(MPI) – Ngày 04/11/2019, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập các Nghị định hướng dẫn Luật đầu tư công (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung chủ trì cuộc họp.
|
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung chủ trì cuộc họp. Ảnh: MPI |
Luật đầu tư công (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư công, đẩy mạnh việc phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương. Việc thực hiện Luật phải gắn liền với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và cơ cấu lại đầu tư công nói riêng theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực hạn hẹp của Nhà nước, tạo điều kiện khuyến khích sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân trong và ngoài nước, thông qua các hình thức đầu tư phù hợp, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ tăng trưởng nhanh, bền vững, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Luật đầu tư công (sửa đổi) có 6 chương, 101 điều với những điểm mới nổi bật như thống nhất được định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công; đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công, đặc biệt là phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, trở thành một nội dung của thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, do các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thẩm định (trừ chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ). Luật đẩy mạnh việc phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương trong việc quyết định chủ trương đầu tư và đổi mới phương thức kế hoạch hóa. Đặc biệt, Luật đầu tư công (sửa đổi) tăng cường hơn tính công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư công, gắn với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số, góp phần tích cực vào việc chống thất thoát, lãng phí. Theo đó, Luật quy định rõ về Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công. Hệ thống được xây dựng, triển khai thống nhất trên phạm vi cả nước phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư công, bao gồm việc tổng hợp, báo cáo, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; theo dõi, đánh giá chương trình, dự án đầu tư công; quản lý, lưu trữ, công khai dữ liệu theo quy định.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 26/7/2019 về việc giao các cơ quan ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì phối hợp với một số bộ, ngành liên quan soạn thảo 04 Nghị định hướng dẫn thi hành luật Đầu tư công (sửa đổi), gồm: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đầu tư công; Nghị định thay thế Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/1016 và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP ngày 01/10/2018 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia. Đối với dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 84 và Nghị định số 131, ngoài các nội dung liên quan đến Luật đầu tư công (sửa đổi), các Nghị định này còn có nội dung liên quan đến Luật đầu tư, Luật xây dựng, Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư và các Luật này đang trong quá trình xây dựng, sửa đổi. Do vậy, đối với 02 Nghị định này, bước đầu chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều và sau khi các Luật nêu trên được ban hành sẽ tiến hành sửa đổi toàn diện.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết thêm, để xây dựng các Nghị định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập 01 Ban Soạn thảo chung cho 4 Nghị định, mỗi Nghị định có 01 Ban Biên tập và tiến hành xây dựng theo trình tự, hình thức rút gọn. Đến thời điểm hiện tại, các dự thảo đã được gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến góp ý. Thứ trưởng đề nghị các đại biểu, thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tập trung trao đổi, góp ý thẳng thắn về các vấn đề được xin ý kiến để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo, trình Chính phủ theo đúng quy định.
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI |
Trình bày tóm tắt về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật đầu tư công, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Trần Quốc Phương, Phó Trưởng Ban Soạn thảo Nghị định cho biết, dự thảo Nghị định được xây dựng gồm các nội dung quy định chi tiết thi hành 15 Điều, khoản của Luật này (gồm: Khoản 6 Điều 5; Khoản 3 Điều 17; Khoản 1 Điều 28; Điều 32; Khoản 3 Điều 34; Khoản 6 Điều 35; Khoản 6 Điều 40; Khoản 6 Điều 43; Khoản 5 Điều 59; Khoản 2 Điều 65; Khoản 4 Điều 66; Khoản 9 Điều 67; Khoản 4 Điều 97; Điều 99). Đồng thời, quy định thêm việc quản lý thực hiện nhiệm vụ quy hoạch và dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng. Dự thảo có kết cấu gồm 8 chương, 54 Điều.
Về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP ngày 01/10/2018 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Lưu Quang Khánh, Phó Trưởng Ban Soạn thảo Nghị định cho biết, nguyên tắc xây dựng Dự thảo là kế thừa các quy định còn phù hợp của 02 Nghị định này, bổ sung, sửa đổi một số quy định phù hợp với các quy định của Luật đầu tư công (sửa đổi) và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, giải quyết các vướng mắc, bất hợp lý được các cơ quan Việt Nam và đối tác phát triển phản ánh và đề xuất sửa đổi trong quá trình triển khai Nghị định 16 và Nghị định 132.
Về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2015/NĐ-CP, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư Tăng Ngọc Tráng, Phó Trưởng Ban Soạn thảo Nghị định cho biết, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84 được xây dựng dựa trên cơ sở quy định chi tiết nhiệm vụ được giao tại Khoản 6 Điều 73 của Chính phủ quy định phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công. Đồng thời, bổ sung một số nội dung phù hợp với pháp luật về đầu tư và đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Các nội dung khác sẽ được nghiên cứu rà soát, sửa đổi tổng thể sau khi các luật về đầu tư, xây dựng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư được xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện.
Trên cơ sở quan điểm, định hướng nêu trên, so với quy định hiện hành, Dự thảo có một số điểm mới như bổ sung thêm quy định về phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công. Đồng thời, sửa đổi quy định về chi phí giám sát, đánh giá đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị huy động các nguồn lực thực hiện đánh giá đầu tư toàn diện hơn. Điểm mới tiếp theo là bãi bỏ quy định về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư (bãi bỏ Chương IX của Nghị định 84).
Tham gia ý kiến thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung, kết cấu Dự thảo, đồng thời đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chủ trì xây dựng Luật đầu tư công (sửa đổi) cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề liên quan đến ODA; thẩm quyền đóng dấu bản vẽ thiết kế sau khi thẩm định; việc quản lý thực hiện nhiệm vụ quy hoạch và dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng; thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư vốn tín dụng… Đồng thời đề nghị Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo để trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu, đồng thời cảm ơn sự phối hợp của các Bộ trong việc tham gia soạn thảo các Nghị định này. Thứ trưởng cho biết, tinh thần chung khi xây dựng các Nghị định này là đảm bảo nguyên tắc bám sát nội dung của Luật đầu tư công (sửa đổi), bám sát các điều, khoản cần phải hướng dẫn và các điều khoản cần sửa đổi, bổ sung của Nghị định có liên quan để phù hợp với tinh thần Luật đầu tư công. Trong quá trình soạn thảo các Nghị định được xây dựng theo theo tinh thần kế thừa nội dung các nghị định đã ban hành trước đây. Điểm rất quan trọng trong việc xây dựng các Nghị định này là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại các hướng dẫn trước đây, gây khó khăn cho các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan tổ chức thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi và không tạo ra những thủ tục không cần thiết liên quan đến hoạt động đầu tư công.
Trên cơ sở ý kiến trao đổi, thảo luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung đề nghị Ban Soạn thảo tiếp thu các ý kiến, tiếp tục rà soát nội dung để hoàn thiện Dự thảo gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với Luật đầu tư công sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2020./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư