(MPI) – Ngày 19/12/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Công bố kết quả và tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ Trưởng ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương và đại diện lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế.
Đổi mới trong phương pháp điều tra thống kê
Tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương trình bày chi tiết về kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
|
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương đã chỉ đạo các Ban Chỉ đạo Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao thực hiện Tổng điều tra. Đồng thời, chỉ đạo các Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tại địa phương và các Bộ ngành có liên quan thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên phạm vi cả nước. Các hộ dân cư đã được tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Tổng điều tra và cung cấp thông tin đầy đủ cho điều tra viên thống kê. Tổng số hộ dân cư đã được thu thập thông tin là 26.870.079 hộ với 96,2 triệu người trên phạm vi 11.160 xã, phường, thị trấn tại 713 quận, huyện, thị xã thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước.
Công tác thu thập thông tin tại địa bàn đã hoàn thành đúng tiến độ (hoàn thành trong tháng 4/2019). Công tác xử lý và công bố kết quả sơ bộ đã hoàn thành sau hơn hai tháng kết thúc thu thập thông tin tại địa bàn, dữ liệu có sớm hơn một năm so với lần Tổng điều tra dân số và nhà ở trước. Báo cáo kết quả chính thức Tổng điều tra năm 2019 đến thời điểm hiện nay đã được hoàn tất.
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là cuộc Tổng điều tra đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn, trong đó sử dụng thiết bị điện tử di động và phiếu điện tử trực tuyến để hộ dân cư tự cung cấp thông tin trong giai đoạn thu thập thông tin tại địa bàn.
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin nên chất lượng số liệu được nâng cao, rút ngắn thời gian công bố kết quả Tổng điều tra năm 2019, tiết kiệm kinh phí hàng trăm tỷ đồng và sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước. Đồng thời, tạo sự đồng thuận và tiện lợi cho điều tra viên. Kết quả thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao, ghi nhận những nỗ lực thực hiện. Các Bộ ngành và địa phương được tiếp cận với thông tin của Tổng điều tra sớm và đầy đủ. Bạn bè quốc tế ghi nhận về những hiệu quả của đổi mới trong phương pháp điều tra thống kê.
Tổng cục Thống kê là cơ quan thường trực về chuyên môn của Tổng điều tra đã vinh dự được nhận giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” do Hội Truyền thông số Việt Nam tặng thưởng nhằm tôn vinh cho sự đóng góp giá trị phát triển công nghệ số, góp phần quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số quốc gia. Mô hình cải tiến ứng dụng công nghệ thông tin trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã được một số nước khảo sát học tập kinh nghiệm để áp dụng trong Tổng điều tra dân số chu kỳ năm 2020.
Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người
Kết quả chính thức Tổng điều tra dân số và nhà ở vào 0 giờ ngày 01/4/2019 cho thấy, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người, trong đó, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin) và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999 - 2009 (1,18%/năm).
Mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/ km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất toàn quốc, tương ứng là 1.060 người/ km2 và 757 người/km2. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có mật độ dân số thấp nhất, tương ứng là 132 người/km2 và 107 người/km2.
Dân số thành thị là 33.122.548 người, chiếm 34,4%; dân số nông thôn là 63.086.436 người, chiếm 65,6% tổng dân số cả nước. Đông Nam Bộ có tỷ lệ dân số thành thị cao nhất cả nước (62,8%), Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ dân số thành thị thấp nhất (18,2%). Các tỉnh có tỷ lệ dân số thành thị cao nhất gồm Đà Nẵng 87,2%, Bình Dương 79,9% và thành phố Hồ Chí Minh 79,2%. Các tỉnh có tỷ lệ dân số thành thị thấp nhất cả nước gồm Bến Tre 9,8%, Thái Bình 10,6%, Bắc Giang 11,4%.
Dân số thuộc dân tộc Kinh là 82.085.826 người, chiếm 85,3%, 6 trong tổng số 53 dân tộc thiểu số có dân số trên 1 triệu người và 11 dân tộc có dân số dưới 5 nghìn người. Địa bàn sinh sống chủ yếu của người dân tộc thiểu số là Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Đến thời điểm Tổng điều tra năm 2019, có 16 tôn giáo được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Già hóa dân số tại Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng với tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 7,7%, Chỉ số già hóa là 48,8% (tăng 13,3 điểm phần trăm so với năm 2009 và tăng hai lần so với năm 1999). Tuy vậy, tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm đa số với 68,0% (giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2009). Như vậy, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” khi mà cứ một người phụ thuộc (dưới 15 tuổi hoặc từ 65 tuổi trở lên) thì có hai người trong tuổi tham gia lao động. Trong những năm qua, nền kinh tế đã tận dụng lợi thế về lực lượng lao động trẻ của thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” cho quá trình phát triển, tuy nhiên nguồn nhân lực được tận dụng chủ yếu tập trung ở nhóm có kỹ năng trung bình và thấp, chỉ 11,2% lao động có việc làm có trình độ kỹ năng cao. Do vậy, đóng góp về lao động trong chuỗi giá trị gia tăng trong nền kinh tế còn thấp.
Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi đều giảm mạnh trong vòng 2 thập kỷ qua.
Mặc dù dân số liên tục tăng nhưng di cư đang có dấu hiệu giảm cả về số lượng và tỷ lệ. Trong số 88,4 triệu dân từ 5 tuổi trở lên, số người di cư là 6,4 triệu người, chiếm 7,3%. Đông Nam Bộ là điểm đến thu hút nhất đối với người di cư. Có đến 1,3 triệu người nhập cư, chiếm hơn 2/3 tổng số người di cư trên cả nước, đến vùng Đông Nam Bộ.
Sau 30 năm, tỷ lệ dân số thành thị tăng 14,3 điểm phần trăm, từ 20,1% năm 1989 lên 34,4% năm 2019. Tốc độ tăng dân số thành thị bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 2,64%/năm, thấp hơn tốc độ tăng dân số thành thị của giai đoạn 1999-2009 (3,4%/năm). Yếu tố di cư góp phần làm dân số khu vực thành thị tăng thêm 1,2 triệu người, chiếm 3,5% dân số thành thị.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng
Trong 10 năm qua, giáo dục phổ thông đã có sự cải thiện rõ rệt về việc tăng tỷ lệ đi học chung và đi học đúng tuổi. Trong đó, bậc trung học phổ thông có sự cải thiện rõ ràng nhất. Hiện có 8,3% trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đến trường, giảm 12,6 điểm phần trăm so với năm 1999 và giảm 8,1 điểm phần trăm so với năm 2009. Hơn 1/3 dân số từ 15 tuổi trở lên đạt trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên, tăng gần hai lần so với năm 2009. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ này của khu vực thành thị lại cao hơn hai lần so với khu vực nông thôn (lần lượt là 54,0% và 27,0%).
Toàn quốc có 80,8% dân số từ 15 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Một nửa trong số 19,2% người có trình độ chuyên môn kỹ thuật là người có trình độ từ đại học trở lên. Tỷ lệ dân số có chuyên môn kỹ thuật đã tăng 5,9 điểm phần trăm so với năm 2009. Gần 88% dân số trong độ tuổi từ 25-59 tham gia lực lượng lao động, trong đó tỷ trọng dân số tham gia lực lượng lao động cao nhất ở nhóm tuổi 25-29 (14,3%) và giảm nhẹ ở nhóm tuổi 30-34 (14,2%). Dân số ở nhóm tuổi trẻ (từ 15-24 tuổi) và nhóm tuổi già (từ 60 tuổi trở lên) đều chiếm tỷ trọng tham gia lực lượng lao động thấp (dưới 10%).
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã tốt nghiệp phổ thông trung học chiếm 39,1%, tăng 13,5 điểm phần trăm so với năm 2009 đã được đào tạo có bằng, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) chiếm 23,1% (ở khu vực thành thị cao gấp gần 2,5 lần khu vực nông thôn, tương ứng là 39,3% và 15,6%).
Tỷ lệ thất nghiệp của dân số từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam ở mức thấp, 2,05%. Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực nông thôn thấp hơn gần hai lần so với khu vực thành thị (tương ứng là 1,64% và 2,93%). Lao động trẻ từ 15-24 tuổi là những người thất nghiệp nhiều nhất, chiếm gần một nửa tổng số lao động thất nghiệp cả nước (44,4%).
Giai đoạn 2009-2019, tỷ trọng việc làm theo ngành có sự dịch chuyển rất tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tỷ trọng lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm liên tục trong những năm qua, từ 53,9% năm 2009 xuống còn 46,3% năm 2014 và đạt 35,3% vào năm 2019. Tỷ lệ này sớm đạt ngưỡng 70% như mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 23/NQ-TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhóm nghề lao động giản đơn thu hút nhiều nhân lực nhất trong nền kinh tế với tỷ lệ 33,2%. So với 10 năm trước đây, tỷ trọng lao động làm công việc giản đơn đã giảm mạnh (giảm 7,1 điểm phần trăm). Các nhóm “Dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng”, “thợ thủ công và các thợ khác có liên quan” và “thợ lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị” cũng là những nhóm nghề thu hút nhiều lực lượng lao động, tương ứng là 18,3%, 14,5% và 13,2% tổng số lao động đang làm việc.
Tại thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019, đa số các hộ dân cư đều có nhà ở và đang sống trong những ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố. Chỉ còn 1.244 hộ không có nhà để ở, tương đương với 4.108 người. Đa số hộ không có nhà ở là những hộ sống ở ghe, thuyền,… không đủ điều kiện về cấu tạo của ngôi nhà/căn hộ để ở (3 bộ phận: tường, mái, sàn). Ngoài ra, có 310 người lang thang cơ nhỡ tại 10 tỉnh, thành phố đã được thu thập thông tin trong cuộc Tổng điều tra này, đây là những người không có nhà ở. Như vậy, có tổng số 4.418 người hiện không có nhà ở trên toàn quốc. Sau 10 năm, tình trạng hộ không có nhà ở đã giảm 10 lần.
Diện tích nhà ở bình quân đầu người là 23,2m2/người, tăng 6,5m2/người so với năm 2009. Khoảng hơn 1/3 số hộ (chiếm 34,4%) sống trong các ngôi nhà/căn hộ có diện tích bình quân đầu người từ 30m2/người trở lên. Vẫn còn gần 7% hộ dân cư (tương ứng với khoảng 7,7 triệu người) đang sống trong các ngôi nhà có diện tích chật hẹp dưới 8m2/người.
Hiện có 11,7% hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà/căn hộ đi thuê/mượn, tăng 4,6 điểm phần trăm so với năm 2009 (năm 2009 là 7,1%). Đa số các hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà/căn hộ được xây dựng và bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm 2000 đến nay (76,8%, tương đương 20,6 triệu hộ). Trong đó, 37,1% hộ sống trong các ngôi nhà/căn hộ mới được xây dựng trong vòng 10 năm trước thời điểm Tổng điều tra (tương ứng khoảng 10 triệu hộ), thấp hơn 1,2 triệu hộ so với năm 2009…
Trong 10 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân, đất nước đã đạt những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, việc làm và điều kiện sống của người dân.
Tiến tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người
|
Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam Nao-mi Ki-ta-ha-ra. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam Nao-mi Ki-ta-ha-ra cho rằng, Hội nghị công bố hôm nay là sự kiện có ý nghĩa quan trọng bởi số liệu được công bố thực sự quý giá cho quốc gia sử dụng trong việc xây dựng, hoạch định các chính sách ở các cấp. Đối với cộng đồng quốc tế, qua bức tranh về dân số để hiểu rõ hơn những tiến bộ của Việt Nam và những lĩnh vực Việt Nam cần được ưu tiên hỗ trợ để phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhằm hiện thực hóa Mục tiêu phát triển bền vững. Việc thực hiện điều tra dân số và nhà ở cũng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của mỗi quốc gia.
Bà Nao-mi Ki-ta-ha-ra chúc mừng Việt Nam đã thực hiện thành công Cuộc điều tra, đặc biệt đánh giá cao Việt Nam trong việc đưa ra sáng kiến và quyết tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong các giai đoạn điều tra. Điều này nhằm giúp cải thiện đáng kể chất lượng cũng như tăng tính minh bạch của dữ liệu, giảm sai sót do yếu tố con người cũng như phổ biến sớm kết quả điều tra. Đồng thời bày tỏ ấn tượng với những tiến bộ vượt bậc mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực này.
Thành công của cuộc tổng điều tra thể hiện cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp và quan trọng nhất là sự tham gia tích cực của người dân Việt Nam. Thành công này khẳng định năng lực của Chính phủ Việt Nam trong việc điều phối thực hiện cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở các cấp, bà Nao-mi Ki-ta-ha-ra nhấn mạnh.
Kết quả điều tra không chỉ mang lại con số, quy mô về dân số và nhà ở mà còn các lĩnh vực khác như mức sinh, di cư, các lĩnh vực về giáo dục, việc làm, điều kiện nhà ở của hộ dân cư… Kết quả của cuộc tổng điều tra cho thấy, tỷ suất sinh của Việt Nam ổn định và Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng khi mà cứ một người phụ thuộc thì có hai người trong tuổi tham gia lao động. Đây là cơ hội tuyệt vời cho phát triển kinh tế - xã hội nếu Việt Nam tiếp tục có các chính sách phù hợp về phát triển nguồn nhân lực…
Bà Nao-mi Ki-ta-ha-ra cũng đề cập đến vấn đề tỷ trọng người cao tuổi lớn cũng như những thách thức trong việc mất cân bằng giới tính khi sinh… và cho rằng, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để thực hiện mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời khẳng định, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam sử dụng tốt số liệu tổng điều tra để phục vụ tốt cho việc hoạch định chính sách và ra quyết định nhằm tiến tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Theo Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam Chang-hee Lee, kết quả của tổng điều tra dân và nhà ở năm 2019 là dấu mốc quan trọng đối với Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việc sử dụng công nghệ thông tin để thu thập thông tin, cung cấp các bằng chứng để phục vụ cho quá trình ra chính sách cũng như phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, giúp Việt Nam hoạch định các chính sách một cách đầy đủ hơn và nguồn dữ liệu này cũng góp phần giúp Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thông tin về điều tra dân số và nhà ở năm 2019 có ý nghĩa thiết thực và quan trọng, là bằng chứng tin cậy, là căn cứ quan trọng để phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện. Đặc biệt, đây là số liệu đầu vào cho quá trình xây dựng dự thảo các Văn kiện phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII và Đại hội đảng bộ các cấp. Đồng thời, phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư