Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/04/2020-14:08:00 PM
Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 4 tháng đầu năm 2020

Tính đến 20/4/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 5,15 tỷ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính lũy kế đến ngày 20/4/2020, cả nước có 31.862 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 373,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 216,93 tỷ USD, bằng 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

I. VỀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

1. Tình hình thu hút ĐTNN 4 tháng đầu năm 2020

1.1. Tình hình hoạt động

Vốn thực hiện

Tính đến 20/4/2020, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 5,15 tỷ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Tình hình xuất, nhập khẩu

Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN đã tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong 3 tháng đầu năm. Xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt 56,49 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ, chiếm 70,2% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 55,75 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 69,3% kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 4 tháng đầu năm 2020.

Nhập khẩu: Nhập khẩu của khu vực ĐTNN đạt 46,32 tỷ USD, tăng 2,9% so cùng kỳ và chiếm 57,6% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Mặc dù bị tác động bởi dịch Covid-19, song trong 4 tháng đầu năm 2020, song khu vực ĐTNN vẫn xuất siêu 10,2 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 9,4 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu 9,6 tỷ USD của khu vực trong nước, giúp cả nước xuất siêu 983 triệu USD.

1.2. Tình hình đăng ký đầu tư:

Tính đến 20/4/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh tăng hơn so với cùng kỳ, song vốn góp của các nhà ĐTNN theo phương thức GVMCP lại giảm mạnh, làm giảm tổng vốn đầu tư thu hút được trong 4 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, nếu xét về giá trị, vốn đăng ký 4 tháng năm 2020 vẫn tăng so với cùng kỳ các năm 2016-2018 (tăng 52,3% so với năm 2018, 16,4% so với năm 2017 và 79% so với năm 2016). Mức độ giảm trong 4 tháng cũng ít hơn so với 3 tháng đầu năm.

ĐTNN 4 tháng đầu năm theo năm

Vốn đăng ký mới: Có 984 dự án mới được cấp GCNĐKĐT, tổng vốn đăng ký đạt 6,78 tỷ USD, giảm 9,1% về số dự án và tăng 26,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đầu tư tăng là do trong 4 tháng đầu năm có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp GCNĐKĐT mới với tổng vốn đầu tư là 4 tỷ USD, chiếm 59% tổng vốn đăng ký mới. Dự án lớn đã đẩy quy mô dự án bình quân tăng hơn so với cùng kỳ, từ 4,9 triệu USD năm 2019 lên 6,9 triệu USD trong năm 2020.

Vốn điều chỉnh: Có 335 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,07 tỷ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn điều chỉnh tăng đột biến sau khi giảm liên tục trong 3 tháng đầu năm do có Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu (Thái Lan) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD. Tuy nhiên số lượt dự án điều chỉnh vốn trong 4 tháng vẫn giảm 5,2% so với cùng kỳ.

Góp vốn, mua cổ phần: Có 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị vốn góp gần 2,48 tỷ USD, tăng 32,9% số lượt góp vốn, mua cổ phần và bằng 34,7% về giá trị vốn góp so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần tăng, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,77 triệu USD/ lượt góp vốn, nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân trong 4 tháng đầu năm 2019. Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư đăng ký cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019 (từ 48,9% trong 4 tháng năm 2019 xuống 20,1% trong 4 tháng năm 2020).

(Biểu số liệu chi tiết tại Phụ lục I kèm theo báo cáo).

Theo lĩnh vực đầu tư

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 6 tỷ USD, chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,9 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký 776 triệu USD và 665 triệu USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.

Theo đối tác đầu tư

Đã có 93 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,07 tỷ USD, chiếm 41,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Thái Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,46 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,16 tỷ USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc,...

Nếu xét theo số lượng dự án thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất (265 dự án); Trung Quốc đứng vị trí thứ hai (135 dự án); Nhật Bản đứng thứ ba (116 dự án); Singapore đứng thứ tư (81 dự án);…

Theo địa bàn đầu tư

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 57 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu với 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 32,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 1,9 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư. TP Hồ Chí Minh đứng thứ 3 với 1,31 tỷ USD, chiếm 10,6% tổng vốn đầu tư (trong đó đầu tư theo phương thức góp vốn, mua cổ phần chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 76,5 tổng vốn đầu tư đăng ký của Thành phố, chiếm 53,1% tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần và 40,4% tổng giá trị vốn góp của cả nước). Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Hà Nam, Bình Dương...

Nếu xét theo số lượng dự án thì TP Hồ Chí Minh dẫn đầu (369 dự án); Hà Nội đứng thứ hai (223 dự án); Bắc Ninh đứng thứ ba (65 dự án),….

(Biểu số liệu chi tiết tại Phụ lục II kèm theo báo cáo).

Một số dự án lớn trong 4 tháng đầu năm 2020

- Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG.

- Dự án Tổ hợp hoá dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại Bà Rịa – Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ USD.

- Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh.

- Dự án Victory - Nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao tại Đồng Văn, Hà Nam (Đài Loan), tổng vốn đầu tư 273 triệu USD với mục tiêu sản xuất, lắp ráp các thiết bị máy tính điện tử và ngoại vi máy tính; sản xuất các thiết bị âm thanh và hình ảnh điện tử dân dụng.

- Dự án Công trình văn phòng tại 29 Liễu Giai (Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 246 triệu USD.

2. Tình hình thu hút ĐTNN trong tháng 4 năm 2020

Riêng trong tháng 4 năm 2020, cả nước đã thu hút được 3,78 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN, xấp xỉ bằng mức vốn đầu tư thu hút được trong cùng kỳ năm 2019 (bằng 99,9% tháng 4 năm 2019), chiếm 30,7% tổng vốn đầu tư trong 4 tháng đầu năm, tăng 81,4% so với tháng 3, gấp 3,3 lần tháng 2 và bằng gần 80% so với tháng 1/2020.

- Có 229 dự án được cấp mới GCNĐKĐT, tổng vốn đăng ký đạt 1,25 tỷ USD, bằng gần 82% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 33% tổng vốn đầu tư trong tháng.

- Có 99 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 2 tỷ USD, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 60,9% tổng vốn đầu tư trong tháng. Vốn điều chỉnh tăng mạnh do trong tháng 4/2020 có dự án điều chỉnh vốn lớn 1,386 tỷ USD, chiếm tới 69% tổng vốn điều chỉnh.

- Có 940 lượt GVMCP của nhà ĐTNN, tổng giá trị vốn góp gần 523 triệu USD, bằng 36,1% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 26% tổng vốn đầu tư trong tháng. Nếu như trong tháng 3/2020, vốn ĐTNN theo phương thức GVMCP chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu vốn thu hút được (54,2%) thì trong tháng 4, vốn đầu tư theo phương thức này giảm cả về giá trị cũng như tỷ lệ vốn. Một phần do giảm số lượt GVMCP (giảm 27%), phần khác là do xuất hiện một số dự án đầu tư mới và điều chỉnh vốn lớn trong tháng 4.

3. Nhận xét về tình hình ĐTNN trong 4 tháng đầu năm 2020

- Đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới, trong đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị đình trệ, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn. Vốn thực hiện của các dự án ĐTNN tiếp tục giảm trong 4 tháng đầu năm, chỉ bằng 90,4% so với cùng kỳ.

- Việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án ĐTNN hiện có cũng bị ảnh hưởng. Số dự án mới và điều chỉnh vốn đều giảm so với cùng kỳ. Mặc dù vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn tăng lên, song chủ yếu tăng là nhờ các dự án lớn, đã được nộp hồ sơ và đàm phán trong một thời gian dài trước đó. Nếu không tính các dự án lớn trên tỷ USD thì tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN trong 4 tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 64,7% so với cùng kỳ năm 2019.

- Các hoạt động xúc tiến đầu tư có sự thay đổi lớn trong 4 tháng đầu năm 2020, theo đó ghi nhận sự sụt giảm mạnh về số lượng các đoàn sang làm việc tìm hiểu cơ hội đầu tư, đặc biệt là từ các đối tác chủ yếu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, ASEAN, Mỹ, EU. Các hoạt động hội thảo, hội nghị, diễn đàn về đầu tư phần lớn đã thông báo hoãn, hủy.

- Kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN trong 4 tháng đầu năm 2020 đã tăng nhẹ trở lại sau khi giảm trong 3 tháng. Khu vực ĐTNN xuất siêu 10,2 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 9,4 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu 9,6 tỷ USD của khu vực trong nước, giúp cả nước xuất siêu 983 triệu USD.

4. Tình hình ĐTNN luỹ kế tới 20/4/2020

- Theo lĩnh vực: các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 219,7 tỷ USD, chiếm 58,9% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 59 tỷ USD (chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với 27,5 tỷ USD (chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư).

- Theo đối tác đầu tư: Hiện đã có 136 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 68,8 tỷ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 59,6 tỷ USD (chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Hồng Kông.

- Theo địa bàn: ĐTNN đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với 47,6 tỷ USD (chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Hà Nội với 34,9 tỷ USD (chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư); Bình Dương với 34,7 tỷ USD (chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư).

(Biểu số liệu chi tiết tại Phụ lục III kèm theo báo cáo)

II. VỀ ĐẦU TƯ CỦA VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI

Trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 68,9 triệu USD, bằng 46,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có 45 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt 53,1 triệu USD (bằng 55,3% so với cùng kỳ 2019) và 09 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổn vốn tăng thêm là 15,8 triệu USD (bằng 29,5% so với cùng kỳ năm 2019).

Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 10 lĩnh vực. Trong đó bán buôn, bán lẻ dẫn đầu, với 15 dự án, tổng vốn đăng ký 29,1 triệu USD, chiếm 42,2%. Lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống xếp thứ 2, với tổng vốn đầu tư 15,2 triệu USD, chiếm 22,1%; tiếp theo là các lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ, công nghiệp chế biến chế tạo,…

Có 18 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020. Dẫn đầu là Myanmar với 6 dự án đầu tư mới và 1 dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt 21,2 triệu USD, chiếm 30,8% tổng vốn đầu tư. Hoa Kỳ đứng thứ hai, với 20,5 triệu USD, chiếm gần 30%. Tiếp theo là Singapore, Campuchia, Cuba,….(Biểu số liệu chi tiết tại Phụ lục IV kèm theo báo cáo)./.


File đính kèm:
FDI_4.2020.xlsx
Cục Đầu tư nước ngoài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 9511
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)