH từ nguồn ngân sách công và đặc biệt nhằm tới nội dung tài chính của SPRCC. Tuy nhiên, số lượng dự án sau đó được lựa chọn để tài trợ chỉ là 16 dự án ưu tiên vì hạn chế về ngân sách. Để cơ chế tài chính này mang tính chiến lược hơn trong tổng thể cơ cấu tổ chức về tài chính khí hậu, sẽ cần tăng cường kỹ thuật và lập kế hoạch ngân sách trong quá trình lựa chọn dự án, cần điều chỉnh các tiêu chí, bao gồm cả tỷ lệ đồng tài trợ và cơ chế giám sát và báo cáo. Kế hoạch hành động quốc gia về TTX đã nêu rõ SPRCC sẽ tài trợ một phần cho Kế hoạch này, như vậy tạo cơ hội để thống nhất các chương trình nghị sự về ứng phó với BĐKH và TTX.
Mục tiêu của “Chương trình khoa học công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH” là cung cấp bằng chứng khoa học và công nghệ phục vụ cho việc ứng phó, thích ứng và giảm nhẹ và lồng ghép BĐKH vào các kế hoạch chiến lược và quá trình thực thi. Chương trình này được khởi động vào năm 2011 (theo Quyết định số 1244/QĐ-TT về phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ khoa học và công nghệ như nghiên cứu các giải pháp và công nghệ ứng phó với BĐKH để cảnh báo sớm và dự báo thiên tai; các công nghệ mới để bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai. Kết quả của chương trình tập trung vào các biện pháp kỹ thuật dựa trên dự báo về BĐKH, thích ứng và giảm nhẹ phát thải KNK, cũng như lồng ghép vào Kế hoạch phát triển KT-XH. Từ năm 2011 đến năm 2013, có gần 50 dự án đã được phê duyệt, nhiều dự án liên quan đến thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực an ninh lương thực.
Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chương trình đầu tiên điều phối các nỗ lực tăng hiệu quả năng lượng, giảm thất thoát điện năng và bảo tồn năng lượng trong tất cả các ngành của nền kinh tế. Chương trình hiện đang ở giai đoạn 2 (2011-2015; Quyết định 2406/QĐTTg) nhằm mục tiêu tiết kiệm 5-8% tổng tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn 2012-2015 so với tổng lượng tăng dự báo về nhu cầu điện quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, nhiều hành động sử dụng hiệu quả năng lượng đã được đề xuất cũng như việc giảm lượng tiêu thụ năng lượng trên một đơn bị đầu ra trong một số ngành được lựa chọn (thép, xi măng, dệt may).
Điều phối quốc gia và địa phương: Phân định chức năng và tăng cường năng lực
Theo Báo cáo, việc phân cấp các chính sách phân cấp từ khi bước sang thế kỷ mới đã được mở rộng hơn và đòi hỏi tăng cường năng lực của địa phương. Các chính sách phân cấp được thực hiện trong bảy lĩnh vực chính, bao gồm quản lý quy hoạch, đầu tư công, ngân sách nhà nước, tài nguyên thiên nhiên và đất đai, doanh nghiệp nhà nước, dịch vụ công, nhân sự và tổ chức hành chính. Tuy nhiên, các cản trở liên quan đến bản chất của quá trình phân cấp cũng như việc điều phối và quản trị và những hạn chế về năng lực ở địa phương đã hạn chế khả năng đạt được nhiều mục tiêu đặt ra. Việc phân cấp cũng đã nảy sinh hạn chế trong công tác hoạch định và thực thi chính sách do chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm thực hiện một loạt các ưu tiên quốc gia. Hơn nữa, các Bộ, ngành vẫn duy trì danh mục dự án có các hành động liên quan đến BĐKH quan trọng và đặc biệt với đầu tư cơ sở hạ tầng, chính quyền trung ương chưa phân cấp những chức năng chủ chốt cho các tỉnh hoặc thành phố lớn. Các ủy ban điều phối cấp tỉnh đã được thành lập để điều phối các kế hoạch hành động về BĐKH cấp tỉnh và hầu hết các tỉnh đều đã có văn phòng BĐKH. Chính quyền tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, lập kế hoạch và phân bổ ngân sách cho các dự án đầu tư, do vậy sẽ có vai trò quan trọng trong cả việc lồng ghép BĐKH.
