(MPI Portal) – Ngày 04/12/2014, Văn phòng phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo “Khu dự trữ sinh quyển – Mô hình phát triển bền vững của địa phương”. Tham dự Hội thảo có đại diện các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam và các cơ quan hợp tác phát triển bền vững.
|
Bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Phó Chánh Văn phòng Phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Phó Chánh Văn phòng Phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sau gần 14 năm gia nhập các hoạt động quốc tế trong chương trình con người và sinh quyển, Việt Nam đã có 8 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận. Các khu dự trữ sinh quyển đã đóng góp một phần không nhỏ trong khu dự trữ sinh thái, hạn chế xói lở, làm cho đất đai màu mỡ, điều hòa khí hậu, hạn chế ô nhiễm nước và không khí. Các khu dự trữ sinh quyển thế giới cũng góp phần cho việc nghiên cứu các hệ sinh thái tự nhiên, di truyền, duy trì và kiến tạo sinh kế bền vững cho người dân và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các khu dự trữ sinh quyển còn tạo điều kiện cho việc chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi kiến thức để phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam đang góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương trong sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.
|
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng thư ký UBQG UNESCO Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Bộ Ngoại giao. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Khu dự trữ sinh quyển này có một tiềm năng to lớn cung cấp các giải pháp giải quyết một số thách thức quan trọng hiện nay mà thế giới đang phải đối mặt, đó là phát triển kinh tế xã hội gắn với giải quyết các mối đe dọa toàn cầu đang hiện hữu như nghèo đói, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam vô cùng đa dạng với mục tiêu không thể tách rời các nguyên tắc toàn diện của Chương trình nghị sự 21 trong việc thực hiện các chính sách phát triển bền vững và các chương trình về các vấn đề đa dạng, từ sản xuất, tiêu thụ, cho đến chống lại hiện tượng sa mạc hóa, kèm theo các khuyến nghị tăng cường vai trò của các nhóm xã hội chính nhằm đạt được công bằng và phát triển bền vững.
Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 khẳng định con người là trung tâm của phát triển bền vững; phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, trong đó khoa học công nghệ là nền tảng và động lực cho phát triển bền vững của đất nước. Về tài nguyên môi trường, định hướng ưu tiên nhằm phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020 nêu rõ cần quy hoạch, phân loại và có kế hoạch phát triển 3 loại rừng, kết hợp bảo tồn, phòng hộ với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các dịch vụ thương mại khác; áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, kế thừa các kinh nghiệm sản xuất lâm nghiệp của đồng bào địa phương. Bên cạnh đó, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với khai thác và sử dụng hợp lý đa dạng sinh học và xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững vùng đệm của khu bảo tồn; áp dụng khoa học công nghệ, tri thức truyền thống và cơ chế chi trả dịch vụ sinh thái vào việc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; bảo đảm sự tham gia của nhân dân địa phương trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch UBQG UNESCO/MAB Việt Nam, các khu dự trữ sinh quyển là biểu hiện của sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Trên thế giới hiện có 631 khu dự trữ sinh quyển tại 117 quốc gia với nhiệm vụ điều phối hài hòa các hoạt động dựa trên lợi ích và trách nhiệm đã được xác định trong luật pháp và chính sách quốc gia. Định hướng của Đại hội đồng khu sinh quyển (ICC 25) bao gồm hướng tới phát triển bền vững, duy trì bản sắc văn hóa và học tập cho một tương lai bền vững; kết nối khoa học, xã hội và chính sách dựa trên đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái; Trái đất trong tương lai dựa trên khoa học công nghệ cho bền vững toàn cầu; giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức; thực hiện 3 công ước Rio (chống sa mạc hóa, bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu); mỗi khu dự trữ sinh quyển là mô hình UNESCO thu nhỏ về văn hóa, khoa học và giáo dục.
Hội thảo cũng được nghe trình bày về 8 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam: KSQ rừng ngập mặn Cần Giờ, KSQ Đồng Nai (bao gồm Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu, Khu bảo tồn vùng nước nội địa Trị An, Khu Ramsar Bàn Sấu), KSQ quần đảo Cát Bà; KSQ đất ngập nước Sông Hồng ; KSQ ven biển và biển đảo Kiên Giang; KSQ miền Tây Nghệ An; KSQ Cù Lao Chàm; KSQ Cà Mau.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. Theo định nghĩa của UNESCO, khu dự trữ sinh quyển thế giới là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận.
|
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư