Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/05/2013-09:01:00 AM
Phát triển lưới truyền tải điện vùng kinh tế trọng điểm phía nam

Thời gian qua, nhiều trạm biến áp (TBA), đường dây (ÐZ) 500/220kV tại vùng kinh tế trọng điểm phía nam luôn vận hành đầy tải và thời gian quá tải tiếp tục tăng cao, sơ đồ lưới truyền tải điện (LTTÐ) có độ tin cậy thấp, chưa đáp ứng tiêu chí dự phòng (n-1), vì vậy tính linh hoạt trong vận hành không cao và LTTÐ luôn ở trong tình trạng vận hành căng thẳng.

Kỹ sư, công nhân Công ty Truyền tải điện 4 chuẩn bị đưa vào vận hành Trạm biến áp 500 kV Sông Mây (Đồng Nai).

Trước tình hình đó, ngành điện đã cấp bách đầu tư các công trình LTTÐ quan trọng. Tuy nhiên, hầu hết các công trình này đều chậm tiến độ, chủ yếu do vướng khâu giải phóng mặt bằng (GPMB).
Nhu cầu cấp bách và giải phóng mặt bằng
TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu là vùng kinh tế trọng điểm phía nam, đóng góp phần lớn trong tăng trưởng GDP của cả nước. Riêng năm 2012, sản lượng điện thương phẩm của các địa phương này chiếm khoảng 30% tổng sản lượng điện thương phẩm cả nước. Từ nay đến năm 2015, tình hình cung cấp điện cho khu vực vô cùng khó khăn do hầu như không có công trình nguồn mới vào vận hành. Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) Ðặng Phan Tường, LTTÐ từ Plây Cu về miền nam hiện chỉ có hai mạch 500 kV, là đoạn yếu và quá tải nhất vì đang phải mang tải nhiều nhất, vừa phải nhận điện từ ngoài bắc vào và từ một loạt các nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên để đưa vào nam. Trong khi đó, điện từ Trung tâm điện lực Phú Mỹ truyền tải về TP Hồ Chí Minh chỉ thông qua ÐZ 220 kV mà chưa có ÐZ 500 kV nào. Với khả năng cung ứng của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) hiện nay, nói chung nguồn thì không thiếu nhưng hạ tầng LTTÐ chưa bảo đảm, nhất là ở khu vực phía nam.
Trước tình hình đó, cách đây vài năm, EVNNPT đã quyết định đầu tư xây dựng một số tuyến ÐZ 500 kV huyết mạch nhằm giải tỏa cho các ÐZ hiện hữu, đặc biệt là ÐZ 500 kV Plây Cu - Mỹ Phước - Cầu Bông mạch kép dài hơn 437,5 km, 926 vị trí cột, từ TBA 500 kV Plây Cu đến TBA 500 kV Cầu Bông nhằm tăng cường liên kết LTTÐ ở cấp điện áp 500 kV, bảo đảm cấp điện an toàn cho TP Hồ Chí Minh, tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam và liên kết LTTÐ Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia giai đoạn sau năm 2015. Công trình do Ban Quản lý dự án các công trình điện miền trung (Ban AMT) có tổng mức đầu tư công trình hơn 9.288,5 tỷ đồng, đi qua địa bàn Gia Lai, Ðác Lắc, Bình Phước, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh.
Một công trình quan trọng khác là ÐZ 500 kV Vĩnh Tân - Sông Mây do Ban quản lý dự án các công trình điện miền nam (Ban AMN) làm chủ đầu tư, thiết kế mạch kép dài 237,53 km với 475 vị trí cột, nhằm truyền tải công suất Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, cũng như các nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, Nhà máy nhiệt điện Vân Phong trong tương lai... Theo Ban AMN, sức ép thiếu điện ở miền nam từ năm nay là rất lớn, trong khi rủi ro, phức tạp trong công tác đền bù GPMB ngày càng cao. Trong khi từ nay đến năm 2015, Ban AMN phải tiếp tục xây dựng, khởi công mới hàng chục công trình trọng điểm như các ÐZ 500 kV Phú Mỹ - Sông Mây, Sông Mây - Tân Ðịnh, Phú Lâm - Ô Môn, Long Phú - Ô Môn, Duyên Hải - Mỹ Tho; TBA 500 kV Mỹ Tho, Trung tâm điện lực Duyên Hải... Chỉ khi những ÐZ này hoàn thành thì LTTÐ ở khu vực miền nam, nhất là TP Hồ Chí Minh mới bảo đảm vận hành ổn định.

Công nhân Công ty truyền tải điện 4 bảo dưỡng thiết bị Trạm biến áp Long Bình (Đồng Nai).Ảnh: Ngọc Hà.

Mặt bằng là vấn đề "muôn thuở" khiến các công trình LTTÐ luôn ì ạch, chậm tiến độ. Các công trình nêu trên lẽ ra phải đi vào vận hành cuối năm 2012 thì vướng mặt bằng cho nên bị chậm tiến độ. Ði thực tế, chúng tôi được biết ÐZ 500 kV Plây Cu - Mỹ Phước - Cầu Bông hiện còn khoảng hơn 90 vị trí cột chưa được bàn giao. Các vị trí khác đã được đúc xong móng và dựng cột. Phó phòng Ðền bù Ban AMN Nguyễn Văn Dũng cho biết, ÐZ 500 kV Vĩnh Tân - Sông Mây còn vướng 10 vị trí. Tuy có chậm một chút song, Ban AMN quyết tâm cùng với địa phương giải quyết dứt điểm để kịp đóng điện 220 kV vào tháng 6 này và đóng điện 500 kV toàn tuyến vào tháng 10-2013. Vướng mắc chủ yếu do người dân chưa chấp thuận phương án đền bù hoặc giá đền bù, tiền hỗ trợ đất, cây trồng (cao-su, hồ tiêu, cà- phê...) bị ảnh hưởng trong hành lang tuyến. Nhiều đoạn cột đã dựng xong nhưng chưa thể kéo dây vì dân không cho đơn vị thi công đưa máy móc vào. Như ở Bình Phước, có tới chín hộ dân cố tình làm nhà tạm trên vị trí móng cột để chờ đền bù. Ðến gần TBA 500 kV Sông Mây, Phó phòng đền bù Ban AMN Nguyễn Hải Ðăng chỉ cho chúng tôi thấy hàng loạt vị trí cột của ba ÐZ 500 kV đã hoàn thành hướng về phía TBA nhưng chưa thể kéo dây vì hành lang chưa giải quyết xong. Toàn tuyến 500 kV Vĩnh Tân-Sông Mây vướng khoảng 15 vị trí chưa xong GPMB. Ban AMN không có cơ sở tri trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng cho nên các hộ ngăn cản không cho đơn vị xây lắp kéo dây. Như ÐZ 500 kV Sông Mây - Tân Ðịnh đã có mặt bằng của 92 trong số 93 vị trí, vướng chưa giải tỏa được đúng một vị trí ngay sát TBA 500 kV Sông Mây khiến toàn tuyến có nguy cơ chậm tiến độ.
Phụ trách Phòng đền bù GPMB Ban AMN và AMT đều cho biết, các trường hợp rất khó khăn xác minh nguồn gốc đất, địa phương không quản lý được, không tìm ra chủ gốc; việc mua bán trao tay, không thông qua chính quyền. Các vị trí cột, hành lang tuyến càng gần địa bàn thành phố, dân cư đông thì càng khó khăn trong GPMB. Ban AMN chủ động thuê thêm tư vấn đền bù, đồng thời cử một bộ phận thường trực tại địa phương để đôn đốc GPMB. Có tình trạng nhiều địa phương vẫn có tâm lý rằng, các ÐZ, TBA 500 kV nêu trên đi qua địa bàn "không có lợi ích" trực tiếp cho địa phương, từ đó, lãnh đạo không mặn mà trong việc đốc thúc GPMB. Ðến ngay cả công trình TBA 220 kV Vũng Tàu trực tiếp cấp điện cho TP Vũng Tàu bởi lưới điện của thành phố sẽ quá tải vào cuối năm 2013 thì cũng chưa có mặt bằng. Ban AMN đã có kết quả đấu thầu công trình rồi vẫn phải hủy hai lần vì quá thời hạn quy định mà chưa được thành phố bàn giao mặt bằng.
Ðẩy nhanh tiến độ thi công các công trình
Trước tình hình cấp bách nêu trên, EVNNPT đang tập trung cao độ để bảo đảm tiến độ thi công các ÐZ 500 kV Phú Mỹ-Sông Mây, Sông Mây - Tân Ðịnh và TBA 500 kV Sông Mây hoàn thành đóng điện trong tháng 6-2013. ÐZ Plây Cu-Mỹ Phước - Cầu Bông đóng điện vào tháng 12-2013. Ðối với ÐZ 500 kV Vĩnh Tân - Sông Mây, trước mắt, EVNNPT nỗ lực đưa vào vận hành ÐZ 220 kV từ Vĩnh Tân đến điểm giao chéo của ÐZ 220 kV Hàm Thuận - Phan Thiết, phục vụ cấp điện chạy thử Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 do EVN làm chủ đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải khu vực miền nam. Ðối với ÐZ 500 kV Plây Cu - Mỹ Phước- Cầu Bông, Vĩnh Tân - Sông Mây, Ban AMT và Ban AMN đang làm việc tích cực với UBND các huyện để hoàn tất thủ tục cưỡng chế các vị trí móng còn lại trên nguyên tắc dân chủ-công khai-đúng luật-minh bạch. Quá trình GPMB phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, làm tốt công tác dân vận, kịp thời giải đáp thắc mắc của người dân. Riêng huyện Củ Chi đang phê duyệt phương án chi tiết đền bù GPMB và làm quyết định thu hồi đất, cho nên Ban AMT vẫn đồng thời tích cực vận động các hộ dân nhận tiền đền bù.
