Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/10/2012-10:16:00 AM
Vùng Kinh tế trọng điểm kinh tế phía Nam: Chuẩn bị tốt hạ tầng đón đầu tư từ Nhật Bản

Nhiều tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang gấp rút chuẩn bị cơ sở hạ tầng tốt để đón đầu xu hướng chuyển dịch đầu tư sang khu vực Đông Nam Á của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Ngày 10/10, đoàn lãnh đạo cấp cao Bộ Đất đai-Cơ sở hạ tầng-Giao thông-Du lịch Nhật Bản do Bộ trưởng Hata Yuichiro làm trưởng đoàn đã đến làm việc tại Bình Dương và khảo sát thực tế để chọn vị trí cho khu đô thị sinh thái có quy mô lớn ở Việt Nam.
Thời gian qua, Bình Dương được biết đến là địa phương có “làn sóng” đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất cả nước. Với lợi thế có sẵn, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh tiếp tục cải tạo các khu công nghiệp hiện có để thu hút nhà đầu tư Nhật Bản.
Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh đang gấp rút xây dựng mô hình khu công nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ và ưu tiên thu hút nhà đầu tư Nhật Bản; phối hợp triển khai việc thành lập các khu công nghiệp mới như: Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân 3, Vĩnh Lộc 3, Xuân Thới Thượng, Hiệp Phước giai đoạn 3, Lê Minh Xuân mở rộng, Hòa Phú, Phước Hiệp. Cùng với đó, Sở cũng đẩy mạnh khai thác các khu công nghiệp đã sẵn sàng quỹ đất như: Tân Phú Trung, Đông Nam, An Hạ, Hiệp Phước giai đoạn 2, khu chế xuất Tân Thuận.
Còn Ban quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất TP Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, Hepza đang đẩy mạnh các biện pháp thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản, trong đó, trọng tâm là hình thành Khu công nghiệp Việt - Nhật quy mô khoảng 100 ha.
Tại Đồng Nai, bà Nguyễn Phương Lan, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, cho biết, tỉnh đã sớm tìm hiểu yêu cầu của nhà đầu tư Nhật Bản và quyết tâm xây dựng mô hình đáp ứng đầy đủ, kịp thời các tiêu chí mà họ đặt ra. Các khu công nghiệp được xây dựng với hạ tầng hoàn chỉnh, có mặt bằng riêng biệt, cung cấp dịch vụ trọn gói để nhà đầu tư Nhật Bản có đầy đủ thông tin và thuận tiện khi đầu tư vào Đồng Nai.
Tại Long An, khu công nghiệp Đức Hòa III-Silico đã hoàn thành 90% các hạng mục và có thể đi vào hoạt động, thu hút đầu tư vào đầu năm 2013. “Từ đường điện, hệ thống xử lý nước thải, đường nội bộ... đã hoàn thành, chúng tôi đang nỗ lực hoàn thiện các hạng mục còn lại để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư của Nhật Bản trong thời gian tới”, ông Yoshio Yamamoto, đại diện chủ đầu tư tại khu công nghiệp Đức Hòa cho biết.
Ông Tao Takeda, Giám đốc Công ty NSK Việt Nam, đại diện cho 35 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong khu công nghiệp Long Hậu (Long An) cho rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư ra nước ngoài luôn tham khảo và tin tưởng đánh giá, nhận xét của doanh nghiệp đi trước. “Vì vậy, việc chăm sóc các nhà đầu tư Nhật sau khi cấp chứng nhận đầu tư là rất quan trọng. Đây cũng được xem là một bước chuẩn bị”, ông Tao Takeda chia sẻ.
Mới đây, trong chuyến thăm Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư cùng các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản, ông Toshio Nakamura, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), cho rằng các địa phương tại Việt Nam cần đẩy nhanh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo nguồn lao động, đặc biệt là cơ sở khu công nghiệp, với diện tích nhà xưởng quy mô nhỏ (từ 500-1.000m2), để đón nhà đầu tư Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí chế tạo./.
Vũ Trọng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1538
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)