Do vậy, sự gắn kết giữa những văn phòng điều phối cấp tỉnh, các UBND tỉnh chịu trách nhiệm về một số dự án nhất định và Văn phòng thường trực của Ủy ban BĐKH là hết sức cần thiết để đảm bảo công tác giám sát và đánh giá và báo cáo toàn diện về ứng phó với BĐKH của cả quốc gia.
Các mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ: Tập trung và cân bằng trong khung thể chế về BĐKH
Các mục tiêu chính sách về thích ứng và giảm nhẹ đã được xác định, cần tăng cường gắn kết dự trù ngân sách với công tác GS&ÐG. Nghị quyết 24, Chiến lược BĐKH và Chiến lược TTX đưa ra khung chính sách tổng thể ứng phó với BĐKH, cho cả thích ứng và giảm nhẹ. Tuy nhiên, yêu cầu thích ứng rất khác so với giảm nhẹ cả về công cụ kỹ thuật và các quy trình thiết lập ưu tiên; các điểm khác biệt này và cách tốt nhất để kết nối mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ với chu trình lập kế hoạch và dự trù ngân sách chưa được xác định rõ ràng. Thích ứng được ưu tiên và được cải thiện năng lực đặc biệt bằng cơ sở hạ tầng có tính chống chịu với BĐKH. Các hành động giảm nhẹ lại đa dạng và bao gồm nhiều khoản đầu tư cụ thể trong ngànhnăng lượng và các hành động chính sách rộng rãi trong ngành lâm nghiệp. Dù cho đa dạng thế nào thì cũng rất cần xây dựng hệ thống báo cáo về ứng phó với BĐKH một cách hài hòa, thống nhất trong gắn kết với chu trình lập kế hoạch và dự trù ngân sách, đặc biệt là để theo dõi xem các ưu tiên có được theo đuổi thực hiện hay không. Chu trình lập kế hoạch và dự trù ngân sách thể hiện các ưu tiên của Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến lược quốc gia về TTXvà các Kế hoạch hành động quốc gia liên quan khác cần phải được kết nối với quá trình giám sát và đánh giá hài hòa thống nhất.
Việt Nam áp dụng hệ thống lập kế hoạch định kỳ 5 năm trong khung thời gian chiến lược 10 năm. Hiện nay, khuôn khổ này gồm Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch phát triểnKT-XH giai đoạn 2011-2015. Các chiến lược và kế hoạch này bao trùm cải cách cơ cấu, tính bền vững về môi trường, phát triển vùng, bình đẳng xã hội và các vấn đề nổi lên về ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn đó. Khung chiến lược hiện nay dựa trên ba trụ cột: tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu và khu vực, nâng cao tính bền vững của quá trình phát triển của Việt Nam và tăng khả năng tiếp cận cơ hội xã hội và kinh tế. Các chủ đề liên ngành là: tăng cường quản trị, thúc đẩy bình đẳng giới, và cải thiện khả năng chống chịu khi đối phó với các cú sốc kinh tế từ bên ngoài, thảm họa thiên nhiên và tác động của BĐKH. Chính phủ Việt Nam tăng cường hệ thống quản lý tài khoá và lập kế hoạch trong ba thập kỷ qua, tạo cơ sở hữu ích để lồng ghép BĐKH. Phân cấp quy trình quản lý là một đặc trưng của nỗ lực Đổi Mới năm 1986, tác động đến Hệ thống quản trị tài chính công của Việt Nam (PFM). Chính phủ Việt Nam đã hiện đại hóa đáng kể hệ thống quản trị tài chính công và đã đưa nhiều yếu tố chính của hệ thống này theo kịp các quy định về thực hành tốt của quốc tế.