Ðể giải quyết dứt điểm các vướng mắc về GPMB, mới đây, EVNNPT đã đề ra một loạt giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc, giám đốc các đơn vị cần quan tâm lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện công tác bồi thường GPMB thật sự có năng lực, trình độ. Ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với địa phương từ cấp huyện, cấp xã để bảo đảm tính chính xác của các đối tượng được bồi thường, hỗ trợ theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước, đặc biệt là việc xác minh nguồn gốc đất, chủ sử dụng đất, thời điểm xây dựng nhà phải chính xác, minh bạch để tránh khiếu kiện kéo dài gây khó khăn; đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai để tránh tranh chấp, khiếu kiện khi tổ chức thu hồi đất.
Các Ban quản lý dự án cần chủ động làm việc với các sở, ban, ngành và UBND các địa phương, trong đó cần đề xuất để cả hệ thống chính trị của địa phương cùng tham gia như các tổ chức đảng, đoàn đại biểu Quốc hội, HÐND để tạo sự ủng hộ, bám sát các tổ chức cơ sở để xác định nguyên nhân, xử lý kịp thời. Giám đốc các đơn vị phải trực tiếp phụ trách và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng công tác GPMB các dự án được phân cấp quản lý. Theo kinh nghiệm của Ban AMN, nhờ sự phối hợp tích cực, ý thức được tầm quan trọng cũng như trách nhiệm chung, các tỉnh miền tây như Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Ðồng Tháp vào cuộc nhanh, nhờ đó năm 2012, AMN đã đóng điện ÐZ 500 kV Nhà Bè - Ô Môn đúng tiến độ. Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long chỉ đạo sát sao việc GPMB cho nên đã bàn giao xong 100% mặt bằng ÐZ 220 kV Vĩnh Long - Trà Vinh đúng tiến độ. EVNNPT yêu cầu chỉ triển khai đấu thầu các dự án khi đã thu xếp đủ vốn, hoặc kế hoạch thu xếp vốn khả thi. Ðiều này tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai dự án không bị áp lực từ các nhà thầu thi công và đàm phán khi thu xếp vốn. Tập trung chỉ đạo, có phương án chủ động thay thế khi nhà thầu không đáp ứng năng lực.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Trưởng Ban quản lý xây dựng thuộc EVNNPT Châu Tuấn cho biết, công tác GPMB có phần lo ngại, nhưng tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của EVNNPT cũng như các địa phương thì những điểm vướng hiện nay sẽ sớm được giải quyết. Ðiều khiến các Ban quản lý dự án lo ngại hơn là tiến độ chế tạo, bàn giao các thiết bị, vật tư cho ÐZ của các nhà thầu. Theo các văn bản thì tiến độ giao vật tư thiết bị lên tới 300 ngày sau khi ký hợp đồng nhưng thực tế, EVNNPT đang bám sát, đôn đốc các nhà thầu rút ngắn tiến độ này để kịp triển khai đồng bộ các gói thầu do việc phê duyệt thủ tục vay vốn đã kéo dài. Chỉ cần nhà thầu nào chậm bàn giao vật tư của một vài cột ÐZ thì sẽ ảnh hưởng cả tuyến.
Ðối với vấn đề vốn, EVNNPT trình EVN báo cáo Chính phủ phê duyệt các dự án cấp bách và cơ chế đặc thù thực hiện các dự án cấp bách trong đó có phân giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan và các tổ chức tín dụng ưu tiên giải quyết vốn cho các dự án cấp bách. Xác định và xếp thứ tự ưu tiên tiến độ đầu tư cấp bách giữa các dự án để xác định kế hoạch ưu tiên trong quá trình tổ chức thu xếp vốn. Rà soát mức độ cần thiết đầu tư của các dự án trong năm 2013 để thực hiện giãn tiến độ những dự án chưa thật sự cấp bách nhằm giảm bớt nhu cầu vốn trong năm 2013, tập trung nhân lực cho công tác thu xếp vốn các dự án cấp bách. Xin cơ chế vừa tổ chức đấu thầu vừa thu xếp vốn để lấy kết quả đấu thầu xác định nhu cầu vốn cho dự án./.

Hà Thanh Giang
Nhân dân điện tử

    Tổng số lượt xem: 2535
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)