Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/11/2019-10:41:00 AM
Hội nghị Đánh giá kết quả triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
(MPI) – Ngày 14/11/2019, tại Quảng Ninh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị Đánh giá kết quả triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Võ Thành Thống phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Võ Thành Thống cho biết, với quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động và đồng hành cùng doanh nghiệp, hàng loạt chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ra đời như luồng gió mới làm khởi sắc phong trào khởi nghiệp ở nước ta hiện nay. Đối với lĩnh vực đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn, nhiều chính sách mới ban hành trong đó có Nghị định số 57/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 210/2015/NĐ-CP về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ban hành càng khẳng định quyết tâm này.

Nghị định số 57/2018/NĐ-CP có nhiều quy định đặc thù nhằm thu hút tối đa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: doanh nghiệp thực hiện dự án trên cơ sở định mức hỗ trợ của nhà nước và được hỗ trợ sau đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ tập trung đất đai, tín dụng đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến nông lâm thủy sản, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn nhằm xã hội hóa dịch vụ công...

Bên cạnh đó, việc thực thi Nghị định số 57/2018/NĐ-CP đến nay còn rất nhiều bất cập làm giảm hiệu quả của chính sách. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành văn bản hướng dẫn của Trung ương, đến nay sau hơn 1 năm Nghị định có hiệu lực, hệ thống văn bản hướng dẫn cấp Trung ương đã cơ bản đầy đủ.

Ở cấp địa phương, ngoài việc tuyên truyền thực hiện Nghị định, cấp tỉnh phải ban hành 05 chính sách, hướng dẫn theo đặc thù của địa phương mình. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản này đang rất chậm so với yêu cầu của Chính phủ. Theo Báo cáo của các địa phương gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, chỉ có 20/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách đặc thù của địa phương về hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngoài ra, chưa có tỉnh, thành phố nào ban hành cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai (không tính các cơ chế thí điểm cũ). Bên cạnh đó, có 03/63 tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích đầu tư, 05/63 tỉnh ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh và 04/63 tỉnh ban hành định mức hỗ trợ chi tiết. Đồng thời, việc thiếu nguồn vốn để thực hiện cũng làm giảm hiệu quả của chính sách.

Thứ trưởng Võ Thành Thống cho biết, ngày 17/7/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành địa phương triển khai Nghị định theo kế hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ. “Hội nghị được tổ chức để đánh giá tình hình triển khai Nghị định nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành và thực hiện các văn bản hướng dẫn ở cả cấp Trung ương và địa phương”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe Báo cáo kết quả triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra một số giải pháp để triển khai Nghị định trong thời gian tới. Cụ thể, về phía các Bộ, ngành Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành tiêu chuẩn bò thịt, bò sữa và tiêu chí dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Bộ Công Thương ban hành bổ sung Danh mục sản phẩm phụ trợ được hỗ trợ sản xuất theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách nhằm thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao theo yêu cầu của Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Về phía địa phương, cần khẩn trương ban hành 05 chính sách đã được giao tại Nghị định 57/2018/NĐ-CP, đây là các hướng dẫn quan trọng, đảm bảo khi có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước có thể giải ngân hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, các địa phương cần tích cực tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 57/2018/NĐ-CP tới cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc tổ chức Hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát hành các thông tin về chính sách hỗ trợ tới cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.

Về hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương cho các địa phương để triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay các địa phương đã rà soát và đề nghị ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho 582 dự án nông nghiệp, nông thôn là 4.506 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 3.830 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 676 tỷ đồng. Với tổng mức đầu tư các dự án là 80.803 tỷ đồng thì mức vốn nhà nước hỗ trợ các dự án chỉ bằng khoảng 5,6% tổng mức đầu tư dự án.

Để hiện thực hóa các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, sớm đưa Nghị định 57/2018/NĐ-CP vào cuộc sống, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 1.200 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019./.

Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2709
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)