Tháng 8 năm 2013, chính phủ Việt Nam đã hoàn thành và chuẩn bị xuất bản cuốn Chi tiêu công, Tài chính và trách nhiệm giải trình (PEFA) nhằm đánh giá hệ thống quản trị tài chính công. Cũng trong năm 2013, Ngân hàng Thế giới đã hoàn thành báo cáo Đánh giá minh bạch tài khóa, trong đó đánh giá tiến bộ của Việt Nam hướng tới cải thiện sự minh bạch về tài khóa, khả năng tiếp cận của cộng đồng với các thông tin tài khóa. Những báo cáo này cho thấy nhiều thành tựu đã đạt được nhằm cải thiện hệ thống quản trị tài chính công. Củng cố hơn nữa hệ thống quản trị tài chính công và xác định rõ hơn vai trò của các cơ quan nòng cốt sẽ giúp thực hiện lồng ghép chính sách về BĐKH trong bối cảnh phát triển rộng hơn.
Quá trình hiện đại hoá hệ thống quản trị tài chính công ở Việt Nam cho thấy những thay đổi liên quan đến BĐKH không nhất thiết là nguồn gốc căn nguyên. Đầu tiên, xem xét nhu cầu về củng cố các quy trình lập kế hoạch hiện có cũng như quy trình báo cáo tài khoá hiện hành, chủ yếu tập trung vào việc xác định và thẩm định dự án tốt hơn và đảm bảo tất cả các dự án liên quan đến BĐKH tại tất cả các cấp chính quyền sẽ được đưa vào phần đánh giá tổng quan này. Thứ hai, nhấn mạnh vai trò của bộ dữ liệu tổng hợp về chi tiêu cho BĐKH do các cấp chính quyền cung cấp trong việc cải thiện sự phối hợp giữa cấp quốc gia và địa phương. Phần này cũng sẽ xem xét nhu cầu áp dụng hệ thống kế toán và ngân sách hiện đại của Việt Nam một cách hiệu quả hơn để nắm được thông tin về các dự án do các đối tác phát triển tài trợ qua ODA, và xác định sự thiếu hụt tài chính. Cuối cùng, xem xét các vấn đề liên quan đến sự phát triển dài hạn hơn của hệ thống quản lý tài chính công, hướng đến lập kế hoạch và dự trù ngân sách nhất quán, hoàn toàn minh bạch và trách nhiệm giải trình đầy đủ.
Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020 là cơ hội để Chính phủ và đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá lại các ưu tiên liên quan đến BĐKH và có thể lồng ghép BĐKH mạnh mẽ hơn trong các kế hoạch tỉnh và ngành.
Tăng cường thực hiện các chính sách và ưu tiên chiến lược trong Kế hoạch phát triển KT-XH đòi hỏi phải cải thiện hơn nữa công tác báo cáo về dự án BĐKH trong quy trình lập kế hoạch và dự toán ngân sách hàng năm. Cải thiện quy trình lập kế hoạch và dự toán ngân sách hàng năm có thể thúc đẩy việc hài hòa và thực thi các hoạt động ứng phó với BĐKH. Cần cải thiện quy trình xác định các mục tiêu và theo dõi tình hình thực hiện các dự án BĐKH.
Tăng cường điều phối cấp quốc gia và cấp tỉnh: Chia sẻ dữ liệu và tăng cường năng lực
Hệ thống lập kế hoạch, dự toán ngân sách và báo cáo hiện nay đã được phân cấp mạnh mẽ và các bộ ngành trung ương không nắm được thông tin về mức đầu tư ở cấp địa phương trong các ngành liên quan. Tình trạng này gây cản trở lớn tới nỗ lực điều phối giữa các cơ quan trung ương và các địa phương, ngoại trừ một số các dự án kết hợp chọn lọc. Do đó, các nguồn lực được sử dụng chưa hiệu quả ở cả cấp trung ương và địa phương. Để giải quyết nhu cầu xác định rõ hơn trách nhiệm của các bộ và địa phương liên quan tới vấn đề BĐKH và xây dựng các dự án và chiến lược vùng, có thể cần tiến hành cải cách cả quy trình lập kế hoạch và dự toán ngân sách như đã chỉ ra ở trên và cả cải cách hành chính công. Có thể tăng cường chia sẻ thông tin bằng cách cải thiện cơ chế báo cáo về chi tiêu và ngân sách của các bộ và địa phương. Cải thiện mức độ dữ liệu sẵn có sẽ thúc đẩy thảo luận chính sách giữa các bộ ngành và địa phương trong chu kỳ lập kế hoạch và dự trù ngân sách hàng năm. Cần tăng cường năng lực cho nhiều đối tượng/tác nhân trong toàn bộ hệ thống ứng phó với BĐKH và tài chính ở cấp tỉnh và cấp quốc gia để có thể đạt được các mục tiêu chính sách và để có những tiến bộ về ứng phó BĐKH thông qua quá trình phản hồi và đánh giá. Cần áp dụng các kịch bản để dự toán ngân sách và lập kế hoạch, tăng cường hiểu biết về khả năng can thiệp trong nhiều ngành, bao gồm cả lồng ghép BĐKH; xác định và phân loại các khoản chi tiêu cho BĐKH khác nhau; giám sát và đánh giá các hành động ứng phó với BĐKH. Những cải thiện về thể chế đó cần được thiết kế riêng phù hợp cho các mục tiêu ngành được lựa chọn. Ví dụ, trong hệ thống theo dõi các dòng chi BĐKH, việc xác định và phân loại cũng như mã hóa các dự án liên quan đến BĐKH do các cán bộ kỹ thuật dự án thực hiện ở cấp trung ương và địa phương là điều kiện tiên quyết để thực hiện tổng thể hiệu quả các hành động ứng phó với BĐKH của Chính phủ trong cả nước.
Quản trị tài chính công trong dài hạn
Theo Báo cáo, các bước khởi đầu được tiến hành để cải thiện hệ thống quản trị tài chính công sẽ giúp tạo dựng nền tảng cho quá trình cải cách dài hơi hơn và cải thiện tình hình phối hợp giữa lập kết hoạch và dự toán ngân sách ở tất cả các cấp chính quyền. Một vấn đề quan trọng của quản trị tài chính công cần được giải quyết là cần đảm bảo tài sản có được thông qua ngân sách đầu tư sẽ được ngân sách chi thường xuyên dành nguồn vốn cần thiết để vận hành và bảo dưỡng hợp lý khi giai đoạn xây dựng đã kết thúc. Ngoài ra, dự toán ngân sách cần được thiết kế trong khuôn khổ tài khóa trung hạn để chắc chắn rằng các nguồn lực tài chính được ưu tiên phù hợp với khả năng tài chính. Các bước hướng tới cách phân loại trên cơ sở chương trình sẽ giúp giải quyết những vấn đề này và nên được coi là một phần trong những nỗ lực cải cách hệ thống quản trị tài chính công trong dài hạn.
BĐKH cũng đã được lồng ghép thành công vào các lĩnh vực như nước, năng lượng và quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Không phải lúc nào cũng có thể rõ ràng lồng ghép hoàn toàn các chính sách BĐKH được trong các chính sách, chương trình phát triển ngành và xã hội, mà điều này đòi hỏi nỗ lực một cách hệ thống để: chính thức xác định các mục tiêu ứng phó với BĐKH trong các kế hoạch ngành và tỉnh và sau đó là thay đổi các kế hoạch và chính sách ngành và tỉnh tương ứng; xác định trách nhiệm của các cơ quan rõ ràng để lập kế hoạch và thực hiện các chính sách đó; thiết lập hệ thống theo dõi các thành tựu dựa trên các mốc và việc thực hiện các sản phẩm đầu ra và các kết quả trong suốt quá trình thực hiện và đánh giá thường xuyên việc hoàn thành các mục tiêu chính sách. Vấn đề liên kết phát triển KT-XH và ứng phó với BĐKH đã được đề cập trong các chính sáchvà các tài liệu chiến lược tuy nhiên vẫn có cơ hội để tăng cường mối liên kết này thông qua quá trình lập kế hoạch phát triển KT-XH. Kế hoạch phát triển KT-XH được tiến hành ở cấp quốc gia, ngành và địa phương. Cải thiện lồng ghép BĐKH trong Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020 và quy trình (hằng năm) sẽ tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH và có nhiều tiến bộ trong các mục tiêu chính sách liên quan đến BĐKH./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư