Được xem là một dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Dự án xây dựng cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải sau 4 năm triển khai cũng đã đến ngày hoàn thành. Đây được xem là cửa ngõ quốc tế, đầu mối về vận tải biển của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Từ đầm lầy thành cảng biển quốc tế
Ông Nakagome đến từ Công ty Toa Corporation thuộc Liên danh Toa Corporation và Công ty Xây dựng TOYO thi công gói thầu 1- xây dựng cảng Container quốc tế Cái Mép kể lại, khoảng năm 1999 lúc ông đặt chân đến đây thì Phú Mỹ chỉ là thị trấn nhỏ, khu vực Cái Mép - Thị Vải còn là một ốc đảo bùn lầy, cô lập với đất liền.
|
Toàn cảnh khu vực cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải.
|
Dự án phát triển cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 24/6/2004 bằng nguồn vốn vay đặc biệt của Ngân hàng Phát triển quốc tế Nhật Bản và một phần vốn đối ứng Việt Nam. Dự án được đầu tư xây dựng với quy mô lớn và đồng bộ bao gồm 3 hợp phần: cảng - luồng hàng hải - đường dẫn nối từ QL51 đến cảng. Dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 85 làm đại diện chủ đầu tư.
Ông Phạm Duy Khánh - Phó tổng giám đốc BQLDA 85 cho biết, để đảm bảo tiến độ dự án, Ban đã thành lập một ban điều hành dự án tại khu vực để trực tiếp theo dõi tiến độ. Các nhà thầu, tư vấn bám công trường ngày đêm để thi công các hạng mục.
Ông Trương Đình Chiến - Trưởng ban điều hành của Liên danh nhà thầu Cienco 6 - Trường Sơn thi công Đường 965 cho biết, những ngày đầu mới triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện thời tiết, địa hình sông nước, bùn lầy phức tạp. Nhưng được sự hỗ trợ tối đa của BQLDA85, chính quyền địa phương, đặc biệt là được bàn giao mặt bằng sớm nên các nhà thầu đã vượt qua được khó khăn.
Hướng ra biển lớn
Dự án đầu tư xây dựng cảng Cái Mép - Thị Vải có 3 hợp phần chính. Trong đó, hợp phần nạo vét tuyến luồng Vũng Tàu-Thị Vải hoàn thành từ tháng 1/2011. Hợp phần xây dựng cảng container Cái Mép có khả năng tiếp nhận tàu 100.000DWT và cảng tổng hợp Thị Vải tiếp nhận tàu trên 50.000DWT hiện đã hoàn thành sẽ góp phần nâng cao năng suất khai thác của Cụm cảng số 5. Còn hợp phần Đường 965 không chỉ phục vụ riêng cho cảng Cái Mép - Thị Vải mà còn phục vụ chung cho cả hệ thống cảng trong khu vực.
Về lâu dài, dự báo sản lượng hàng hóa thông qua khu vực Cái Mép - Thị Vải năm 2015 là từ 57,26 - 78,04 triệu tấn, đến năm 2020 là khoảng 86,67 - 131,09 triệu tấn thì đây là một sự đón đầu quan trọng khi nền kinh tế thế giới vượt qua khó khăn và phục hồi.
Chính vì vậy, Dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Với vai trò là Dự án khởi động, tạo điều kiện kích cầu thu hút đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau hình thành nên nhóm cảng biển số 5. Thực tế mục tiêu kích cầu của Dự án đã vượt kế hoạch đề ra. Sau khi dự án cảng Cái Mép - Thị Vải được quyết định đầu tư, nhiều dự án cảng khác do các nhà đầu tư nước ngoài và các nguồn vốn khác nhau đã được xây dựng và nhanh chóng đưa vào sử dụng.
Theo nhận định của các chuyên gia, với quy mô đầu tư hệ thống cầu tàu, bến bãi, luồng ra vào, đường vận chuyển, hệ thống bốc xếp hiện đại và cả dịch vụ hậu cần kèm theo, Dự án cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải sẽ đóng vai trò chủ đạo trong toàn bộ hệ thống Cảng trong khu vực. Sau khi đưa vào vận hành khai thác, Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải cùng với các cảng khác sẽ tạo nên hệ thống giao thông cảng biển hoàn chỉnh, mang tầm cỡ quốc tế, đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước./.
Minh Nghĩa - Phan Tư
Website Bộ Giao thông Vận tải