(MPI) – Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 về việc tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở rà soát nội dung Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020.
|
Hội nghị toàn quốc Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Ảnh: MPI
|
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đánh giá kết quả 05 năm thực hiện Quyết định số 2261/QĐ-TTg và đề xuất nội dung hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025.
Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Kinh tế tập thể, hợp tác xã không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống của người dân.
Đặc biệt, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn sẽ không có khả năng cạnh tranh và tồn tại.
Thực tế cho thấy tiềm năng phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã rất lớn nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiếp cận được các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thông qua các hợp tác xã, những xã viên, nông dân sản xuất với quy mô nhỏ có thể liên kết lại nhằm phát huy lợi thế của kinh tế theo quy mô lớn hơn, tăng cường năng lực và hiệu quả sản xuất đi đôi với việc hạ giá thành, kiểm soát chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, hợp tác xã là thể chế không thể thiếu, góp phần vào sự phát triển đất nước hài hoà về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá; là tất yếu đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tư nhân, cá thể, đặc biệt ở các vùng nông thôn như ở Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Hợp tác xã tại các nước này có xu hướng sáp nhập thành các hợp tác xã có quy mô lớn, hoặc thành lập các liên đoàn kinh tế chuyên ngành của hợp tác xã hoạt động theo chiều dọc, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển đất nước. Chính phủ các nước này cũng có các chương trình, chính sách hỗ trợ riêng đối với các tổ chức kinh tế hợp tác, thông qua đó hỗ trợ nông dân, hộ sản xuất cá thể nâng cao sức cạnh tranh và phát triển.
Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2006-2010, giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều hạn chế, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội và sự tập trung nguồn lực hơn nữa của Chính phủ.
Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 được xây dựng trên cơ sở khắc phục các hạn chế, nhược điểm của Chương trình cũ, tập trung vào hỗ trợ các nội dung, hạng mục cấp thiết đối với phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nhằm tránh dàn trải, nâng cao hiệu quả hỗ trợ, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.
Dự thảo Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 đang được xin ý kiến trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư