Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/04/2020-09:39:00 AM
Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng
(MPI) – Ngày 27/4/2020, Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Đề án Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.

Toàn cảnh điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Tại điểm cầu các Bộ, ban, ngành Trung ương có Lãnh đạo Bộ, ban, ngành, Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ và đại diện một số đơn vị thực hiện thí điểm. Tại Điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đại diện Lãnh đạo tỉnh, thành phố, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ và đại diện một số đơn vị thực hiện thí điểm.

Đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ công cuộc đổi mới ở các ngành, các cấp luôn là vấn đề đặc biệt quan trọng và cấp thiết. Đảng đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo nhiều quan điểm, chủ trương, giải pháp lớn về công tác cán bộ nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng tốt yêu cầu công cuộc đổi mới, trong đó có những chủ trương mới, được thể hiện trong các văn kiện của Đảng. Đặc biệt, trong Kết luận số 37-KL/TW ngày 02/02/2009 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9, khóa X “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020”; Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa XI “về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” đã nhấn mạnh việc thực hiện chủ trương mới: thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý ở Trung ương (đến cấp vụ trưởng) và ở địa phương (đến cấp giám đốc sở) và tương đương.

Theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn số 3135-CV/VPTW ngày 16/01/2017 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc triển khai thực hiện Đề án thì có 14 cơ quan Trung ương và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn thực hiện thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp sở, cấp phòng. Theo báo cáo của 14 cơ quan Trung ương thuộc diện thí điểm thực hiện Đề án, có 12 cơ quan đã tổ chức thi tuyển 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, có 42 ứng viên trúng tuyển: cấp vụ có 32 ứng viên; cấp phòng có 10 ứng viên. Với 22 địa phương thuộc diện thí điểm thực hiện Đề án, có 17 địa phương đã tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng, có 368 ứng viên trúng tuyển: cấp sở có 33 ứng viên; cấp phòng có 335 ứng viên.

Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thí điểm thi tuyển vào 04 vị trí: 01 Trưởng ban và 03 Phó Trưởng ban (thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương).

Đánh giá chung về việc thực hiện thí điểm, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, việc triển khai thực hiện Đề án ở các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố được chọn thí điểm được thực hiện khẩn trương, theo đúng hướng dẫn của Bộ Nội vụ và đạt kết quả (12 cơ quan Trung ương; 17 tỉnh, thành phố). Phần lớn tập thể lãnh đạo cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố được chọn thí điểm thực hiện Đề án đã quan tâm, tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án đạt kết quả và có báo cáo việc tổ chức thực hiện và kết quả gửi đến Bộ Nội vụ.

Về hạn chế, việc chuẩn bị và chỉ đạo về nội dung thi tuyển chưa đầy đủ và có những điểm chưa cụ thể, rõ ràng; sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án có lúc chưa chặt chẽ. Nhiều cơ quan, đơn vị được chọn thí điểm thực hiện Đề án còn lúng túng trong triển khai thực hiện, thời gian thực hiện kéo dài ảnh hưởng đến các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị; chưa kết hợp chặt chẽ việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý với việc xây dựng vị trí việc làm tại cơ quan, đơn vị. Việc thí điểm thi tuyển lãnh đạo, quản lý chưa thu hút đông đảo cán bộ, công chức tham gia. Việc thành lập Hội đồng thi tuyển ở một số nơi chưa thật hợp lý, còn lúng túng trong xử lý một số tình huống khi tổ chức thi tuyển.

Qua tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương thí điểm thực hiện Đề án, nổi lên những vướng mắc cần tháo gỡ để tiếp tục thực hiện Đề án đạt kết quả lớn hơn. Trong đó, về nguyên tắc tổ chức thực hiện việc thi tuyển, quy định không thực hiện thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với những người là cán bộ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức. Vì vậy, xảy ra vướng mắc đối với những người là ủy viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, đồng thời là thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Đối với trường hợp viên chức đăng ký thi tuyển vào vị trí việc làm công chức nếu trúng tuyển, trước khi bổ nhiệm phải được xét chuyển từ viên chức sang công chức và phải thông qua kiểm tra, sát hạch theo quy định. Nếu không đủ điều kiện xét chuyển từ viên chức sang công chức thì không thể bổ nhiệm được.

Về đối tượng đăng ký tham dự thi tuyển, sự bất hợp lý giữa những người đang là cán bộ lãnh đạo, quản lý đăng ký tham dự thi tuyển với những người không là cán bộ lãnh đạo, quan lý đăng ký tham dự thi tuyển. Hai là, về quy định người đăng ký tham gia thi tuyển nhưng không thuộc đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn. Ba là, về quy định bắt buộc tham gia thi tuyển đối với công chức, viên chức trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của cơ quan, đơn vị đó.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
Mai Văn Chính đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đều khẳng định đây là một chủ trương lớn của Đảng trong công tác cán bộ, cần được nhân rộng trong thời gian tới. Thông qua việc thi tuyển đã tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng; có sự giám sát chặt chẽ; đảm bảo công bằng và có tính kế thừa. Chất lượng cán bộ được tuyển chọn là những người có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn tốt, góp phần vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý… Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, theo Công văn số 2424/BNV-CCVC ngày 09/5/2017 của Bộ Nội vụ thì những trường hợp đã được quy hoạch mà không tham gia thi tuyển sẽ bị loại khỏi quy hoạch là chưa hợp lý, do đó, cần rà soát lại hướng dẫn này.

Về đối tượng tham gia thi tuyển, các đại biểu cho rằng, cần có giải pháp để thu hút nhiều người tham gia thi nhằm lựa chọn được người tốt nhất vào vị trí lãnh đạo, quản lý. Về việc bảo lưu kết quả thi đối với các ứng viên có điểm cao, các đại biểu đề xuất thời gian bảo lưu chỉ trong vòng 1 năm và chỉ bảo lưu đối với vị trí thi tuyển, không nên bảo lưu đối với vị trí tương đương…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho rằng, thông qua Báo cáo và 14 ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị đã thể hiện tâm huyết và trách nhiệm. Các ý kiến cơ bản thống nhất với Báo cáo, phân tích rõ ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp thực hiện tốt trong thời gian tới. Đồng thời, đánh giá cao một số địa phương thực hiện tốt việc thí điểm thi tuyển như tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Bình Dương, Lào Cai. Đối với cấp Trung ương, các cơ quan thực hiện tốt như Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải. Qua việc thí điểm thi tuyển, đã tuyển chọn được những người có năng lực đóng góp tích cực vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị nói riêng và đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước nói chung. Công tác tổ chức thi tuyển đã đảm bảo công bằng, khách quan, cạnh tranh lành mạnh. Bên cạnh đó, công tác thi tuyển còn có những khó khăn, vướng mắc vì chưa có tiền lệ, do đó, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đã phát biểu tại Hội nghị, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu, lựa chọn, tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung hoàn chỉnh dự thảo để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả. Đối với một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện thí điểm thi tuyển, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị tiếp tục tiến hành theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn số 3135-CV/VPTW ngày 16/01/2017 của Văn phòng Trung ương Đảng.

Về phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu trong thời gian tới, nếu được Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho phép thì tiếp tục thực hiện đến năm 2022, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai bốn nhóm nhiệm vụ chính. Thứ nhất, xây dựng kế hoạch, lựa chọn số lượng vị trí lãnh đạo, quản lý, loại hình cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý phải thực hiện tuyển chọn thông qua thi tuyển để tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương, hằng năm có báo cáo kết quả về Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương để theo dõi. Thứ hai, trên cơ sở kết quả sơ kết 3 năm thực hiện Đề án này tiến hành rà soát, sửa chữa, bổ sung những nội dung cần thiết theo thẩm quyền của các cơ quan chỉ đạo thực hiện Đề án, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về những vấn đề cần sửa chữa, bổ sung, tháo gỡ vượt quá thẩm quyền của các cơ quan chỉ đạo thực hiện Đề án. Thứ ba, phát huy mạnh mẽ những kinh nghiệm thực hiện Đề án đã rút ra qua sơ kết 3 năm thực hiện Đề án, có giải pháp khắc phục tốt những hạn chế đã được chỉ ra. Thứ tư, làm tốt việc tổng kết thực hiện Đề án vào quý IV/2022, rút ra những kết luận và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chủ trương thực hiện việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị trong cả nước./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 772
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)