Ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đối mặt nhiều khó khăn, thách thức: dịch bệnh Covid-19 tác động đến hầu hết các hoạt động của xã hội nhất là về thương mại, đầu tư, du lịch, giao thông… Hiệu ứng truyền thông khuếch đại tác động của dịch rộng và mạnh hơn do mức độ và phạm vi kết nối mạng sâu rộng. Các mặt hàng nông sản như thanh long, sầu riêng, mít… liên tục rớt giá. UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế phối họp các sở, ngành phải chủ động phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của dịch bệnh Covid-19 gây ra. Phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong. Ảnh hưởng của triều cường, tình hình xâm nhập mặn nghiêm trọng, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương triển khai công tác hạn mặn theo kịch bản năm 2016. Kết quả thực hiện trên các lĩnh vực như sau:
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ
1. Tăng trưởng kinh tế:
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I năm 2020 ước đạt 15.363 tỷ đồng, (giá so sánh năm 2010) tăng 3,86% so với quý I năm 2019, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,46%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,62% và khu vực dịch vụ tăng 4,4% (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ tăng 3,89% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,4% so cùng kỳ. Trong 3,86% tăng trưởng thì khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 14,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 45,2%, khu vực dịch vụ đóng góp 30,4% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 9,9%. Tính theo giá hiện hành, GRDP đạt 22.904 tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quý I năm 2020 tăng thấp hơn cùng kỳ nhiều năm do tác động của hạn mặn ngày càng gay gắt; dịch bệnh viêm đường ho hấp cấp Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, tốc độ tăng trưởng đạt được như trên là quyết tâm lớn của lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp trong chỉ đạo điều hành, cộng với sự đồng lòng, phấn đấu vượt qua khó khăn của các cơ sở kinh tế và nhân dân trong tỉnh.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm quý I qua hai năm
|
Tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước - %
|
Quý I năm 2019
|
Quý I năm 2020
|
Tổng số
|
5,62
|
3,86
|
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản
|
2,39
|
1,46
|
Khu vực công nghiệp và xây dựng
|
8,99
|
6,62
|
Khu vực dịch vụ
|
6,18
|
3,89
|
Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm
|
10,62
|
7,40
|
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: quý I năm 2020 tăng 1,46% so với quý I năm 2019; trong đó nông nghiệp tăng 0,87% (cùng kỳ tăng 2,38%). Trồng trọt trong quý chịu tác động mạnh của hạn, mặn; nhiều khu vực trên địa tỉnh thiếu nước sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Lãnh đạo địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp cung cấp nước cho sản suất và sinh hoạt nhằm giải bớt thiệt hại cho bà con nông dân như: đắp đập bơm trữ nước ngọt, khoan giếng, thuê xà lan chở nước ... Hiện tại tỉnh đang tập trung cấp nước giải cứu cây sầu riêng, là cây có giá trị kinh tế cao của tỉnh. Trong lĩnh vực chăn nuôi, dịch tả lợn châu Phi tuy được kiểm soát tốt nhưng người dân chưa mạnh dạn tái đàn do còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu vốn đầu tư, mặt dù giá lợn hơi ở thời điểm hiện tại cao hơn cùng kỳ từ 5 đến 10 ngàn đồng/ký tùy theo từng địa phương. Ước tính đến thời điểm hiện tại tổng đàn lợn của tỉnh đạt 323.094 con, giảm 43,06% so cùng kỳ. Giá cả sản phẩm nông nghiệp trong kỳ lên xuống thất thường, có những thời điểm khó tiêu thụ sản phẩm, nhất là khi xảy ra dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Ngành thủy sản tăng 7,55% so cùng kỳ, chủ yếu sản lượng khai thác, sản lượng thu hoạch từ nuôi giảm 6,1% so cùng kỳ do hạn mặn xâm nhập. Từ giữa tháng 02/2020 đến nay, có khoảng 500 ha nghêu nuôi trên địa bàn huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông đã xảy ra hiện tượng chết với tỷ lệ từ 20% - 60%. Các ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra thực tế, lấy mẫu xét nghiệm tìm tác nhân gây chết, để đưa ra giải pháp hỗ trợ ngư dân.
Khu vực công nghiệp - xây dựng: tăng 6,62% so với quý I năm 2019; trong đó công nghiệp tăng 6,51%, tăng thấp hơn cùng kỳ 3,2% (cùng kỳ tăng 9,71%). Do tác động của dịch bệnh, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nguyên vật liệu đầu vào tăng,… Lãnh đạo địa phương đưa ra nhiều giải pháp thu hút đầu tư, trong quý I thu hút 3 dự án đầu tư, tính đến thời điểm hiện tại các khu công nghiệp của tỉnh thu hút được 106 dự án đầu tư, trong đó có 75 dự án đầu tư nước ngoài. Diện tích đất cho thuê 537,05 ha/765,17 ha chiếm tỷ lệ 70,19% diện tích các khu công nghiệp của tỉnh.Ngành xây dựng tăng 7,49%, trong quý chủ yếu thực hiện các công trình chuyển tiếp từ năm 2019 chuyển sang và các công trình chống hạn, mặn. Trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình trọng điểm của địa phương và trung ương; trong đó có dự án cao tốc Trung lương – Mỹ Thuận, các nhà thầu khẩn trương thi công để kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm 2020. Khó khăn hiện nay của dự án này là việc vận chuyển nguyên vật liệu để thi công, do một số tuyến giao thông thủy trên địa bàn đã được ngăn đập chống hạn mặn, phương tiện không lưu thông được, phải đi đường vòng, vận chuyển chậm, phát sinh thêm chi chí.
Khu vực dịch vụ: tăng 3,89%, tăng thấp hơn cùng kỳ 2,29%. Do chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và một phần của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hầu hết các ngành trong khu vực này đều có tốc độ tăng thấp hơn hoặc giảm so cùng kỳ. Một số ngành giảm sâu so cùng kỳ như: dịch vụ lưu trú giảm 23,34%, dịch vụ ăn uống giảm 12,7%, du lịch lữ hành và các hoạt động liên quan đến du lịch giảm 47,2% ... Nếu dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài thì các ngành trong khu vực này sẽ chịu ảnh hưởng nặng hơn nữa, tác động đến tăng trưởng chung của tỉnh. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm quý I tăng 7,4% so cùng kỳ.
2. Tài chính - Ngân hàng:
a. Tài chính:
Tổng thu ngân sách nhà nước quý I được 4.372 tỷ đồng, đạt 29,4% kế hoạch, giảm 5,1% so cùng kỳ; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 3.313 tỷ đồng, đạt 29,8% dự toán và tăng 13,7% so cùng kỳ; thu nội địa 3.244 tỷ đồng, đạt 30% dự toán, tăng 14,2% so cùng kỳ (trong thu ngân sách trên địa bàn: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 997 tỷ đồng, đạt 23,7% dự toán, giảm 0,8% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 433 tỷ đồng, đạt 30,9% dự toán, tăng 7,2% so cùng kỳ, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 595 tỷ đồng, đạt 36,1% dự toán, giảm 2,1% so cùng kỳ...). Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã phối hợp với một số tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thu ngân sách nhà nước qua hệ thống ngân hàng. Qua triển khai, việc này đã tạo thuận lợi cho người nộp thuế, trong đó Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Tiền Giang là đơn vị tiên phong trong hoạt động này ở tỉnh.
Tổng chi ngân sách nhà nước quý I là 5.929 tỷ đồng; trong đó: chi cân đối ngân sách 3.006 tỷ đồng, đạt 21,8% dự toán, tăng 58,1% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 1.392 tỷ đồng, đạt 30,9% dự toán; chi hành chính sự nghiệp 1.525 tỷ đồng, đạt 21,7% dự toán và tăng 11,8% so cùng kỳ.
b. Ngân hàng:
Các tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng là 0,8%/năm. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 6 tháng là 5%/năm, tăng là 1,87% so đầu năm. Ước đến cuối tháng 03/2020, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 71.125 tỷ đồng, tăng 1.856 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cuối năm 2019.
Trong quý, dư nợ có sự biến động tăng giảm đan xen do nhu cầu vốn để sản xuất phục vụ Tết nguyên đán Canh Tý kích thích tăng trưởng dư nợ nhưng tình hình thiên tai, dịch bệnh xảy ra sau Tết đã phần nào ảnh hưởng đến việc thu nợ, tăng trưởng dư nợ thuộc các lĩnh vực xuất khẩu nông sản, ngành nghề may mặc, du lịch, ảnh hưởng nặng nề nhất là hàng hóa bị ùn ứ vì không thể thông quan qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nhiều tuần liền trong tháng 02/2020. Ước đến cuối tháng 03/2020, dư nợ trên địa bàn đạt 54.470 tỷ đồng, tăng 1.155 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 2,1% so với cuối năm 2019.
Nợ xấu: đến cuối tháng 01/2020, số dư là 503 tỷ đồng, chiếm 0,9%/ tổng dư nợ, tăng 14 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 0,03% so với cuối năm 2019. Nhìn chung các ngân hàng phát sinh nợ xấu trong giới hạn an toàn với tỷ lệ thấp.
3. Giá cả, lạm phát:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 03/2020 giảm 0,37% so tháng 02/2020 (thành thị giảm 0,52%, nông thôn giảm 0,33%); so cùng kỳ tăng 4,63%.
So với tháng 02/2020, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 5 nhóm hàng tăng: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,39% (trong đó: lương thực tăng 1,24%, thực phẩm tăng 0,3% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,07%); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,17%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,12%. Có 3 nhóm hàng giảm: nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,3%; giao thông giảm 5,27%; văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,67%. Có 3 nhóm chỉ số giá ổn định: đồ uống và thuốc lá; bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 03/2020 giảm so tháng 02/2020 do:
- Dịch tả lợn châu Phi tuy được kiểm soát tốt nhưng người dân chưa mạnh dạn tái đàn, vì vậy, sản lượng giảm làm cho giá thành cao, tác động mặt hàng thịt lợn giảm 2,25%, góp phần giảm CPI chung 0,09%. Đàn gia cầm của tỉnh đang phát triển mạnh nên nguồn cung dồi dào, dẫn đến giá thịt gia cầm tươi sống giảm 2,22%.
- Giá gas trong nước điều chỉnh giảm từ ngày 01/3/2020 với mức giảm 22.000 đồng/bình 12 kg, giảm 6,92%, do giá gas thế giới ở mức 455 USD/tấn, giảm 70 USD/tấn so với tháng 02/2020; cùng với đó, giá dầu hoả trong tháng giảm 12,16%, tương ứng giảm 2.110 đồng/lít. Tác động nhóm giá gas và các loại chất đốt khác giảm 5,54%, góp phần giảm CPI chung khoảng 0,06%.
- Giá xăng dầu trong tháng điều chỉnh giảm 2 đợt vào ngày 29/02 và ngày 15/03/2020; trong đó: giá xăng A95 giảm 2.570 đồng/lít, xăngE5 giảm 2.450 đồng/lít, dầu diezel 0,05S giảm 2.140 đồng/lít so với tháng trước, tác động chỉ số giá nhóm giao thông giảm 5,27%, góp phần giảm CPI chung khoảng 0,46%.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng có chỉ số giá tăng nhưng tỷ trọng quyền số nhỏ nên tác động chưa đủ lớn đến chỉ số giá tiêu dùng chung như:
- Tình tình xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2020 có nhiều thuận lợi, các doanh nghiệp của tỉnh xuất 18.571 tấn, kim ngạch đạt hơn 8,2 triệu USD, tăng 242,7% về lượng và tăng 202,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Tác động đến nhóm lương thực tăng 1,24%.
- Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 4,62%, do năm nay tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô đến sớm hơn mọi năm, nguồn nước phục vụ sản xuất đang khan hiếm làm ảnh hưởng đến chất lượng sinh trưởng cây trồng, dẫn đến nguồn cung rau tươi bị giảm, tác động đến giá một số loại rau tươi tăng cao như: cà chua, dưa chuột, bí xanh, rau muống...
- Thời tiết nắng nóng tại Tỉnh Tiền Giang kéo dài, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng, tác động giá bình quân trong tháng điện, nước tăng lần lượt là 0,67% và 0,11%, làm cho chỉ số CPI tăng 0,01%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2020 so cùng kỳ tăng 4,97%; một số nhóm hàng có giá tăng nhiều trong quý I/2020 so cùng kỳ như: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 9,13%; nhóm giáo dục tăng 6,81% do thực hiện theo lộ trình tăng giá của Nghị định 86/2015/ND-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ và Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 của hội đồng Nhân dân tỉnh; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,08%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,79%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,38%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,49%...
Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 3/2020 tăng 4,18% so tháng trước, giá bình quân tháng 03/2020 là 4.606 ngàn đồng/chỉ, tăng 934 ngàn đồng/chỉ so cùng kỳ.
Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng 03/2020 tăng 1% so tháng trước, giá bình quân 23.317 đồng/USD, tăng 64 đồng/USD so cùng kỳ.
4. Đầu tư và Xây dựng:
Vốn đầu tư toàn xã hội quý I/2020, ước thực hiện được 6.181,3 tỷ đồng, đạt 16,6% kế hoạch, giảm 3% so cùng kỳ (trong đó: vốn đầu tư xây dựng cơ bản 3.914 tỷ đồng, chiếm 63,3% vốn đầu tư toàn xã hội, tăng 4,3% so cùng kỳ; vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động 1.430 tỷ đồng, chiếm 23,1%, giảm 25,9%...); bao gồm: vốn Nhà nước 626,5 tỷ đồng, tăng 11,9%; vốn ngoài Nhà nước 4.312,1 tỷ đồng, giảm 4,6%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1.242,7 tỷ đồng, giảm 4% so cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý quý I/2020 là 450,9 tỷ đồng, đạt 11,8% kế hoạch, tăng 15,9% so cùng kỳ; gồm có: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 353,9 tỷ đồng, tăng 17%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 84,6 tỷ đồng, tăng 12,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 12,4 tỷ đồng, tăng 8,4% so cùng kỳ.
Trong quý I/2020, Ban quản lý các Khu công nghiệp đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 03 dự án (trong đó có 02 dự án FDI) bằng150% so với cùng kỳ, đạt 37,5% kết hoạch 2020. Tổng vốn đầu tư là 1.026,3 tỷ đồng (trong đó 02 doanh nghiệp FDI vốn 33 triệu USD, tương 766,2 tỷ đồng) bằng 20% so với cùng kỳ.
5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp:
Tổng số doanh nghiệp thành lập mới từ 01/01/2020 đến 16/3/2020 là 153 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 828,7 tỷ đồng, bao gồm vùng Trung tâm: 97 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 514,5 tỷ đồng; vùng phía Tây: 40 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 192 tỷ đồng; vùng phía Đông: 16 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 122,2 tỷ đồng. Đăng ký 212 đơn vị trực thuộc (30 chi nhánh, 177 địa điểm kinh doanh, 05 văn phòng đại diện); đăng ký giải thể 26 doanh nghiệp.
Ước trong quý I/2020 có 185 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.010 tỷ đồng (trong đó có 15 doanh nghiệp chuyển từ hộ kinh doanh), đạt 28,5% so với kế hoạch năm 2020, tăng 8% so cùng kỳ. Đăng ký 252 đơn vị trực thuộc hoạt động (35 chi nhánh, 211 địa điểm kinh doanh, 06 văn phòng đại diện). Tính đến cuối tháng 3/2020, toàn tỉnh hiện có khoảng 5.774 doanh nghiệp hoạt động. Tổng số hộ kinh doanh đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh trong quý I/2020: 841 hộ, giảm 8,6% so cùng kỳ năm trước; lũy kế số hộ kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh (theo số liệu của Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện) tính đến cuối tháng 03/2020 là 58.530 hộ kinh doanh.
6. Sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản:
a. Nông nghiệp:
Diễn biến xâm nhập mặn năm 2020 rất phức tạp, độ mặn tăng cao đột biến, xâm nhập sớm, vượt qua độ mặn lịch sử năm 2016, lấn sâu vào nội đồng và ảnh hưởng đến tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Đến ngày 08/3/2020, tại cống Xuân Hoà độ mặn đo được là 6,85g/l, cao hơn 3,55g/l so năm 2016; tại Vườn Hoa Lạc Hồng (cách cửa sông khoảng 46km) độ mặn đo được là 6,47g/l, cao hơn 5,39g/l so năm 2016; tại Cầu Phú Phong (cách cửa sông 64 km) độ mặn đo được 7,50 g/l cao hơn 6,14g/l so năm 2016; tại Vàm Ba Rài (cách cửa sông 97 km) độ mặn đo được là 4,12 g/l; tại Vàm Trà Lọt (cách cửa sông 120 km) độ mặn đo được là 3,44 g/l (năm 2016 tại khu vực nầy mặn không xuất hiện). Khu vực từ cầu Đồng Tâm đến Phú Phong, huyện Châu Thành và cù lao Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy mặn tăng nhanh là do xâm nhập từ sông Hàm Luông - tỉnh Bến Tre lấn sang. Qua triển khai đồng bộ và quyết liệt, đến thời điểm hiện nay tình hình gieo sạ trước 15/12 năng suất bình quân xấp xỉ cùng kỳ, tổng diện tích lúa vụ Đông Xuân năng suất giảm sâu do sạ sau 15/12 là 2.270 ha ở các huyện phía đông.
* Trồng trọt:
Cây lương thực có hạt: ước tính đến cuối quý I/2020, gieo trồng được 86.752 ha, đạt 49,9% kế hoạch, giảm 14,4% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 346.212 tấn, đạt 32,9% kế hoạch, giảm 26,6% so cùng kỳ chủ yếu là do diện tích gieo trồng lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 giảm 11,2% và năng suất thu hoạch ước giảm 7,2% so cùng kỳ do ảnh hưởng xâm nhập mặn…; trong đó: cây lúa gieo sạ 84.788 ha, thu hoạch 51.168 ha với sản lượng 341.602 tấn.
- Cây lúa:
* Vụ Đông Xuân 2019-2020: chính thức xuống giống 57.604, đạt 98% kế hoạch gieo trồng của vụ, giảm 11,2% so cùng kỳ do thực hiện đề án cắt vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các vùng sản xuất lúa khó khăn do tình hình hạn, mặn kéo dài ở khu vực phía đông. Cơ cấu giống lúa: lúa đặc sản, chất lượng cao OM 4900, VND 95-20, Nàng hoa 9... chiếm tỉ lệ 75,4%; giống lúa thường như IR 50404 chiếm tỉ lệ 21,1%; các giống lúa khác chiếm 3,5%. Diện tích thu hoạch 51.168 ha; năng suất ước 66,8 tạ/ha, giảm 7,2% so cùng kỳ; sản lượng 341.602 tấn.
* Vụ Hè Thu (gồm Xuân Hè và Hè Thu): vụ Xuân Hè ước trong quý I gieo sạ 27.184 ha với tổng diện tích xuống giống khoảng 33.000 ha, trà lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Ngày 6/3/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn đề nghị các địa phương khuyến cáo nông dân tiếp tục xuống giống khi độ mặn ở mức an toàn nhưng không được kéo dài sau ngày 10/3/2020; đối với các khu vực có độ mặn duy trì ở mức cao trên 1g/l thì thực hiện cắt vụ Xuân Hè để chuyển sang sản xuất vụ Hè Thu 2020.
- Cây ngô: vụ Đông Xuân gieo trồng 1.964 ha, đạt 50% kế hoạch, tăng 1,8% so cùng kỳ, thu hoạch 1.288 ha, năng suất quy thóc 35,8 tạ/ha với sản lượng quy thóc 4.610 tấn, đạt 32,5% kế hoạch, giảm 5,5% so cùng kỳ chủ yếu do năng suất giảm 1 tạ/ha.
Cây rau đậu các loại: vụ Đông Xuân gieo trồng 28.566 ha, thu hoạch 25.568 ha với sản lượng 510.695 tấn, đạt 44% kế hoạch, giảm 1,9% so cùng kỳ; trong đó: rau các loại 28.465 ha, thu hoạch 25.529 ha với sản lượng 510.580 tấn, giảm 1,9% so cùng kỳ.
Cây lâu năm: trong tháng 2/2020, giá thanh long ruột đỏ chỉ còn 15.000 - 20.000 đồng/kg, giảm 15.000 - 20.000 đồng/kg so với trước tết; các loại trái cây khác như sầu riêng, mít, bưởi... giảm 10.000 - 40.000 đồng/kg so với trước tết, thậm chí một số nhà vườn không tìm được thương lái để tiêu thụ.Ngay sau khi giá các loại nông sản giảm mạnh và khó tìm đầu ra, Sở Công Thương cũng đã khảo sát tình hình thực tế tại các địa phương, làm việc với một số doanh nghiệp thu mua nông sản lớn trên địa bàn và liên hệ với các cửa hàng, hệ thống siêu thị nhằm tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân.Trong đó: UBND tỉnh đã có công văn xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương trong việc hỗ trợ thu mua, cũng như có chính sách giúp nông dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trước thực trạng nông sản rớt giá và khó đầu ra.
Chăn nuôi: ước thời điểm 01/3/2020 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 119,2 ngàn con, giảm 0,2%; đàn lợn 323,1 ngàn con, giảm 43,1%; đàn gia cầm (không kể chim cút) 15,4 triệu con, tăng 8,3% so cùng kỳ. Đàn lợn giảm do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi chuồng trại chăn nuôi bị nhiễm bệnh, đàn lợn giống cũng không bảo đảm, người nuôi lo sợ khi tái đàn; một số hộ nuôi thua lỗ trước đó không còn khả năng để tái đàn, một số hộ chuyển sang nuôi vật nuôi khác…
b. Lâm nghiệp:
Quý I/2020, thực hiện trồng mới được 1,2 ngàn cây phân tán các loại, giảm 4,8% so với cùng kỳ do Nam Bộ đang vào mùa khô, nắng nóng và hạn mặn nên chưa phù hợp trồng cây phân tán.
Tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh hiện có 1.964,4 ha (không gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng); gồm: diện tích rừng phòng hộ 1.338,9 ha và rừng sản xuất 625,5 ha; đã giao khoán quản lý bảo vệ rừng phòng hộ ven biển năm 2020 với diện tích giao khoán là 1.000 ha. Trong quý không xảy ra cháy rừng.
Khai thác gỗ: ước quý I/2020, sản lượng gỗ khai thác đạt 8.930 m3 so cùng kỳ giảm 8,8% do diện tích khai thác từ rừng và cây trồng ít, các loại gỗ được khai thác chủ yếu như: bạch đàn, dầu gió, tràm lanh…
Khai thác củi: ước quý I/2020, sản lượng khai thác được 24.135 Ste củi các loại, so với cùng kỳ giảm 8,5% do các hộ dân ở huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước khai thác những cây ăn quả đã già không cho trái, cho trái ít để chuyển đổi sang trồng cây ăn quả khác như: mít, thanh long, chanh…
c. Thủy hải sản:
Diện tích nuôi thủy sản các loại trong quý I là 10.281 ha, đạt 65,5% kế hoạch, giảm 1,4% so cùng kỳ. Thủy sản nước ngọt nuôi 3.131 ha, giảm 7,7% so cùng kỳ do tình hình xâm nhập mặn kết hợp với nắng nóng kéo dài mực nước nội đồng thấp nên các hộ chưa tiến hành thả nuôi. Thủy sản nước mặn, lợ nuôi 7.150 ha, tăng 5,3% so cùng kỳ, chủ yếu là nuôi tôm sú nuôi quảng canh và nuôi tôm thẻ chân trắng do độ mặn và thời tiết thích hợp thì tiến hành thả giống, các hộ nuôi tôm thâm canh và quảng canh cải tiến rất thận trọng trong việc chọn mua giống.
Với độ mặn ghi nhận ở vùng ven sông Tiền trong thời gian cao điểm vừa qua dao động từ 4 - 8 g/l, không ít diện tích nuôi cá tra công nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu tác động. Thu hoạch sớm, chậm thả giống đợt mới, điều chỉnh kế hoạch nuôi là những giải pháp đã và đang được các doanh nghiệp, hộ nuôi cá tra gấp rút thực hiện. Hiện chưa có con số thống kê chính xác những thiệt hại do nước mặn ảnh hưởng đến tình hình nuôi cá tra công nghiệp trên địa bàn Tiền Giang. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chuyên môn, nếu độ mặn trên sông Tiền tiếp tục tăng cao và kéo dài dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình nuôi cá tra công nghiệp trên địa bàn Tiền Giang nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Trên thực tế, hiện nay có 2 nguồn cung ứng cá tra nguyên liệu là doanh nghiệp xây dựng vùng nuôi riêng và người dân tự nuôi, nhưng phần nhiều là do doanh nghiệp tự xây dựng vùng nuôi. Trước tình hình hạn, mặn tác động vào vùng nuôi, việc thay đổi kế hoạch thả giống sẽ dẫn đến hệ lụy là nguồn cung cá nguyên liệu chế biến xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng, trong khi nhu cầu tiêu thụ của các thị trường hiện cũng đang rất lớn.
Sản lượng thủy sản thu hoạch trong quý I là 59.404 tấn, đạt 19,3% kế hoạch, tăng 0,7% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 28.280 tấn, đạt 16,4% kế hoạch, giảm 6,1% so cùng kỳ; sản lượng khai thác 31.124 tấn (khai thác biển 30.184 tấn), đạt 23,1% kế hoạch, tăng 7,8% so cùng kỳ.
7. Sản xuất công nghiệp:
Giá trị sản xuất công nghiệp địa phương quý I/2020 theo giá so sánh 2010 thực hiện 21.522 tỷ đồng, tăng 6,5% so cùng kỳ. Trong đó: khu vực kinh tế nhà nước 249 tỷ đồng, tăng 5%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước 9.923 tỷ đồng, tăng 6,2%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 11.350 tỷ đồng, tăng 6,8%. Phân theo ngành công nghiệp: chế biến chế tạo thực hiện 21.246 tỷ đồng, tăng 6,5%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí thực hiện 154 tỷ đồng, tăng 7,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải thực hiện 122 tỷ đồng, tăng 9,21% so cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3/2020 tăng 8,8% so tháng trước, so cùng kỳ tăng 6,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2020 tăng 6,1% so với cùng kỳ do các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh sản xuất tiếp tục ổn định và tăng so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,6% (tập trung ở một số ngành chủ yếu sau: sản xuất trang phục tăng 9%, sản xuất đồ uống tăng 6,2%, sản xuất kim loại tăng 19,5%...); ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,8%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 19,2%. Nhìn chung, tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 3/2020 tuy có ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các ngành sản xuất chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh không bị ảnh hưởng nhiều, sản xuất tiếp tục tăng so cùng kỳ do đơn đặt hàng tăng.
Sản phẩm sản xuất công nghiệp quý I/2020: Có 19/41 sản phẩm tăng so cùng kỳ: giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài tăng 66,7%; nước uống được tăng 21%; máy chế biến thịt gia súc hoặc gia cầm tăng 20%; phi lê đông lạnh tăng 11,7%; bia đóng lon tăng 10,6%; điện thương phẩm tăng 8,8%; phân vi sinh tăng 2,8%; bia đóng chai tăng 1%... Có 22/41 sản phẩm giảm so cùng kỳ: túi xách giảm 17,8%; thức ăn cho gia súc giảm 7,3%; dịch vụ thu gom rác thải không độc hại có thể tái chế giảm 2,6%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép giảm 1,3%; thức ăn cho thủy sản giảm 1%...
* Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:
- Chỉ số tiêu thụ tháng 3/2020 so với tháng trước tăng 12,9% và giảm 21,7% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 3/2020 giảm 21%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: sản xuất đồ uống tăng 6,2%; dệt tăng 29,15%; sản xuất trang phục tăng 10,1%; sản xuất kim loại tăng 19,5%; sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 12,3%... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 37,1%; sản xuất da giảm 6,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 4,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 38,6%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 6,2%; sản xuất sản phẩm cao su và plastic giảm 6,2%...
- Chỉ số tồn kho tháng 3/2020 so với tháng trước tăng 10,4% và so với cùng kỳ tăng 21,8%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ là: sản xuất đồ uống bằng gấp 7,9 lần, trong đó sản xuất bia bằng gấp 7,9 lần; dệt tăng 37,8%; sản xuất trang phục bằng gấp 4,8 lần; sản xuất da tăng 46,9%…. Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 1,2%, trong đó sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản giảm 5%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 40%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 59,7%; sản xuất kim loại giảm 1%; sản xuất thiết bị điện giảm 33,6%...
8. Thương mại, dịch vụ:
a. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:
Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng quý I/2020 thực hiện 15.725,8 tỷ đồng, đạt 23,1% kế hoạch, tăng 5,1% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 12.723,7 tỷ đồng, tăng 7,7%; lưu trú 26,4 tỷ đồng, giảm 22,5%; ăn uống 1.410,6 tỷ đồng, giảm 9,2%; du lịch lữ hành 14,9 tỷ đồng, giảm 48,4%; dịch vụ 1.550,2 tỷ đồng, tăng 1,4% so cùng kỳ.
Trong quý I/2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình hình tiêu thụ một số loại trái cây rất khó khăn, nhất là các mặt hàng phụ thuộc vào thì trường Trung Quốc như thanh long, sầu riêng, mít, dưa hấu, mận,... Cụ thể: trong tháng 2 hầu hết các đơn hàng từ phía Trung Quốc đều bị hủy do dịch bệnh gây ra đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Cung cầu mất cân đối khiến một số mặt hàng nông sản tăng giảm liên tục. Đến đầu tháng 3/2020 các loại trái cây phụ thuộc thị trường Trung Quốc đã dần phục hồi và ổn định khi các cửa khẩu biên giới phía Bắc bắt đầu mở cửa trở lại, tình hình thông quan được cải thiện cộng với hiệu quả từ các hoạt động hỗ trợ của tỉnh. Tuy nhiên đến trung tuần tháng 3, sản lượng một số loại trái cây trên địa bàn tỉnh đã giảm lại, nguyên một phần do hết mùa vụ, một phần do chạy hạn mặn.
Bên cạnh tình hình dịch bệnh Covid-19, trong quý I/2020, hoạt động ăn uống cũng ảnh hưởng đáng kể bởi Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, trong đó quy định nâng mức xử phạt vi phạm lên mức rất cao đối với người tham gia giao thông mà trong người có nồng độ cồn. Các cơ sở kinh doanh ăn uống lao đao do vắng khách, ngành bia rượu dự kiến sản lượng giảm thời gian sắp tới tác động đáng kể tới hoạt động ăn uống.
b. Xuất - Nhập khẩu:
* Xuất khẩu:
Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2020 ước đạt 652,4 triệu USD, đạt 19,2% kế hoạch, giảm 5,2% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 1,5 triệu USD, giảm 71,4%; kinh tế ngoài nhà nước 100 triệu USD, giảm 38%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 550,8 triệu USD, tăng 5,6% so cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh trong quý I/2020 như sau:
- Thủy sản: ước xuất 17.343 tấn, giảm 39,6% so cùng kỳ, về giá trị đạt 29 triệu USD, giảm 66,1% so cùng kỳ; do thị trường xuất khẩu Hoa Kỳ giảm hơn 50%. Ngoài ra chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ gây ảnh hưởng, rào cản kỹ thuật ở một số nước gây khó cho xuất khẩu cá tra.
- Gạo: ước xuất 28.942 tấn, tăng 93% so cùng kỳ, về giá trị đạt 13 triệu USD, tăng 83,8% so cùng kỳ; do trước đây, thị trường Trung Quốc là thị trường lớn của Việt Nam nhưng hiện nay đã mở rộng ra nhiều thị trường khác như Philippines, Mozambique, Angola… nên giá trị nhập khẩu của thị trường này cũng không còn quá chi phối ngành hàng gạo nữa.
- May mặc: ước xuất 25.004 ngàn sản phẩm, tăng 16,2%, trị giá đạt 113,2 triệu USD, giảm 13,3% so cùng kỳ; do khó khăn nhất hiện nay với ngành may là nguồn nguyên vật liệu đầu vào bị ảnh hưởng tiến độ, nhiều đơn hàng đặt nguyên vật liệu dù không đặt từ Trung Quốc cũng bị nhà cung cấp báo chậm tiến độ và tăng giá do ảnh hưởng chung của chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch sản xuất thành phẩm.
* Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I/2020 thực hiện 418,2 triệu USD, đạt 20,9% kế hoạch, tăng 37,6% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 22,3 triệu USD, giảm 15,5%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 395,9 triệu USD, tăng 42,6% so cùng kỳ. Nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng như vải các loại 23,4 triệu USD, giảm 38,3%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 55,6 triệu USD, giảm 30,9%; kim loại thường khác 232,4 triệu USD, tăng 355,8%, chất dẻo nguyên liệu 17,7 triệu USD, tăng 4,3% so cùng kỳ...
c. Vận tải:
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải quý I/2020 thực hiện 592,3 tỷ đồng, tăng 4,8% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 186,7 tỷ đồng, tăng 10,1% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện 349,3 tỷ đồng, tăng 4,5% so cùng kỳ. Vận tải đường bộ thực hiện 300,9 tỷ đồng, tăng 4,3%; vận tải đường thủy thực hiện 235 tỷ đồng, tăng 9,1%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 56,4 tỷ đồng, giảm 8,1% so cùng kỳ. Nguyên nhân doanh thu vận tải tăng so cùng kỳ chủ yếu là doanh thu vận tải hành khách tăng do tác động Nghị định 100/NĐ-CP quy định tăng mức xử phạt uống rượu bia khi tham gia giao thông dẫn đến người dân đi lại bằng phương tiện xe taxi tăng. Doanh thu vận tải tăng 4,8% so cùng kỳ, nhưng tốc độ tăng thấp hơn năm trước (cùng kỳ mức tăng 9,2%) nguyên nhân do: Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và đi lại của người dân, học sinh, sinh viên; do tình hình hạn mặn đến sớm hơn mọi năm nên các cống, đập tạm đóng lại để trữ nước ngọt, cộng với mực nước các tuyến kênh thấp, lồng kênh một số đoạn bị sạt lở ảnh hưởng đến các tuyến giao thương hàng hoá đường thủy.
Vận chuyển hành khách đạt 9.501 ngàn hành khách, giảm 25,2% và luân chuyển được 192.045 ngàn hành khách.km, giảm 11,9% so cùng kỳ; trong đó: vận chuyển đường bộ 4.347 ngàn hành khách, giảm 1,5% và luân chuyển 181.587 ngàn hành khách.km, giảm 11,6% so cùng kỳ; vận chuyển đường thủy 5.154 ngàn hành khách, giảm 37,8% và luân chuyển 10.458 ngàn hành khách.km, giảm 16,1% so cùng kỳ.
Vận tải hàng hóa đạt 3.192 ngàn tấn, giảm 7,3% và luân chuyển được 425.912 ngàn tấn.km, tăng 2,9% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ thực hiện 744 ngàn tấn, giảm 7,5% và luân chuyển được 94.937 ngàn tấn.km, giảm 6,5% so cùng kỳ; vận tải đường thủy thực hiện 2.448 ngàn tấn, giảm 7,3% và luân chuyển được 330.975 ngàn tấn.km, tăng 5,9% so cùng kỳ.
d. Du lịch:
Ước lượng khách du lịch đến tỉnh trong quý I/2020 đạt 382,3 ngàn lượt, đạt 17,4% kế hoạch, giảm 22,4% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 104,8 ngàn lượt, đạt 11,6% kế hoạch, giảm 33,5% so cùng kỳ. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 1.451,9 tỷ đồng, giảm 10,1%; trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 99%.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang yêu cầu: tạm ngừng tiếp nhận khách du lịch là người nước ngoài đến tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh; không tiếp nhận tàu, thuyền và các phương tiện giao thông đường bộ có vận chuyển khách du lịch là người nước ngoài cập cảng thành phố Mỹ Tho, các bến bãi, điểm tham quan và nơi lưu trú khách du lịch thuộc các phương tiện trên phạm vi toàn tỉnh kể từ 13 giờ ngày 12/3/2020 cho đến khi có thông báo mới nên lượng khách giảm đáng kể, trong đó khách quốc tế giảm hơn 33%.
e. Bưu chính viễn thông:
Quý I/2020, doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 736 tỷ đồng, tăng 7,3% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính 57,2 tỷ đồng, tăng 21,4%; doanh thu viễn thông 678,8 tỷ đồng, tăng 6,3%; doanh thu tăng tập trung vào tháng 01 là tháng có Tết Dương lịch, Nguyên Đán, cộng với tình hình dịch Covid-19 bùng phát, nên người dân hạn chế đi lại giao thương hàng hóa, chủ yếu sử dụng dịch vụ mua bán qua mạng, dẫn đến doanh thu tăng.
Trong quý I/2020, số thuê bao điện thoại tăng 2.592 thuê bao (trong đó: cố định giảm 3.319 thuê bao, di động trả sau tăng 5.911 thuê bao); tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 3/2020 là 112.252 thuê bao (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau); thuê bao điện thoại bình quân đạt 6,4 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao Internet trên mạng phát triển mới trong quý I/2020 là 14.889 thuê bao; số thuê bao Internet trên mạng có đến tháng 3/2020 là 234.278 thuê bao; mật độ Internet bình quân ước đạt 13,3 thuê bao/100 dân. Số thuê bao điện thoại di động sử dụng Internet (3G, 4G) đến cuối tháng 02/2020 là 1.070.318 thuê bao.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động, giải quyết việc làm:
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, sau kỳ nghỉ Tết có nhiều lao động nước ngoài trở lại Việt Nam làm việc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh cập nhật bổ sung, báo cáo danh sách những lao động là người nước ngoài vừa trở lại Việt Nam; tạm dừng tiếp nhận lao động nước ngoài trở lại Việt Nam; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Trước Tết có 1.047 lao động nước ngoài đã rời Việt Nam về nước nghỉ Tết (trong đó Trung Quốc là 577 lao động, Hàn Quốc là 120 lao động...). Tính đến ngày 11/3/2020, đã có 846 lao động (80,8%) đã trở lại Việt Nam làm việc sau kỳ nghỉ Tết, (trong đó Trung Quốc là 389 lao động (67,4%), Hàn Quốc là 119 lao động (99,2%)), số lao động nước ngoài trở lại Việt Nam làm việc sau kỳ nghỉ Tết được doanh nghiệp tự chủ động thực hiện biện pháp cách ly là 142 lao động (Trung Quốc: 142 lao động), không có người nghi ngờ nhiễm Covid-19.
Những tháng đầu năm 2020, ghi nhận trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 vụ ngừng việc tập thể tại 03 doanh nghiệp với 3.120 lao động tham gia tại các doanh nghiệp FDI, nguyên nhân chủ yếu là người lao động yêu cầu trả thưởng trong thời gian trước Tết, đề nghị mức tăng tiền lương cao hơn. Với sự phối hợp nắm tình hình và tổ chức đối thoại với người lao động của các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp nên các vụ ngừng việc nhanh chóng được giải quyết, thời gian ngừng việc từ 1-3 ngày, hiện tại tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ổn định.
Từ đầu năm đến nay, đã tư vấn 3.959 lượt lao động (nữ là 2.446 lượt lao động, chiếm 61,8%), giảm 2,4% so cùng kỳ và đạt 19,8% kế hoạch; trong đó: tư vấn nghề cho 200 lượt lao động, tư vấn việc làm 3.566 lượt lao động, tư vấn pháp luật lao động và tư vấn khác cho 193 lượt lao động; giới thiệu việc làm cho 421 lượt lao động, giảm 13,2% so với cùng kỳ và đạt 16,8% kế hoạch; giới thiệu 218 lao động có được việc làm ổn định, giảm 18,1% so cùng kỳ.
Trong quý, đã tổ chức được 03 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của 12 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp với nhu cầu 4.660 lao động và 8 doanh nghiệp gián tiếp ủy thác cho Trung tâm tuyển dụng; thu hút 103 lượt lao động đến tham gia trực tiếp, trong đó có 81 người lao động được tư vấn, 59 người lao động tham gia phỏng vấn trực tiếp, 41 người lao động được tuyển dụng trực tiếp và hẹn phỏng vấn tại doanh nghiệp, 11 người được giới thiệu đến các doanh nghiệp ủy thác tuyển gián tiếp.
Công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp được thực hiện kịp thời, đúng quy định, không có khiếu nại của người lao động, đã thực hiện tiếp nhận 2.883 người đăng ký thất nghiệp, ban hành 2.928 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền chi trả: 45,5 tỷ đồng.
2. Đời sống dân cư và an sinh xã hội:
Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh cùng với ban ngành đoàn thể các cấp đã kịp thời có những chính sách phù hợp giúp người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Xuân Canh Tý 2020 các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh tổ chức 12 đoàn lãnh đạo cấp tỉnh đến thăm tặng quà cho người có công với cách mạng cho 39.392 người với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng (quà của Chủ tịch nước); trợ cấp cho người có công với cách mạng cho 76.050 người với số tiền trên 30,2 tỷ đồng…
Bảo trợ xã hội: thăm và tặng quà Tết nguyên đán 2020 cho 2.838 người cao tuổi với kinh phí trên 3,5 tỷ đồng, tặng quà từ nguồn xã hội hóa cho 33.190 lượt đối tượng bảo trợ xã hội, với số tiền 12,3 tỷ đồng; tổ chức bữa cơm cho 1.180 đối tượng tại 03 cơ sở xã hội của tỉnh, tổng số tiền là 139,4 triệu đồng từ ngân sách tỉnh. Từ đầu năm đến nay đã kiểm tra, phê duyệt mua bảo hiểm y tế cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP đến thời điểm cuối tháng 02/2020 là 66.209 thẻ.
Công tác giảm nghèo: Sở Lao động - Thương binh và xã hội tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2019 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 12.629 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,5% so tổng số hộ toàn tỉnh (502.321 hộ) vượt 16% so với kế hoạch; số hộ cận nghèo là 17.677 hộ, chiếm tỷ lệ 3,5%; Kết quả giảm nghèo năm 2019 đạt vượt chỉ tiêu đề ra, nhưng trên cơ sở kết quả điều tra hộ nghèo thì số hộ thoát nghèo chỉ mới vượt qua chuẩn nghèo về thu nhập hoặc giảm bớt thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản, sau khi vượt qua chuẩn nghèo phần lớn đều rơi vào diện hộ cận nghèo (1.906 hộ), số hộ cận nghèo này cần được tiếp tục trợ giúp, số hộ nghèo phát sinh 327 hộ. Chính sách cho hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi: thời điểm cuối tháng 02 đã cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền hơn 9.741 triệu đồng tương ứng với 243 hộ vay. Nhìn chung, vốn cho vay được các đối tượng sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, người nghèo tiếp cận thuận lợi, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.
Do ảnh hưởng của mặn xâm nhập, người trồng cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy phải mua nước ngọt về tưới cho cây. Trước tình hình đó, UBND tỉnh quyết định thuê sà lan chở nước về cấp miễn phí cho người dân từ ngày 15/3 đến hết tháng 4/2020. Theo phương án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh sẽ thuê tàu chở nước ngọt cấp cho các huyện trên để tưới cho hơn 13.000 ha sầu riêng bị ảnh hưởng hạn, mặn, với thời gian hỗ trợ nước ngọt để tưới 1,5 tháng, mỗi ha nhà vườn được cấp miễn phí 20 m³ nước ngọt. Tổng kinh phí thực hiện theo phương án là gần 37 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu địa phương phối hợp với ngành Nông nghiệp khảo sát và bố trí ngay các điểm lấy nước tập trung, rà soát ngay những khu vực người dân cần nước ngọt nhất để cung cấp ngay, bất kể xa gần; giám sát quá trình lấy nước, lo phương tiện vận chuyển nước cho người dân.
Công tác cấp bảo hiểm y tế miễn phí trên địa bàn tỉnh tiếp tục được thực hiện, từ đầu năm đến cuối tháng 2 toàn tỉnh đã cấp thẻ bảo hiểm cho người nghèo là 38.032 thẻ và 56.838 thẻ dành cho người cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi là 151.913 thẻ. Đồng thời, hỗ trợ cho hộ bãi ngang ở Thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, huyện Tân Phú Đông có điều kiện khó khăn là 93.749 thẻ.
3. Hoạt động giáo dục:
Trong quý I, sau thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh liên tục nghỉ học đến 29/3/2020. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và công tác phòng, chống dịch bệnh covid-19; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về dịch bệnh covid-19. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục tiểu học ổn định chuyên môn và lập kế hoạch giảng dạy sau thời gian học sinh nghỉ học do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Hướng dẫn ôn tập trực tuyến cho học sinh trung học trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.
4. Hoạt động y tế:
Từ những ngày đầu tháng 02, khi cả nước ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên do những người di chuyển từ vùng dịch về, Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gây ra, trong đó Sở Y tế là bộ phận thường trực BCĐ đã ban hành rất nhiều văn bản để tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn giám sát người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh do Covid-19 gây ra và người về từ vùng dịch.
Theo báo cáo của Sở Y tế, đến thời điểm hiện tại, tỉnh không phát hiện người mắc bệnh; không có người bị sốt từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý, Iran nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày; điều tra xác minh trên 100 trường hợp cách ly tại nhà; sức khỏe của hơn 380 người cách ly y tế tại Trường Quân sự Tiền Giang đến ngày 18-3 đã qua 14 ngày cách ly, tình trạng sức khỏe của tất cả người được cách ly đều tốt, được trao giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly để hòa nhập cồng động. Lúc 22 giờ 15 phút ngày 22-3, khu cách ly Trường Quân sự Tiền Giang đón 239 công dân Việt Nam từ Australia về cách ly phòng ngừa Covid-19; trong đó, có 99 nam, 7 trẻ em; các công dân này được đón từ sân bay Cần Thơ và đưa thẳng về khu vực cách ly Trường Quân sự Tiền Giang, đến thời điểm tiếp nhận, 239 công dân này không có bất cứ triệu chứng nào của bệnh viêm đường hô hấp cấp; trong thời gian 14 ngày cách ly, các công dân được cung cấp toàn bộ các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt; đồng thời, được phục vụ miễn phí toàn bộ chi phí ăn, ở trong thời gian cách ly, được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày; trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 57.000 đồng/người/ngày, phần còn lại ngân sách tỉnh cấp bù.
Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh triển khai phân luồng khám đối với bệnh hô hấp cấp tính tại trụ sở Sở Y tế cũ của tỉnh, việc tổ chức phân luồng khám riêng bệnh nhân có triệu chứng bệnh hô hấp cấp là vô cùng cần thiết nhằm tránh tình trạng bệnh nhân nhiễm Covid-19 lây truyền bệnh cho bệnh nhân khác và nhân viên y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh.…
Liên quan đến việc xử lý khách trên tàu du lịch Bassac Pandaw, Sở Y tế cho biết, ngày 4-3 Cảng Mỹ Tho làm thủ tục cho tàu Bassac Pandaw và hành khách nước ngoài đi du lịch Campuchia. Trong lịch trình tàu có ghé qua cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy và lò gốm ở khu 3, thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè. Lúc 21 giờ 10 phút ngày 10-3, Cảng Mỹ Tho nhận điện thoại từ thuyền trưởng tàu Bassac Pandaw cho biết có 1 du khách quốc tịch Anh dương tính với Covid-19 đang điều trị tại Phnôm Pênh. Từ thông tin này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Cái Bè đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, 16 người của lò gốm tại thị trấn Cái Bè có tiếp xúc với du khách người Anh đã được cách ly tại nhà, hiện sức khỏe của những người này bình thường.
Công tác phòng chống dịch bệnh được ngành y tế trang bị đầy đủ các phương tiện, vật tư, hóa chất, nhân lực để phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh. Trong quý có 1.317.367 lượt người khám bệnh, giảm 7% so cùng kỳ, trong đó: điều trị nội trú 57.196 lượt người, giảm 8,3%. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân quý I của các cơ sở điều trị đạt 79,3%; trong đó: bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đạt 88,3%, các bệnh viện chuyên khoa đạt 72,2%, bệnh viện tuyến huyện đạt 56,3%. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được ngành y tế quan tâm, có 3.344 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra, kết quả có 98,4% lượt cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng 1% so cùng kỳ; không có trường hợp ngộ độc thực phẩm.
Tình hình dịch bệnh quý I so cùng kỳ có 5 bệnh tăng (lao phổi, sốt xuất huyết, thương hàn, uốn ván khác, viêm gan siêu vi A...); có 12 bệnh giảm (bạch hầu, ho gà, sởi, tay chân miệng, thủy đậu...); các bệnh khác tương đương hoặc không xảy ra; không có trường hợp tử vong. Nhiễm HIV/AIDS: phát hiện 70 cas mới nhiễm, số cas mới nhiễm AIDS 1 cas, tử vong do AIDS 1 cas. Lũy kế đến nay số người nhiễm HIV là 16.408 người, số cas AIDS là 5.325 người và tử vong do AIDS là 2.883 cas.
5. Hoạt động văn hóa - thể thao:
Trong quý I/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các ngày kỷ niệm: Hội nghị “Kiều bào chung sức xây dựng quê hương, hội nhập và phát triển”; Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến năm 2019; Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam; tổ chức chợ hoa đường hoa Xuân Canh tý 2020 tại Quảng trường tỉnh; theo dõi, đốn đốc thực hiện đường hoa, hội xuân tại các huyện, thành, thị và các xã điểm. Tổ chức 02 cuộc liên hoan: các ban nhạc đồng bằng sông Cửu Long 2020 tại Quảng trường Trung tâm tỉnh; ảo thuật Tiền Giang. Thực hiện 300 cờ, 14 băng rôn, 01 cuộc triển lãm, 12 lượt xe loa; 60 buổi biểu diễn nhạc nước tại quảng trường tỉnh. Tổ chức chiếu phim lưu động, biểu diễn văn nghệ phục vụ các cuộc lễ lớn, hội xuân năm 2020, tổng cộng 69 buổi, thu hút trên 20 nghìn lượt người xem. Ngoài ra, Sở văn hóa yêu cầu biên tập bản tin tuyên truyền, thu âm và in đĩa CD đồng thời hướng dẫn các địa phương tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gây ra theo công văn hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Hoạt động thư viện: tổ chức trưng bày, triển lãm Hội báo xuân Canh Tý năm 2020 tại Thư viện tỉnh từ ngày 16/01 đến ngày 20/01/2020, có 3.600 lượt đầu sách, báo với chủ đề: “Mừng Đảng quang vinh - mừng Xuân Canh Tý”, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2020); qua 05 ngày tổ chức, Thư viện tỉnh đã đón hơn 1.200 lượt bạn đọc.
Trung tâm Thể dục Thể Thao tỉnh tổ chức thành công giải Kick Boxing Đại hội thể dục thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VIII, từ ngày 31/01 - 01/02/2020 tại Quảng trường tỉnh với 8 đoàn tham dự; kết quả, đoàn Tiền Giang đạt 08 huy chương vàng, 06 huy chương bạc, đứng nhất toàn đoàn các hạng cân nam. Đội Cầu lông tham dự giải vô địch cầu lông các câu lạc bộ mạnh Cần Thơ mở rộng năm 2020 - tranh Cúp Ba Sao, từ ngày 03/01 - 05/01/2020, tại thành phố Cần Thơ; kết quả đạt 01 huy chương vàng, 02 huy chương bạc, 08 huy chương đồng. Hiện tại, tạm dừng tổ chức và tham gia các giải đấu trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Các đội trẻ, đội thể thao thành tích cao tiếp tục tập luyện theo giáo án năm 2020.
6. Trật tự an toàn giao thông: (Theo báo cáo của ngành Công an).
Giao thông đường bộ: xảy ra 56 vụ, làm chết 41 người, bị thương 29 người; so với cùng kỳ số vụ tăng 02 vụ, số người chết tương đương và số người bị thương tăng 03 người. Nguyên nhân chủ yếu số vụ, số người chết tăng so với cùng kỳ là do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không đi đúng phần đường, làn đường, vượt không đảm bảo, sử dụng rượu bia... Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ xảy ra 12.907 vụ, giảm 412 vụ so cùng kỳ; trong đó: không giấy phép lái xe 1.063 vụ, giấy phép không hợp lệ 37 vụ, chạy quá tốc độ qui định 299 vụ, không đội mũ bảo hiểm 2.584 vụ, đi sai làn đường 473 vụ, uống rượu điều khiển phương tiện 518 vụ... Đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 6.602 vụ, tước giấy phép lái xe 446 vụ, phạt tiền 6.305 vụ với số tiền phạt 6.996 triệu đồng.
Giao thông đường thủy: vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy xảy ra 2.775 vụ, tăng 20 vụ so cùng kỳ; trong đó: chở quá vạch mớn nước an toàn 2.313 vụ. Đã lập biên bản tạm giữ giấy tờ 426 vụ và phạt tiền 2.349 vụ với số tiền phạt 916,4 triệu đồng.
* Tai nạn giao thông nghỉ Tết dương lịch năm 2020: Giao thông đường bộ: tai nạn xảy ra 02 vụ giảm 01 vụ so cùng kỳ, làm chết 01 người giảm 02 người so cùng kỳ, bị thương không phát sinh giảm 02 người so cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là điều khiển xe mô tô không đúng làn đường, không làm chủ tốc độ và điều khiển xe mô tô đi không đúng làn đường, không làm chủ tốc độ và điều khiển xe ô tô khách không giữ khoảng cách an toàn.
* Tai nạn giao thông Tết Nguyên đán 2020: Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tai nạn giao thông đường bộ (từ ngày 23/01 đến 28/01 - nhằm 29 tết Kỷ Hợi đến mùng 4 tết Canh Tý) xảy ra 09 vụ với 08 người chết và 07 người bị thương; so với cùng kỳ, số vụ tăng 05 vụ, số người chết tăng 04 người và số người bị thương tăng 06 người.
7. Tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội: Theo báo cáo quý I/2020 của ngành Công an.
Tội phạm về trật tự xã hội tăng 47,9% so với cùng kỳ (247/167 vụ), làm chết 07 người, bị thương 25 người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 5,8 tỷ đồng; xảy ra chủ yếu là tội phạm xâm phạm sở hữu, nhất là tội phạm trộm, cướp, cướp giật, hủy hoại tài sản và tội phạm cố ý gây thương tích do mâu thuẫn bộc phát nhất thời; trọng án, nhất là án giết người tăng, nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày, mâu thuẫn giữa các thanh thiếu niên và sử dụng điện sinh hoạt để bẫy chuột dẫn đến chết người. Điều tra khám phá 146 vụ, bắt xử lý 168 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá khoảng 544 triệu đồng; trong đó, đã triệt xóa 02 nhóm với 09 đối tượng chuyên thực hiện các vụ trộm, cướp tài sản, điều tra mở rộng 16 vụ cướp, 04 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường các biện pháp xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về tệ nạn xã hội, ma túy, kinh tế môi trường: phát hiện, xử lý 129 tụ điểm, xử lý 996 đối tượng cờ bạc (trong đó khởi tố 04 vụ, 22 bị can); 64 vụ với 75 đối tượng tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; đồng thời qua công tác quản lý đối tượng đã phát hiện, xử lý hành chính 485 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy. Phát hiện, khởi tố 02 vụ, 01 bị can phạm tội về kinh tế và xử lý 43 trường hợp vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế, 51 trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường, khai thác cát trái phép.
8. Tình hình cháy nổ, môi trường:
Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh xảy ra 09 vụ cháy. Tổng giá trị tài sản thiệt hại trên 16,1 tỷ đồng. Nhằm tiếp tục tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp Đài Phát thanh truyền hình, đài truyền thanh cơ sở mở chuyên mục “An toàn về PCCC và CNCH”; tổ chức tuyên truyền trực tiếp về PCCC cho cán bộ, công chức, nhân dân và người lao động tại các địa bàn trọng điểm; phối hợp với các ban, ngành và Công an các đơn vị, địa phương kiểm tra công tác PCCC theo chuyên đề, định kỳ, đột xuất; đồng thời duy trì bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy, đảm bảo lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24.